Phát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên số

08:51 | 28/06/2023

639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 27/6, tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã diễn ra hội thảo bàn về “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo

Tham dự hội thảo có PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ThS Lê Thanh Tùng - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu
PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Ngọc Linh cho biết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) có hệ thống báo chí lớn, có nhiều tiềm năng phát triển mạnh các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Trong thời gian qua, hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội đã luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành của Luật Báo chí năm 2016, Luật Xuất bản, pháp luật của Nhà nước… Bên cạnh đó, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội không ngừng cải thiện nội dung trở nên phong phú, hấp dẫn, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế số, vấn đề về kinh tế báo chí cần được chú trọng hơn bao giờ hết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của các tờ báo nói chúng và hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội nói riêng.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo đã diễn ra phần tham luận của các đại biểu đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

Phát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên số
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế Đô thị, Ủy viên ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam trình bày ý kiến tham luận

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế Đô thị, Ủy viên ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, quảng cáo không còn bị “nhốt” trong quan niệm “kiếm thêm”, mà là nguồn thu chính để báo chí tồn tại phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Do đó, hơn lúc nào hết các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để “xin” quảng cáo. Trong bối chuyển đổi số, các cơ quan báo chí nên thay đổi chiến lược, xây dựng các bộ phận truyền thông - quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp, từ đó mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững, lâu dài, tránh gặp những rủi ro không đáng có.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần đa dạng hóa nguồn thu. Để tăng nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó sẽ làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.

TS Nguyễn Văn Cảm - PTBT Tạp chí KHKT Thú y
TS Nguyễn Văn Cảm - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Cảm - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y cho biết, trước áp lực của nền kinh tế thị trường, câu hỏi đặt ra là làm sao giảm chi phí đến mức tối thiểu, tăng thu để duy trì hoạt động của một tạp chí tự chủ.

“Tạp chí của chúng tôi là do các bậc tiền bối tâm huyết với nghề xây dựng lên nhưng trong bối cảnh ngày nay, các bác có tuổi nghỉ dần, việc tuyển người mới gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc quan trọng nhất lúc này là cần phải đổi mới tạp chí, áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, áp dụng cải tiến trong công tác quản lý để giảm tối đa chi phí, từ đó tăng thu nhập cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên”, TS Nguyễn Văn Cảm chia sẻ.

Phát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên số
Nhà báo Đào Quang Bính - Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam phát biểu

Nhà báo Đào Quang Bính - Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam cho rằng, vào những thập niên cuối thế kỷ XX, truyền hình xuất hiện và phát triển mạnh mẽ đã lấy đi phần lớn doanh thu của báo chí (báo in) do truyền hình là một phương thức lý tưởng để truyền tải thông tin cũng như truyền tải quảng cáo trực quan, nhanh, tiếp cận được số lượng khán giả lớn.

Thập niên đầu thế kỷ XXI, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông, các “gã khổng lồ” mạng xã hội như Google, Facebook, Twitter, Tiktok… đã hút gần hết doanh thu từ quảng cáo. Do đó nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực chuyển đổi mô hình doanh thu khi phát hành song song bản in và bản kỹ thuật số.

Trong phần tham luận, nhà báo Đào Quang Bính đã trình bày những ví dụ thực tiễn về thất bại của các tờ báo lớn khi sử dụng dịch vụ thu phí độc giả những năm 2002-2007.

Tuy nhiên tình hình có sự thay đổi từ năm 2010 đến nay, nhiều cơ quan báo chí đã tái khởi động mô hình thu phí độc giả. Tờ Financial Times và Sunday Times bắt đầu thu phí độc giả từ 2010. The New York Times thu phí từ tháng 3/2011. Từ 2014 trở đi, hàng loạt cơ quan báo chí ở Phần Lan, Đức, Italia, Ba Lan, Pháp... cũng bắt đầu triển khai mô hình thu phí độc giả. Bất kỳ tòa soạn nào theo đuổi mô hình này đều phải hướng đến bạn đọc trung thành, đặt ra các tiêu chuẩn mới để có những bài viết chất lượng cao, hấp dẫn. Mô hình này không tập trung nhiều vào các bạn đọc vãng lai.

Phát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên số
PGS.TS Phạm Bích San - Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam trình bày ý kiến tham luận

PGS.TS Phạm Bích San - Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam cho biết, nếu là báo chí hoạt động theo nguyên tắc thị trường, kể cả thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, muốn thành công trước hết cần có thể chế thị trường. Khi đã có điều kiện cần này rồi, sớm hay muộn báo chí cũng tìm ra quy cách để "làm ăn" có hiệu quả sau một thời gian nhất định. Báo chí Liên hiệp Hội khoảng những năm 2000-2015 là một ví dụ minh chứng cho sự đi lên đó. Điều cần đề cập đến ở đây, chính là sự bảo hộ của nhà nước trong một thời gian nhất định khỏi sự cạnh tranh không bình đẳng từ phía nước ngoài, cũng như từ những khuynh hướng phi thị trường không lành mạnh.

Đặc biệt, báo chí Liên hiệp Hội hiện nay đang đối diện với những khó khăn chồng chất do thị trường thu hẹp, suy thoái kinh tế, đầu tư công hẹp lối và sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Nhận diện rõ những khó khăn này nên sự quan tâm hàng đầu của chúng ta để duy trì và phát triển hệ thống báo chí Liên hiệp Hội chính là: nâng cao trình độ dân trí nước nhà; tiến hành phản biện xã hội có cơ sở khoa học cũng như góp phần nâng cao thu nhập cho người làm công tác khoa học.

Phát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên số
Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập phát biểu

Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập chia sẻ, nhằm tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng cho tạp chí, sự đồng hành, gắn kết với các đối tác, nhất là các doanh nghiệp, là quan trọng nhất. Tạp chí Việt Nam hội nhập coi hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và đăng tải nội dung khoa học, phản biện khoa học là điều cốt yếu, vừa đúng với tôn chỉ, mục đích, vừa tạo mối quan hệ tốt với địa phương, cơ sở, doanh nghiệp để cùng phát triển. Gắn với yếu tố này là việc quán triệt, giáo dục phóng viên giữ gìn đạo đức người làm báo, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa trong tòa soạn và trong hoạt động báo chí, tạo được lòng tin và sự gắn kết lâu dài với cơ sở.

Bên cạnh đó, cần phối hợp tổ chức các hoạt động, hội nghị, tọa đàm khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí; vừa góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học, hoạt động phổ biến kiến thức, vừa tăng thêm nguồn thu cho tạp chí.

Phát triển kinh tế báo chí ổn định, bền vững trong kỷ nguyên số
Nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa phát triển phát biểu

Nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa phát triển cho biết, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, làm báo thì phải “bán” sản phẩm báo chí chứ không để bao cấp, do đó tạp chí điện tử phải tăng lượng bạn đọc truy cập để tăng khả năng thu hút quảng cáo và dịch vụ truyền thông. Chính vì thế, các phóng viên hiện nay không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí cùng một lúc, cùng một sự kiện có thể làm ra nhiều loại hình sản phẩm thông tin tĩnh và động mà cần phải có kiến thức cơ bản về kinh tế và hiểu biết về nguyên lý hoạt động thị trường truyền thông để tích cực tham gia vào các dự án, góp phần làm kinh tế báo chí, xây dựng chiến lược phát triển của tòa soạn.

Liên hiệp Hội Việt Nam tập huấn nghiệp vụ cho các cơ quan báo chí và trang tin điện tửLiên hiệp Hội Việt Nam tập huấn nghiệp vụ cho các cơ quan báo chí và trang tin điện tử
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Hành trình 40 năm tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốcLiên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Hành trình 40 năm tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện xã hộiBáo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện xã hội

Minh Đức