Ngục văn tự đời Ung Chính

15:37 | 29/07/2014

4,907 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lịch sử hình thành và diễn biến của văn tự chữ Hán, đã có nhiều vụ án bi thảm do chữ viết gây ra. PetroTimes xin trích đăng những ngục văn tự nổi tiếng nhất đời Ung Chính với tư tưởng chỉ đạo là - mượn ngục văn tự để chỉnh đốn kỷ luật triều đình.

Cuối đời Khang Hi, các hoàng tử đấu tranh kịch liệt mong đoạt chiếm lấy ngôi Thái tử nối ngôi. Thái tử bị phế là Dận Nhưng âm mưu khôi phục, hoàng tử thứ tám là Dận Di đầy dã tâm, hoàng tử thứ 14 là Dận Đề và hoàng tử thứ 3 Dận Chỉ cũng dòm ngó ngôi cao, nhưng tất cả chỉ uổng phí tâm cơ. Hoàng tử thứ 4 Dận Thận là người rất giỏi tâm kế, dùng thủ pháp hai mặt tấn công làm các đối thủ tê liệt, mất cảnh giác, chiếm lấy sự sủng ái của phụ hoàng, ngấm ngầm củng cố thế lực, mua chuộc lòng người, cuối cùng đánh bại tất cả anh em, bước lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Ung Chính.

Vua Ung Chính ở ngôi 13 năm, trọng người có tài làm quan, khinh văn sĩ, chỉnh lý cơ cấu cai trị, nắm giữ độc quyền với hình pháp nghiêm khắc. Con người và cách cai trị có phong cách khá đặc biệt. Thời Ung Chính tuy ngắn ngủi, nhưng ngục văn tự lại nhiều, dưới đây chúng tôi chỉ điểm qua những trọng án.

Ngục văn tự đời Ung Chính

Vua Ung Chính

Án ngục của Uông Cảnh Kỳ và Tiền Danh Thế

Uông Cảnh Kỳ, Tiền Danh Thế là những người đầu tiên bị họa ngục văn tự dưới đời Ung Chính. Tai họa của họ cùng một nguyên nhân, dâng văn tự leo bám với Niên Canh Nghiêu. Niên Canh Nghiêu là người Hán tiến sĩ xuất thân, có tài cầm quân, đánh dẹp các vùng Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tây Tạng, lập công lớn, cuối đời Khang Hi được nhận chức Định Tây tướng quân Tổng đốc Xuyên Thiểm. Ông này xưa này dựa thế Ung thân vương Dận Thận, em gái ông ta là “Trắc phúc tấn” (tức Phó vương phi) của Dận Thận. Dận Thận lên nối ngôi, Niên Canh Nghiêu càng được sủng ái, trái nắm các chức Tổng đốc Xuyên Thiểm, Thái bảo, phủ viễn đại tướng quân, được phong tước công nhất đẳng, cuối cùng ông ta cậy công kiêu túng, không coi vương pháp vào đâu nên bị thất sủng.

Vua Ung Chính biết rằng giữ ông lại là mối tai họa, rồi đó ông liên tục bị vùi dập. Tháng 2 năm Ung Chính thứ ba (năm 1725), trời có hiện tượng “Mặt trăng mặt trời cùng sáng, 5 ngôi sao liên kết như vòng ngọc”, thần liêu dâng biểu chúc mừng. Niên Canh Nghiêu đang làm Tổng đốc Xuyên Thiểm cũng theo lệ dâng biếu. Từ trong biểu dâng của Niên Canh Nghiêu, Ung Chính tìm ra hai khuyết điểm:

Một, chữ viết lạo thảo bừa bãi.

Hai, sử dụng thành ngữ không chính xác.

Ung Chính cho rằng: “Niên Canh Nghiêu tự cậy có công, để lộ dấu vết không tuân phục, chỗ sai sót chống đối, chắc chắn không phải vô tâm”.

Quần thần nghe tin xao động, phát khởi cuộc tấn công Niên Canh Nghiêu. Tháng 4 năm ấy, Niên Canh Nghiêu bị điều đi Hàng Châu; tháng 6, tước bỏ chức Thái bảo, tước bỏ luôn tước công để nhất đẳng; tháng 7, truất xuống giữ một chức nhàn tản; tháng 9, hạ vào ngục bộ Hình; tháng 12, đại thần hạch Niên Canh Nghiêu phạm vào 92 loại tội. Vua Ung Chính lệnh cho Niên Canh Nghiêu tự sát, gia sản bị tịch biên, đồng đảng hoặc chém, hoặc biếm, hoặc đày. Một loạt quan viên bị thanh trừ, xử phạt. Đây là vụ án Niên Canh Nghiêu nổi tiếng. Niên Canh Nghiêu chết 7 ngày sau.

