Theo dõi chặt việc xuất khẩu giày da sang thị trường EU

18:28 | 22/09/2011

570 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia khuyến cáo, thay vì ồ ạt tăng xuất khẩu sang thị trường EU, doanh nghiệp nên tìm kiếm hợp đồng có giá trị và chất lượng, theo dõi kỹ số lượng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU, đảm bảo xuất khẩu được nâng lên một cách hợp lý, công khai, minh bạch.

Sản xuất giày da xuất khẩu.

Ngày 22/9, tại TP HCM, Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương phối hợp với Ban quản lý Dự án hỗ trợ thương mại đa biên và Hiệp hội Da giày Việt Nam tổ chức hội thảo bàn về “Chương trình giám sát nhập khẩu của EU với các loại giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc”.

Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Da – Giày của nước ta ước đạt 4,18 tỉ USD bằng 74,7% kế hoạch cả năm, tăng 29,2% so với cùng kỳ, trong đó 50% lượng xuất khẩu là sang thị trường EU. Kim ngạch xuất khẩu của ngành trong những tháng gần đây đều tăng cao so với cùng kỳ (tháng 4 tăng 13,1%, tháng 5 tăng 34,1%, tháng 6 tăng 26,1%, tháng 7 tăng 22,6%, tháng 8 tăng 17,4%).

Nguyên nhân do EU dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày da Việt Nam từ ngày 1/4/2011 là điều kiện để các doanh nghiệp được bình đẳng hơn trên thị trường quốc tế; Sự chuyển dịch mạnh mẽ đơn hàng từ Trung Quốc bởi chi phí sản xuất tại Trung Quốc hiện khá cao; Sức mua được phục hồi, nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Bên cạnh đó, do uy tín đối với khách hàng nên nhiều thương hiệu giày dép lớn của EU và Mỹ đã tới và tìm hiểu để đặt vấn đề mua hàng từ Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nước ta hiện nay là thiếu hụt lao động, lạm phát tăng cao đã làm cho chi phí đầu vào cao và ảnh hưởng đến sự ổn định nguồn lao động và thu hút lao động. Phần lớn các doanh nghiệp đều từ chối tiếp nhận thêm đơn hàng do thiếu lao động và chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thiếu khả năng tự cân đối nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế khả năng thiết kế tạo mẫu giày và khả năng tiếp cận thị trường. Các đơn hàng phụ thuộc nhiều vào đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đối mặt với sức ép từ Chương trình giám sát nhập khẩu của EU đối với các loại giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc (về giá xuất khẩu, số lượng xuất khẩu, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm), sức ép về các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn nhãn mác…

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, thay vì ồ ạt tăng xuất khẩu sang thị trường EU, doanh nghiệp nên tìm kiếm hợp đồng có giá trị và chất lượng, theo dõi kỹ số lượng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU, đảm bảo xuất khẩu được nâng lên một cách hợp lý, công khai, minh bạch. Đối với các doanh nghiệp gia công cần theo dõi sát giá xuất khẩu, đảm bảo không thấp so với giá thành sản phẩm để tránh vô tình rơi vào bán phá giá. Đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chống gian lận thương mại.

Mai Phương