Pháp cũng đang muốn trở thành “sen đầm thế giới”?

08:31 | 02/09/2013

1,504 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Năm 2011, cùng với Anh, Pháp là nước sốt sắng đi đầu trong chiến dịch tấn công Libya. Nay, kể cả khi London lựa chọn đứng ngoài, Paris vẫn ủng hộ nhiệt liệt quyết định can thiệp quân sự vào Syria của Tổng thống Mỹ Barack Obama và bày tỏ sẵn sàng “kề vai sát cánh” hành động cùng đồng minh Washington. Chuyện gì đã xảy ra với nước Pháp mà năm 2003 đã cứng cỏi phản đối gay gắt cuộc chiến tranh xâm lược Iraq của chính quyền Bush? Phải chăng Paris đang muốn làm “sen đầm thế giới”?

>> Tấn công Syria: Pháp chỉ còn chờ Mỹ

>> Tổng thống Mỹ: Tấn công Syria không phải là việc vô hạn định

>> Mỹ tiết lộ kế hoạch tấn công Syria

>> Anh, Đức bỏ cuộc, Mỹ và Pháp vẫn muốn đánh Syria

>> Chính quyền Mỹ và 3 vai diễn

Từ phản đối chiến tranh…

Khi Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố nước Pháp sẽ hành động “cứng rắn và tương xứng” để trừng phạt chế độ Damascus và khẳng định việc Anh rút lui khỏi kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria không ảnh hưởng đến lập trường của Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đánh giá Pháp là “đồng minh lâu đời nhất” của Washington mà không “đếm xỉa” đến Anh, mặc cho mối “quan hệ đặc biệt” gắn bó hai nước.

Sự ra rìa của Anh và sự “bỗng dưng thân mật” của Pháp và Mỹ trên hồ sơ Syria đang báo hiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Pháp - Mỹ ?

Thực tế thì dù cũng được xếp vào diện đồng minh chiến lược của Washington nhưng ít nhất là trong khoảng chục năm gần đây, không phải lúc nào Pháp và Mỹ cũng cùng chung nhịp đập quan điểm.

Hồi cuối năm 2002, khi Mỹ kêu gọi sự ủng hộ của đồng minh với quyết định tấn công Iraq, Tổng thống Pháp khi đó là ông Jacques Chirac, đã bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình: “Chúng tôi có cách nhìn nhận riêng đối với mỗi sự việc, tuy nhiên chúng tôi không đề cập đến chúng một cách hung hăng, và chúng tôi không cho rằng Mỹ luôn luôn đúng”.

Dù có sức ép lớn từ Mỹ nhưng Tổng thống Pháp Jacques Chirac vẫn cứng cỏi phản đối chiến tranh Iraq

Đến tháng 3/2003, dù có sức ép lớn từ Hoa Kỳ, ông Chirac đã đe doạ phủ quyết một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, ở thời điểm nó được đưa ra, sẽ cho phép sử dụng vũ lực loại bỏ cái gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq và yêu cầu các chính phủ khác ủng hộ quan điểm của mình.

"Iraq ngày nay không phải là một mối đe doạ trước mắt khiến cần phải có một cuộc chiến ngay lập tức" – tuyên bố của ông Chirac ngày 18/3/2003, sau đó đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfel hậm hực từ chối công nhận nước Pháp là một phần của “châu Âu già”.

Không chùn lòng, 6 tháng sau đó, Tổng thống Chirac tiếp tục chỉ trích  Washington ở một cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York: “Việc phát động chiến tranh mà không cần sự cho phép của Hội đồng Bảo an đã làm rung chuyển các hệ thống đa phương”. Thậm chí, ông còn cho rằng “Liên hiệp quốc đã phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử tồn tại”.

… đến sốt sắng tham chiến

Thực tế cuộc chiến Iraq và hậu quả còn để lại đến ngày nay của nó đã chứng minh Pháp đúng. “Bóng ma Iraq” đã trở thành thứ ám ảnh không thể chối cãi, không chỉ đối với người dân Anh mà cả với người Mỹ hay với bất kỳ người dân nước nào có lực lượng tham chiến. Ký ức đen tối về cuộc chiến Iraq đã giải thích cho câu trả lời “không” của Quốc hội Anh đối với đề nghị can thiệp quân sự ở Syria của Thủ tướng Anh Cameron. Thế nhưng, câu chuyện này lại không xảy ra ở Pháp – bởi nước Pháp sau ông Chirac đã khác.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi ông Nicolas Sarkozy bước chân vào điện Élysée. Thời gian từ 2007 – 2011 rõ ràng không phải là thời điểm may mắn đối với cá nhân Tổng thống Pháp Sarkozy và các đồng minh. Hậu quả của cơn bão tài chính, khủng hoảng nợ công, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và những tranh cãi xung quanh luật cải cách tuổi hưu trí khiến cá nhân Tổng thống Sarkozy và Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cánh hữu cầm quyền nhiều lần lao đao.

Trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị tại Lybia, theo giới phân tích, được ông Sarkozy và các “quân sư quạt mo” coi là cơ hội tốt để chính phủ Pháp thể hiện những điểm mới trong chính sách đối ngoại, hòng lấy lại niềm tin và uy tín trong cử tri trước kỳ bầu cử Tổng thống mới và cải thiện hình ảnh Paris trong mắt đồng minh và chứng tỏ vị thế chính trị của nước Pháp trên trường quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Paris kết thúc những ân oán với Tripoli sau những mâu thuẫn lịch sử dai dẳng xung quanh vụ Lockerbie và quan điểm trái chiều trong các vấn đề quốc tế.

Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc “bật đèn xanh” với việc thông qua Nghị quyết 1973, cho phép can thiệp quân sự vào Libya, cùng với các đồng minh Mỹ, Anh, Pháp hăng hái triển khai máy bay chiến đấu không kích vào các mục tiêu quân sự tại Lybia. Paris cũng sốt sắng công nhận phe đối lập tại Libya, cũng như đứng ra tổ chức Hội nghị quốc tế với Liên đoàn Arab nhằm đưa ra một giải pháp tức thời trong vấn đề này.

Ông Sarkozy đã từng hi vọng gỡ gạc được hình ảnh nhờ đi đầu tham chiến tại Libya

Tuy nhiên, một loạt bê bối tài chính cũng như scandal cá nhân từ tình ái đến chuyện trong nhà của ông Sarkozy đã không khiến vị tổng thống thường xuyên là đề tài châm biếm của truyền thông Pháp, từ chuyện ví von ông như một anh hề thích đi giày cao chêm để trông có vẻ cao hơn thực tế đến đặt biệt danh "tổng thống siêu cuội" chuyên có những phát ngôn trái ngược nhau, có thêm một nhiệm kỳ nữa ở điện Élysée. Và dù không hoàn toàn bị thuyết phục bởi Francois Hollande nhưng người Pháp đã chọn ứng cử viên này của đảng Xã hội vì đã quá nản với Sarkozy!

Tuy nhiên, tình hình kinh tế của Pháp trong bối cảnh châu Âu đang vật lộn với khủng hoảng dưới thời ông Hollande cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Năm cầm quyền đầu tiên đi qua với nhiều xui xẻo. 70% người dân Pháp đánh giá tiêu cực về thành tựu của ông Hollande.

Lúc này, khủng hoảng chính trị ở Mali – nơi Pháp có những lợi ích thực tế, lại trở thành cơ hội để Hollande thử lửa với vai trò Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Khí phách quân sự bất ngờ của ông Hollande khi đó đã nhận được sự ủng hộ của 2/3 công chúng Pháp và nhiều nước trong Liên hiệp quốc, trong đó có Nga. Mặc dù không thuyết phục được các đồng minh trong NATO và đối tác trong EU cùng tham gia cuộc chiến Mali, nhưng sự quyết đoán khi phát động và chỉ đạo thực hiện chiến dịch cũng mang lại điểm cộng hiếm hoi về ông Hollande trong mắt người Pháp.

Vinh dự khi được sát cánh bên Mỹ thực hiện các sứ mệnh ngoại giao và quân sự bảo đảm an toàn cho thế giới (chức trách mà người ta gọi nôm na là “sen đầm quốc tế”) quá lớn lao với ông Hollande?

Tuy nhiên, Syria lại là một câu chuyện khác. Hơn 60% dân Pháp không đồng tình với việc tấn công vào Syria theo kết quả các cuộc thăm dò được thực hiện từ tháng 7 và tháng 8.

Truyền thông Pháp cũng cảm thấy hoài nghi về tính chính đáng ý định lựa chọn phương án tấn công Syria bằng tên lửa trong thời gian ngắn của phương Tây, trong đó có Pháp.

Tờ Le Figaro đặt câu hỏi: “Để làm gì?”. Từ một năm rưỡi nay, hơn 120 000 người Syria bị thiệt mạng trong cuộc nội chiến mà cả thế giới chứng kiến với nhiều lo lắng. Thế nhưng, thế giới vẫn không phản ứng vậy thì tại sao đến giờ phút này phương Tây - dưới danh nghĩa “đạo đức”, mới nhiệt tình đòi can thiệt vũ trang, cứu dân vô tội?

Phương Tây không rút ra được bài học nào hay sao từ 15 năm phiêu lưu qua các cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq, Lybia, những đất nước mà phương Tây can thiệp với mục đích mang lại hòa bình cho dân chúng? Phương Tây đã thay thế gì vào vị trí của những người mà họ quy kết là “độc tài” như Saddam Hussein, Gaddafi? Tại Kabul, Bagdagh và Tripoli, phe hồi giáo cực đoan và khủng bố vẫn chiếm giữ cuộc chơi.

Người Pháp lo ngại Trung Đông sẽ “bốc cháy” bởi vài phát bắn tên lửa cũng chẳng làm cho quang cảnh Syria sáng sủa ra mà hành động quân sự của phương Tây chỉ góp phần đổ thêm dầu vào lửa, trong một khu vực mà hận thù chỉ chờ để tuôn ra.

Nhưng dường như ông Hollande không thấy được viễn cảnh đó.

Bởi “men say chiến thắng” sau cuộc chiến Mali vẫn còn?

Bởi niềm vinh dự khi được sát cánh bên Mỹ thực hiện các sứ mệnh ngoại giao và quân sự bảo đảm an toàn cho thế giới (chức trách mà người ta gọi nôm na là “sen đầm quốc tế”) quá lớn lao?

Bởi vì cảm giác qua mặt Anh, được Mỹ trân trọng gọi là “đồng minh lâu đời nhất” quá thú vị?

Hay bởi vì ông Hollande không nhận thức được chính ông đang đi vào “vết xe đổ” của người tiền nhiệm Sarkozy?

Linh Phương