Xao nhãng dưỡng liêm

08:58 | 25/12/2011

264 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nơi nào để mất rừng, phá rừng nghiêm trọng kéo dài, ở đó chắc chắn tồn tại tiêu cực, bắt tay, bảo kê. Bởi gỗ rừng là sản vật rất lớn, không dễ gì mà phá, vận chuyển nếu như chính quyền các cấp, kiểm lâm, công an, dân quân thiếu trách nhiệm hoặc bắt tay, làm lơ...

Vụ lật xe chở gỗ lậu ở Nghệ An khiến 10 người chết và đến thời điểm này đã có 4 cán kiểm lâm Pù Huống gồm Trịnh Thanh Long – Hạt trưởng, Phan Sỹ Tuấn – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Nga My, Nguyễn Kim Hùng – kiểm lâm viên và Đào Công Thắng – Trạm trưởng Trung tâm – Hạt Kiểm lâm Pù Huống bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra bắt giữ vì tội danh trên. Cơ quan Công an cũng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam tài xế Vương Đình Hạnh vì tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra để làm sáng tỏ vụ việc.

Theo Bản tin Kiểm lâm, đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp đã vào cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Qua kiểm tra đoàn đã phát hiện nhiều loại gỗ được khai thác trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Tổng cục Kiểm lâm xác định, số gỗ lậu vận chuyển trên xe gồm 12 cột nhà và một số gỗ đã được đục, đẽo chế biến thành khung nhà thô, chủng loại gỗ chủ yếu là gỗ trai lý thuộc nhóm 2, trong đó có 7 cây cột được bốc tại nhà ông Nguyễn Ngọc Bình (bản Chon, xã Xiêng My, huyện Tương Dương) còn 5 cây cột khác bốc tại vườn ông Vi Văn Tuấn (cùng thuộc bản Chon, xã Xiêng My, huyện Tương Dương) là gỗ khai thác bất hợp pháp.

Qua phân bố các loài gỗ trên địa bàn các huyện trong tỉnh Nghệ An và địa bàn vi phạm, Tổng cục Kiểm lâm cho hay, số gỗ nói trên được khai thác ngay trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Tại địa điểm bốc xếp gỗ lên xe còn phát hiện một số gỗ có nguồn gốc không hợp pháp cất giấu trong nhà. Đặc biệt, qua kiểm tra trên địa bàn các xã Xiêng My, Nga My, Yên Hòa, lực lượng chức năng còn phát hiện một số gỗ các loại tập kết rải rác trong các nhà dân. Tổng cục Kiểm lâm cũng cho biết, tại một số khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cũng có hạt kiểm lâm nhưng lại trực thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ chứ không trực thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh. Chính vì vậy, đã nảy sinh bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý cán bộ đối với các kiểm lâm viên trong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.

Nhân vụ này, chúng tôi có ý tìm một vài tấm gương kiểm lâm chính trực từ những thông tin trên mạng. Truy cập vào google thì tràn ngập là tin giặc trong rừng – lâm tặc phá rừng và quan canh rừng thành giặc phá rừng kể cả trước vụ Pù Huống, Nghệ An. May quá có chuyện “vua chim” Trương Cảm, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên – Huế xưa là lâm tặc nay là kiểm lâm. Anh Cảm có khả năng đặc biệt “nói” được tiếng của hơn 200 loại chim để giữ rừng. Một ngày bất kỳ, khi Cảm gọi chim đến, nếu các loại chim đáp lại thì ngày hôm đó núi rừng bình yên vô sự.

Người thay đổi kiếp người cho Trương Cảm là ông Huỳnh Văn Kéo – Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã. Chính ông đã góp phần biếân một lâm tặc có hạng trở thành kiểm lâm vững vàng. Giờ đây, mỗi lần có khách tham quan Vườn Quốc gia Bạch Mã người ta lại thấy một hướng dẫn viên hăm hở dẫn đường, thuyết minh. Cảm đã vinh dự phục vụ nhiều vị lãnh đạo cấp cao thăm Bạch Mã. Tiếc rằng, gương quan canh rừng như Cảm lại vắng như sao buổi sáng, như lá mùa thu.

Nhận xét về vụ quan canh rừng thành lâm tặc ở Pù Huống, ông Nguyễn Đình Xuân, cựu đại biểu Quốc hội hai khóa XI và XII, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) cho biết:

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, nơi ông công tác không có tình trạng kiểm lâm bắt tay với lâm tặc bởi ở đây rừng không bị phá, không bị khai thác gỗ để cán bộ kiểm lâm thực hiện cái gọi là bắt tay, bảo kê. Nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát không bị mất một hécta rừng nào mà ngược lại đã vận động và cưỡng chế chặt bỏ hàng trăm hécta cao su, điều do người dân lấn chiếm trong các thời kỳ trước để chuyển sang trồng rừng. Tuy nhiên, ông Xuân thừa nhận tình trạng kiểm lâm phá rừng, bắt tay với lâm tặc là có thật. Không phá rừng, lấy gỗ rồi mua bán trái phép thì làm sao có chia chác, bắt tay. Chúng ta bức xúc vì những kiểm lâm biến chất nhưng cũng nên nhìn nhận sự việc thật khách quan bởi hiện vẫn còn rất nhiều kiểm lâm đang ngày đêm đổ mồ hôi, công sức, đổ máu để giữ rừng, chống lâm tặc. Trong lực lượng kiểm lâm đã có một bộ phận cán bộ, nhân viên bị thoái hóa, biến chất, tức là đạo đức có vấn đề. Ông Xuân cho rằng, một loạt các vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian ngắn, rõ ràng chúng ta cần gióng hồi chuông báo động về đạo đức kiểm lâm.

