Chuyện những người thách thức Thiên Tào (Kỳ 2)

06:00 | 14/03/2014

2,984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam vốn là vùng đồng bằng chiêm trũng và chẳng phải là nơi đất vàng đất bạc. Thế nhưng, có vẻ tuổi thọ của các cụ trong làng chẳng hề liên quan đến giàu nghèo. Thậm chí, có cụ đã từng đẻ ngót chục người con, cuộc sống cơ cực từ tấm bé đến giờ, cái ăn phải lần hồi từng bữa nhưng vẫn sống đến nay là 104 tuổi. Đó âu cũng là sự lạ.

>> Chuyện những người thách thức Thiên Tào (Kỳ 1)

>> Cụ bà trăm tuổi vẫn đọc được truyện Kiều bằng chữ Nôm

Năng lượng Mới số 302

Bài cuối: Bí quyết trường thọ

Xã trường thọ

Chẳng hiểu long mạch, linh khí rẻo đất ven sống Hồng vùng chiêm trũng ấy thế nào mà sinh ra lắm người sống trường thọ đến vậy. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Văn Đình, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại phấn khởi: “Nói thì ít người tin nhưng có lẽ xã chúng tôi là xã sống thọ nhất nước. Số các cụ từ 70-80 tuổi là gần 400 cụ, số các cụ từ 80-100 tuổi là gần 500 cụ. Hiện có 5 cụ thọ trên 100 tuổi, trong đó có cụ đã 104 tuổi rồi. Thế nên, gọi xã chúng tôi là xã “Trường Thọ” thì cũng chẳng ngoa chút nào”.

Theo hướng tay của ông Đình, chúng tôi tìm đến thôn Yên Lệnh 3, nơi cụ Nguyễn Thị Nga, 104 tuổi đang sinh sống. Hỏi cụ Nga ai cũng biết bởi tính đến thời điểm hiện tại, cụ là người cao tuổi nhất làng. Nhà cụ Nga ở sâu trong xóm, qua ngoằn ngoèo ngõ nhỏ và um tùm cây cối. Khi chúng tôi đến, cụ đang bỏm bẻm nhai trầu trước hiên nhà. Trời rét căm căm nhưng cụ vẫn gắng ra trước hiên ngồi cho có ánh sáng. Cụ Nga mới bị ngã trước tết, bị rạn xương nên đi lại rất khó khăn, mọi sinh hoạt cá nhân đến giờ vẫn phải nhờ con cháu giúp đỡ. Chứ như ba năm trước, cụ vẫn còn thoăn thoắt trèo lên cây khế hái quả.

Cụ Nguyễn Thị Nga năm nay đã 104 tuổi

Chuyện cụ Nga hơn trăm tuổi trèo cây hái khế đã trở thành một giai thoại nức tiếng khắp vùng. Chuyện kể, có người buôn trâu từ Nam Định lên biết chuyện này và cười khẩy không tin. Có anh thanh niên người làng liền nảy ra ý định cá cược với tay lái buôn này, nếu thực sự cụ Nga còn trèo được lên ngọn cây khế thì tay lái buôn phải mất đôi trâu đực. Và đương nhiên, đận ấy anh thanh niên kia thắng lớn.

Người ta thường bảo rằng nhiều tuổi - nhiều phúc nhưng với cụ Nga thì chẳng hẳn như vậy. Cụ Nga qua tám lần sinh nở nhưng giờ thì chỉ còn ba. Năm người con còn lại người thì chết vì bệnh tật, người thì vì ngày trước đói khổ quá mà phải đem cho làm con nuôi, giờ cũng chẳng thấy tìm về. Cụ đang sống cùng vợ chồng người con trai út là anh Nguyễn Thanh Hương.

Cụ Nga kể chuyện: “Thằng cả nhà tôi ấy, năm nay cũng đã tròn 70 rồi, ở mãi tận dưới Nam Định. Nó bị bệnh thần kinh, có biết gì đâu, đã mấy mươi năm nay rồi chẳng được gặp nó, khổ lắm”.

Thế rồi cụ cứ thủng thẳng kể chuyện đông tây, những chuyện chẳng đầu cuối. Chị Chiến, người con dâu út của cụ kể lại: “Cụ lẫn rồi, nhiều lúc tính tình cứ như trẻ con, rất hay dỗi. Hôm qua, cả nhà có việc đi vắng có một buổi sáng thôi, để cụ ở nhà một mình, cụ sợ và gào khóc suốt buổi. Đến khi tôi về, phải dỗ dành mãi cụ mới chịu nín. Người già thường thế, không hiểu tính là chẳng thể nào chiều được”.

