Tàu sân bay không phải là “đồ trang sức”

07:00 | 22/12/2013

4,868 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khởi hành ngày 26/11/2013 và sau vỏn vẹn ba ngày nếm mùi gió mặn biển Đông, “tàu sân bay” Liêu Ninh đã an toàn trở về cảng Tam Á (Hải Nam), không trục trặc gì! Đây là chuyến ra khơi Biển Đông đầu tiên của Liêu Ninh (được hộ tống bởi hai khu trục hạm và hộ tống hạm). “Chúng tôi đã chuẩn bị tốt và chuyến hải hành là một thành công” - thuyền trưởng Trương Tranh nói.

Năng lượng Mới số 283

Câu chuyện của “Đô đốc Kuznetsov”

Để xây dựng một hải quân mạnh hoàn toàn không phải cứ bỏ tiền ra mua tàu sân bay là xong chuyện. Nội chi phí để vận hành một tàu sân bay Mỹ đã ngốn đến ít nhất 1 triệu USD/ngày! Ngay cả Nga còn chịu không nổi. Hiện Nga chỉ có một tàu sân bay, chiếc “Đô đốc Kuznetsov”, được hạ thủy thử nghiệm năm 1989, biên chế vào Hạm đội biển Bắc năm 1991 và mãi đến năm 1995 mới hoạt động chính thức như một tàu sân bay thật sự.

Kể từ đó, con tàu 55.000 tấn này, thiết kế mũi hếch (ski-jump), chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chỉ mới “đi làm nhiệm vụ” 4 lần và cả 4 đều đến Địa Trung Hải. Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ thường được nhận “sự vụ lệnh” và “đi công tác” ít nhất 6 tháng mỗi hai năm. Chiếc USS Enterprise chẳng hạn, được biên chế năm 1962, chỉ thực hiện 25 chuyến công tác trước khi “nghỉ hưu” năm 2012.

Có thể nói thêm một chút về tàu sân bay lớp “Đô đốc Kuznetsov” mà tàu Liêu Ninh là chiếc duy nhất thứ hai thuộc lớp này. Một trong những vấn đề lớn nhất của “Đô đốc Kuznetsov” là hệ thống phát điện. Nó chạy bằng turbine hơi nước với hệ thống bồn đun áp suất mà tờ Defense Industry Daily miêu tả một cách lịch sự là “hơi bị khiếm khuyết”. Chuyện “chết máy” giữa chừng xảy ra như cơm bữa (cho nên, mỗi lần “Đô đốc Kuznetsov” đi “hành quân”, phải có vài chiếc tàu kéo đi theo yểm trợ! - theo Foreign Policy 24/10/2013).

Tàu sân bay INS Vikramaditya tân trang của Ấn Độ

Hệ thống máy móc thiết bị lạc hậu khiến cuộc sống thủy thủ trên tàu rất khó khăn. Năm 2009, một bảng điện hỏng phát cháy đã làm chết một thủy thủ. Đó cũng là năm mà “Đô đốc Kuznetsov” làm tràn hàng trăm tấn nhiên liệu ra biển trong một lần tiếp liệu. Hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt cũng tệ không kém. Vào mùa đông, nước đóng băng bên trong khiến nhiều đường ống bị nứt gãy… Tàu có hơn 50 nhà xí nhưng 1/2 trong số đó được dán bảng “ngưng hoạt động”. Gần 2.000 người với 25 nhà xí rõ ràng vấn đề chẳng phải chuyện nhỏ… Với thiết kế mũi hếch, “Đô đốc Kuznetsov” còn buộc chiến đấu cơ Sukhoi khi cất cánh phải nhẹ, tức không được mang theo nhiều vũ khí và cả nhiên liệu!

Tàu thật, tàu giả

Ấn Độ đã biết thế nào là nỗi khổ với tàu sân bay “đồng nát”! Năm 2004, New Delhi hạ bút ký hợp đồng 1,5 tỉ USD mua chiếc Đô đốc Gorshkov (lớp Kiev) với phong cách… “bán cổ điển” (1982). Hồi ở Nga, con tàu 45.000 tấn này chỉ chở vài trực thăng và máy bay Yakovlev. Thế là Ấn chi thêm tiền để boong tàu được mở rộng, với hệ thống phóng dành cho 16 chiếc MiG-29. Được đặt tên INS Vikramaditya, chiếc tàu này dự kiến được đưa vào phục vụ năm 2008. Tuy nhiên, tiến trình sửa chữa kéo dài. Chi phí nâng gấp đôi và chương trình chạy thử được dời đến tháng 9/2012.

Trong một lần thử, khi vận tốc được đẩy lên 32 knot (gần 60km/giờ), hệ thống bồn đun đã suýt bị cháy. Lại sửa, lại hoãn, lại chi thêm tiền… Cuối cùng, mãi đến tháng 11/2013 INS Vikramaditya mới về đến “nhà”! Dù vậy, Ấn Độ vẫn kỳ vọng INS Vikramaditya có thể giúp họ “thay đổi cuộc chơi”. Nó vẫn là con tàu lớn nhất Hải quân Ấn hiện tại, có thể chở trực thăng Kamov-31 và chiến đấu cơ “đa nhiệm” MiG 29K… Tháng 8/2013, Ấn Độ cũng khởi động chương trình đóng tàu sân bay “cây nhà lá vườn”: chiếc INS Vikrant 35.000 tấn, dự kiến chạy thử nghiệm năm 2016, trước khi được đưa vào hải quân năm 2018...

