Nước Mỹ bộc lộ điều gì từ cuộc bầu cử tổng thống?

14:17 | 10/11/2020

351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump không chấp nhận thất bại và đã khởi kiện về gian lận trong bầu cử; Joe Biden, người tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11, kêu gọi đoàn kết toàn dân... Nước Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn chia rẽ từ thượng tầng chính trị cho tới tầng lớp bình dân vì kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Nước Mỹ bộc lộ điều gì từ cuộc bầu cử tổng thống?
Hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Ngày 7/11, các kênh truyền thông thân đảng Dân chủ tuyên bố ứng cử viên Joe Biden chính thức đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, sau 4 ngày kiểm phiếu căng thẳng. Theo các kênh truyền hình CNN, NBC và CBS, ông Joe Biden, cựu Phó tổng thống Mỹ, năm nay 77 tuổi, đã thu được phiếu của 273 đại cử tri nhờ thắng lợi tại Pennsylvania, một trong những bang chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống lần này. Nhưng ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa không thừa nhận thất bại vì cho rằng đã có gian lận trong cuộc bầu cử này. Cùng ngày, trong bài diễn văn đầu tiên tại Wilmington, Delaware trên quê nhà, ông Joe Biden kêu gọi toàn dân “đoàn kết, chấm dứt xem những đối thủ là kẻ thù”. Với ông, “không có những bang mang màu xanh hay màu đỏ”, tức là ủng hộ đảng Dân chủ hay Cộng hòa, mà tất cả đều là “những bang thuộc về nước Mỹ”. Tổng thống tân cử Biden kêu gọi 70 triệu cử tri ủng hộ Tổng thống Trump hãy vượt qua thất vọng và bất đồng để cùng xây dựng một đất vững mạnh.

Nhưng chỉ ít giờ sau, ông Trump lên tiếng chối bỏ thất bại. Ông tố cáo đối thủ đã “vội vàng” nhận lấy chiến thắng trong lúc mà “cuộc bầu cử lần này còn lâu mới kết thúc”. Các luật sư của Donald Trump thông báo tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý. Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani khẳng định bên đảng Dân chủ đã có những động thái cho thấy có “gian lận” bầu cử. Ông Trump đã kêu gọi các đồng minh ủng hộ ông một cách rõ ràng hơn trong cuộc chiến chống sự gian lận. Tuy nhiên, lời kêu gọi này đã không mấy được hưởng ứng: rất hiếm nghị sĩ trong phe của ông bày tỏ công khai mối nghi kị của họ đối với quy trình bầu cử. Ngay cả thượng nghị sĩ Mitt Romney, một trong những gương mặt hàng đầu của đảng Cộng hòa, cũng đã chúc mừng ông Joe Biden. Lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, theo như những gì cho thấy, sẽ phải dàn xếp với chính quyền thuộc đảng Dân chủ, tuyệt nhiên không tham gia vào việc tố cáo những bất thường của cuộc bỏ phiếu. Ban vận động tranh cử của ông Trump đã bố trí các luật sư đến những bang vẫn còn đang tiến hành kiểm phiếu. Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ, ngày 6/11 ra phán quyết những lá phiếu gửi qua đường bưu điện đến sau ngày 3/11 phải được xử lý riêng biệt so với những lá phiếu khác. Như vậy, chánh án Samuel Alito, một người theo xu hướng bảo thủ, đã không ra lệnh ngừng đếm những lá phiếu bị tách riêng theo như mong muốn của phe Cộng hòa ủng hộ tổng thống Mỹ. Nếu lật ngược được số phiếu ở bang Pennsylvania sẽ là chiếc chìa khóa cho phép ông Trump tiếp tục ở lại Nhà Trắng.

Trên đường phố Mỹ, các cử tri ủng hộ hai ứng cử viên đã xuống đường, kẻ ăn mừng người phản đối. CNN ngày 8/11 cho biết ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump đang lên kế hoạch về một chiến dịch "thần tốc" tung tin nhắn để bảo vệ các cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu tổng thống vừa qua. Mục tiêu của chiến dịch tung tin nhắn chớp nhoáng là làm dấy lên mối nghi ngờ về kết quả bầu cử để gây sức ép, buộc chính quyền các bang có liên quan mở các cuộc điều tra hoặc tự mình kêu gọi kiểm phiếu lại. Hệ quả sẽ là kéo dài tiến trình kiểm phiếu, để ban vận động tranh cử của ông Trump có thêm thời gian thúc đẩy các vụ kiện trước tòa. Cho đến nay, các vụ kiện mà phía Tổng thống Trump nêu ra vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho các cáo buộc gian lận trên diện rộng. Và các lập luận mà ban vận động bầu cử của ông Trump đưa ra vẫn không làm thay đổi kết quả ở bất kỳ bang nào.

Nước Mỹ bộc lộ điều gì từ cuộc bầu cử tổng thống?
Những người ủng hộ ông Trump

Không chờ Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump chấp nhận thất cử theo thông lệ ở Mỹ, ngày 8/11, êkíp của ông Joe Biden đã lập một trang web mới, nêu chi tiết chương trình của tổng thống tân cử trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Trong đó có 4 ưu tiên chính: Chống đại dịch Covid-19, giải quyết khủng hoảng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và chủng tộc và chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ngày 9/11, ông Biden còn lập một đơn vị xử lý khủng hoảng mới, được ông thông báo trong bài diễn văn chiến thắng ngày 7/11. Nhóm chuyên gia này phụ trách lập một kế hoạch xử lý đại dịch, sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 20/1/2021. Theo các chuyên gia, phạm vi hoạt động cho đến ngày 20/1/2021 của Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ phụ thuộc vào thái độ của Tổng thống đương nhiệm Trump trong những ngày tới. Giai đoạn này được cho là đầy trắc trở, vì Tổng thống Donald Trump không công nhận thất bại và khởi động cuộc chiến pháp lý từ ngày 9/11. Như vậy, đội ngũ của ông Biden khó có thể có được tham khảo những hồ sơ quan trọng hoặc được tóm lược về các vấn đề an ninh quốc phòng.

Từ NATO đến Liên minh châu Âu, từ Pháp, Đức, Anh cho đến Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở Thái Bình Dương, từ Canada cho đến châu Mỹ Latinh và Trung Đông, lãnh đạo quốc gia và các định chế quốc tế đều tỏ ra rất hài lòng và muốn nhanh chóng bắt tay vào việc với nước Mỹ của Joe Biden. Trong số các phản ứng tiêu biểu, thông điệp chào mừng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổng thống đắc cử cùng hành động trước muôn vàn thách thức. Thủ tướng Đức Angela Merkel, sau 4 năm căng thẳng với ông Donald Trump, nhấn mạnh đến yếu tố “không thể thay thế được” trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương để cùng nhau vượt qua những thử thách lớn của thời đại. Bên cạnh phản ứng của hai đầu tàu và các thành viên khác của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định quyết tâm xây dựng đối tác bền vững với Hoa Kỳ. Thủ tướng Anh Boris Johnson chúc mừng “thành công lịch sử” của Joe Biden và nêu rõ Luân Đôn sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới trong các vấn đề ưu tiên chung. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không mong ước gì hơn là chào mừng “ủng hộ viên kiên cường” của Liên minh Bắc Đại Tây Dương và “nóng lòng” hợp tác với tổng thống đắc cử. Tại châu Á, chưa thấy phản ứng của Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng như Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Úc, lãnh đạo ba đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực gửi thông điệp với nội dung tương tự: “Chúc mừng nhị vị Joe Biden và Kamala Harris đắc cử” và mong chờ “củng cố mối quan hệ đồng minh vững bền”. Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Netanyahu thân mật “chúc mừng người bạn từ 40 năm”. Còn Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi Joe Biden “củng cố quan hệ” Mỹ-Palestine.

Ngày 9/11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích với báo giới tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin không chúc mừng sớm Joe Biden về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong khi ông đã làm như vậy ngay khi ông Donald Trump đắc cử. Theo ông Peskov, sự tranh cãi về kết quả là nguyên nhân. “Sự khác biệt là hoàn toàn rõ ràng. Các thủ tục pháp lý, do Văn phòng tổng thống thông báo, sẽ được khởi động. Tình hình vì thế mà khác hẳn. Do đó, chúng tôi tin rằng sẽ chính xác khi chờ kết quả chính thức được công bố. Trong các cuộc bầu cử trước đây, không có thông báo về một vụ kiện pháp lý", ông Peskov cho biết. Tuy nhiên, ông Peskov không trả lời câu hỏi về kết quả bầu cử nào sẽ là chính thức cho Điện Kremlin. Nhưng ông Peskov lưu ý rằng Tổng thống Nga "đã nhiều lần nói rằng ông sẽ tôn trọng bất kỳ sự lựa chọn nào của người dân Mỹ và sẵn sàng làm việc với bất kỳ tổng thống đắc cử nào của Mỹ".

Núi thách thức khổng lồ chờ ông Biden ở cánh cửa Nhà TrắngNúi thách thức khổng lồ chờ ông Biden ở cánh cửa Nhà Trắng
Kết quả bầu cử Mỹ 2020 chưa ngã ngũ, Tổng thống Iran đã Kết quả bầu cử Mỹ 2020 chưa ngã ngũ, Tổng thống Iran đã "nhắn gửi" chính quyền mới về chính sách trừng phạt
Vì sao nhiều hãng công nghệ lớn hy vọng Joe Biden sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ?Vì sao nhiều hãng công nghệ lớn hy vọng Joe Biden sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ?
“Ông Trump tính tái tranh cử năm 2024” khi cửa vào Nhà Trắng hẹp dần“Ông Trump tính tái tranh cử năm 2024” khi cửa vào Nhà Trắng hẹp dần

H.Phan

AFP