Và cả nhà thì chỉ đúng chị Chiến là hợp tính cụ, chiều được cụ. Mặc dù là dâu nhưng việc gì cũng đến tay chị, từ việc nửa đêm bế cụ đi vệ sinh đến việc thay rửa quần áo, tắm táp hằng ngày. Có bận, đang đêm chị Chiến trở dậy đỡ cụ đi vệ sinh, chẳng may chị trượt chân ngã úp sấp mặt xuống đất, gãy gần hết hàm răng. Để chứng minh, chị Chiến rơm rớm nước mắt rồi móc cả hàm răng giả ra đưa cho tôi xem. Chăm mẹ chồng mà vất vả như chị Chiến thì đến thế là cùng!

Đã hai năm nay, cụ Nga liệt hẳn nửa người, mọi sinh hoạt cá nhân đều do con cháu giúp. Chị Chiến rơm rớm nước mắt: “Nhà người ta có điều kiện thì thuốc này thuốc kia, của ngon vật lạ chứ như nhà tôi thì chỉ có cơm không thôi. Nhiều hôm đúng vào vụ mùa, cả nhà đều phải ra đồng, để cụ ở nhà một mình. Khi về trông thấy mẹ mà òa lên khóc. Cụ đại tiện trên ghế nhưng không thể tự đi làm vệ sinh cho mình được, đành phải để thế ngồi yên một chỗ cả ngày, quần áo thì bê bết. Buốt ruột lắm”.

 “Anh chị em chúng tôi đều nghèo túng cả, cái ăn cái mặc còn phải co kéo. Nhưng việc chăm sóc cha mẹ không những là bổn phận mà đó là cả đạo lý để làm tấm gương cho các thế hệ về sau. Dù có túng nghèo đến đâu nhưng anh em chúng tôi vẫn bảo nhau phải chăm sóc mẹ thật chu đáo, đến tận ngày nào cụ về với tiên tổ”, chị Chiến nói.

Cải lão hoàn đồng!

Cụ Nga đã rụng hết răng từ năm 90 tuổi, phải ăn thức ăn mềm, chủ yếu là cơm nhão. Điều đặc biệt, cụ đang “cải lão hoàn đồng”… mọc răng trở lại. Chị Chiến quả quyết: “Nói thì chắc chẳng ai tin nhưng đó là sự thực. Cách đây 5 năm, mẹ tôi kêu đau lợi, cả nhà mới ngỡ ngàng phát hiện ra là cụ mọc một chiếc răng hàm mới. Thế rồi cứ lần lượt 3 chiếc răng mới mọc trở lại, nơi răng cũ đã rụng từ lâu. Tuy không “đẹp” như răng cũ nhưng cụ cũng có thể nhai được cơm.

Phóng viên trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Nga

Thông thường, một đời người chỉ có hai lần mọc răng. Đó là lần mọc răng tạm thời (còn gọi là răng sữa) khi đứa trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi. Sau đó là mọc răng vĩnh viễn, từ 6-11 tuổi, răng sữa rụng dần và các răng vĩnh viễn mọc thay thế. Nhưng một số người già đã rụng răng, lại mọc răng lần thứ ba thì là một chuyện lạ.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, năm 1992, cụ Kim Thị Côi, ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây 102 tuổi mà vẫn mọc thêm cả hàm răng. Thời bấy giờ, cụ Côi vẫn khỏe mạnh, tự phục vụ, không ốm đau.

Đem chuyện này hỏi nhiều người hiểu về y học, chúng tôi được lý giải rằng, ở trong miệng, răng được cắm chặt vào các hốc răng của xương hàm. Thông thường phôi người có hai lớp mầm răng: lớp 1 là còn gọi là răng sữa, từ 3-6 tuổi có 20 răng gồm 8 răng cửa, 4 răng nanh và 8 răng hàm nhỏ. Lớp 2 là đợt thay răng sữa, răng sữa rụng dần và răng vĩnh viễn mọc thay thế, có tổng cộng là 32 răng. Ngoài 20 răng mọc vào thế chỗ, còn mọc thêm 8 răng hàm lớn và 4 răng khôn (vào khoảng 17-30 tuổi mới mọc răng khôn, nhưng có người không mọc răng khôn). Đặc biệt có một số ít người ở thời kỳ phôi thai còn có lớp mầm răng thứ 3, tới thời kỳ già lão mới bắt đầu mọc ra, một số nhà y học gọi là “răng vững thời kỳ sau”.