Uông Cảnh Kỳ là người Tiền Đường, Chiết Giang (nay là Hàng Châu), nguyên tên là Nhật Kỳ, tên tự Vô Dĩ, hiệu Tinh Đường. Ông lạo đảo văn trường gần 40 năm, tuy thi đậu cử nhân, nhưng không có duyên với công danh phú quý. Năm Ung Chính đầu tiên, người bạn ông là Hồ Kỳ Hằng được giữ chức Thiểm Tây bố chính sứ, coi như là người tâm phúc của cấp trên Niên Canh Nghiêu. Uông Cảnh Kỳ tìm đến thăm bạn, rồi nhân dịp xin yết kiến Niên Canh Nghiêu, được Niên Canh Nghiêu vui vẻ giữ lại làm mạc khách.

Lần xuống phía tây này, Uông Cảnh Kỳ viết bộ “Độc thư đường tây chính tùy bút” gồm hai quyển, dâng lên cho Niên Canh Nghiêu cất giữ. Niên Canh Nghiêu đắc tội, bị tịch thu tài sản, bộ “Tùy bút” ấy được đưa vào cung. Vua Ung Chính đọc xong, giận dữ nghiến răng, đề dòng chữ lên trang sách đầu tiên: “Bọn giặc phản cuồng ngôn đến thế là cùng! Tiếc rằng ta đọc muộn nên chúng mới còn đến ngày nay, không thể để thứ này thoát được!” Thực ra, văn chương bộ “Tùy bút” này rặt một giọng xu nịnh, ca ngợi Niên Canh Nghiêu là “đệ nhất vĩ nhân trong vũ trụ”. Trong sách ấy có một đề mục, coi hiện tượng “vắt chanh bỏ vỏ” là một thứ tội của lớp thống trị tối cao, dường như có ý muốn cảnh giác Niên Canh Nghiêu.

Trong “Tùy bút” còn có nhiều đề mục biểu lộ lòng bất mãn đối với chế độ tuyển chọn quan lại đương thời. Dường như còn có cả thơ báng bổ, chê bai Thánh tổ (Khang Hi) là “Hoàng đế huy hoa bất trị tiền” (ý nói văn chương của Hoàng đế chẳng ra gì). Lại có đoạn báng bổ tên thụy của Thánh tổ và niên hiệu Ung Chính như mục “Lịch đại niên hiệu luận”, viết rằng chữ Chính (trong niên hiệu Ung Chính nếu chiết tự tách ra thì là chữ “nhất chỉ” có nghĩa là chấm dứt) có điềm chẳng lành. Trong lịch sử, phàm ai dùng chữ “Chính” làm niên hiệu đều không được hưởng kết cục êm đẹp như Kim Hải Lăng vương (niên hiệu Chính Long), Kim Ai tông (niên hiệu Chính Đại), Nguyên Thuận đế (niên hiệu Chính Thống), Minh Võ tông (niên hiệu Chính Đức).

Khi Ung Chính phê vào sách mấy chữ “Giặc phản cuồng ngôn” có lẽ là chỉ vào nội dung này, nhưng khi hạ chỉ xử tội Uông Cảnh Kỳ chỉ viết “làm thơ chỉ trích Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, đại nghịch bất đạo”. Vì vậy, Uông Cảnh Kỳ bị xử chém, cắt đầu răn chúng, vợ con bị phát phối đi làm nô lệ cho quân sĩ Mãn Châu ở Hắc Long giang, anh em chú bác bị đày tới Ninh Cổ tháp, thân tộc xa nếu đang làm quan cũng bị cắt chức.

Tiền Danh Thế bị xử tội vào tháng 3 năm Ung Chính thứ tư (năm 1726). Tuy ông này không bị giết chết, nhưng án ông chịu còn đau khổ hơn cả chết.

