Số ca tử vong tay chân miệng dẫn đầu trong các bệnh truyền nhiễm

18:08 | 15/08/2011

367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15/8, tại Hội nghị tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) do Bộ Y tế tổ chức ở Viện Pasteur TP HCM, PGS – TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đến nay, cả nước đã có hơn 32.000 ca bệnh TCM xuất hiện tại 52 địa phương, chủ yếu ở 17 tỉnh miền Nam và miền Trung, trong đó có 81 ca tử vong, đứng đầu số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam.

Trẻ bị bệnh TCM điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh TCM tập trung phần lớn ở trẻ dưới 3 tuổi, chiếm trên 90%, trong đó 70% trẻ mắc bệnh là trẻ chưa đi nhà trẻ. Vì vậy, có khả năng trẻ bị nhiễm ở nhà sau đó đi học lây lan cho các trẻ khác.

Theo ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM: Ở tất cả các tỉnh thành phía Nam số ca mắc bệnh TCM đều tăng cao so với năm trước. TP HCM là địa phương có số ca mắc cao nhất trong khu vực với hơn 7.000 ca, tiếp đến là Đồng Nai 3.413 ca, Đồng Tháp 2.015 ca. Tuy nhiên, xét về số ca mắc/100.000 dân thì dẫn đầu là tỉnh Bình Dương 143 ca, tiếp đến là Bà Rịa Vũng Tàu 136 ca và Đồng Nai 129 ca.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc giới hạn các phương tiện phòng chống (bệnh hiện không có thuốc đặc trị và không có vắc xin chủng ngừa) việc phòng chống bệnh TCM ở nhiều địa phương còn chưa tốt. Có nơi chỉ phân phát Cloramin B mà thiếu sự hướng dẫn sử dụng, điển hình là vụ sử dụng sai làm 27 trẻ mầm non ở tỉnh Bình Dương bị uống nhầm Cloramin B gây ngộ độc. Cũng có nhiều địa phương lên kế hoạch phòng chống thì tốt nhưng đến khi thực hiện thì không ai làm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Đến nay, số ca mắc bệnh TCM của cả nước đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2011 như vậy phải nói là dịch đã bùng phát chứ không phải là chỉ có nguy cơ bùng phát nữa. Vì vậy, lúc này cần kiên quyết ngăn chặn bằng nhiều biện pháp. Trong thời gian tới cần tăng cường giám sát dịch, khoanh vùng những điểm nóng nơi có nhiều ca mắc và có ca tử vong để kịp thời dập dịch. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, rửa tay sạch cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; tăng cường phối hợp với các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là các trường mầm non để phòng bệnh hiệu quả. Đồng thời, cần tuyên truyền để phụ huynh biết các dấu hiệu của bệnh để có thể phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc