Việt Nam tiến bộ nhanh chóng về chất lượng giáo dục

18:49 | 13/11/2019

396 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 13/11, tại Hà Nội, Ủy ban Giáo dục quốc tế (The Education Commisssion) đã công bố báo cáo Chuyển đổi nguồn nhân lực giáo dục: Áp dụng nhóm học tập để kiến tạo thế hệ học tập tại châu Á. Việt Nam được đánh giá đang tiến bộ nhanh chóng về chất lượng giáo dục.
viet nam tien bo nhanh chong chat luong giao duc
Toàn cảnh buổi công bố báo cáo

Theo bà Liesbet Steer, Giám đốc Ủy ban Giáo dục quốc tế, chỉ còn 10 năm nữa tới hạn cuối thực thi những Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) để đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng cho mọi người trên toàn cầu. Nhưng, thế giới đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng không đạt được mục tiêu này.

Bà Liesbet Steer cho biết, ngày nay 260 triệu trẻ em không được tới trường, hơn 600 triệu trẻ em tới trường đang không học được những điều cơ bản. Với xu hướng hiện nay, một nửa số trẻ em trên thế giới (800 triệu trẻ) sẽ không kịp học các kỹ năng cần thiết để phát triển vào năm 2030. Theo những đánh giá mới nhất của Ủy ban Giáo dục quốc tế, tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chỉ có 30% trẻ em đang đi đúng hướng để tốt nghiệp trung học và học được những kỹ năng cơ bản và tỷ lệ đó sẽ đạt 79% vào năm 2030.

Với Việt Nam, báo cáo đánh giá là đang tiến bộ nhanh chóng và khiến thế giới ngạc nhiên trong vài năm gần đây, khi xếp hạng thứ 8 toàn cầu trong số 65 quốc gia về bài kiểm tra trên chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM).

viet nam tien bo nhanh chong chat luong giao duc
Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tạ Ngọc Trí phát biểu tại buổi công bố báo cáo

Tại buổi công bố báo cáo, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tạ Ngọc Trí cho hay: Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang tiếp tục duy trì, phát triển kết quả này. Kết quả của Việt Nam qua các kỳ PISA năm 2012 và 2015 đã cho thấy, hiệu quả của chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Theo ông Tạ Ngọc Trí, để phát triển bền vững kinh tế xã hội, việc đầu tư phát triển cho giáo dục là vấn đề cốt lõi, chính vì vậy Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Luật Giáo dục 2019 vừa được thông qua đã cụ thể hóa việc chi ít nhất 20% ngân sách cho giáo dục. Trong phát triển giáo dục, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ giáo viên, nhất là vấn đề chất lượng. Luật Giáo dục 2019 đã quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở của Việt Nam là đại học.

Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Tạ Ngọc Trí chia sẻ: Để tiếp tục duy trì, phát triển các thành tựu giáo dục đã đạt được, Việt Nam đã và đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được xây dựng và ban hành, với mục tiêu chuyển từ tiếp cận chủ yếu về nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực học sinh, đích đến là trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam các kỹ năng bậc cao, các năng lực của thế kỷ 21.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) Việt Nam đã đưa hoạt động trải nghiệm vào trong hệ thống các môn học và hoạt động giáo dục. Việc đưa hoạt động trải nghiệm vào nhằm nhấn mạnh việc học tập các kiến thức trong sách vở gắn với thực tiễn cuộc sống hàng ngày, học tập thông qua việc trải nghiệm, ứng dụng các kiến thức vào đời sống hàng ngày.

Một trong các định hướng đó trong chỉ đạo của Việt Nam là việc chuẩn bị cho đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc đẩy mạnh phương pháp giáo dục STEM. Riêng vấn đề này, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có một chỉ thị chỉ đạo cụ thể các giải pháp trong đó có việc "Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông".

