Cứu cánh cho nông sản Việt Nam:

Bài 1: Chợ đầu mối vận hành ì ạch

10:42 | 13/07/2018

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chợ đầu mối là giải pháp thương mại giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Vậy nhưng xây dựng và quản lý chợ như thế nào, làm sao để đảm bảo thực phẩm từ chợ đến bàn ăn an toàn và khai thác chợ một cách hiệu quả… thì từ cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư vẫn đang lúng túng, bế tắc.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ. Trong đó gần 75% là chợ nông thôn, địa phương. Đa phần là các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ, số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn với 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước.

cuu canh cho nong san viet nam cho dau moi van hanh i ach
Ông Vũ Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo phát triển chợ đầu mối Việt Nam.

Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nhưng chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp. Các chợ đầu mối tập trung hình thành ở các vùng có quy mô dân số, có nhiều cơ sở tiêu thụ lớn, là đầu mối giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển hoặc vùng sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn và cơ cấu đa dạng.

Một đặc điểm dễ nhận thấy, phần lớn chợ đầu mối chưa đủ tầm dù đã đáp ứng nhu cầu về không gian mua bán, lưu giữ hàng hóa trong ngày nhưng diện tích dành cho hệ thống kho, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa còn hạn chế. Một số chợ quá nhỏ nên vào các mùa vụ nông sản đã trở nên quá tải, làm hạn chế lượng hàng hóa lưu thông qua chợ. Mặt khác, đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thống (giao hàng ngay trong ngày), mua bán trực tiếp không qua hợp đồng, không chứng nhận xuất xứ hàng hóa; chỉ là nơi thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc các trang trại.

Hầu hết các dịch vụ có công nghệ cao, rõ ràng minh bạch như hỗ trợ mua bán qua ngân hàng, dịch vụ kiểm định chất lượng hàng hóa, phân loại đóng gói sản phẩm, bảo quản hàng hóa, tư vấn cung cấp thông tin thị trường… đều không được sử dụng, kể cả chợ đầu mối nông sản quy mô lớn. Chính vì vậy, việc thương lái tự định giá, ép giá nông dân diễn ra thường xuyên và dai dẳng.

Đặc biệt, chợ đầu mối chưa thực hiện biện pháp kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như việc truy nguồn gốc xuất xứ khi cần thiết. Các chợ mới chỉ hoàn thành chức năng tập trung các mối hàng để phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên khiến mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam chưa tương xứng với vai trò và yêu cầu phát triển ngành thương mại trong nước. Hơn thế nữa, việc thiếu vốn đầu tư cho hệ thống chợ từ ngân sách nhà nước, khó kêu gọi đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Mặt khác, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thương mại nhất là đối với chợ đầu mối còn rất hạn chế, chưa phù hợp. Cụ thể như không có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng… cho đầu tư xây dựng chợ.

cuu canh cho nong san viet nam cho dau moi van hanh i ach
Chợ đầu mối Long Biên - Hà Nội đang ngày càng quá tải và nhếch nhác.

Tại hội thảo về phát triển chợ đầu mối do Bộ Công Thương tổ chức, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông khẳng định: “Nhận thức chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất về vị trí, vai trò cũng như tiềm năng thương mại của chợ đầu mối… là những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chậm của hầu hết các chợ đầu mối tại Việt Nam. Mặt khác, đối với hoạt động thương mại, vị trí là rất quan trọng. Hiện nay quy hoạch ngành chưa gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ nên thiếu mặt bằng thuận lợi để bố trí hoạt động thương mại. Tại một số địa phương, quy hoạch còn mang tính định hướng hoặc chưa đồng bộ dẫn đến thực tế triển khai còn lúng túng, khó thực hiện".

Có thể thấy rằng, thực trạng đầu tư xây dựng, quản lý chợ đầu mối nói riêng và chợ địa phương nói chung đang vận hành ì ạch, chưa xứng tầm và kỳ vọng của Chính phủ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương lái ép giá, lũng đoạn thị trường khiến người dân thiếu thông tin và liên tục gặp cảnh “được mùa mất giá” trong nhiều năm qua.

Bùi Công