Không phải tất cả tàu sân bay đang “ve chai” đều thuộc Nga. Anh và Pháp cũng thường bán tàu cũ loại flap-top cho các anh nhà nghèo. Năm 2000, Hải quân Brazil tậu được chiếc Foch của Pháp với giá 12 triệu USD. Phục vụ hải quân Pháp từ năm 1963, con tàu già nua 33.000 tấn này chỉ chở được 40 chiến đấu cơ và một ít trực thăng. Brazil đặt tên lại cho nó là “Sao Paulo”. Trong 4 năm đầu tiên, nó tham gia loạt tập trận trong khu vực; có lúc “bơi” cùng với USS Ronald Reagan. Sao Paulo cho đến nay vẫn là chiếc tàu sân bay duy nhất khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, dấu hiệu của tuổi tác quá đát đã thể hiện. Dù Brazil chi thêm 100 triệu USD để nâng cấp, các vụ cháy năm 2005 và 2012 trên Sao Paulo cũng làm chết hai thủy thủ, khiến nó “chỉ còn chức năng treo cờ và thực hiện một số sứ mạng đơn giản nhẹ nhàng”, như miêu tả của chuyên san Warships International Fleet Review.

Trở lại với chiếc Liêu Ninh. Mới đây, tờ Trung Quốc Thanh Niên báo số ra ngày 6/11/2013 (dẫn lại từ WantChinaTimes 8/12/2013) đã thừa nhận tàu Liêu Ninh vẫn chưa thể tạo ra được cục diện biến chuyển tại biển Đông. 5 điểm yếu của “Liêu Ninh mẫu hạm” được dẫn ra gồm: 1. Lệ thuộc kỹ thuật Nga khiến hạn chế tầm hoạt động và hữu dụng ngoài biển khơi; 2. Còn quá kém so với tàu sân bay Mỹ khi mà tàu Mỹ hiện đã có thể làm nơi tác chiến cho chiến đấu cơ UAV; 3. Hệ thống điện tử và vũ khí của Liêu Ninh lẫn chiến đấu cơ J-15 còn quá lạc hậu so với tàu Mỹ lẫn các máy bay Super Hornet (chưa kể F-35B cất cánh thẳng đứng); 4. Tàu Mỹ được hỗ trợ bởi máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye với tầm hoạt động rộng mà trực thăng Kamov KA-31 không thể so bằng; 5. Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được nhóm tác chiến hỗ trợ Liêu Ninh.

Như được kể trên chuyên san Naval War College Review (Vol. 65, No. 1, Winter 2012), Trung Quốc từ rất lâu đã mơ sở hữu tàu sân bay. Năm 1928, tướng hải quân Quốc dân đảng, Trần Thiệu Khoan, đã yêu cầu mua tàu sân bay nhưng bị Tưởng Giới Thạch khước từ. Năm 1945, họ Trần lại đề cập vấn đề trên nhưng vụ việc bị gác bởi làn sóng chiến tranh. Sau Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, từ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đến tư lệnh hải quân Tiêu Kính Quang đều nhiều lần bày tỏ nỗi thèm khát sở hữu tàu sân bay. Theo thời gian, vấn đề tàu sân bay tiếp tục được đề cập dù không ít lần bị bàn ra. Năm 1971, khi tiếp đoàn khách nước ngoài, một sĩ quan Trung Quốc đã nói một cách khí thế: “Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ thèm đóng tàu sân bay. Nó là công cụ của chủ nghĩa đế quốc. Nó chẳng khác gì con vịt ngồi chờ bị bắn” (nđd). Dưới thời tướng tư lệnh hải quân Lưu Hoa Thanh vào thập niên 80, việc bằng mọi giá phải có tàu sân bay đã được nâng lên thành mục tiêu hàng đầu…

Trước mắt, Trung Quốc có thể an ủi với một chiếc tàu sân bay khổng lồ lớp Nimitz mà họ đã… tự đóng! To bằng tàu Nimitz thật nhưng con tàu này làm bằng… bê tông cốt sắt! Lấy theo mẫu y như Nimitz, nó được đặt tên là “tàu sân bay Tân Châu”. Được dựng trên cái hồ nhân tạo tại Tân Châu (Sơn Đông), nó được thiết kế làm… địa điểm du lịch. Trên tàu dự kiến có cinema, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn… Dự án được khởi động năm 2005 nhưng hết tiền giữa chừng. Mãi đến năm 2008 mới có một nhà hàng và một quán bar khai trương trên boong “chiến hạm”. Thoạt đầu làm ăn cũng tạm nhưng sau hầu hết đều đóng cửa bởi chi phí thuê mặt bằng cao và bởi yếu tố an toàn: Ít ai dám lên kiến trúc bê tông xây dang dở này! Hiện tại, nhiều người dân Trung Quốc vẫn đến gần nó, để chụp ảnh kỷ niệm và có lẽ để ao ước hải quân Trung Quốc có một con tàu hoành tráng như thế; mà là tàu thật!

Mạnh Kim