Syria: Tâm điểm của ván cờ khí đốt quy mô toàn cầu

09:38 | 08/09/2012

1,407 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chìa khóa cho sự thành công kinh tế và đô hộ chính trị nằm ở việc kiểm soát nguồn khí đốt. Cuộc tấn công thông tin và quân sự chống Syria trực tiếp liên quan đến cuộc cạnh tranh thế giới về năng lượng. Chính vì nằm ở trung tâm một trữ lượng khí đốt khổng lồ của hành tinh mà Syria là mục tiêu bị nhắm tới.

Nga - Mỹ và cuộc chiến khí đốt hậu chiến tranh Lạnh

Với sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, người Mỹ đã có thể gia tăng hoạt động chính trị quốc tế không mấy khó khăn nhờ vào sự hiện diện của họ tại các khu vực có nhiều dầu lửa từ hàng thập niên qua. Đó chính là lý do người Nga đã quyết định đến lượt mình có mặt tại các khu vực giàu nguồn năng lượng dầu lửa cũng như khí đốt. Đánh giá lĩnh vực dầu lửa ngay từ khi xuất hiện trên trường quốc tế không mở ra nhiều triển vọng, Moskva đã quay sang khí đốt, sản xuất, vận chuyển và thương mại hóa trên quy mô lớn.

Chiến lược trên được cụ thể hóa rõ nét vào năm 1995 khi Tổng thống Vladimir Putin phát triển Tập đoàn Gazprom: Xuất khẩu khí đốt của Nga theo hướng Azerbaijan, Turkmenistan, Iran, đến tận Trung Đông. Chắc chắn là các dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) và Dòng chảy phương Nam (South Stream) sẽ minh chứng trước lịch sử công lao và những nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin để đưa nước Nga trở lại trường quốc tế và gây sức ép đối với nền kinh tế châu Âu, bởi trong nhiều thập niên tới sẽ phụ thuộc vào lượng khí đốt như một lựa chọn hay nguồn bổ sung cho dầu lửa và là nguồn năng lượng ưu tiên. Kể từ đó, điều quan trọng cấp thiết đối với Washington là phải thiết lập dự án đường ống dẫn khí Nabucco để cạnh tranh với các dự án của Nga và hy vọng đóng một vai trò trong cái gọi là sẽ xác định chiến lược và chính sách trong thế kỷ tới.

Với Dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) và Dòng chảy phương Nam (South Stream), Nga muốn thống trị thị trường khí đốt thế giới

Hiển nhiên, Nga nắm rõ những quân bài và đã rút ra được bài học từ quá khứ, bởi chính việc thiếu kiểm soát các nguồn năng lượng toàn cầu, cần thiết cho cấu trúc công nghiệp, là nguồn gốc dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Cũng như vậy, Nga đánh giá khí đốt là nguồn năng lượng của thế kỷ tới.

Moskva đã nhanh chóng hướng tới hai trục chiến lược: Thứ nhất là, áp dụng một dự án Trung Quốc - Nga trong dài hạn dựa vào sức tăng trưởng kinh tế của khối BRICS. Thứ hai là, nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên khí đốt. Chính vì vậy mới xuất hiện cơ sở cho các dự án South Stream và Nord Stream, được Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ, nhằm vận chuyển khí đốt từ Biển Đen và Azerbaijan. Tiếp theo hai dự án trên là một cuộc chạy đua chiến lược nhằm giành quyền kiểm soát châu Âu và các nguồn tài nguyên khí đốt. Đối với Nga, Dự án Nord Stream gắn trực tiếp Nga với Đức, đi qua Biển Baltic đến Weinberg và Sassnitz mà không cần phải đi qua Belarus. Dự án South Stream bắt đầu từ Nga, đi qua Biển Đen đến tận Bungari và tách ra một nhánh đến Hy Lạp, nam Italia và nhánh còn lại đến Hunggari và Áo.

Đối với Mỹ, Dự án Nabucco xuất phát từ Trung Á và xung quanh Biển Đen, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có các cơ sở hạ tầng lưu trữ sau đó qua Bulgaria, Romania, Hungary, đến Áo và Cộng hòa Séc, Croatia, Slovenia và Italia. Thoạt đầu, Dự án Nabucco được dự định đi qua Hy Lạp, nhưng ý tưởng này đã bị hủy bỏ do chịu sức ép từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án Nabucco được đánh giá là để cạnh tranh với các dự án của Nga. Ban đầu, nó được dự báo hoàn thành vào năm 2014 song đã phải kéo dài đến năm 2017 vì những khó khăn về kỹ thuật. Kể từ đó, cuộc chiến đường ống dẫn khí đốt đã chuyển hướng có lợi cho các dự án của Nga, song các bên vẫn luôn tìm cách mở rộng dự án của mình tới các khu vực mới. Điều này một mặt liên quan đến vấn đề khí đốt của Iran nên Mỹ mong muốn tăng cường dự án Nabucco bằng cách nối với điểm tập hợp tại Erzurum, Thổ Nhĩ Kỳ và điểm khác nối với đường ống dẫn khí phía đông Địa Trung Hải: Syria, Liban, Israel.

