Tin bợm mất bò

07:15 | 17/07/2015

2,437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên màn hình là một mẫu điện thoại thông minh với những tính năng vượt trội chẳng mấy thua kém Samsung, Iphone, Nokia và dòng chữ chỉ có 480.000 được một cặp 2 chiếc, số lượng có hạn, đăng ký mua ngay kẻo hết.

Những trò quảng cáo thiếu nhân văn

Những trò quảng cáo thiếu nhân văn

Hàng trăm người xếp hàng nhiều giờ giữa nắng nóng, khói bụi, mất tiền xăng xe... Còn doanh nghiệp khi đánh vào tâm lý lòng tham của người dân để quảng cáo hiệu quả mà không quá tốn tiền.

Tuy nhiên, khi khách hàng gọi điện đăng ký mua thì nhân viên bán hàng đề nghị cúp máy để nhân viên tư vấn gọi lại. Té ra 480.000 đồng chỉ là số tiền giảm giá để khuyến mãi, còn thực giá là 1,5 triệu đồng. Quảng cáo điêu toa đến thế là cùng mà vẫn được phát sóng hằng ngày!

Chưa bao giờ quảng cáo hàng hóa lại nhiều như hiện nay, nhất là sau khi dỡ bỏ “trần” chi phí. Vì vậy, nhà đài sẵn sàng cắt ngang xương thông tin, phim ảnh, chuyên đề để nhồi vào đó các quảng cáo. Còn nhớ, trong đợt chiếu một bộ phim hình sự ăn khách của tác giả nổi tiếng, mỗi một tập phim người ta đếm được không dưới 50 quảng cáo cả mới và lặp lại.

Quảng cáo chen vào cảnh hấp dẫn nhất như truy bắt tội phạm, súng gí vào mang tai, cặp tình nhân đang âu yếm nhau. Nghe nói chỉ có 30 giây nhưng tiền quảng cáo là mấy chục triệu đồng. Trên báo giấy, báo mạng cũng nhan nhản quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng.

Tin bợm mất bò
TPCN Super Growth Height bị phạt vì có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký

Các cụ cao tuổi cho tặng hàng hóa, nếu mua phải hàng rởm vì cả tin quảng cáo chỉ mất tiền oan, chứ cả tin quảng cáo thuốc có khi mất mạng vì quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vô tội vạ. Các bệnh huyết áp, gan, tiểu đường đâu có dễ chữa nhưng người ta thông tin thành “mẹo” chữa trong dăm bảy ngày. Không biết có bao nhiêu người tiền mất tật mang vì “mẹo” này.

Kinh khủng nhất là nghe quảng cáo thực phẩm chức năng chữa bệnh như thần dược của Hoa Đà. Nghe vừa hết mới thấy giọng nói nhanh như súng liên thanh rằng, đây không phải thuốc, không có tác dụng chữa bệnh. Thế nhưng, tại sao lại cho quảng cáo tác dụng chữa bệnh này, bệnh nọ. Còn trên trang mạng, quảng cáo bệnh kín, chuyện phòng the hiện ra ngay bên cạnh các thông tin quan trọng chính thống.

Còn nhớ, cách đây không lâu, Bộ Thông tin - Truyền thông, theo đề nghị của Bộ Y tế đã xử phạt 6 cơ quan báo chí với số tiền 140 triệu đồng vì “nối giáo cho giặc” khi cho đăng quảng cáo thực phẩm chức năng sai phép. Theo đó, báo T (TP HCM) bị phạt số tiền 25 triệu đồng do đăng sai phép các sản phẩm thực phẩm chức năng viên uống Hoa Thiên, trà Tam Thanh và Mãnh Chúa Diệu Khang.

Trong khi đó, báo Đ đăng quảng cáo sai phép đối với các sản phẩm trà Tam Thanh, Cốt Bách Bổ, Entive Dược Viramax, Maxhair không phù hợp với nội dung xin phép, bị phạt 25 triệu đồng; báo S chuyên ngành bị xử phạt 25 triệu đồng do đăng các sản phẩm Phụ Bì Khang, Ích Tâm Khang… không đúng nội dung cấp phép.

Ngoài ra, báo K bị phạt 25 triệu đồng do đăng quảng cáo không đúng phép cấp với các sản phẩm sau: Định Tràng Đơn, Bonioxy, Boni Gut, Boni Happy, Vương Tâm Thống, Minh Nhãn Khang, Boni Ancol, Boniseal; báo G bị phạt 20 triệu đồng do đăng sai phép các sản phẩm BoniStar, Bảo Khí Khang, Phụ Lạc Cao và phạt 20 triệu đồng đối với báo P khi cho đăng sai phép các sản phẩm Dầu tỏi tía Tuệ Linh trên ấn phẩm H của một tờ báo.

Cuối tháng 5 vừa qua, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ra quyết định xử phạt với 8 công ty vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với tổng số tiền 235 triệu đồng. Theo đó, trong 8 công ty có 3 công ty vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng trên báo và tờ rơi có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Còn 5 công ty có vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng không được cơ quan chức năng xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Cùng với việc xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các cơ sở trên dừng ngay hành vi vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, thu hồi tờ rơi quảng cáo vi phạm; đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ngoài việc phát hiện vi phạm qua công tác quản lý, Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của công dân và các tổ chức, đặc biệt là các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời, đầy đủ và đúng pháp luật vi phạm về an toàn thực phẩm, giúp cơ quan quản lý ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm.

Tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm trên báo giấy, báo mạng và các trang thông tin điện tử còn phổ biến, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan báo chí chỉ quảng cáo cho các sản phẩm đã được cơ quan y tế xác nhận nội dung và quảng cáo đúng với nội dung đã được cơ quan y tế xác nhận.

Không chỉ trong lĩnh vực y tế, đã có khách hàng mắc lừa vì mua hàng qua mạng, vì vớ phải các vụ “treo đầu dê bán thịt chó”.

Để bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý thị trường cũng cần vào cuộc kiểm tra việc quảng cáo và bán hàng online và xử phạt đến nơi đến chốn cả nơi bán hàng và nơi cho đăng tải quảng cáo sai sự thật, vẽ đường cho hươu chạy.

Thọ Vinh

Báo giấy số 440

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc