Thượng đỉnh G8: Thất bại được báo trước?

07:00 | 17/06/2013

791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chương trình nghị sự của thượng đỉnh G8 (diễn ra trong hai ngày 17-18/6) nặng trĩu những vấn đề nóng của thế giới. Đi sâu phân tích nhiều chủ đề lớn, giới quan sát cho rằng hội nghị này rất khó đạt được thành công đáng kể.

Các bộ trưởng ngoại giao gặp tại hội nghị G8 ở London 11/4/2013

Không phải ngẫu nhiên mà hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) lại thường diễn ra ở những khu nghỉ mát yên tĩnh, cách xa sự ồn ào của đô thị. Năm nay cũng vậy. Nước chủ nhà Anh chọn khu nghỉ dưỡng Lough Erne ở Bắc Ailen để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G8 trong hai ngày 17-18/6. Có lẽ chương trình nghị sự với nhiều vấn đề hóc búa, cộng với sức nóng từ bên ngoài phòng họp do làn sóng biểu tình chống chủ nghĩa tư bản gây ra là những lý do giải thích cho quyết định chọn địa điểm của một hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của hầu hết các cường quốc trên thế giới.

Nước Anh đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất là vào năm 2005. Khi đó, nền kinh tế thế giới vẫn đang trên đà tăng trưởng với những gam màu tươi sáng. Tuy nhiên, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi khi họ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G8 năm 2013. Nền kinh tế thế giới đã trải qua những cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài. Hiện châu Âu, nơi chiếm một nửa số thành viên G8, vẫn đang chật vật đối phó với khủng hoảng nợ công của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Thủ tướng Anh Cameron đã nói hồi tháng 11 năm ngoái rằng ông muốn hội nghị tập trung vào thương mại, thuế và tính minh bạch, gồm 3 chữ T trong tiếng Anh. Sau ngày đó lại nảy ra thêm một chữ T khác, terrorism, khủng bố, cộng thêm một chữ S, là Syria.

Về thương mại, sau bốn năm đàm phán, hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Canada đang ở giai đoạn cuối. Đàm phán giữa EU và Canada cho mọi người ở Washington thêm tin tưởng rằng nếu Mỹ chịu loan báo tại hội nghị G8 rằng họ sẽ chính thức bắt đầu đàm phán với EU về hiệp định tự do thương mại chắc chắn là to lớn hơn hiệp định giữa EU và Canada, thì thời gian kết thúc đàm phán có thể ngắn hơn thời gian bốn năm đàm phán giữa EU và Canada, một chuyện mà Mỹ đang cần. Tuy nhiên, bản thân ông Cameron cũng thừa nhận rằng cuộc họp thượng đỉnh của G8, bắt đầu bằng các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và EU - "chưa chắc" đã gặt hái được thành công. Pháp muốn các ngành công nghiệp nghe nhìn của nước này được bảo vệ trước bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai khối thương mại lớn nhất thế giới này. Thủ tướng Anh Cameron nói: "Các cuộc thảo luận đang diễn ra ở cả hai bờ Đại Tây Dương và chúng tôi đang hết sức nỗ lực để đi đến một thỏa thuận”. Theo ông Cameron, thỏa thuận này có thể mang lại cho nền kinh tế toàn cầu 100 tỷ euro (133 tỷ USD).

Các cuộc tranh cãi thương mại gần đây giữa EU, Nhật Bản và Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ được nêu ra trong các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo G8. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tham dự cuộc họp G8 để bảo vệ chính sách chi tiêu và chính sách nới lỏng tiền tệ một cách "mạnh tay" của Nhật Bản, được biết đến với tên gọi "Abenomics".

Về vấn đề thuế, Thủ tướng Anh Cameron, hiện có chỉ số tín nhiệm chính trị ở trong nước ngày càng không ổn định, hy vọng sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn trong các thỏa thuận mang tính quyết định nhằm giải quyết tình trạng trốn thuế trên toàn cầu. Sau khi các công ty đa quốc gia như Google, Amazon và Starbucks bị chỉ trích về các chương trình thuế, nước Anh muốn những người chủ của các công ty phải minh bạch hơn về nguồn thu cũng như các khoản thuế mà họ phải trả.

