Cứu cánh cho nông sản Việt Nam

Bài 3: Quản lý khai thác chợ đầu mối như thế nào?

17:00 | 14/07/2018

1,160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chợ đầu mối là giải pháp thương mại giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Ấy vậy nhưng xây dựng và quản lý chợ như thế nào, làm sao để đảm bảo thực phẩm từ chợ đến bàn ăn sẽ an toàn và khai thác chợ một cách hiệu quả… thì từ cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư vẫn đang bế tắc.    

Tại hội thảo phát triển chợ đầu mối do Bộ Công Thương tổ chức, các nhà quản lý cho rằng cần thay đổi tư duy về chợ đầu mối, đặc biệt là khai thác chợ đầu mối như thế nào cho hiệu quả.

bai 3 quan ly khai thac cho dau moi nhu the nao
Phó Giáo sư Huỳnh Thọ Xuân phát biểu tại Hội thảo.

Hiện nay, chợ đầu mối đang được hiểu với nghĩa hẹp là nơi tập trung lưu thông hàng hóa, nơi buôn bán của các thương lái và mới chủ yếu chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước là đong đếm lượng hàng lưu thông vào thị trường. Vậy nên, để phát huy hiệu quả của chợ đầu mối, Phó Giáo sư Huỳnh Thọ Xuân cho rằng, trước tiên phải thay đổi tư duy về chợ đầu mối, đây là chợ dành cho các nhà sản xuất (hợp tác xã, chủ trang trại, nông hộ) chứ không dành cho thương lái kiếm lợi. Chợ đầu mối là nơi người làm ra nông sản có quyền quyết định về sản phẩm của mình trực tiếp với người mua theo giá thị trường, là nơi chủ hợp tác xã, chủ trang trại có thể gặp mặt người có nhu cầu mua nông sản, ký kết hợp đồng sản xuất, bán sản phẩm có kỳ hạn để tránh được việc ép giá, phải giải cứu nông sản như những năm vừa qua.

Một vấn đề được nêu ra tại hội thảo được các đại biểu và nhà khoa học thảo luận sôi nổi đó là chợ đầu mối là tài sản quản lý khai thác như thế nào mới đạt hiệu quả. Với kinh nghiệm kinh doanh chợ đầu mối hơn 50 năm tại Italy, đại diện Tập đoàn Mercasa - doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Italy - đã giới thiệu quá trình khai thác hệ thống chợ tại nước này.

Trước tiên, Mercasa coi chợ đầu mối là một công sản có giá trị cực kỳ quan trọng đối với thương mại của quốc gia. Họ dành một quỹ đất lớn cho việc đầu tư hạ tầng của chợ đầu mối. Mặt khác, chợ đầu mối của Mercasa áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, cập nhật toàn bộ giá cả thị trường về nông sản của Italy cũng như trên thế giới. Mặt khác, hệ thống kho hàng bến bãi của chợ đầu mối được tập trung đầu tư giúp nông sản không chỉ được bảo quản tốt mà còn có thể bảo quản trong thời gian lên đến 12 tháng. Hệ thống dịch vụ hỗ trợ của Mercasa có thể giúp các trang trại, doanh nghiệp có thể trực tiếp đóng gói sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài.

Chính vì vậy, chợ đầu mối của Mecasa không chỉ làm tốt vai trò phân phối hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản đến người tiêu dùng mà còn là nơi tập trung xuất khẩu nông sản cho người nông dân Italy. Đặc biệt, chợ đầu mối đang đem về lợi nhuận khổng lồ cho Chính phủ từ việc thu phí, các dịch vụ hỗ trợ các chủ trang trại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa…

bai 3 quan ly khai thac cho dau moi nhu the nao
Một góc của chợ đầu mối Mercasa về sản phẩm táo tại Italy.

Tại Việt Nam thì ngược lại, mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam vẫn hoạt động cầm chừng, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ đầu mối. Cụ thể như không có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng… cho đầu tư xây dựng chợ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách cho biết: Cách đây 10 năm, thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ đã dành gần 100 tỷ đồng ngân sách để nâng cấp, sửa chữa chợ trong đó có xây dựng 5 chợ đầu mối trên cả nước. Nhưng cho đến nay, các chợ đầu mối này vẫn hoạt động cầm chừng, không phát triển và phát huy được các chức năng của chợ đầu mối như kỳ vọng. Đến nay, nguồn từ ngân sách nhà nước đang hạn chế về vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối trong khi nên rất khó để tiếp tục dành quỹ đầu tư xây dựng chợ đầu mối”.

Có thể thấy rằng với hiện trạng quản lý khai thác các chợ đầu mối, chợ địa phương trên cả nước trong nhiều năm qua đã không thể bắt kịp sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Bởi vậy, việc phát triển chợ đầu mối cần một cú hích từ bên ngoài chứ không thể tiếp tục chờ đợi sự “bảo bọc” của nhà nước như trước đây.

Bài 2: An toàn thực phẩm từ chợ đến bàn ăn
Bài 1: Chợ đầu mối vận hành ì ạch
Phát triển chợ đầu mối: Giải bài toán "được mùa mất giá"

Bùi Công