Đâu mới là chữ Quốc ngữ của dân tộc Việt?

10:59 | 01/03/2012

4,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xung quanh những câu hỏi như “Chữ Nôm có phải chữ Quốc ngữ?”, “Tại sao lại gọi là chữ Quốc ngữ?”, “Điều gì khiến chữ Quốc ngữ trở thành độc tôn của dân tộc?”… trong cuộc tọa đàm mới đây về hành trình chữ Quốc ngữ đã khiến các nhà ngôn ngữ, nhà sử học không khỏi băn khoăn.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Loại chữ viết nào mới được gọi là chữ Quốc ngữ của dân tộc?

Đây là đề tài không hề mới trong các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học ở nước ta trong hàng chục năm nay. Thế nhưng, khi người ta có ý định đề xuất lên các ban ngành đoàn thể về một ngày để vinh danh chữ Quốc ngữ thì nó lại được hâm nóng trở lại và đặt ra rất nhiều điều cần phải tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc thống nhất.

Các nhà nghiên cứu, nhà sử học nói gì?

Những nghiên cứu sử học hoặc khảo sát điền dã cho tới gần đây đã nêu ra những dấu hiệu về sự hiện hữu một thứ chữ “khoa đẩu” nào đó đã từng manh nha hoặc tồn tại trong những bộ phận cư dân của cộng đồng Việt cách nay trên dưới 2.000 năm, trước khi xảy ra các cuộc xâm lược mảnh đất này của các vương triều quân chủ chuyên chế phương Bắc.

Theo đó, chữ “khoa đẩu” có thể là chữ viết thuần Việt đầu tiên của nước ta. Tuy nhiên những dấu hiệu tập hợp được dù sao cũng vẫn hãy còn quá ít ỏi, yếu ớt, chưa đủ khả năng minh chứng về một hệ thống văn tự đã từng tồn tại với một hệ thống ký hiệu và chức năng hoạt động của nó. Vì thế, trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ không bàn về loại chữ này.

Theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ và phê bình văn học Lại Nguyên Ân: “Như đã biết, chữ Quốc ngữ được chế tác từ thế kỷ XVI. Đây là loại hình văn tự thứ hai ghi tiếng Việt, sau chữ Nôm, và là loại văn tự thứ ba được dùng trong cộng đồng cư dân Việt (sau chữ Hán và chữ Nôm).

Chữ Quốc ngữ được dùng như văn tự chính thống của Việt Nam cả trong hoạt động của nhà nước lẫn trong mọi sinh hoạt dân sự; đây là sự thừa kế những kết quả tiến triển lịch sử về mặt ngôn ngữ văn tự mà ngoài nó thật ra khó có giải pháp khác. Ngày nay, số đông người Việt và hầu hết người nước ngoài biết đến Việt Nam thường biết thứ chữ Quốc ngữ này dưới tên gọi chữ Việt, chữ của tiếng Việt”.

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho rằng chữ Quốc ngữ là loại chữ viết thứ ba của cộng đồng người Việt, sau chữ Hán và chữ Nôm

Nhà báo, nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ Mai Thành Chung thì lại hình tượng hóa chữ Quốc ngữ như sau: “Chữ Quốc ngữ là chữ ghi thanh (nói như thế nào, viết như thế đấy), được Việt hóa hoàn toàn, nó xuất xứ từ tiếng Latin nhưng do người Việt hoàn thiện. Việc tạo ra ngôn ngữ cũng giống như quá trình làm bánh, chúng ta chỉ dựa trên những nguyên liệu có sẵn để chế tạo ra sản phẩm cuối cùng, đó là chữ Quốc ngữ”.

Nếu như cả nhà nghiên cứu ngôn ngữ, phê bình văn học Lại Nguyên Ân và nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ Mai Thành Chung đều chỉ coi loại chữ viết dựa trên ký tự Latin, đang được sử dụng phổ biến hiện nay là chữ Quốc ngữ thì TS.Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc Thư viện Hán Nôm Việt Nam lại có cái nhìn rộng mở hơn:

“Chữ Quốc ngữ không phải chỉ là thứ chữ viết chúng ta đang sử dụng bây giờ đâu, mà đó là chữ để ghi chép của người Việt. Từ thế kỷ 15-16, người ta đã gọi là chữ Quốc ngữ rồi. Ví dụ như: cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có “Bạch Vân am Quốc ngữ thi tập” hay Nguyễn Trãi cũng có thơ “Quốc âm thi tập”.

