Cứu Cửa Đại, cứu Hội An

07:25 | 14/12/2015

2,194 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 30-11, trong chuyến thị sát tình trạng sạt lở, xâm thực tại khu vực bãi biển Cửa Đại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định việc này rất nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Để điều đó không xảy ra, mọi cấp chính quyền của tỉnh Quảng Nam cũng như người dân khu vực Cửa Đại, đang làm hết sức để cứu bãi biển tuyệt đẹp này. Cứu Cửa Đại là cứu Hội An.  

Những ngày cuối năm, Cửa Đại gió lồng lộng nhưng buồn hiu hắt. Dường như mọi thứ đều xác xơ, xám xịt và nhàu nhĩ. Người ta giăng mắc những tấm lưới trên khắp các cây dừa, để tránh cát bị những cơn gió mạnh, thổi thốc sâu trong lòng đường và khu dân cư.

Nhìn xa cứ như thể họ đang “mặc áo” cho dừa. Và gió thổi qua các mắt lưới nhỏ, nghe như tiếng rít lên của một người đang cáu gắt. Tiếng rít ấy cộng thêm tiếng sóng ầm ào, biểu thị cho một cơn giận dữ của biển khơi. Và trong khung cảnh buồn nao lòng ấy, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh những chân hương đỏ, nghi ngút khói mà người dân vùng này cắm dưới gốc dừa để cầu cho biển khơi đừng làm Cửa Đại thêm sạt lở.

cuu cua dai cuu hoi an
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình trạng sạt lở tại bãi biển Cửa Đại ngày 30-11

Sợ mất Cửa Đại, dân quanh vùng vừa lập đàn cầu an trong suốt 3 ngày từ 31-10 đến 2-11. Cũng thời điểm này năm ngoái, người dân vùng này cũng lập đàn cầu an. Bởi với họ, vùng biển này là quê hương, là ký ức suốt một thời trẻ thơ cho đến bây giờ. Và trong họ cũng luôn cháy một niềm tin rằng, sẽ có phép mầu như hồi 1999-2000.

Theo những người dân làng Phước Trạch (làng liền kề Cửa Đại) kể, thời điểm ấy Cửa Đại bị bão lũ xé toạc nham nhở. Dân quanh vùng lập đàn cầu an, cầu đúng 3 ngày 3 đêm với lễ nghinh thần, an thần, cầu kinh, lễ tế Ông Nam Hải, cúng thập nhị cô hồn... Cầu an xong, biển lặng. Một thời gian sau, bãi tự bồi trở lại. Thế nên, họ mong năm nay lời cầu khấn của họ cũng thấu đến thần linh, giúp cho Cửa Đại đừng vỡ vụn thêm nữa.

Cửa Đại là nơi dòng Trường Giang, Thu Bồn đổ ra biển. Và cũng là ngả ra biển của hàng ngàn tàu thuyền ngư dân các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên. Có người ví von rằng, Cửa Đại chính là nơi mọi con nước của tỉnh Quảng Nam tìm ra với biển.

Thế nhưng việc dòng chảy thay đổi bất thường, việc bồi lấp đang làm cửa biển đang ngày càng hẹp lại. Cộng thêm vào đó là tình trạng khai thác cát trên khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Rồi diễn biến bất thường của thời tiết. Tất cả đều là những nguyên nhân gây xâm thực, sạt lở tại đây. Mà nói cho cùng, để biển xâm thực sâu vào đất liền; chẳng khác gì là một thứ giặc ngoại xâm đang ngày đêm xâm chiếm lãnh thổ nước ta.

Trong ký ức của người dân địa phương, Cửa Đại ngày trước đẹp mê hồn. Bãi cát trắng trải dài theo chân sóng, lấp lóa nắng. Nước biển xanh ngắt, trong ngần, ì oạp sóng. Trên bờ là hàng dừa lâu năm, lá xanh mướt, lúc lỉu trái. Năm 2008, lần đầu tiên tôi đến Cửa Đại, tôi vẫn nhớ khi ấy từ hàng dừa ra chân sóng còn xa đến nỗi phải chạy cho nhanh để tránh cát nóng chân.

Thế mà giờ đây, những con sóng cồn cao ngất, ngày ngày ầm ào đánh xơ xác hàng dừa. Giữa bờ và mép nước chỉ còn là một vực sâu thẳng đứng, hun hút đến rợn người.

Ngày 27-11, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan.

