Thăm ngôi trường dành cho những trẻ em kém may mắn

18:00 | 09/09/2013

5,624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hòa trong không khí của năm học mới, những học sinh khiếm thị của trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cũng náo nức đón một ngày đặc biệt, cùng cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Nơi trẻ học chữ… bằng tay

Đã từ lâu, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã là địa chỉ đặc biệt dành cho những học sinh không may mắn mất đi ánh sáng. Học sinh khiếm thị của trường có cuộc sống tự lập, xa gia đình khi còn rất nhỏ, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, các em vẫn luôn nỗ lực cố gắng để vượt lên khó khăn và hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.

Để trở thành một học sinh của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, học sinh cần trải qua một đợt kiểm tra về nhận thức cơ bản, về tiếp xúc đầu ngón tay… để các thầy cô có phương án tiếp cận học sinh một cách tốt nhất. Lứa tuổi học sinh ở đây phổ biến từ 6-13 tuổi, tuy nhiên, cũng có khá nhiều học sinh 14-15 tuổi mới có cơ hội đến trường, học cái chữ và tiếp xúc với bạn bè, thầy cô lần đầu tiên.

Học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trong buổi nhập học.

Trong năm học đầu tiên, các em khiếm thị sẽ học Lớp dự bị (lớp Tiền hòa nhập) để làm nền tảng cho chương trình lớp 1. Ở năm học này, các em sẽ ở nội trú, học cách đi lại, định hướng và sống tự lập.

Khi mà bước chân vào trường, nhiều em chưa hề biết chữ, không thể thấy được những gì thầy, cô viết trên bảng, những tranh ảnh, đồ dùng minh họa. Thậm chí nhiều em không dám giao tiếp với người khác và không có hiểu biết gì về thế giới bên ngoài. Sau thời gian học lớp dự bị, các em chính thức bước vào học hòa nhập cùng với các bạn bình thường trong suốt 9 năm học cấp THCS. Tuy nhiên, thời gian học dự bị có thể kéo dài từ 1 năm đến 3-4 năm với từng đối tượng học sinh.

Có thể nói, mỗi giờ học với các em thực sự là cả sự nỗ lực rất lớn của ý chí và lòng kiên trì. Mỗi lớp chỉ có khoảng từ 2 - 5 em khiếm thị, nhưng để các em tiếp thu được bài như bao bạn khác, thì thầy cô phải dành cả sự quan tâm đặc biệt và biết cách tổ chức lớp sao cho cả tập thể cùng quan tâm giúp bạn.

Trong ngày đầu tiên đến trường, nhiều em tỏ ra sợ hãi, lo lắng khi tiếp xúc với bạn bè, thầy cô. Với những trường hợp này, các thầy cô giáo phải cầm tay chỉ dẫn từng cách đi lại, cách xác định phương hướng, giới thiệu học sinh làm quen với nhau… để các em nhanh chóng hòa nhập được với môi trường mới.

Em Vũ Kiều Chinh (15 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh) là một trường hợp học sinh có hoàn cảnh éo le, nhưng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong học tập để vươn lên. Sinh năm 1998, nhưng phải đến năm 14 tuổi, Chinh mới được đến trường lần đầu tiên và vào học lớp dự bị. Mẹ em đã mất từ khi mới sinh em, đến năm 2011, bố em cũng mất vì căn bệnh xơ gan. Do gia đình quá khó khăn, anh trai Chinh đã phải bỏ học đi làm phụ xe tuyến Hà Nội - Hải Dương, để em ở cùng chú thím. Năm 2012, gia đình đưa Chinh vào học nội trú tại trường Nguyễn Đình Chiểu để em được học kiến thức và có thể hòa nhập được với cuộc sống bình thường. Chinh chia sẻ, vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, em rất ít khi được gặp anh trai, hai anh em chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại.

Tươi cười bên mẹ.

Chinh cho biết, thời gian đầu, việc học mặt chữ, học đọc, học viết bằng chữ nổi đối với em rất khó khăn bởi em chưa được đi học, việc nhận biết mặt chữ không hề dễ dàng. Ngoài ra, học làm toán, học âm nhạc cũng gây khó khăn cho em. Chinh nói: “Những ngày đầu đi học, cô giáo phải cầm tay chỉ cho em nhận biết từng con chữ. Hiện nay em đã có thể làm toán trong phạm vi 10. Học kỳ 1 em được học sinh tiên tiến, học kỳ 2 được học sinh giỏi, nên thầy cô đã đồng ý cho em học lớp 1”.