Để triển khai chương trình giáo dục này, việc nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên là cực kỳ quan trọng. Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Tạ Ngọc Trí đánh giá cao dự án về dạy học môn Toán tại một số trường phổ thông ở Việt Nam do nhóm chuyên gia của Ủy ban Giáo dục và Đại học Công lập Arizona tiến hành. Qua phương pháp dạy và học tập môn Toán của dự án này, thông qua việc ứng dụng công nghệ cao để tạo ra môi trường học tập thích ứng giúp giáo viên có thể nắm được điểm mạnh, điểm còn chưa tốt của từng học sinh trong quá trình dạy học, giúp giáo viên có phương án sư phạm phù hợp hỗ trợ việc học tập của học sinh một cách hiệu quả hơn.

Học sinh tham gia học tập trong dự án này được học tập chủ động, tích cực, phù hợp với năng lực thông qua việc thảo luận, làm việc qua dự án và trải nghiệm. Các hoạt động học tập này giúp học sinh phát triển các năng lực chung như giải quyết vấn đề, sáng tạo, kỹ năng bậc cao cần thiết cho công dân của thế kỷ 21.

Dự án cũng đã tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên cũng như nghiên cứu các cơ hội để có thể đưa phương pháp dạy thích ứng này vào khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tất cả các tư tưởng dạy và học trong dự án này đều phù hợp với các định hướng của Việt Nam trong triển khai chương trình giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Do đó, tổng kết đánh giá kết quả từ dự án này có ý nghĩa cho cơ quan quản lý Việt Nam trong việc chỉ đạo thực hiện.

viet nam tien bo nhanh chong chat luong giao duc
Ông Ju-Ho Lee, Ủy viên Ủy ban Giáo dục quốc tế, cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc chia sẻ tại buổi công bố báo cáo

Ủy ban Giáo dục quốc tế cũng khẳng định: Chỉ riêng giáo viên thì không thể truyền tải kiến thức chất lượng, cần có một đội ngũ các lực lượng cùng tham gia giáo dục học sinh. Giáo viên cần có người lãnh đạo và hỗ trợ để có thể tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương nhất một cách hiệu quả. Các nhóm học tập sẽ khai thác tiềm năng của nguồn nhân lực giáo dục lớn hơn, đó là những lãnh đạo cấp trường, cấp quận, các chuyên gia, trợ lý học tập, chuyên gia cộng đồng, doanh nghiệp, chuyên gia y tế và phúc lợi, phụ huynh, tình nguyện viên và nhiều lực lượng khác trong xã hội. Nhóm này làm việc cùng nhau để giúp tất cả trẻ em có thể thành công trong học tập.

Chia sẻ về nội dung báo cáo “Chuyển đổi nguồn nhân lực giáo dục”, Ủy viên Ủy ban Giáo dục quốc tế, cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Ju-Ho Lee cho biết: Tại nhiều quốc gia, lực lượng giáo viên đang thiếu hụt và được phân bố không đồng đều. Nhưng chỉ riêng lực lượng giáo viên không thể hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên Hợp Quốc về “Đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người” mà cần sự phối hợp của nhiều lực lượng để giáo dục một đứa trẻ. Giáo viên cần có người lãnh đạo và hỗ trợ để có thể tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương một cách hiệu quả.

Ông Ju-Ho Lee nhấn mạnh: Chúng ta cần một nguồn nhân lực giáo dục và các hệ thống có thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng trong thế giới ngày nay về nhân khẩu học, môi trường, các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ. Vì vậy, báo cáo của Ủy ban Giáo dục quốc tế đề xuất một tầm nhìn để tạo ra những hệ thống giáo dục khai thác các cơ hội mới, thích nghi và liên tục phát triển, học sinh được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công.

Nguyễn Hoan

viet nam tien bo nhanh chong chat luong giao duc

Đổi mới và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
viet nam tien bo nhanh chong chat luong giao duc

Đầu tư cho trẻ hôm nay để có nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai
viet nam tien bo nhanh chong chat luong giao duc

Ngành Giáo dục sẵn sàng nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0
viet nam tien bo nhanh chong chat luong giao duc

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời hội nhập