Thế giới đêm qua - 26/4

08:41 | 27/04/2019

152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế Liên hợp quốc. Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Venezuela. Đấu súng giữa lực lượng an ninh và một nhóm đối tượng ở Sri Lanka.
the gioi dem qua 264Mỹ - Hàn tập trận, Triều Tiên dọa sẽ có hành động đáp trả
the gioi dem qua 264Nga và Triều Tiên cần và muốn gì ở nhau?
the gioi dem qua 264Quân Chính phủ Syria chuẩn bị chiến dịch giải phóng Idlib
the gioi dem qua 264
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

1. Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế Liên hợp quốc

Ngày 26/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính quyền của ông sẽ ngừng phê chuẩn Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế của Liên hợp quốc (UNATT) và sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này khi cho rằng hiệp ước này là “sai lầm tồi tệ” và là mối đe dọa đối với sự tự do của Mỹ.

Thông báo trên của Tổng thống Trump được đưa ra tại một hội nghị thường niên của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) được tổ chức tại Indianapolis, bang Indiana. Tổng thống Trump cũng cho biết Liên hợp quốc sẽ sớm nhận được thông báo chính thức về việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một số nhóm quốc tế đã lên án hành động này của Mỹ. Chủ tịch nhóm Oxfom Abby Maxman cho rằng Mỹ sẽ chặn vũ khí với Iran, Triều Tiên và Syria với tư cách là quốc gia không ký kết hiệp ước lịch sử có mục đích duy nhất là bảo vệ những người dân vô tội khỏi vũ khí chết người.

Còn trong một thông báo, ông Adotei Akwei, thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế Mỹ, cho biết với thông báo này chính quyền Tổng thống Trump sẽ mở cửa trở lại cho hàng loạt các thương vụ bán vũ khí với các tiêu chí nhân quyền bị suy yếu.

2. Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Venezuela

Ngày 26/4, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Venezuela và một thẩm phán của quốc gia Nam Mỹ này.

Thông báo của bộ trên cho biết lệnh trừng phạt mới được áp đặt với Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza và thẩm phán Carol Padilla với cáo buộc liên quan tới cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trước đó, ngày 17/4, Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Venezuela, theo đó sẽ cấm toàn bộ các giao dịch của công dân Mỹ với đối tác Venezuela, đồng thời phong tỏa mọi tài sản tại Mỹ của Ngân hàng Trung ương Venezuela cũng như Thống đốc ngân hàng này, Iliana Josefa Ruzza Teran.

Lý do Washington đưa ra là các hoạt động và các đối tượng trên là nguồn tài trợ chính cho chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Đáp lại, Chính phủ Venezuela đã phản đối các hành động gia tăng chiến tranh kinh tế của Mỹ chống Venezuela và một số nước khác như Nicaragua và Cuba.

3. Đấu súng giữa lực lượng an ninh và một nhóm đối tượng ở Sri Lanka

Người phát ngôn của quân đội Sri Lanka cho biết ngày 26/4, một vụ đấu súng đã nổ giữa lực lượng an ninh và một nhóm đối tượng tại miền Đông Sri Lanka. Theo nguồn tin, lực lượng an ninh đã thực hiện cuộc truy quét tại thị trấn Ampara Sainthamaruthu, gần Batticaloa.

Người phát ngôn xác nhận một vụ nổ đã xảy ra tại khu vực trên. Các binh sỹ đã bị tấn công khi đến hiện trường để điều tra vụ việc. Lực lượng an ninh đã nổ súng đáp trả và hiện chưa có thông tin về thương vong.

Kể từ khi xảy ra chuỗi vụ đánh bom liều chết nhằm vào các nhà thờ và khách sạn hạng sang tại Sri Lanka vào ngày 21/4 khiến hơn 250 người thiệt mạng, các lực lượng an ninh nước này đã tiến hành truy quét các đối tượng tình nghi trên khắp cả nước để tìm ra manh mối về hung thủ và những kẻ ủng hộ. Đây là loạt vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở quốc gia Nam Á này kết thúc một thập kỷ trước đây.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận gây ra vụ tấn công này, nhưng không đưa ra bằng chứng. Tuy nhiên, nhà chức trách Sri Lanka cáo buộc 2 nhóm Hồi giáo trong nước là NTJ và Jammiyathul Millathu Ibrahim liên quan đến vụ tấn công.

4. Mỹ nhất trí với Nga và Trung Quốc về việc rút quân khỏi Afghanistan

Sau cuộc gặp với đại diện của Nga và Trung Quốc ở thủ đô Moskva, Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad ngày 26/4 cho biết, Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc cho giải pháp chiến lược của thỏa thuận hòa bình mà nước này đang thúc đẩy đàm phán ở Afghanistan, cụ thể là rút quân đổi lại việc Taliban cam kết không tiếp nhận các phần tử cực đoan nước ngoài.

Trong khi đó, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết ba nước kêu gọi tiến hành việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan một cách có trật tự và trách nhiệm. Ngoài ra, Taliban đã đưa ra “cam kết” chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những phần tử có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Theo Đặc phái viên Khalilzad, tuyên bố chung nêu trên, cùng với các cuộc đàm phán của ông với những đại diện của châu Âu hồi đầu tuần này, “đồng nghĩa với cộng đồng quốc tế đang có đồng thuận về cách tiếp cận của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan cũng như về những bảo đảm rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ không còn bắt nguồn từ Afghanistan".

5. Tổng thống Mỹ lên tiếng về cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Triều Tiên

Ngày 26/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh những tuyên bố của người đồng cấp Nga Vladimir Putin về vấn đề Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết thêm, Trung Quốc đang giúp sức bằng cách tiến hành các nỗ lực hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định ông rất cảm kích về sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại thành phố cảng Vladivostok của Nga. Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận việc tăng cường quan hệ song phương cũng như nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

Lâm Anh (t/h)