Là một phụ huynh đưa cháu đi nhập học trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, ông Tạ Đình Định (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, cháu nội ông bị hỏng mắt từ khi mới sinh ra, do dị tật trong thời kỳ thai sản. Mãi đến tháng thứ 3 sau khi sinh, mọi người soi đèn vào mặt mà cháu cũng không có phản ứng gì, đến lúc ấy, gia đình cháu đi khám. Hết Viện Mắt TW rồi tới thầy thuốc đông y, nhưng các bác sĩ đều kết luận cháu bị nghẽn dây thần kinh nên mắt bị mờ, không thể nhìn như bình thường và cũng không thể chữa được.

Ông chia sẻ: “Năm nay cháu 8 tuổi, mắt mờ nên không đi học ở đâu. Nhưng cháu rất thông minh, gia đình cũng thường dạy cháu tiếp xúc với đồ vật, vật nuôi nên cháu nhanh nhẹn, hiếu động. Tôi cho cháu học ở trường Nguyễn Đình Chiểu thay vì trường dành riêng cho học sinh khiếm thị vì muốn cháu được hòa nhập cùng với các bạn bình thường, mong sau này cháu sẽ tự tin hơn trong cuộc sống. Cũng động viên cháu nhiều lắm, cũng may có cô giáo và các bạn giúp đỡ nhiều".

Phải thương và yêu trẻ mới gắn bó được với nghề

Là một giáo viên gắn bó với trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu từ khi mới thành lập, cô Nguyễn Thúy Ngà chia sẻ: "Nhà trường có những phương pháp riêng để tạo môi trường bình đẳng và tuyệt vời nhất cho các học sinh khiếm thị. Các bé nội trú lần đầu xa gia đình khá nhút nhát, nhưng chỉ sau một thời gian sống cùng các bạn là hòa nhập được ngay. Học sinh khiếm thị của chúng tôi không hề tự ti mặc cảm mà ngược lại còn rất tích cực tham gia mọi phong trào, kể cả thể thao, văn nghệ”.

Cô giáo Thúy Ngà về công tác tại trường Nguyễn Đình Chiểu tới nay đã tròn 29 năm, có thể nói là một trong những giáo viên bám trụ với nghề lâu nhất trường (trường Nguyễn Đình Chiểu được thành lập năm 1982, năm 1983 cô Ngà về dạy các học sinh khiếm thị).

Quãng thời gian đó cũng để cho cuộc đời của một nhà giáo có nhiều duyên nợ với nghề, ngay từ khi mới nhận công tác chính bản thân cô cũng không lường trước được những khó khăn đến với mình. Tốt nghiệp Trường Sư phạm mẫu giáo Cửa Bắc (nay là Trường trung cấp Sư phạm mẫu giáo Hà Nội), chuyên ngành của cô hoàn toàn không dính dáng chút gì tới trẻ khiếm thị hay khuyết tật. Còn nhớ, thời gian đầu về trường làm giáo viên, mỗi năm phải đi học, đi bồi dưỡng kiến thức do các thầy trên Viện Khoa học giáo dục về giảng. Suốt từ năm đó đến năm 2000 không một năm nào là không đi học nghiệp vụ về trẻ khiếm thị. Cô Ngà khoe rằng, nếu tính chứng chỉ các loại có lễ xếp hàng cao bằng đứa trẻ con để ở nhà vì mỗi năm phải học để cập nhập được tình hình của trẻ khiếm thị.

Cô giáo Nguyễn Thúy Ngà.

Nói về lí do chọn đến với trường chuyên biệt này, cô Ngà chỉ khiêm tốn “Được dạy và đào tạo cho các em thiệt thòi là mình thấy vui, bản thân các em đã không được như người khác, điều đó chính là điều khiến mình nghĩ mình phải làm gì đó cho các em. Và quyết định bỏ dạy mẫu giáo để đến với các em”.