Trong báo cáo này, UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ về tình hình sạt lở tại đây từ đầu tháng 11-2015 là do  ảnh hưởng trực tiếp của bão và sóng biển cao từ 3-4m, bờ biển Cửa Đại đoạn tiếp giáp với tuyến kè mềm bằng bao địa kỹ thuật dài khoảng hơn 250m đã bị sóng đánh mạnh làm mép bờ bị sạt lở nặng, tạo thành dốc đứng, có nơi cao đến 4m.

cuu cua dai cuu hoi an

Trên bãi biển Cửa Đại, hai chiếc cần cẩu khó nhọc kéo những dầm sắt lớn, dài cả chục mét lên cao, đong đưa trong không trung. Rồi từng thanh dầm được cắm xuống vuông góc với mặt cát. Sau vài cú nhấn từ cần cẩu, đã ngập sâu lút dưới chân sóng cả 4-5m.

Hết cây này đến cây khác, ghép lại với nhau như một bức tường, mặc những con sóng chồm lên, tung bọt trắng xóa.  Xa xa, hàng trăm người dân và công an, bộ đội, dân quân tự vệ cũng đang trần mình đối phó với sóng dữ. Kẻ thì kéo xe bò chở cát từ phía bờ lại. Người thì xúc cát cho vào bao, khiêng đồ từ nơi này đến nơi khác. Không khí hối hả, khẩn trương.

Biển đang xâm lấn và con người nơi đây đang chiến đấu để giữ đất, giữ lấy bãi biển. Một “cuộc chiến” không cân sức giữa đại dương mênh mông, rộng lớn với những con người nhỏ bé. Dường như tất cả đang làm hết sức để cứu lấy nơi này. Kể cả phải cầu viện đến yếu tố tâm linh như việc lập đàn cầu an chờ mong một phép mầu.

Những ngày gió lớn, biết là sóng sẽ lớn; người dân Hội An đứng lố nhố ngoài xa để xem công tác khắc phục tình trạng sạt lở. Bởi với người phố Hội, Cửa Đại là một phần cuộc sống, là ký ức không thể nào quên. Và Cửa Đại là nguồn nuôi sống gia đình, gắn bó với cuộc sống của không ít người Hội An.

Những ngày này, Cửa Đại buồn, ảm đạm đến hiu hắt. Chẳng ai còn nhận ra bãi biển mà chỉ mới năm 2013 thôi còn được độc giả tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Trip Advisor  bầu chọn là 1 trong 25 bãi biển đẹp nhất châu Á. Khi ấy, bãi Cửa Đại nườm nượp du khách cả trong nước và quốc tế.

Bà Lương Thị Bé là chủ nhà hàng Tấn Lộc. Nhà hàng của bà trước đây đông khách lắm, nhưng giờ đang chon von bên chân sóng, khi mà điểm sạt lở cũng chỉ còn cách nhà hàng của bà chừng 10m. Bà Bé bảo, cuối năm 2013 là Cửa Đại bắt đầu sạt lở rồi. Vết sạt lở cứ từ hướng Nam lên hướng Bắc, đến nay đã kéo dài thêm cả cây số, ăn sâu vào đất liền cả trăm mét.

“Đêm ngày 24-11, sóng biển đánh mạnh qua bờ kè bao đang thi công, cuốn hết bàn ghế vật dụng của nhà hàng kia. Nhà tôi chỉ còn cách 10m, nếu không làm xong nhanh, không chừng cũng xuống biển hết”, bà Bé buồn rầu nói, mắt nhìn xa xăm ra biển đang ầm ầm sóng lớn.

cuu cua dai cuu hoi an
Nước sông Hoài ngấp nghé bờ tại Hội An

Sẽ chẳng có phép mầu nào cho Cửa Đại nếu chính quyền và con người nơi đây không có những động thái quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Tháng 2-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt giai đoạn 1 Dự án kè chống xâm thực bờ biển Hội An với số tiền hơn 80 tỉ đồng với chiều dài hơn 1,3km.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đã có công văn “cầu cứu” Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong Công văn số 5488 ngày 26-11 do ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh ký, có đề cập đến vấn đề xin hỗ trợ số tiền 40 tỉ đồng làm kè tại vị trí sạt lở có thể thông dòng với sông Cổ Cò.

Văn bản này cũng cho biết, tỉnh Quảng Nam sẽ cân đối số tiền 15 tỉ đồng từ ngân sách để làm đoạn kè này. Đó chỉ là một trong những biện pháp mà chính quyền tỉnh này đang triển khai để cứu Cửa Đại.

Dải bờ kè mềm dài khoảng 400m bằng bao tải địa kỹ thuật Geo Bagde nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan về được sắp đặt thành hình hài từ những năm trước, đến giờ đã rêu xanh. Từng con sóng lừng lững từ xa chạy vào bờ, gặp những cồn cát ngầm, dựng lên những cột nước cao cả 2-3m trùm lên dải bờ kè ấy.