Ngày xưa đã gọi chữ Nôm là chữ Quốc ngữ bởi thứ chữ đó ghi âm tiếng của người Việt. Đến bây giờ, loại chữ chúng ta sử dụng cũng gọi là chữ Quốc ngữ nhưng là theo kiểu Latin, tức là dùng kí tự Latin để ghi âm tiếng Việt. Còn ngày xưa, chữ Quốc ngữ được ghi âm bằng kí tự chữ Hán”.

TS Nguyễn Xuân Diện cho rằng chữ Quốc ngữ là thuật ngữ chỉ chung tất cả các loại chữ viết mà người Việt sử dụng từ xưa đến nay

Như vậy, theo quan điểm của TS.Diện thì chữ Hán, chữ Nôm hay bất kì loại chữ viết nào được người Việt sử dụng đều được gọi là chữ Quốc ngữ. Điều đó cho thấy, quan điểm của các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn về chữ Quốc ngữ đã có sự khác biệt. Ai cũng có những lập luận riêng của mình.

Và khi khái niệm chữ Quốc ngữ chưa được nhất quán trong tất cả mọi người thì điều mà nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về chữ viết của dân tộc lại có vẻ dễ dàng để chúng ta đồng tình hơn cả, rằng: “Chữ Quốc ngữ định nghĩa đơn giản như một số người thì chỉ là ngôn ngữ của quốc gia nhưng loại chữ Quốc ngữ mà hiện tại chúng ta đang dùng thiêng liêng lắm, nó mang một tinh thần dân tộc sâu sắc”.

Ứng xử với chữ Hán, chữ Nôm như thế nào?

Như ta biết, chữ Nôm đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ, nhất là được dùng để thực hiện những sáng tác văn học bằng tiếng Việt. Không chỉ nho sĩ mà cả quan chức, thậm chí vua chúa, cũng đã có người sáng tác bằng chữ Nôm, song chữ Nôm hầu như chưa bao giờ có được vị trí chữ viết chính thức.

"Loại chữ viết nào thì được gọi là chữ Quốc ngữ?" là câu hỏi chưa có được đáp án thống nhất

Chữ Nôm cũng như chữ Hán và loại hình chữ biểu ý nói chung, dừng lại ở việc tượng hình, biểu ý mà không phát triển lên được mức ký âm. Về mặt này, chữ Nôm bị loại chữ Quốc ngữ đang được sử dụng rộng rãi ngày nay thay thế, chủ yếu là do thua sút hẳn về lợi thế từ tiến bộ kỹ thuật.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta phủ nhận hoàn toàn vai trò, vị trí quan trọng của chữ Hán và chữ Nôm trong lịch sử phát triển quốc gia. Câu hỏi đặt ra là: Phải ứng xử với chữ Hán, chữ Nôm như thế nào trong đời sống hiện đại? Liệu có nên đưa chữ Hán vào trong đời sống?

Đó không phải là sự trở lại mà là để thế hệ trẻ ý thức được rằng, chữ Hán, chứ Nôm là những di sản đã từng tồn tại lâu trong lịch sử của dân tộc. Nó có vay mượn ngôn ngữ của Trung Hoa nhưng nó lại truyền tải văn hóa của dân tộc trong suốt một thời gian rất dài.

Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm: “Hiện giờ chúng ta đang cố gắng phát triển một thứ thư bút chữ Quốc ngữ, cũng có cái hay cái đẹp của nó. Nhưng thực ra nó cũng chỉ là một thứ nỗ lực nào đó thôi. Chứ còn thư pháp phải đặt trên một loại chữ tượng hình. Thế rồi, vào đình vào chùa, chúng ta cũng thay thế sang chữ Quốc ngữ từng bước, thậm chí là bỏ hẳn chữ Hán. Tôi thấy như thế chưa chắc đã là tốt, là đúng”.

Trong khi việc chứng minh sự tồn tại của một thứ chữ viết đầu tiên của người Việt mang tên “khoa đẩu” còn chưa thực hiện được, việc xác định chữ viết nào được gọi là chữ Quốc ngữ còn chưa đi đến ngã ngũ thì chữ Hán, chữ Nôm vẫn ngày ngày bị mai một và mất mát dần theo thời gian.

Thiết nghĩ, các “ông râu ria và các bác đầu bạc” (nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà sử học – theo cách nói của nhà GS.Nguyễn Huệ Chi) nên sớm ngồi lại với nhau và thống nhất quan điểm cũng như phương hướng phát triển lâu bền cho chữ viết quốc gia, để dù là loại chữ viết nào đi chăng nữa thì nó vẫn tồn tại là thứ bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc Việt.

Nguyễn Nga