Không phải một con sâu, mà là nhiều con sâu trong ngành kiểm lâm làm rầu nồi canh. Trên diễn đàn Quốc hội, ông đã phát biểu trước Quốc hội rằng: Nơi nào để mất rừng, phá rừng nghiêm trọng kéo dài, ở đó chắc chắn tồn tại tiêu cực, bắt tay, bảo kê. Bởi gỗ rừng là sản vật rất lớn, không dễ gì mà phá, vận chuyển nếu như chính quyền các cấp, kiểm lâm, công an, dân quân thiếu trách nhiệm hoặc bắt tay, làm lơ…

Do đó, nếu chỉ nói trách nhiệm của Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Huống là chưa đủ. Ở đây, ngoài trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, còn phải xem xét trách nhiệm của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT. Các cơ quan này cần rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Nhân chuyện này, ông bạn già trọn đời cống hiến cho sự nghiệp đào tạo cán bộ lâm nghiệp tìm tôi. Ông nghiêm nét mặt nói rằng, kho từ điển Hán – Việt có đến 10 chữ Lâm nhưng trong hai từ kiểm lâm, lâm tặc chữ Lâm có khi khác nhau, nghĩa khác nhau đấy. Thì ra ông vẫn đau đáu vi nạn phá rừng. Rồi ông quả quyết, 100% các vụ phá rừng, thậm chí triệt hạ rừng đều có bàn tay kiểm lâm. Không có kiểm lâm chống lưng, mang một cành củi ra khỏi rừng cũng khó. Rồi ông nói thêm, bảo vệ rừng à? Một kiểm lâm 1.500ha rừng giữ khó lắm, canh không xuể. Nhưng rừng nào không có suối, không có cửa rừng. Kiểm lân chỉ cần chốt ở cửa rừng, cửa suối thì lâm tặc ra đường nào?

Đang lúc cao hứng ông phán rằng, mất rừng mất người là do cơ chế. Này nhé, kiểm lâm bắt được gỗ, có thể được thưởng 30% giá trị. Thế nhưng lúc bắt được 100 khối, sau vài ba năm để ở chi cục, đống gỗ bốc hơi chỉ còn dăm chục khối và đã mục nát vì dãi dầu mưa nắng. Đến khi có quyết định thanh lý, số tang vật bán đi không đủ chi cho các đoàn kiểm tra, định giá. Rốt cuộc anh em kiểm lâm bắt được gỗ còn được bao nhiêu, chưa chắc đủ liên hoan mừng công. Thế thì dưỡng liêm làm sao đây??? Trong khi lâm tặc sẵn sàng cưa đôi, tiền tươi thóc thật. Tuy không thể kết luận tất cả anh em đều cưa xẻ với lâm tặc nhưng ở nơi sơn lam chướng khí ấy liệu có giữ vẹn tấc lòng? Máu rừng vẫn chảy là vì vậy. Tất nhiên ngành kiểm lâm cũng phải tự kiểm lại mình… Dưỡng liêm tốt sẽ giữ được người; giữ được người thì không mất rừng!

Có thông tin, trong 9 tháng năm 2011, tại Nghệ An, nơi có vụ xe gỗ lật bật ra lâm tặc khoác áo kiểm lâm. Chi cục kiểm lâm đã phải kỷ luật 1 hạt trưởng và 4 kiểm lâm viên, bắt giữ xử lý đến 1.081 vụ vi phạm và tịch thu hơn 2,4 ngàn m3 gỗ. Số lượng này so với thực tế còn là xa vời nhưng cũng đã cho thấy câu chuyện về kiểm lâm và lâm tặc đã nóng lên nhiều lắm. Dám chắc rằng, rồi đây Nghệ An và nhiều áng rừng khác vẫn còn xảy ra những Pù Huống khác. Thật vậy, trung tuần tháng 12 này, tiếng cưa máy chạy bằng xăng vẫn ầm ầm trong rừng, chỉ cách trạm kiểm lâm, trụ sở chính quyền vài trăm mét. Bó tay!

Vậy là cách quản lý bộ máy ngành lâm nghiệp trong đó có công tác kiểm lâm chưa ổn. Ở nhiều nước, họ trao quyền cho người lãnh đạo rất lớn. Bộ trưởng có thể cách chức, miễn nhiệm cấp dưới nếu không hoàn thành nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì. Ở ta không như thế, Bộ trưởng đâu có quyền cách chức, cho nghỉ việc cấp dưới ở cơ sở, bởi Bộ trưởng không bổ nhiệm họ. Và Bộ trưởng cũng không thể can thiệp để có quỹ dưỡng liêm tương xứng.

{lang: 'vi'}

Thọ Vinh