Mỗi bao tải này chứa khoảng 2 khối cát biển, vỏ bao làm bằng vải địa kỹ thuật, gồm 2 lớp, cực kỳ bền chắc. Lớp đầu tiên có khả năng chống tia cực tím, chịu được ánh mặt trời nên không bị giảm độ chịu lực khi để lâu.

Lớp sau có tác dụng chịu đựng được với những con sóng dữ dội. Quá trình thi công rất tỉ mỉ, chỉn chu. Đầu tiên phải đóng cọc tạo móng, rồi cho bao tải cát bình thường xuống làm nền. Ngoài ra phải đóng một hàng cọc sắt dài như một bức tường chịu sóng. Để làm sao bên trong khô ráo mới thi công được.

Rồi xếp từng bao tải bằng vải địa kỹ thuật, từng lớp, từng lớp ngay ngắn, khít nhau theo hình như một vách ta-luy ngay mặt biển. Toàn bờ biển Cửa Đại dài khoảng 8km nhưng mới có 400m được làm kè mềm, mà cũng đã hết hơn 25 tỉ đồng. Còn nếu làm cho hết 8km bờ biển, còn phải mất đến bao nhiêu tiền nữa? Và theo nhiều chuyên gia, biện pháp này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời trong một vài năm, chứ không phải là giải pháp lâu dài để có thể cứu bãi biển này.

Tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Hội An đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm đánh giá tác động, tìm hiểu nguyên nhân cũng như hướng giải quyết tình trạng sạt lở, xâm thực tại Cửa Đại. Thế nhưng, các phương án đưa ra vẫn còn rất mơ hồ.

Trong buổi hội thảo đầu tháng 9, các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Giáo sư, Tiến sĩ Hitoshi Tanaka - Phó chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản cho rằng, nguyên nhân tiềm ẩn gây nên việc sạt lở, xâm thực tại Cửa Đại là do suy giảm bùn cát từ thượng lưu.

Cụ thể là việc xây dựng quá nhiều các đập thủy điện tại thượng nguồn các con sông lớn. Các đại biểu cũng cho rằng, việc triển khai các biện pháp chưa đồng bộ mà chỉ mang tính cục bộ cho một cửa sông, chưa có một giải pháp nào mang tính hệ thống cho cả khu vực. Chính vì thế, tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp. Cứ năm sau lại nhanh và nhiều hơn năm trước.

cuu cua dai cuu hoi an

Các cấp chính quyền và người dân nơi đây đang cố hết sức để cứu Cửa Đại

Hàng loạt nguyên nhân được đưa ra, nhưng giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này thì chưa ai đưa ra được một cách cụ thể và hợp lý. Nếu không có một giải pháp mang tính định hướng và lâu dài có lẽ công sức của hàng trăm con người đang trần mình trong sóng dữ cùng hàng trăm tỉ đồng cũng sẽ trôi theo những con sóng dữ đang tung bọt trắng xóa ngoài kia.

 

Nhìn Cửa Đại đang ngày đêm bị xé nát, tôi nghĩ rằng khó có phép màu nào có thể đến khi mà mọi quy luật thời tiết đang bị đảo lộn. Khi mà xa trên kia, con người cứ ầm ầm chạy phá rừng đầu nguồn và xây hồ thủy điện trên thượng nguồn các con sông. Và tôi cũng tin rằng, nếu cứ như vậy, không chỉ Cửa Đại mà sẽ có những cửa biển khác sẽ bị bồi lấp, xâm thực.

Ngày 30-11, trong chuyến thị sát tình trạng sạt lở, xói mòn tại khu vực bãi biển Cửa Đại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định rằng việc này rất nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Có lẽ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là vị lãnh đạo cấp cao của Chính phủ hiểu rõ nhất về Cửa Đại, bởi Quảng Nam là quê hương ông.

Trước khi ra Trung ương, ông trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo ở các địa phương tại Quảng Nam, trong đó có Hội An. Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày hôm đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những tâm sự rất nặng lòng với Cửa Đại, với người Hội An. Phó thủ tướng kể, năm 1988, khi tình trạng sạt lở ở Cửa Đại và An Bàng kéo dài, cũng khủng khiếp như bây giờ; chính quyền địa phương đã phải tính đến chuyện di dân.

Mọi phương tiện và biện pháp có thể huy động được ở thời đó đều được áp dụng. Và đã giữ lại được Cửa Đại khi mùa nắng sau bãi đã bồi trở lại. Nhưng Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảnh báo rằng, Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, các quy luật thời tiết đến bây giờ đều khó có thể ứng phó.

