Trẻ em đang… ngồi quá nhiều

07:00 | 22/10/2015

704 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trẻ em Việt Nam đang ngày càng ngồi nhiều. Đó là cảnh báo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khi số liệu điều tra mới đây cho thấy, trẻ dành hơn 3 tiếng đồng hồ/ngày cho các hoạt động tư thế ngồi như xem tivi, chơi điện tử, học bài… ở nhà. Chưa kể đến thời gian ngồi học ở trường, ở lớp học thêm... Tính ra, thời gian ngồi có khi còn hơn cả thời gian ngủ trong ngày. Trong khi hậu quả của việc ngồi, kém hoạt động này mang lại cho trẻ khá nghiêm trọng. 

Ngồi như người già

Một cuộc điều tra sức khỏe toàn cầu của học sinh cho thấy, ở lứa 16-17 tuổi, trẻ dành thời gian cho các hoạt động ở tư thế ngồi chiếm tới 50%, lứa tuổi 13-15 chiếm 34%. Còn trẻ nói chung chiếm đến 30%. Nếu tính thời gian ngồi học ở trường nữa thì khoảng thời gian ngồi này còn tăng lên không ít. Như đối với học sinh trung học cơ sở chẳng hạn, bắt đầu có mặt ở trường là 7h15’, từ đó cho đến lúc kết thúc buổi học là 11h30’ các em hầu hết đều ngồi, trừ khoảng 15 phút ra chơi. Còn ngay khoảng thời gian 5 phút chuyển tiết, các em cũng không được ra khỏi chỗ và tất nhiên lại ngồi.

tre em dang ngoi qua nhieu
Trẻ béo phì

Đối với các em học bán trú thì thời gian ngồi còn nhiều hơn nữa khi học buổi chiều cũng khoảng thời gian ngồi tương tự. Tính ra mỗi ngày, bên cạnh ngồi ít nhất khoảng 3 tiếng khi ở nhà để chơi điện tử, xem tivi… như nghiên cứu đã chỉ ra thì các em còn ngồi 4-8 tiếng ở trường, tùy theo học bán trú hay không.

Theo TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thời gian ngồi như vậy của các em là quá nhiều. Tất nhiên vẫn biết, thời gian ngồi học ở trường là “bất di bất dịch” không thể thay đổi được nhưng ngay khoảng thời gian ở nhà đáng lẽ ra phải vận động chân tay, có thể bằng hình thức lao động hoặc tập thể dục thì các em lại ngồi. Điều đó dẫn đến những nguy cơ rất lớn về sức khỏe, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế hiện nay đã làm cho các bữa ăn của các em nhiều chất, thậm chí là dư thừa thì càng làm cho nguy cơ ấy tăng lên. Điển hình như tình trạng béo phì.

TS Lê Bạch Mai cũng dẫn dụ trong khi Tổ chức Y tế Thế giới đề ra mục tiêu đến năm 2015, không tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì thì ở Việt Nam sau 10 năm, lại tăng 9,2% và xảy ra ở mọi lứa tuổi mà không giới hạn ở lứa tuổi nào. Như vậy tình trạng béo phì thật đáng báo động!

Nguyên nhân được các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra chính là sự lười vận động, ngồi quá nhiều của trẻ em Việt đã khiến cho cơ thể không tiêu hao năng lượng, chuyển hóa năng lượng dẫn đến cơ thể… phát phì. TS Lê Bạch Mai nói: “Vận động của trẻ hiện nay trong xã hội giảm rất nhiều. Giờ đây trẻ sống trong phòng điều hòa, không toát mồ hôi; quạt tay được thay bằng quạt điện, chỗ chơi không có, đi học bố mẹ cũng chở đi mà không phải đạp xe như phần lớn học sinh trước đây, lại xem tivi, chơi điện tử nhiều nên sự tiêu hao năng lượng giảm làm cho cơ thể phát triển cân nặng vượt quá chỉ tiêu cho phép”.

Phát phì quá sớm

Tuy nhiên, bên cạnh kém vận động, ngồi quá nhiều thì điều tra sức khỏe toàn cầu đối với học sinh cũng nhận định nước ngọt có ga là “thủ phạm” thứ 2 gây ra tình trạng béo phì của nhiều học sinh hiện nay. Theo khảo sát của cuộc điều tra nói trên 1/3 các em được hỏi (5-19 tuổi) đều trả lời uống đồ uống có ga ít nhất 1 lần trong tháng, đặc biệt là ở lứa 13-19 tuổi.

