Thực ra nước Anh muốn gì qua vụ Brexit?

16:29 | 21/06/2016

1,161 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn 2 ngày nữa (23/6), cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh nên đi hay ở lại Liên minh châu Âu. Từ hơn một năm nay, người ta nói nhiều tới cuộc trưng cầu này và càng đến sát ngày bỏ phiếu, truyền thông quốc tế lại ra rả suốt ngày. Vậy tóm lại vì sao người Anh lại muốn rời EU?
tin nhap 20160621162531

Tất cả mọi chuyện đều do ông David Cameron mà ra. Để thắng cuộc bầu cử Quốc hội Anh hồi tháng 5/2015, ông Cameron chơi lá bài sinh tử: sẽ xem xét đưa nước Anh ra khỏi khối EU thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Sở dĩ tuyên bố này được nhiều cử tri Anh ủng hộ vì người Anh lâu nay vẫn cho là công dân các nước châu Âu khác tới Anh để giật “mẩu bánh mì” của họ. Vấn đề di cư và người nhập cư luôn là đề tài tranh luận tại Anh.

Và với chiêu bài này, ông Cameron thắng cử vượt qua mọi cuộc thăm dò trước đó. Sau đó ông còn thành công trong việc ép các lãnh đạo châu Âu phải nhượng bộ một số đòi hỏi của mình nếu họ muốn ông ở lại EU. Có được thứ mình muốn, ông Cameron phải quay lại vận động cư tri Anh không rời EU nữa.

Nhưng các đảng đối lập không chấp nhận điều đó. Họ quyết làm khó ông hơn là để gây áp lực với Bruxelles. Bởi lẽ EU trước đó đã nhượng bộ trả lại cho London một số thẩm quyền, giảm bớt tài trợ xã hội cho công dân một số nước Đông Âu, tức giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nước Anh.

Theo giới phân tích, nếu cộng điểm của cử tri Công Đảng, của cử tri ở Bắc Ailen và Scotland có tiếng thân châu Âu lại với nhau thì dù đảng bảo thủ của ông Cameron có chia rẽ, dù phe dân túy lên điểm, thì kết quả trưng cầu dân ý sẽ thuận lợi cho xu hướng ở lại với châu Âu.

Tóm lại, câu chuyện nước Anh đi hay ở EU chỉ là những đấu đá chính trị mang tính nội bộ. Người dân Anh thừa biết rằng cái giá phải trả cho họ là quá đắt nếu họ bỏ phiếu rời châu Âu.

Rời bỏ EU sẽ làm nền kinh tế Anh mất đi 56 tỉ Bảng mỗi năm trừ phi nước này mở cửa biên giới hơn nữa cho thương mại và lao động nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Đó là cảnh báo của tổ chức Open Europe trong báo cáo đánh giá về những được mất nếu Anh rời khỏi liên minh này.

Báo cáo đưa ra 4 kịch bản dựa trên viễn cảnh Anh rời khỏi EU từ ngày 1/1/2018. Trong kịch bản tồi nhất, Anh rời khỏi Liên minh thuế quan và thị trường chung EU và không đạt được một thỏa thuận thương mại (FTA) với khối này. Kết quả là GDP của Anh sẽ thấp hơn 2,2% so với khi Anh vẫn ở trong EU.

Còn ở kịch bản tốt nhất, GDP của Anh sẽ tăng 1,6% nếu nước này đạt được FTA với phần còn lại của EU và dỡ bỏ hàng rào thương mại với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, cả 3 kịch bản tốt hơn đều đòi hỏi Anh phải nới lỏng nhập cư.

Cũng theo tính toán của Europe Open, các ngân hàng, hãng bảo hiểm và các công ty dịch vụ tài chính sẽ chịu nhiều tổn thất nhất nếu Anh rời khỏi EU và mất quyền bỏ phiếu trong khối. Dựa trên các cuộc phỏng vấn các doanh nghiệp, các hiệp hội kinh doanh và các công ty, Open Europe kết luận rằng, khu vực xuất khẩu sẽ trải qua sự gián đoạn và bất ổn định trong trường hợp Anh rời khỏi EU.

Theo The Guardian, nếu rời EU, nông dân Anh sẽ bị mất trợ cấp của khối– năm 2015 lên đến 3,8 tỉ euro. Có 73 mặt hàng thực phẩm có thể bị mất chứng nhận chất lượng EU. Lĩnh vực nghiên cứu cũng mất 1,2 tỉ euro trợ cấp của EU, theo Digital Science. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, đi du lịch châu Âu sẽ phải tốn thêm 292 euro, còn theo bộ Tài chính, mỗi hộ gia đình sẽ bị thiệt trung bình 5.390 euro từ nay đến năm 2030.

Về mặt công ăn việc làm, khoảng 1.200 người Anh làm việc cho Ủy ban châu Âu sẽ bị mất việc, và nhìn chung, từ nay đến 2020 có đến 950.000 người Anh bị thất nghiệp.

Nh.Thạch

AP, AFP, Reuters