Vậy nên, tình trạng ở Cửa Đại là hết sức cấp bách, có thể gây ảnh hưởng đến đô thị cổ Hội An. Với sự hiểu biết về địa phương, cũng như cái nhìn của một người lãnh đạo cấp cao, những cảnh báo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là rất đáng chú ý. Phải nhanh hơn thôi, đừng để việc sạt lở ở Cửa Đại ảnh hưởng đến Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Cứu Cửa Đại chính là cứu Hội An.

Cửa Đại là nơi mọi con nước của tỉnh Quảng Nam đổ về, vì vậy đến mùa lũ lớn, Hội An luôn ngập chìm trong lũ. Cách đây 3 năm, tôi có dịp trò chuyện với ông Ngô Thiểu, ông lão gần trăm tuổi, bán chè xí gần tám chục năm nơi phố Hội. Trong những câu chuyện của ông về gần trăm năm gắn bó với Hội An, ông có kể cho tôi về trận lũ lớn nhất trong cuộc đời ông từng chứng kiến - lụt năm Thìn 1964.

Ông kể, khi ấy, dọc thượng nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia, trận lụt lớn nhất trong lịch sử càn quét, giết chết hàng ngàn người. Hội An khi ấy ngập trong biển nước, nước ngập tràn qua mái tầng 1. Ở Cửa Đại, xác người, động vật, cây cối trôi từ các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn về chật kín lòng sông.

Ông Thiểu bảo có những cây cổ thụ, lớn đến 5-7 người ôm trôi từ đầu nguồn về, trên cành cây có nhiều xác người được cột chặt vào cây bởi áo và quần. Ông bảo, đó là do nước lũ quá lớn, nên những người này lấy áo quần cột người vào cây cho khỏi bị trôi. Nhưng lũ lớn quá, nên khi cây bật gốc cũng bị cuốn trôi theo.

Theo tài liệu công bố năm ấy thì khu vực miền Trung có 4.770 người thiệt mạng, 50.697 nhà cửa, hơn 80% hoa màu và súc vật bị cuốn trôi. Và hầu hết những người sống qua thời điểm ấy ở Quảng Nam đều tin số liệu này là đúng.

Lụt năm Thìn 1964 là kinh hoàng nhất, nhưng đỉnh lũ cao nhất lại là năm 1999. Rồi các năm sau ấy, Hội An cũng nhiều lần chìm trong biển nước. Mới đây nhất, năm 2013, có nơi nước sâu đến 3m, vượt mức báo động 3, hàng ngàn du khách tại Hội An đã phải sơ tán vì lũ trên các con sông đổ về, nhấn chìm Hội An trong biển nước.

Mà con nước năm ấy, là do các hồ thủy điện xả lũ. Năm nay, nước sông Hoài cũng đang ngấp nghé bờ, dù năm nay không mưa nhiều, cũng chẳng có lũ.

 Dẫn chứng các câu chuyện lũ tại Hội An để thấy, đô thị cổ này đang như “trên đe dưới búa”; lũ từ thượng nguồn các con sông đổ về, xâm thực từ phía biển ở Cửa Đại. Chùa Cầu, ngôi chùa cổ đã 400 năm đang xuống cấp. Phần đế móng xây bằng đá xếp chồng lên nhau đã xuất hiện nhiều vết nứt, nghiêng 45o về phía bắc so với kết cấu ban đầu.

Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa bão, chính quyền và người dân lại phải chằng chống để giữ cho ngôi chùa đứng vững. Theo ước tính, nếu tình trạng lũ lụt tiếp tục xuất hiện nhiều, khi các ngôi nhà cổ bị ngâm lâu trong nước, sẽ có khoảng 70 ngôi, tương đương 10% tổng số nhà cổ tại Hội An có nguy cơ đổ sụp.

Và báo động hơn, trong kết quả nghiên cứu của Chương trình hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2015 do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành đã dự báo đến năm 2020, gần 1/3 Hội An sẽ chìm trong biển nước. Không được để mất Hội An - Di sản Văn hóa thế giới của đất nước. Mà hành động thiết thực nhất để cứu Hội An thời điểm này, là cứu Cửa Đại trước tiên.

Biển có tâm tính và đời sống riêng của mình. Dường như câu chuyện các hồ thủy điện ở tít thượng nguồn, mùa khô thì giữ nước, mùa mưa thì xả vô tội vạ đã và đang làm ảnh hưởng đến đời sống biển khơi.

Vì vậy có thể nói, việc Cửa Đại sạt lở, vừa là thiên tai, vừa do nhân tai. Và giờ đây, chính quyền và người dân đang phải trần mình cứu lấy Cửa Đại, cứu lấy đô thị cổ Hội An. Hãy lấy đó làm bài học, để đừng có một Cửa Đại thứ hai!

Thanh Hiếu

Năng lượng Mới 482