Trước tình hình trên, tháng 7/2011 Iran đã ký kết nhiều thỏa thuận liên quan đến việc vận chuyển khí đốt qua Iraq và Syria. Chính vì vậy, từ nay Syria trở thành trung tâm dự trữ và sản xuất khí đốt kết nối với các trung tâm dự trữ tại Liban. Vì vậy, đó là một không gian hoàn toàn mới về địa chính trị, chiến lược và năng lượng mở ra bao gồm Iran, Iraq, Syria và Liban. Những cản trở mà dự án này vấp phải từ hơn một năm qua làm dấy lên lời đồn đoán về một cuộc chiến gia tăng nhằm kiểm soát Syria và Liban. Chúng cũng làm sáng tỏ vai trò mà Pháp thể hiện khi coi đông Địa Trung Hải như một khu vực ảnh hưởng lịch sử của mình, phục vụ những lợi ích riêng của Paris và là nơi mà Pháp cần phải giành lại sau giai đoạn vắng bóng kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nói cách khác, Pháp muốn đóng một vai trò trong thế giới khí đốt, nơi họ đã nhận được một “sổ bảo hiểm bệnh tật” từ Libya và từ nay muốn một “sổ bảo hiểm nhân thọ” tại Syria và Liban.

Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cảm thấy sẽ bị loại ra khỏi cuộc chiến đường ống dẫn khí đốt bởi Dự án Nabucco đang bị chậm trễ và nước này lại không tham gia hai dự án đường ống South Stream và Nord Stream. Đường ống dẫn khí qua Địa Trung Hải dường như cũng xa rời Thổ Nhĩ Kỳ như Dự án Nabucco.

Các nhà lãnh đạo Gazprom không chỉ phát triển dự án của riêng mình mà còn làm bất cứ điều gì để chống lại Nabucco. Gazprom nắm giữ 30% cổ phần của một dự án bao gồm xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt thứ hai tới châu Âu theo sát Dự án Nabucco và cũng gồm các đối tác tham gia như vậy. Một dự án “chính trị” như vậy nhằm chứng minh sức mạnh và thậm chí phong tỏa Nabucco. Ngoài ra, Moskva cũng đang vội vã mua khí đốt tại Trung Á và biển Caspi trong mục đích bóp nghẹt Nabucco và chế giễu Washington về mặt chính trị, kinh tế và chiến lược.

Gazprom đang khai thác các cơ sở khí đốt tại Áo, phục vụ cho việc vẽ lại bản đồ năng lượng của châu Âu, bởi các cơ sở này sẽ cung cấp khí đốt cho Slovenia, Croatia, Hungary, Italia và Đức. Cùng với các cơ sở trên, cần phải nhấn mạnh thêm trung tâm dự trữ khí đốt Katrina mà Gazprom đã cùng hợp tác xây dựng với Đức để có thể xuất khẩu khí đốt đến các trung tâm tiêu thụ lớn tại Tây Âu. Gazprom đã xây dựng một cơ sở dự trữ chung với Serbia để cung cấp khí đốt cho Bosnia - Herzegovina và cho chính Serbia. Những nghiên cứu khả thi cũng đã được tiến hành liên quan đến cách thức xây dựng các cơ sở dự trữ tương tự tại Cộng hòa Séc, Romania, Bỉ, Anh, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và thậm chí cả Pháp. Gazprom cũng đang tăng cường củng cố vị trí của mình khi cung cấp tới 41% lượng khí đốt cho châu Âu. Điều này đồng nghĩa với một sự thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa phương Đông và phương Tây trong ngắn, trung và dài hạn; cũng thông báo về một sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ thông qua việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa; chứng kiến sự thiết lập một tổ chức quốc tế mới trong đó khí đốt là trụ cột chính; cuối cùng giải thích sự gia tăng cuộc chiến khí đốt từ phía đông Địa Trung Hải tới tận Trung Đông.