Tiền Danh Thế tên tự Lượng Công, tên hiệu Giản Am, người đất Võ Tiến, Giang Nam (nay là Võ Tiến, Giang Tô), đậu Tiến sĩ năm Khang Hi thứ 42, nhận chức Hàn lâm biên tu, rồi thăng Thị độc. Ông đậu thi hương cùng năm với Niên Canh Nghiêu (cả hai đều đậu cử nhân năm Khang Hi thứ 38). Đại khái vì vậy mà có tình giao hảo với nhau.

Năm Ung Chính thứ hai, Tiền Danh Thế làm thơ ca tụng, nịnh  bợ công nghiệp của Nghiêu có câu “chia đất cờ bay Chu Chiêu Bá, tướng quân Hán từ trời cao thổi sừng” (Phân thiểm tinh kỳ Chu Chiêu Bá, tòng thiên cổ giác Hán tướng quân), thực sự câu ấy chỉ có ý ca ngợi quá lời so sánh Niên Canh Nghiêu với hoàng tử thứ 14 Sung Đề mà thôi.

Cuối đời Khang Hi, hoàng tử thứ 14 Sung Đề đem quân xuất chinh Thanh Hải, Tây Tạng. Thánh tổ từng cho dựng bia đá ghi công hoàng tử này, gọi là “bia thứ hai” để so sánh ngang với công trạng của Niên Canh Nghiêu cũng từng được dựng bia ghi công. Sung Đề là nhân vật quan trọng trong cuộc tranh giành ngôi đế giữa các anh em hoàng tử. Vua Ung Chính lên ngôi, lập tức giải trừ binh quyền của em (Ung Chính Sung Thận là anh Sung Đề), sau đó còn giam giữ Sung Đề. Đây là điều không nên đề cập tới, thế mà Tiền Danh Thế không biết né tránh.

Niên Canh Nghiêu bị giết, đương nhiên Tài Danh Thế không tránh được tai nạn. Ung Chính chụp tội cho ông là “bẻ cong bút nịnh bợ, tán dương kẻ gian ác” và “lời thơ phản nghịch”, nhưng không giết ông, chỉ cách chức, đuổi ông về quê cũ. Đế còn ngự bút đề bốn chữ “Tội nhân của danh giáo” (Danh giáo tội nhân), rồi sai quan địa phương quê của Tiền Danh Thế khắc bốn chữ ấy vào tấm hoành phi treo ngay trước cửa nhà ông. Ban chữ đề biển vốn là thủ đoạn lung lạc, khen tặng thần liêu của Khang Hi. Ung Chính cũng bắt chước như thế, nhưng thay vì ban chữ khen tặng lại ban chữ sỉ nhục, khiến Tiền Danh Thế không còn mặt mũi nào nhìn ai, và con cái ông cũng không cất đầu lên được…

Ung Chính còn lệnh cho Tri phủ ở đó, mỗi tháng phải đến nhà Tiền Danh Thế hai lần, kiểm tra xem ông có còn treo tấm biển ở chỗ cũ hay không. Như vậy còn chưa đủ, khi Tiền Danh Thế rời kinh đô ra đi, vua Ung Chính lại sai các quan làm thơ trào phúng “tiễn hành”. Kết quả có 385 người phụng chiếu làm thơ. Ung Chính đọc bằng hết, rồi giao cho Tiền Danh Thế, bắt tập trung lại, rồi in thành sách với tựa đề “Danh giáo tội nhân thi”, ban bố khắp trường học trong nước để mọi người đều biết. Dưới đây dẫn chứng một bài của Phương Bao đang làm Toản tu trong Võ Anh điện:

Danh giáo di tu thế cộng si

Thử sinh ko phụ thánh minh thi

Hành tà quản lý ca nguy kính

Kỷ xứ thiên công du nịnh tì (từ)

Tiêu chuẩn tàm đa duy giác mộng

Hạ oa phương thậm độc tâm tri

Nhân gian vô địa kham dung lập

Lão khứ phiên nhiên hỏi dĩ trì

Tạm dịch:

Danh giáo để chi thẹn với đời

Kiếp này uổng phụ thánh minh rồi

Quen tà gian vội đi đường lệch

Ghi xấu nghiêng theo nịnh bợ thôi

Đêm nằm nghĩ mãi không tỉnh mộng

Hè muộn mệt chưa hiểu được tôi

Trần gian không chốn dung thân vậy

Già sẽ ra đi hối muộn thôi.