Với hội nghị G8 này, Chính phủ Anh nói rằng cần phải “củng cố các chuẩn mực quốc tế để giúp các quốc gia có thể thu được số thuế còn thiếu họ”. Muốn làm được chuyện này, cần phải có cơ chế trao đổi thông tin nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Hàng nghìn người Bắc Ailen hôm 15/6 đã biểu tình phản đối hội nghị thượng đỉnh G8

Một đề tài không kém quan trọng nữa, đó là tính minh bạch của những vụ sở hữu đất đai mà các công ty nước ngoài đã thu xếp với chính quyền của các nước đang phát triển. Trong vấn đề minh bạch, công việc chủ yếu ở đây là làm thế nào để các nước nghèo, nhất là các nước châu Phi, thực sự nhận được số tiền mà dầu khí hoặc chất khoáng của họ mang lại; thay vì số tiền đó bị thất thoát vào những vụ hối lộ, tham nhũng. Do đó, nếu mọi người đều công khai số tiền mà họ đã chi, thì điều đó rất tốt để giữ tiền của người châu Phi ở lại châu Phi để phục vụ cho người châu Phi.

Tình hình Syria cũng là một chủ đề nổi bật trong cuộc họp của G8. Trước đây, trọng tâm được đặt vào việc tổ chức một hội nghị hòa bình ở Geneve. Tuy nhiên, cuộc họp lần này của các nhà lãnh đạo G8 dường như bị chi phối bởi vấn đề gây tranh cãi là cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy sau khi Mỹ thay đổi chính sách và EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với phe đối lập Syria hồi tháng trước. Một nguồn tin từ chính phủ Đức cho biết G8 là cơ hội để tiếp xúc và trò chuyện với Tổng thống Nga Putin, "người đảm trách một vai trò đặc biệt là cung cấp vũ khí cho (Tổng thống Syria) Assad".  Theo nguồn tin này, mục tiêu vẫn là "quy tụ mọi người, bao gồm tất cả các bên tham chiến ở Syria, tại một hội nghị ở Geneve".

Chống khủng bố cũng sẽ là một trong những nội dung của hội nghị thượng đỉnh G8 lần này, theo đó Anh sẽ thúc đẩy một cam kết rằng cho dù các tay súng bắt cóc con tin thì chúng cũng sẽ không nhận được tiền chuộc - điều mà nước này cho rằng không được tất cả các quốc gia G8 tuân thủ. Anh nêu vấn đề này sau khi xảy ra một cuộc khủng hoảng con tin tại nhà máy khí đốt ở Algeri hồi tháng 1/2013, khiến 37 con tin nước ngoài bị thiệt mạng, trong đó có 6 người Anh.

Nhóm G8 – gồm Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Italia, Đức, Nga, và Mỹ - chiếm 50% sản lượng kinh tế thế giới

Trong những năm gần đây, nhiều người chỉ trích nhóm G8 không còn hợp thời, và cho rằng nhóm G20 hợp thời hơn. Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng kinh tế thế giới có nguy cơ tăng trưởng chậm hơn mức dự báo 3,3%, và triển vọng phục hồi vẫn rất mong manh. Trong bối cảnh đó, cán cân quyền lực trên bản đồ kinh tế thế giới dường như đã có sự thay đổi đáng kể khi động lực tăng trưởng chuyển dịch về phía Đông. Trung Quốc - một nước không thuộc G8 lại được coi là "đầu tàu" kinh tế toàn cầu, trong khi tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nước G8 vẫn còn rất ì ạch.

Dư luận tỏ ra hoài nghi về kết quả của hội nghị lần này. Những cạnh tranh về ảnh hưởng và mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước lớn vẫn là trở ngại muôn thủa, có thể làm tiêu tan bất cứ hy vọng nào đặt cược vào 2 ngày diễn ra hội nghị.

Việc chọn Bắc Ailen là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013 được coi là một thông điệp mạnh mẽ của nước chủ nhà về nỗ lực kiến tạo hòa bình, đảm bảo an ninh va phát triển. Không ai có thể phủ nhận một thực tế là, trước đây, Bắc Ailen vốn là mảnh đất của bạo lực và bất ổn và giờ đây, đó là mảnh đất của hòa bình, phát triển và thịnh vượng. Mặc dù vậy, hội nghị G8 vẫn không thể tránh được sức nóng đang tăng nhiệt khi người biểu tình khắp nơi trên thế giới đổ về Anh để phản đối sự bất công của chủ nghĩa tư bản. Anh đã chi 80 triệu USD để triển khai một chiến dịch an ninh lớn chưa từng thấy ở Bắc Ailen.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ Bắc Ailen để nuôi hy vọng vào một tương lai tươi sáng của kinh tế toàn cầu, vì sự phát triển và thịnh vượng chung. Tuy nhiên, thật khó tạo ra đột phá khi các nhà lãnh đạo G8 chưa thể tìm được tiếng nói chung về nhiều vấn đề khác nhau.

Th.Long (Tổng hợp)