Ở Thủ đô, hiếm nước như miền núi

11:44 | 05/09/2013

721 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã gần 3 tháng nay, nhiều vòi nước máy và bể chứa nước ở các con hẻm 24, 26, 31, 41, 46, 48 thuộc ngách 1/62, ngõ 1, phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn ở trong tình trạng thiếu thốn, thậm chí có những lúc cạn kiệt gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh. Người dân nơi đây dù “mang tiếng” là sống giữa lòng Thủ đô mà lại đã và đang phải chịu tình trạng khan hiếm nước máy như thể họ đang sống ở vùng sâu, vùng xa vậy.

Thức trắng đêm để… canh bơm nước

Khu vực khu dân cư số 3 và 4 thuộc các hẻm 24, 26, 31, 41, 46, 48 ngách 1/62, ngõ 1, phố Bùi Xương Trạch tập trung khoảng 150 hộ dân. Đã từ lâu, các hộ này sử dụng nguồn nước máy để phục vụ sinh hoạt. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như ở đây không có tình trạng mất nước hoặc nguồn nước máy có nhưng “nhỏ giọt”, không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân từ khoảng 3 tháng trở lại đây.

Điều đặc biệt là tình trạng nhiều hộ dân (đặc biệt là các hộ ở giữa và cuối ngõ) bị cắt nước liên tục, kéo dài triền miên từ ngày này sang ngày khác chứ không phải chỉ bị mất nước cục bộ trong một vài ngày như kiểu điều chỉnh cắt nước luân phiên giữa các khu vực.

Bể nước ở đây lúc nào cũng trong tình trạng chạm đáy

 

Bác Nguyễn Thị Liên Sinh (số nhà 26A, ngõ 1/62/46, Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc: “Trước đây thì nguồn nước máy ở đây cũng như nhiều khu vực khác trên địa bàn Hà Nội chảy tràn trề, dư sức phục vụ cuộc sống của người dân chúng tôi chứ không đến mức thiếu thốn trầm trọng như ở miền núi thế này đâu. Cách đây khoảng 3 tháng, khi hiện tượng mất nước liên tục bắt đầu xảy ra ở khu vực này thì do ban ngày nước yếu nên nhiều người dân phải canh đến đêm khuya mới dám bật máy bơm để hút nước bơm lên bể chứa. Ấy thế mà có phải là bơm được một lần là xong đâu. Do nguồn nước cung cấp vừa yếu, vừa thiếu nên họ cứ phải hì hục canh máy bơm đến 3-4 lần mới đầy bể chứa, mỗi lần cách nhau từ 1-2 tiếng, thành ra thức trắng đêm đến sáng chỉ vì muốn có nước máy dùng cho ngày hôm sau".

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (số nhà 28, ngõ 1/62/46, Bùi Xương Trạch) vừa mở nắp bể chứa nước rồi chỉ vào cái bể chứa cạn kiệt gần tới đáy vừa chia sẻ: “Tôi đi làm cả ngày tối về đã mệt mỏi thì chớ, đêm đến chẳng được ngủ ngon lại còn phải thường xuyên thức để canh máy bơm thì ngày hôm sau mới có nước dùng. Bố tôi mắc bệnh nan y, sức khỏe hạn chế cũng phải gồng mình sáng thì xách xô sang ngõ 77 xin nước, đêm thì thức canh phao máy bơm”.

Trông chờ hết vào nguồn nước giếng khoan và… nước nhà hàng xóm

Từ khi nguồn nước máy bị cắt, một số hộ đành quay lại sử dụng nước giếng khoan - nguồn nước vốn đã bị “bỏ xó” từ lâu. Những nhà này vẫn còn khá may mắn vì dẫu sao cũng có nước dùng, trong khi nhiều hộ khác không còn cách nào ngoài việc xách xô, chậu đi xin nước nhà hàng xóm.