Quan hệ Trung - Nga về năng lượng là “cơ sở” cho nhiều lần phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Nga và Trung Quốc thực hiện để ủng hộ Syria

Nabucco sẽ phải vận chuyển khí đốt trên 3.900km từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Áo và dự kiến cung cấp 31 tỉ m3 khí tự nhiên/năm từ Trung Đông và bồn địa Caspi đến các thị trường châu Âu. Sự hấp tấp của Liên minh NATO - Mỹ - Pháp trong việc loại bỏ những cản trở chống lại lợi ích khí đốt của họ tại Trung Đông, nhất là Syria và Liban, nằm ở việc cần thiết phải bảo đảm ổn định và kiểm soát được môi trường liên quan đến các cơ sở hạ tầng và các nguồn đầu tư vào khí đốt. Câu trả lời đối với Syria nằm ở việc ký kết một hợp đồng để vận chuyển khí đốt của Iran tới nước này, đi qua Iraq. Cũng vậy, chính tài nguyên khí đốt của Syria và Liban cũng là trung tâm của cuộc chiến can thiệp để sẽ cung cấp cho Nabucco hay South Stream?

Tổ hợp Nabucco được hình thành bởi nhiều công ty: REW (Đức), OML (Áo), Botas (Thổ Nhĩ Kỳ), Energy Company Holding (Bulgaria) và Transgaz (Romania). Cách đây 5 năm, giá thành khởi điểm của dự án ước tính ở mức 11,2 tỉ USD, nhưng nó có thể lên tới 21,4 tỉ USD từ nay đến năm 2017. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về sự ổn định kinh tế vì Gazprom đã có thể ký kết nhiều hợp đồng với các nước khác nhau mà các nước này theo dự kiến sẽ phải cung cấp khí đốt cho Nabucco. Vì vậy sẽ không thể trông chờ vào những thặng dư khí đốt của Turkmenistan, nhất là từ những dự định mua khí đốt của Iran. Đó là một trong những điều bí mật còn chưa được biết đến liên quan đến cuộc chiến của phương Tây chống Iran, nước đã vượt qua “ranh giới đỏ” trong thách thức Mỹ và châu Âu khi lựa chọn Iraq và Syria làm những tuyến vận chuyển một phần khí đốt của mình. Cũng vậy, hy vọng tốt nhất của Nabucco nằm ở việc cung cấp khí đốt từ Azerbaijan và mỏ khí Shah Deniz đã hầu như trở thành nguồn cung cấp duy nhất cho một dự án dường như đã thất bại trước khi bắt đầu. Đó là điều mà một mặt hoạt động gia tăng ký kết các bản hợp đồng của Moskva nhằm mua lại khí đốt ban đầu dành cho Dự án Nabucco tiết lộ.

Mặt khác, đó là những khó khăn gặp phải trong việc áp đặt thay đổi địa chính trị tại Iran, Syria và Liban. Điều này diễn ra vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang vội vã đòi phần trong dự án Nabucco, hoặc bằng việc ký kết một bản hợp đồng với Azerbaijan để mua 6 tỉ m3 khí vào năm 2017, hoặc bằng việc gắn đường ống Nabucco với Syria và Liban để cản trở việc vận chuyển quá cảnh dầu lửa của Iran hay nhận được một phần tài nguyên khí đốt của Syria và Liban. Chắc hẳn khí đốt sẽ chiếm một vị trí trong trật tự thế giới mới, một trật tự khí đốt hay một điều gì khác, đang diễn ra từ việc hỗ trợ quân sự đến việc thiết lập cơ sở chiến lược của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Điều được đánh giá có thể là mối đe dọa chính đối với Nabucco đó là tham vọng của Nga làm thất bại dự án trên khi đàm phán các hợp đồng có lợi cho Gazprom và các đường ống North Stream và South Stream; sẽ giảm tầm ảnh hưởng và vô hiệu hóa các nỗ lực của Mỹ và châu Âu; làm thất bại chiến lược năng lượng của Mỹ và châu Âu đối với Iran hay tại Địa Trung Hải. Mặt khác, Gazprom sẽ có thể trở thành một trong những nhà đầu tư hay khai thác lớn đối với các mỏ khí mới tại Syria hay Liban. Đó không phải là tình cờ khi ngày 16/8/2011 Bộ trưởng Dầu lửa Syria thông báo nước này phát hiện một mỏ khí đốt tại Qatar, gần thành phố Homs. Mỏ này sẽ có khả năng cung cấp 400.000m3 khí/ngày (146 triệu m3 khí/năm) còn chưa kể đến trữ lượng khí đốt hiện có tại Địa Trung Hải.