Đây thực sự là con số đáng báo động, bởi theo TS Lê Bạch Mai, nước ngọt hoặc đồ uống có ga giàu năng lượng nhưng lại cực kỳ nghèo vi chất do chứa nhiều đường. Khi uống vào cơ thể đồ uống có ga cung cấp chỉ đường đơn, đường đôi (loại đường chỉ có trong bánh, kẹo, thực phẩm chế biến sẵn) mà không có đường đa. Trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đối với loại đường này chỉ chiếm không quá 5% năng lượng mỗi ngày mỗi người.

TS Mai phân tích: “Một học sinh trung học nhu cầu năng lượng khoảng 2.000kcal/ngày thì lượng đường đôi nạp vào cơ thể chỉ nên ở ngưỡng 25gram. Trong khi đó, 1 lon Coca Cola có 36 gram đường, 1 lon bò húc chứa 42 gram đường, 1 lon nước Sting có tới tận 56 gram đường. Chỉ cần 1 ngày trẻ uống một món đồ uống có ga thì tỷ lệ đường đơn, đường đôi được khuyến cáo đã vượt ngưỡng rất nhiều. Chưa kể đường từ các thực phẩm chế biến sẵn, gia vị. Như vậy, mỗi ngày, đường góp phần tạo mỡ, thừa năng lượng gây béo phì, gây các bệnh rối loạn chuyển hóa”.

Béo kéo theo bệnh

Không chỉ nguy hiểm khi nạp quá nhiều đường mà nước ngọt có ga nếu trẻ uống nhiều còn làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, một chất mà chế độ ăn hằng ngày của các em còn cung cấp chưa đủ. “Nếu đã thiếu canxi, lại thêm uống nhiều nước ngọt có ga thì việc đào thải chất này nhanh hơn khiến cho trẻ vừa còi xương vì thiếu canxi vừa “phát tướng” theo chiều ngang thay vì phát triển cân đối”, TS Mai khẳng định.

Hiện theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ béo phì đã chiếm khoảng 10% dân số toàn quốc, đặc biệt có địa phương tỷ lệ béo phì cao gần 30%. Như vậy, nguy cơ mắc những bệnh  lý do biến chứng từ béo phì rất cao. Đó là những bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch. Và theo bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã có trẻ em mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 - thể nặng đối với bệnh nhân đái tháo đường - do béo phì và lười vận động.

Bác sĩ Dương ví dụ: “Trẻ ăn hết 100gram phô mai, số lượng tưởng là ít nhưng để tiêu thụ hết số năng lượng do thực phẩm này mang lại, trẻ phải đi bộ nhanh 20km. Hay với bim bim, ăn hết một gói, nghĩa là trẻ đã nạp năng lượng và chất béo hơn một bát cơm. Mỗi ngày trẻ ăn hết vài gói, năng lượng tích tụ, vận động ít sẽ sinh béo phì và gây ra bệnh tiểu đường”.

Để khắc phục tình trạng trên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, các gia đình cần lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm có sẵn ở địa phương, ăn uống hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, thực hiện dinh dưỡng làm mạnh, tăng cường vận động thể lực phòng thừa cân, béo phì, thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Để hành động thiết thực hơn cho những khuyến cáo này thì từ ngày 16 đến 23/10/2015 diễn ra Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển với thông điệp: “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam”.

Theo cảnh báo của VIện Dinh dưỡng Quốc gia: Mặc dù đã giảm so với năm 2010 nhưng tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn xảy ra phổ biến ở trẻ em, phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai. Cụ thể gần 30% trẻ em có tình trạng thiếu máu, gần 30-33% phụ nữ có thai và ở tuổi sinh đẻ thiếu máu. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 13%. Có tới hơn 50% trẻ em thiếu sắt. Con số này ở phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ là 47% và 23%. Vi chất kẽm cũng thiếu trầm trọng khi 70% trẻ em thiếu và hơn 83% phụ nữ mang thai thiếu vi chất này. Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia là kết hợp các giải pháp đa dạng hóa bữa ăn, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao và tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…

Tú Anh

Năng lượng Mới số 467