Chú Nguyễn Thế Long (số nhà 25, ngõ 1/62/46, Bùi Xương Trạch) bức xúc cho biết: “Nước giếng khoan chúng tôi xin được chỉ có thể dùng để tắm rửa, giặt giũ chứ không dùng để ăn uống vì không thể đảm bảo vệ sinh như nước máy được. Còn muốn có nước để ăn thì nhiều khi chúng tôi phải “chai mặt” xách xô đi một quãng đường xa sang những ngõ khác để xin nước máy. Vẫn biết là bất tiện nhưng chẳng còn cách nào khác”.

Người dân phải tích nước mưa làm nước sinh hoạt.

 

Có một nghịch lý vẫn đang tồn tại từ khoảng tháng 3/2013 trở lại đây đó là tình trạng dân không có đủ nước dùng nhưng vẫn phải đóng tiền nước với mức tiền không tương xứng với số nước mà họ cần. Để minh chứng cho nghịch lý này, chị Nguyễn Thị Lan Anh (số nhà 28, ngõ 1/62/46 Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra một xấp hóa đơn giá trị gia tăng (tiền nước).

Qua đối chiếu cho thấy, gia đình chị gồm 4 người, nếu như trước kia, khi nguồn nước đầy đủ thì mỗi tháng, số tiền nước nhà chị phải đóng rơi vào khoảng từ 75.000 - 100.000 đồng (khoảng 16 - 20m3 nước/tháng). Mới đây nhất là hóa đơn tháng 8/2013 với tổng mức tiêu thụ là 13m3 và thành tiền là 52.000 đồng. Chị Lan khẳng định, tháng 8 này, nhà chị không hề được cấp đủ 13m3 nước như trong hóa đơn nước, thậm chí có những tuần bể nước cạn đáy, máy bơm dù có chạy “ro ro” cả buổi cũng chẳng thể bơm nổi một giọt nước nào.

Các hộ dân tỏ ra khá bất bình với tình trạng “tiền trao nhưng cháo chẳng múc này”. Bí quá, một số hộ đành thuê thợ về nhà để đào giếng khoan để sử dụng, trong khi các hộ khác không có điều kiện đào giếng thì nghĩ mọi giải pháp để có nước dùng như: xách xô chậu đi xin nước hay ròng một đường ống dài để nối nước từ bể nhà hàng xóm sang bể nhà mình. Có hộ còn phải tận dụng nguồn nước mưa để hứng xuống máng chảy, rồi lọc để làm nước tắm rửa.

Những giải pháp bất hợp lý của bên cấp nước

Quá bức xúc với tình trạng bất cập này, nhiều hộ dân ở tập thể khu dân cư ngõ 1/62/46, phố Bùi Xương Trạch đã viết đơn đề nghị gửi lên UBND phường Khương Đình và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch để mong mỏi họ sớm có giải pháp giải quyết.

Ông Vương Tiến Hải (Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “UBND phường Khương Đình đã có công văn đề nghị Công ty nước sạch cử người xuống khảo sát đường ống dẫn nước và có giải pháp nhanh chóng khắc phục giúp người dân”.

Người dân phải nối ống xin nước sạch của khu vực bên cạnh

Theo ông Phạm Vị (số 19, hẻm 1/62/46 Bùi Xương Trạch) cho biết: “Khi tính toán xây dựng đường ống mới, lẽ ra Công ty nước sạch phải trao đổi kỹ với người dân. Đằng này, đùng một cái họ cắt nước với lý do nhu cầu của dân tăng quá mức trong một thời gian chỉ vài ba tháng, hệ thống ống nước cũ không đủ đáp ứng, cần nâng cấp rồi đưa ra một văn bản với ngụ ý đòi dân phải đóng góp mức 150.000.000 đồng chỉ với một đoạn 100m đường ống, thời gian kể từ khi ban hành văn bản đến khi dự kiến thực hiện lại quá gấp gáp (từ 15 đến 26/8/2013) khiến chúng tôi khó có thể chấp nhận”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Hải Tháp (Phó tổng giám đốc Công ty VIWACO) cho rằng, tình trạng nước yếu và thiếu ở khu vực ngõ 1 Bùi Xương Trạch từ 3 tháng trước có thể là do khi đó bên công ty ông bắt đầu mở một điểm cấp nước mới ở bên cầu đá Phương Liệt, dẫn đến một phần áp lực nước yếu. Cách đây 1 tuần, Công ty ông cũng phải điều nước để khắc phục sự cố nổ trạm biến áp ở Cầu Giấy dẫn đến nguồn mạng bị yếu.

Ông Hải cũng cho biết thêm: “Cách đây khoảng 1 tuần, Công ty tôi đã tiến hành dồn nước, khép bớt van ở các khu vực đầu nguồn lại để điều nước xuống khu vực ngõ 1 Bùi Xương Trạch. Tuy nhiên, nếu bà con muốn nước dồi dào, chảy lên chỗ này chỗ nọ thì điều đó là khó do bất cập về hệ thống đường mạng bên bọn tôi đang nghiên cứu. Trên toàn thành phố Hà Nội, nguồn cấp nước sông Đà hiện nay đang thiếu. Trước đây, phía Công ty đã xuống họp với phường, và đại diện các tổ dân phố 13, 14, 15 để thông báo cấp nước theo giờ. Bây giờ, bên tôi định nâng cấp đường ống ở đó từ phi 63 lên phi 90”.

Khi được hỏi về ý kiến của Công ty VIWACO sau khi dân không đồng ý đóng góp 150.000.000 đồng, ông Cao Hải Tháp nói: “Quan điểm của bên tôi bây giờ là không bắt dân phải đóng góp. Hàng năm bên tôi đều lên kế hoạch để cải tạo hệ thống cấp nước, vừa rồi mới xảy ra cái sự cố nước yếu, nước thiếu này nên bên tôi mới đưa ra một giải pháp gấp, do công ty chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để có thể làm ngay, khẩn trương chỗ đó được. Vì chưa có ngân sách nên trên tinh thần là công ty đề nghị bà con mỗi người phối hợp một chút. Công ty nghĩ nếu bà con đồng thuận thì làm, còn không thì đó vẫn là trách nhiệm của công ty và công ty sẽ làm việc này. Có thể, để bố trí sắp xếp đủ ngân sách thì sang năm công ty mới làm được”.

"Chai mặt" xách xô đi xin nước

Vị Phó giám đốc Công ty VIWACO này cũng cho rằng một phần nguyên nhân nước thiếu và yếu ở khu vực ngõ 1 Bùi Xương Trạch là do dân chuyển về khu vực đó quá đông, sức tải của hệ thống ống nước đó không còn đảm bảo với mức sử dụng của người dân. Điều này là khá phi lý vì chỉ cách đây 3 tháng, nguồn nước ở khu vực này khá ổn định, số lượng dân cư ở khu vực này có thay đổi cũng không đáng kể vì mức nước họ dùng cũng chẳng thấm vào đâu so với những khu vực đông dân cư khác mà công ty chịu trách nhiệm quản lý.

Theo lời vị Phó giám đốc Công ty VIWACO thì trước mắt, do chưa huy động đủ nguồn vốn ngân sách cải tạo, nâng cấp nên phương án tạm thời được tiến hành hiện nay là luân phiên cấp nước theo giờ bằng cách đóng, mở van ở các khu vực thuộc ngõ 1 Bùi Xương Trạch này.

Như vậy, người dân ở đây vẫn phải tiếp tục từng ngày chống chọi với tình trạng thiếu nước triền miên với lý do là bên cấp nước đang phải chờ lập kế hoạch cải tạo để trình lãnh đạo phê duyệt, nếu được thì phải tới đầu năm 2014 mới có thể triển khai do công ty chưa huy động đủ vốn.

 

                                                                         Đăng Đức