Cổ nhân nói: “Kẻ sĩ có thể bị giết chứ không chịu bị nhục”. Kiếp người như vây không bằng bị chém một đao, thế nhưng “Thánh chúa” lại thích lấy ông ra đùa bỡn, chỉ hạ nhục mà không giết. Không biết ông chết vào bao giờ. Màn kịch khắc nghiệt này, có lẽ chỉ mình Ung Chính nghĩ ra và làm ra được.

Những ngục văn tự khác

Ngục văn tự triều Ung Chính có trọng điểm là đánh vào hai loại người:

Một là, những người tuyên dương tư tưởng bài Mãn tộc.

Hai là, những người công kích bản thân Ung Chính hay công kích tổ tiên đế. Án ngục loại thứ hai có phần dễ hiểu hơn, còn Án ngục loại thứ nhất, bị chan chưa chắc là đã có tư tưởng phản thanh

Án thơ Từ Tuấn

Từ Tuấn là con trai Từ Càn Học, có lúc đã từng đảm nhiệm chức Hình bộ thượng thư triều Ung Chính, người Côn Sơn, Giang Tô, đậu tiến sĩ cuối đời Khang Hi, được chọn làm Cát sĩ hàn lâm viện. Từ Tuấn từ nhỏ đã khinh bạc, kiêu ngạo ngông cuồng. Khi bị thầy là Chu Vân Cai trách mắng, ông ta liền hạ độc giết chết thầy. Ông làm quan rồi mà không sửa được bản tính, kết oán thù khắp nơi, nhân làm thơ có câu:

Trăng sáng có tình còn luyến ta

Gió mát vô ý không giữ người.

Nguyên văn:

Minh nguyệt hữu tình, hoàn cố ngã

Thanh phong vô ý bất lưu nhân.

Bị kẻ thù vu khống là có ý nhớ triều Minh và hủy báng bản triều, quan chấp pháp ghép ông vào tội “đại bất kính” xử chém, bản thảo thơ bị đốt hết. Năm ấy là Ung Chính thứ tá, (năm 1730). Kỳ thực, Từ Tuấn chẳng có ý niệm gì phản Thanh cả. “Gió mát” (Thanh phong), “Trăng trong” (Minh Nguyệt) chẳng qua là những sáo ngữ trống rỗng vậy thôi.

Án viết sách của Ngô Mậu Dục

Ngô Mậu Dục là người Thuần An, Chiết Giang, giữ chức quan huyện thừa ở Uyển Bình, tác giả của sách “Cầu chí biên”. Khoảng năm Ung Chính thứ 11 hoặc 12, bị em họ là Ngô Phân tố cáo, Chiết Giang tổng đốc Trình Nguyên Chương tra hỏi, xong tấu lên triều đình, cho rằng cuốn sách này luận cổ suy kim, có “ngôn ngữ cảm khái, từ ngữ bất bình, buông lời oán vọng, không biết e sợ gì”. Bài tựa của Lý Bái Lâm ghi năm tháng bằng can chi, không ghi niên hiệu Ung Chính là thuộc về tội “phản nghịch”. Ung Chính phê mực son, sai tra tấn nặng hơn nữa, vì tư tưởng của sách này còn nặng hơn tội “đạo tặc”. 

Án thơ Thẩm Luân

 Năm Ung Chính thứ 12 (năm 1734), Thi Thiên Nhất, người đất Giang Tô vì tranh giành đất ruộng, kết thù oán với người cùng quê là Thẩm Luân, bèn vu khống Thẩm Luân viết sách “Đại Tiều sơn nhân thi tập” có nhiều câu chữ “bạo nghịch”. Lưỡng Giang Tổng đốc Triệu Hoằng Ân tra ra tên Thẩm Luân có trong danh sách Thẩm Tại trước đây đã được tha, bèn bắt cháu Thẩm Luân là Thẩm Tự Canh và thu giữ bản thơ của Thẩm Thương Lâm (Thẩm Luân đã bệnh chết trước rồi). Vua Ung Chính phê bút song trong tấu sớ của Triệu Hoằng Ân: “Phàm bọn cuồng vọng có lời thế này, cần phải triệt để trừng trị để dẹp thói quen phản nghịch”.

(Theo Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc -

Nguyễn Tôn Nhan - NXB Văn hóa Thông tin năm 2000)