Ông Abe trở lại, Trung Quốc sẽ đau đầu hơn?

10:55 | 17/12/2012

789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc một người nổi tiếng là diều hâu như ông Abe trở lại cầm quyền ở Tokyo, sẽ làm cho Bắc Kinh phải nhức đầu, ít ra là trong thời gian trước mắt, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang càng lúc càng căng thẳng trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Ông Abe được biết đến là người theo đường lối cứng rắn về đối ngoại

Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản trước thời hạn diễn ra hôm 16/12 cho thấy hai đảng liên minh là Dân chủ Tự do (LDP) và Công Minh (NKP) đã giành được 325 ghế, đảm bảo thế đa số hơn 2/3 tại Hạ viện gồm 480 ghế.

Với ưu thế tuyệt đối này, liên minh hai đảng có thể đơn phương thông qua các dự luật mà họ đề xuất, bất chấp việc có thể bị Thượng viện phủ quyết. Trước đó, LDP và NKP đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập chính phủ liên minh sau bầu cử, và Chủ tịch LDP, cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) dù vẫn là chính đảng lớn thứ hai tại hạ viện, song đã để mất quá nhiều ghế trong cuộc đua lần này, khi chỉ giành được 57 ghế so với 230 ghế trước bầu cử.

Phát biểu trong buổi họp báo được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã tuyên bố từ chức Chủ tịch DPJ để nhận hoàn toàn trách nhiệm về thất bại nặng nề này của DPJ.

Theo truyền thông Nhật Bản, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này chỉ đạt 59,26%, mức thấp nhất kể từ khi áp dụng chế độ bầu cử mới năm 1966 đến nay.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử này đã đưa LDP trở lại vị thế cầm quyền sau 3 năm để mất về tay DPJ. Dự kiến Quốc hội Nhật Bản sẽ họp phiên đặc biệt vào ngày 26/12 tới để bầu thủ tướng, mà gần như chắc chắn ông Shinzo Abe sẽ trở lại vị trí người đứng đầu chính phủ. Một nguồn tin thân cận cho biết hiện ông Abe đang xúc tiến thành lập nội các mới, với việc lựa chọn cựu Thủ tướng Taro Aso vào vị trí Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng hoặc Bộ trưởng Tài chính.

Trong chiến dịch vận động tranh cử trước đó, LDP cho biết sẽ thành lập một chính phủ cam kết có lập trường cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, theo đuổi chính sách năng lượng hạt nhân bất chấp thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái và có thể tiến hành chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, chi tiêu mạnh tay hơn để giải quyết tình trạng giảm phát và ngăn đồng yên tăng mạnh.

Theo giới quan sát, việc một người nổi tiếng là diều hâu như ông Abe trở lại cầm quyền ở Tokyo, sẽ làm cho Bắc Kinh phải nhức đầu, ít ra là trong thời gian trước mắt, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang càng lúc càng căng thẳng trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Vào thời làm Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 9/2006- 9/2007, ông Abe đã nỗ lực thúc đẩy cơ chế gọi là "Sáng kiến Tứ giác" - một kiểu thỏa thuận đối tác chiến lược giữa bốn nước Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Úc - nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác chiến lược và tập trận hải quân giữa bốn cường quốc dân chủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cố gắng của ông Abe bất thành, vì vào thời gian đó, các nước chưa thấy lo ngại nhiều về sự trỗi dậy của Trung Quốc và không muốn tỏ thái độ có thể bị Bắc Kinh coi là khiêu khích.

Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, ông Shinzo Abe cho biết sẽ theo đuổi một chiến lược liên minh kiên quyết, đặc biệt là với Mỹ. Ông hàm ý sẽ xem xét lại những hạn chế mà Tokyo từng tự áp đặt trước đây, theo đó chi tiêu quân sự Nhật Bản không quá 1% GDP. Thậm chí theo một nguồn tin đáng tin cậy, ông Abe sẽ tăng cường khả năng quân sự vốn đã khá mạnh của Nhật Bản bằng với các phương tiện mới như tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu chiến lược và các đơn vị đổ bộ. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Nhật Bản không thể tiếp tục duy trì quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do liên kết kinh tế chặt chẽ giữa hai nước này và nhất là LDP được coi là đảng thân giới kinh doanh - những người không muốn việc làm ăn của mình với Bắc Kinh bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ bị nhức đầu - ít ra là trong một vài tháng tới đây - vì Nhật Bản sẽ còn bầu Thượng viện vào mùa Hè năm 2013, và LDP không thể bỏ qua xu hướng hiện nay của công luận Nhật Bản là ngày càng không muốn Tokyo "nhu nhược" trước Trung Quốc.

Trong khi đó, theo giới quan sát, Nhật Bản đang trong tình trạng: kinh tế "hụt hơi"; Ngoại giao "mất tiếng nói". Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang có những dấu hiệu mệt mỏi, bị đè nặng bởi món nợ khổng lồ (tương đương 236% GDP), đồng thời hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima. Mặc dù sau thảm họa này, Nhật Bản đã đưa ra kế hoạch tái thiết trên quy mô lớn, nhưng việc hầu như toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện phải ngừng hoạt động đã làm tăng chi phí nhiên liệu. Các cuộc khủng hoảng triền miên đã làm lu mờ hình ảnh một nước Nhật vốn nhận được sự nể trọng và khâm phục về sức mạnh công nghiệp, phương pháp sản xuất và công nghệ phát minh. Giới phân tích cho rằng tiến trình này đáng lo ngại bởi vì ảnh hưởng của Nhật Bản trên thế giới chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế.

Giới quan sát nhận định, vị thế của Nhật Bản đã yếu hẳn đi trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Từ nhiều tháng nay, tàu bè Trung Quốc vẫn hiện diện gần khu vực này và thường xuyên xâm nhập vào hải phận Nhật Bản. Ngày 13/12, máy bay Trung Quốc còn bay vào không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước sự "lấn lướt" của Trung Quốc, cũng như áp lực trong quan hệ Washington-Tokyo, nền ngoại giao Nhật Bản dường như bị “mất tiếng nói”. Trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Ngoại trưởng Nhật Bản gần đây đã đi vận động tích cực mới chỉ nhận được sự ủng hộ Anh, Pháp, Đức hồi tháng 10. Còn Mỹ một mặt tuyên bố bảo vệ Nhật Bản, nhưng mặt khác lại khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, vì không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

Với chiến thắng hôm 16/12, ông Abe dường như tỏ quyết tâm chấm dứt tình trạng “mờ nhạt về ngoại giao” của nước Nhật và hứa tăng cường quan hệ với Mỹ, cứng rắn với Trung Quốc. Trước đó ông còn dự tính, nếu quay lại cầm quyền, sẽ đổi tên Lực lượng Phòng thủ thành Quân đội Nhật Bản và khép lại quá khứ một nước Nhật bại trận.

Nh.Thạch (Tổng hợp)