Để dạy được những trường hợp chuyên biệt là những trẻ em khiếm thị này, điều khó khăn nhất đối với một người thầy là làm sao cho các em tập trung. Có tập trung mới tiếp thu được bài. Lớp cô Ngà năm 2012 có tất cả 16 học sinh khiếm thị, các em có những tính cách khác nhau, ngay cả trình độ tư duy, nhận biết cũng rất khác nhau. Điều đầu tiên phải dạy cho các em các cầm bút viết chữ nổi như thế nào cho đúng, kinh nghiệm 29 năm đứng lớp là cho học sinh quan sát bút trước, quan sát bằng cách cho các em sờ vào lõi bút, mồm thì nói nhưng tay phải làm.

Công việc này đòi hỏi người thầy phải kiên trì, có học sinh chậm nhận biết phải mất tới 2 giờ đồng hồ mới cầm được bút. “Nếu các cháu cầm bút đúng thì vừa viết đẹp vừa viết nhanh, nếu cầm sai tư thế chữ sẽ bị nghiêng và điểm thấp”, cô Ngà nói.

Cô Ngà tâm sự rằng, trước kia sĩ số mỗi lớp chỉ từ 4-8 học sinh, việc dạy các em dễ dàng hơn bây giờ. Ngay như năm nay với 16 em, mỗi tiết cô giáo quay như chong chóng cũng không kịp để dạy cho các em hiểu bài.

“Bạn thử nghĩ xem, với từ 4-8 học sinh/lớp kết quả học tập sẽ vừa ý với mình, nhưng hiện giờ đang quá tải. Có những tiết tiếng Việt cô giáo giảng lần thứ 2 mà các con vẫn chưa hiểu, lần thứ 3 phải đến từng bàn, với những bàn 2 con hiểu hết còn đỡ, đằng nay có con hiểu, con không, cô giáo lại phải dạy lại, thử nghĩ với 16 em như thế thì cô giáo rất vất vả. Nhưng vất vả đó bọn mình đã quen rồi, đã xác định là nghề nghiệp và quan trọng hơn là lòng thương các con để làm sao các con được lên lớp là vui”, cô Thúy Ngà chia sẻ.

Tấm bản đồ bằng bìa nổi để dạy trẻ về Địa lý.

Quả thực, điều khiến cô Ngà vui nhất là những khi kết thúc năm học các con được lên lớp, kết thúc mỗi tiết học mắt các con sáng lên vì hiểu bài. Đó là những niềm vui giản dị nhất. Cô chia sẻ: “Dạy các con ở đây có nhiều con đáng thương, có con hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm, nhà ở xa. Cũng xuất phát từ tình thương, mình đã từng làm mẹ mình biết, chỉ biết rằng dạy các con với mức độ hết sức của mình để mong sao hết năm học các con lên lớp một cách chắc chắn, trong tâm các con vững vàng”.

Cô Ngà còn cho biết, nếu trẻ được tiếp cận với chương trình can thiệp thì sẽ có ảnh hưởng rất tốt, lúc này các cháu có thể tự phục vụ được càng sớm nên số tuổi cao vào lớp 1 ít dần đi. Nếu được can thiệp sớm thì các cháu biết được nhiều hoạt động như về chữ, định hướng di chuyển, cha mẹ có định hướng sớm, các cháu nhập trường tiếp  thu được ngay. Trước đây có những cháu 2 năm mới được lên lớp 1, phải học lớp dự bị nhưng bây giờ việc sau 2 năm học lớp dự bị ít dần.

Thêm vào đó, cô Ngà đưa ra lời khuyên: “Để trẻ tiến bộ nhanh, tiếp thu nhanh thì bố mẹ cũng phải học cùng với trẻ và phải chăm chỉ ôn luyện cùng trẻ. Nếu bố mẹ nào “lười”, phó mặc con cho các cô giáo, cho nhà trường thì trẻ rất khó tiến bộ được”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Trương Uyên Hải, Phó hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, tuy là các em  khiếm thị, có thiệt thòi nhưng các giác quan của các em vẫn nhanh nhạy, trong 154 em học sinh khiếm thính của trường có những em có khả năng riêng, nhưng số lượng này không nhiều. Ngoài ra, các em trong quá trình học văn hóa còn được học nhạc, học ngoại ngữ, tin học và học nghề massage.

Khánh An