Con bài khí đốt Syria

Quan hệ hợp tác Trung - Nga trong lĩnh vực năng lượng là động lực cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai gã khổng lồ này. Theo các chuyên gia, đó là “cơ sở” cho nhiều lần phủ quyết mà Nga và Trung Quốc thực hiện để ủng hộ Syria. Mối quan hệ hợp tác này không chỉ liên quan việc cung cấp năng lượng cho Trung Quốc trong các điều kiện ưu tiên. Trung Quốc liên quan trực tiếp đến việc phân phối khí đốt thông qua mua các cổ phần và các cơ sở, cộng với một dự án phối hợp kiểm soát các tuyến đường ống phân phối.

Song song với đó, Moskva thể hiện linh hoạt trong việc đưa ra giá bán khí đốt, với điều kiện được Trung Quốc cho phép tiếp cận thị trường nước này thuận lợi. Chính vì vậy mà các chuyên gia Nga và Trung Quốc đang làm việc cùng nhau trong các lĩnh vực như: Hợp tác chiến lược năng lượng, dự báo và thăm dò, phát triển thị trường, hiệu quả năng lượng và các nguồn năng lượng thay thế. Lợi ích chiến lược chung khác liên quan đến những nguy cơ từ dự án hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Người Mỹ muốn dùng dự án đường dẫn khí đốt Nabucco để cạnh tranh với Nga

Washington không chỉ lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc, kể từ đầu tháng 9/2011 Ấn Độ cũng đã được mời trở thành đối tác. Chính vì vậy, những mối quan tâm của hai nước Trung - Nga đan chéo nhau vào thời điểm Washington thực hiện chiến lược Trung Á, tức “tuyến đường tơ lụa”. Chiến lược này cũng giống như chiến lược của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm George Bush (dự án “Đại Trung Á”) để đẩy lùi ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc bằng cách hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, giải quyết tình hình tại Afghanistan từ nay đến năm 2014 và áp đặt lực lượng NATO trong toàn bộ khu vực. Uzbekistan đã cho thấy có thể đón nhận NATO.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá rằng điều sẽ có thể làm thất bại tham vọng của phương Tây và ngăn cản Mỹ phá hoại nước Nga là phát triển không gian Nga - Kazakhstan - Belarus và hợp tác với Bắc Kinh. Việc đánh giá các cơ chế quốc tế hiện nay cho phép nghĩ đến một ý tưởng về quá trình hình thành một trật tự quốc tế mới dựa trên cuộc chiến giành ưu thế quân sự và đỉnh cao là yếu tố năng lượng, trong đó khí đốt chiếm hàng đầu.

Khi Israel bắt đầu khai thác dầu khí từ năm 2009, rõ ràng bồn địa Địa Trung Hải đã bắt đầu cuộc chơi trong đó hoặc Syria bị tấn công, hoặc cả khu vực có thể hưởng hòa bình bởi thế kỷ 21 được nhắc tới với cái tên thế kỷ của năng lượng sạch.

Theo Viện Chính sách Trung Đông của Washington (WINEP), bồn địa Địa Trung Hải có trữ lượng khí đốt lớn nhất và chính Syria tập trung các mỏ quan trọng. Viện này cũng đưa ra giả thuyết cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đảo Síp sẽ gia tăng do việc Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại từ dự án Nabucco (mặc dù nước này đã có một hợp đồng ký kết với Nga vào tháng 12/2011 để vận chuyển một phần khí đốt của dự án South Stream qua Thổ Nhĩ Kỳ). Tiết lộ bí mật về nguồn tài nguyên khí đốt của Syria làm mọi người ý thức được thách thức hiện nay. Ai kiểm soát Syria sẽ có thể kiểm soát được Trung Đông. Kể từ Syria, cửa ngõ của châu Á, sẽ dẫn đến nắm được “chìa khóa mở cửa căn nhà Nga”, như điều Nữ hoàng Catherine II đã khẳng định, cũng như nắm được Trung Quốc thông qua “con đường tơ lụa”, kế tiếp là có khả năng làm bá chủ thế giới bởi thế kỷ này là thế kỷ của khí đốt. Chính vì lý do này, việc các nước ký kết thỏa thuận Damas cho phép khí đốt của Iran đi qua Iraq tới Địa Trung Hải đang mở ra một không gian địa chính trị mới và cắt đường sống của dự án Nabucco, thể hiện tuyên bố: “Syria là chìa khóa của kỷ nguyên mới”.

Giang Khuê - Hùng Phan

(Năng lượng Mới số 153, ra thứ Sáu ngày 7/9/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps