Chuyện ông vua cao ngựa

07:00 | 03/02/2014

3,962 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trải qua nhiều biến cố, người đàn ông từng thành công trong con đường sự nghiệp để được vinh dự nhận cúp vàng dành cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho đất nước. Từ những thất bại của mình, ông lại tiếp tục củng cố và vững bước để đưa thịt ngựa ra thị trường thế giới.

Báo Năng lượng Mới Xuân Giáp Ngọ

Năm 2006, trải qua những thất bại trên bước đường kinh doanh, ông Lê Hải Châu, Giám đốc Công ty Thương hiệu Chu Việt, nhà phân phối cao ngựa và thịt ngựa lớn nhất tại Việt Nam lại bước chân sang một lĩnh vực khác. Những năm tháng sống trong sự “thất bại”, ông chợt thấy hình ảnh con ngựa như một con vật thần kỳ, gắn liền với con người trong cuộc sống. Từ ý nghĩ về những câu như: “Tứ mã nan truy”, “mã đáo thành công”… lại làm cho ông Lê Hải Châu phải dành nhiều thời gian suy ngẫm về con vật này.

Năm 2007, ông Châu quyết định đầu tư vào làm cao ngựa và đưa vào sản xuất công nghiệp để chuẩn hóa chất lượng. Ông đầu tư nhà máy quy mô hàng chục tỉ đồng theo quy trình công nghệ hiện đại. Nhiều người chỉ biết đến cao ngựa tốt cho sức khỏe nhưng không biết trong thành phần của sản phẩm này có những gì và hàm lượng dinh dưỡng là bao nhiêu. Chưa có một nghiên cứu cụ thể nào xác định đặc tính của cao ngựa. Người dân cũng chỉ biết, chỉ nghe nói qua dân gian truyền miệng về các công dụng mà thôi. Vậy là, ông Châu quyết bỏ công miệt mài nghiên cứu để rồi mang ra chứng minh cho mọi người biết, cao ngựa gồm những thành phần gì, hàm lượng bao nhiêu và giúp ích như thế nào cho con người.   

Chỉ sau đó một năm, nhiều thông tin đồn đại về cao ngựa đã gây cơn sốc trên thị trường. Người ta cho rằng, cao ngựa của ông Châu sản xuất ra không được nấu từ ngựa. Thay vào đó, họ thổi phồng và “hư cấu” cao ngựa do ông Lê Hải Châu được nấu từ xương bò, xương heo…

Ông Lê Hải Châu, Giám đốc Công ty Thương hiệu Chu Việt.

Trước thông tin gây sốc dư luận, Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra liên ngành đã vào cuộc. Nhiều thông tin rất gay gắt và thậm chí hoàn toàn sai lệch về sản phẩm cao ngựa do ông Châu sản xuất đang tồn tại trên thị trường. Sự hỗn loạn về những “nguồn tin” mà dư luận nêu lên đã khiến cơ quan quản lý nhà nước phải có văn bản yêu cầu các phương tiện truyền thông tạm dừng đăng tải thông tin để chờ có kết luận cuối cùng của Bộ Y tế.

Lúc này, người tiêu dùng sống trong những luồng thông tin “dìm hàng” cũng đã nghi ngờ và hạn chế sử dụng. Nhiều người còn quay lưng, đoạn tuyệt với những sản phẩm được sản xuất từ ngựa của ông Châu. Hoạt động kinh doanh giảm sút, tinh thần nhân viên bị ảnh hưởng nhiều, ông Châu chán nản, muốn buông xuôi tất cả.

Những hoài bão, những ấp ủ vào việc sản xuất cao ngựa bị đình trệ. Nhiều dự án mới cho nhà máy không được triển khai. Những ngày đầu mới thành lập, ông Châu đặt cho nhà máy cái tên Thiện Phước. Lý giải của chủ nhân muốn việc sản xuất cao ngựa đưa ra những sản phẩm tốt, giúp người, giúp đời chứ không quá đặt nặng vào kinh doanh.

Trầm ngâm về cái nghiệp đã trót theo, ông Châu khẳng định: “Nếu nói rằng, việc sản xuất cao ngựa để làm kế sinh nhai thì số tiền đầu tư hàng chục tỉ đồng vào nhà máy sản xuất tôi mang gửi ngân hàng là đã có thể ngồi nhịp chân lấy tiền lãi sống thoải mái cho quãng đời còn lại”.

Cuộc thanh kiểm tra kéo dài nhiều tháng liền và cuối cùng, Thanh tra Bộ Y tế chỉ đủ cơ sở để kết luận: “Trên nhãn mác ghi thiếu nội dung là nơi sản xuất mà không ghi địa chỉ”. Đến bây giờ ngồi ngẫm lại, người nấu cao ngựa nhiều nhất Việt Nam xem đây là một bước sóng gió, làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín của sản phẩm làm từ cao ngựa. Nói trong niềm tự hào, ông Châu khẳng định: “Sau này, nhiều lãnh đạo ban, ngành đứng đầu Việt Nam đã sử dụng qua cao ngựa do nhà máy tôi sản xuất cũng đều hết lời khen ngợi”.

Tạm gác chuyện “sóng gió” cao ngựa sang một góc ký ức, ông Châu lại lao vào nghiên cứu sản xuất chế biến sản phẩm từ thịt ngựa. Người dân chỉ ăn thịt ngựa như món đặc sản, chứ không có thói quen dùng thường xuyên. Ông Châu lại nghĩ đến chuyện hợp tác với công ty tại Đức để chế biến thịt ngựa thành xúc xích. Và rồi, ông thành công với sản phẩm xúc xích từ thịt ngựa của Chu Việt là duy nhất ở Việt Nam.

Người dân thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt ngựa, dùng thường xuyên cao ngựa nhưng công dụng thì ít ai biết. Dành thời gian nghiên cứu về thịt ngựa, về cao ngựa đã lâu, ông Châu chứng minh được với Bộ Y tế: “Trong cao ngựa có đến 37 loại axít-amin thiết yếu cần thiết để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và phòng ngừa nhiều loại bệnh tật”. Tuy thế ông Lê Hải Châu nhấn mạnh: “Cần hiểu rằng, cao ngựa chỉ là thực phẩm để bổ sung cho cơ thể chứ không phải là thuốc chữa bệnh”. Có nghĩa rằng, bản thân mỗi người thường ngày ăn ngon hay ăn dở nhưng sẽ không đủ chất. Chẳng hạn, người bị bệnh ăn không đủ chất, sử dụng cao ngựa sẽ bồi bổ thêm dinh dưỡng nên tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bước vào nghề kinh doanh các thực phẩm chế biến từ ngựa, ông Châu tự đưa ra cho bản thân một khuôn khổ để có thể kiểm soát được hành vi và phương pháp trước khi quyết định vào một việc nào đó. Ông đã xác định theo phương pháp truyền thông phổ biến rộng rãi cho mọi người biết tác dụng về thịt ngựa. “Người dân phải biết, phải hiểu và phải thấy được rằng thịt ngựa bổ sung cho cơ thể như thế nào và khách hàng sẽ tự tìm đến”, ông Lê Hải Châu nói.

Trong thời gian gặp “biến cố”, động lực lớn nhất an ủi ông Châu chính là sự động viên và cổ vũ của không ít người tiêu dùng. Những khách hàng sử dụng sản phẩm làm từ ngựa một thời gian đã hết bệnh, khắc phục được nhiều căn bệnh mãn tính đã viết thư cảm ơn và chia sẻ niềm vui đó. Hàng ngàn lá thư của người tiêu dùng gửi về với nội dung bày tỏ về sản phẩm có nguồn gốc từ ngựa do công ty ông sản xuất.

Sau thành công về cao ngựa và xúc xích ngựa, ông Lê Hải Châu lại tiếp tục nghiên cứu, sản xuất ra rượu “mã pín tửu”. Gần đây, ông Châu còn nghiên cứu và sản xuất “Trà thảo được tiến vua” được làm từ thuốc bắc hòa tan và cao ngựa. Nói về những sản phẩm được làm từ ngựa, ông Châu cho biết: “Trong con ngựa, không bỏ bất kỳ thành phần gì. Ví dụ, chân ngựa nấu cao, thịt ngựa làm xúc xích, móng ngựa còn có thể chữa được bệnh trĩ, mắt ngựa ngâm rượu uống sáng mắt, da có thể làm túi xách hay bóp…”.

Cách đây vài tháng, công trình nghiên cứu của ông Châu cho thấy, trong cao ngựa còn có cả DHA, Omega… Nếu so sánh về giá thành, cao ngựa rẻ hơn yến sào. Sắp tới, ông Châu còn dự định làm thêm cả kẹo viên như một vị thuốc dùng hằng ngày.

Ông Lê Hải Châu tâm sự về cuộc sống nhiều vinh quang và lắm cay đắng mà ông đã trải qua chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Khi mình sinh ra mình cũng không có của cải, khi mình mất đi mình cũng không mang được của cải đi. Khi sinh ra mình khóc, mọi người cười. Hãy sống sao trên đời khi mình mất đi thì mình cười còn mọi người lại khóc tiếc thương. Danh vọng kia, vật chất kia không tồn tại. Bản thân mình khỏe không chỉ về thể xác mà còn cả về tinh thần”.

Hưng Long