Có một số người do dinh dưỡng không tốt, hoặc hàm răng dung nạp không nổi mà chiếc răng hàm cuối cùng (răng khôn) mọc ra rất muộn, hoặc suốt đời chẳng mọc ra. Cá biệt có người già sau khi răng hàm rụng hết, răng khôn chưa mọc mới bắt đầu nhú ra. Nhưng những trường hợp ấy thường là rất hiếm nên chuyện cụ Nga mọc răng trở lại cũng là điều đặc biệt.

Bí quyết của người xưa

Chúng ta đều biết rằng, con người dù ở thời nào cũng đều có ba ước nguyện lớn lao đó là: trường thọ, đại phúc và đại lộc. Trong lịch sử, đã có không biết bao câu chuyện về những ông hoàng, bà chúa tìm đủ mọi phương kế để kéo dài tuổi thọ, đấy là chưa kể đến chuyện các đạo sĩ khổ luyện cả đời những mong tìm ra phép trường sinh bất lão.

Người Trung Quốc đã đúc rút ra bốn yếu tố quyết định sự trường thọ, đó là hoạt thân, thông thần, nhất chí, đạo tâm. Hoạt thân là giữ ấm mùa đông, giữ mát mùa hạ, thân thể bốn mùa thích hợp. Thông thần là tránh ham muốn thái quá, sống hiền hậu, dịu dàng. Nhất chí là đừng quan tâm nhiều đến xe cộ, áo quần thì sẽ có thể thanh thản. Đạo tâm là biết thưởng thức bát âm ngũ sắc, hướng lòng đến những điều tốt đẹp.

Phương pháp cơ bản của các đạo sĩ phương Đông để kéo dài tuổi thọ là giữ cân bằng và hài hòa về sinh lý. Danh y đời Đường (Trung Quốc) Tôn Tư Miễn cho rằng, có năm cái khó đối với việc kéo dài cuộc sống một là không bỏ được thói ham mê danh lợi, hai là không tránh được sự vui buồn thái quá, ba là không chừa được sự say mê sắc dục, bốn là không nhịn được sự thèm muốn ăn nhậu phè phỡn, năm là suy kiệt tinh thần và thể xác vì những trò tiêu khiển. Nếu không trừ được năm cái khó này thì ước nguyện sống lâu không thể thực hiện được. Thế thì quả là vô cùng cầu kỳ!

Cụ Nguyễn Thị Trù (trái) ở TP Hồ Chí Minh đã 121 tuổi

Tôn Tư Miễn tin rằng, ngăn ngừa tốt hơn chạy chữa. Ông đưa ra phương cách đạt tới sự trường thọ là: “Không lo nghĩ, không giận dữ không buồn nản, không hốt hoảng, không làm quá sức, không lắm lời, không cả cười”.

Phòng ngừa bệnh tật không phải cách duy nhất để được sống lâu. Đồ ăn thức uống thường biểu lộ tính cách một con người. Muốn giữ được sức khỏe cần phải ăn các chất bổ và cần có sự vận động hằng ngày. Người Trung Hoa tin rằng, sự cân bằng âm dương về sinh lý có thể duy trì được sức khỏe. Theo ghi chép trong sách cổ, vào đầu thế kỷ XVI, quan niệm giữ cân bằng âm dương qua thức ăn đã được phổ cập. Quan điểm này đến nay vẫn lưu hành rộng rãi. Đồ ăn thức uống mang theo các yếu tố hàn (lạnh), lương (mát), bình (trung tính), ôn (ấm) và nhiệt (nóng). Khi cơ thể ở trạng thái âm thịnh (âm lấn át dương) thì cần ăn những chất thuộc loại dương, hoặc uống thuốc sắc từ những vị thuốc dương tính. Muốn giữ gìn sức khỏe hằng ngày nên ăn những thức ít cholesterol như thịt, rau đậu và hoa quả.

Người Trung Hoa có nhiều loại thể dục kiểu vũ thuật, theo đó khi lực (năng lượng) trong cơ thể được vận hành thông thoát, máu lưu thông tốt, làm cơ thể trẻ trung. Những loại võ thể dục được ưa chuộng nhất là thái cực quyền, võ cực quyền và Thiếu Lâm quyền... Vận động võ thể dục là dùng khí công và sự cân bằng âm dương làm cho cơ thể được bình tĩnh, hài hoà.

Ở Việt Nam ta, cũng không hiếm người sống thọ đến… ngỡ ngàng. Sinh ngày 4 tháng 5 năm 1893, cụ Nguyễn Thị Trù (ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM) đã bước sang tuổi… 121 và trở thành người sống thọ nhất Việt Nam. Dù đã qua tuổi xưa nay… rất hiếm nhưng bà Trù vẫn còn rất khỏe mạnh.

Cụ ông cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay là cụ Huỳnh Văn Lạc, 110 tuổi, ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Có một sự trùng hợp kỳ lạ, người vợ của cụ Lạc là cụ bà Nguyễn Thị Lành năm nay cũng tròn 106 tuổi. Họ hiện là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Đặc biệt, ở xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam. Đó là cụ Vi Thị Đắc và cụ Vi Thị Các hiện đã 100 tuổi và đang sống khỏe mạnh.

Như ở xã Chuyên Ngoại, chính ông Đình kể cho chúng tôi nghe rằng, thời trước, nghe đồn cũng có cụ già ở thôn Yên Lệnh sống đến 120 tuổi. Nhưng thời trước, người ta chẳng nhớ được ngày tháng gì, vả lại những người đồng lứa đều đã ra người thiên cổ cả rồi nên chẳng còn ai làm nhân chứng nữa, người làng chỉ loáng thoáng nghe thông tin chứ chẳng ai dám khẳng định chính xác.

Chẳng những thế, Việt Nam cũng có vùng mà người dân có tuổi thọ rất cao. Ở thung lũng Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) nằm trên độ cao hơn 700m, quanh năm bị che phủ bởi sương mù và gió lào thổi. Khí hậu khắc nghiệt là vậy nhưng cả xã hiện có 7 cụ sống trên 100 tuổi, các cụ có tuổi trên 85 tuổi  lên hiện có 30 cụ. Các cụ trong độ tuổi 70 thì phải có hàng trăm…

Ở làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế hiện chỉ có 320 khẩu nhưng có đến hơn 200 cụ già, hầu hết đều ở độ tuổi từ 70-104 tuổi. Trong đó, số người từ 80 tuổi trở lên chiếm đến gần 40 người và có 5 cụ đã vượt qua tuổi 100.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến người dân Phước Tích trường thọ là do được sống trong môi trường sạch, ăn uống sạch và sống lương thiện. Môi trường sống của người dân nơi đây hết sức trong lành nhờ những vườn cây trái quanh năm tỏa bóng mát. Ngoài gạo phải mua vì làng không có ruộng, còn thực phẩm thì hầu hết hộ dân đều tự túc bằng việc chăn nuôi, trồng trọt trong vườn nhà.

Hiểu được những việc này nên chúng tôi cứ băn khoăn mãi về cảnh sống của cụ Nga. Cụ túng nghèo là thế, ăn uống thiếu thốn mà sao có thể sống trường thọ được như vậy. Chúng tôi hỏi về bí quyết sống lâu của cụ, cụ cười mà rằng: “Làm gì có bí quyết. Cả cuộc đời tôi sống tuềnh toàng, cơm ăn với muối, rau vườn, cá đồng, làm lụng vất vả quanh năm chỉ mong đủ ăn thì làm gì mà nghĩ ra bí quyết sống lâu sống thọ. Sống được đến bây giờ có chăng là do tinh thần của tôi luôn lạc quan, vui vẻ, luôn yêu thương mọi người và không phải lo nghĩ nhiều mà thôi”.

Tôi thì tôi tin rằng, việc thổ nhưỡng đặc biệt gì đó là các cụ ở vùng này sống lâu có lẽ cũng chỉ một phần. Các cụ sống trường thọ được cũng đều là do các con các cháu hiếu lễ mà nên. Con cái dù nghèo túng, dù khá giả những vẫn tận tâm chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha thì cha mẹ nào chả vui khỏe mà sống lâu. Triết lý đơn giản ấy đã có tự ngàn đời rồi, âu cũng là điều chúng ta cần học tập và noi theo.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến