Venezuela đáp trả lệnh tái trừng phạt ngành dầu khí của Mỹ
Ông Tellechea, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, hôm thứ Tư đã bác bỏ những hậu quả về việc Mỹ có thể tái kích hoạt các lệnh trừng phạt. Ảnh PDVSA |
Hôm Thứ Tư 17/4, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt dầu mỏ lên Venezuela, chỉ sáu tháng sau khi Hoa Kỳ nới lỏng các hạn chế với quốc gia OPEC này, hãng thông tấn AP đưa tin.
Một viên chức ẩn danh cấp cao Mỹ, thảo luận về quyết định này với các phóng viên, cho biết bất kỳ công ty Hoa Kỳ nào đầu tư vào Venezuela sẽ có 45 ngày để chấm dứt hoạt động nhằm tránh làm thị trường năng lượng toàn cầu thêm bất ổn.
Tháng 10/2023, Hoa Kỳ cho phép Chính phủ Venezuela được miễn trừ các biện pháp trừng phạt với các lĩnh vực dầu khí và khai thác mỏ quốc doanh, sau khi Venezuela đồng ý hợp tác với các thành viên phe đối lập để tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống tự do và cạnh tranh trong năm nay.
Hành động tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt hôm Thứ Tư về căn bản là đưa chính sách của hoa Kỳ quay trở lại như trước khi thỏa thuận được ký kết tại đảo Barbados thuộc vùng Caribbean, làm cho các công ty Hoa Kỳ kinh doanh với nhà sản xuất dầu mỏ quốc doanh Petróleos de Venezuela S.A., hay còn gọi là PDVSA, mà không có giấy phép từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ, là bất hợp pháp.
Vẫn chưa rõ tác động của bước lùi này ảnh hưởng ra sao lên ngành công nghiệp dầu khí Venezuela đang gặp khó khăn dai dẳng hay không.
Lệnh dỡ bỏ hạn chế ban đầu chỉ được ban hành trong sáu tháng. Các chuyên gia cho rằng khoảng thời gian đó gần như không đủ để thu hút các nguồn vốn lớn và cần thiết, nhằm vực dậy hoạt động sản xuất ì ạch kéo dài tại Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới được các chuyên gia chứng minh.
Tuy nhiên, Venezuela bán dầu trực tiếp trong suốt sáu tháng nới lỏng lệnh trừng phạt, tăng doanh thu từ dầu mỏ đồng thời huy động được lượng tiền mặt vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, việc tăng cường các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng trực tiếp đến Chevron, công ty khoan dầu cuối cùng của Mỹ ở Venezuela có quy mô lớn. Chevron được phép đẩy mạnh xuất khẩu nhờ được cấp giấy phép năm 2022, trong bối cảnh lo ngại cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm đứt đoạn nguồn cung ứng năng lượng toàn cầu.
Chính quyền Venezuela bác bỏ lời chỉ trích ngoại giao, nói rằng họ thực hiện đúng với cam kết được đưa ra tại Barbados, và cáo buộc Washington phản bội lời hứa dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt mà Venezuela cho là Hoa Kỳ có nói trong các cuộc đàm phán bí mật giữa hai quốc gia.
Ông Tellechea, đồng thời là chủ tịch của tập đoàn khổng lồ Petroleos de Venezuela (PDVSA), tuyên bố trong cuộc gặp với các nhà báo ở Caracas: “Chúng tôi chưa bao giờ ngừng sản xuất, tiếp thị và khai thác trữ lượng. Chúng tôi sẽ không dừng lại, dù có hoặc không có giấy phép”.
Ông nói: “Mỹ vẫn sẽ có quyền tiếp cận với dầu mỏ Venezuela, nhưng người châu Âu và Ấn Độ có thể không có khả năng này, còn người châu Á sẽ gặp một số khó khăn”.
Ông Tellechea, người đã thông báo về việc mở rộng hoạt động sắp tới của Chevron, tuyên bố sẽ gặp gỡ thường xuyên với các công ty dầu mỏ như ConocoPhillips và ExxonMobil của Mỹ, hay BP của Anh. Ông nói: “Chúng tôi đã kết nối với nhiều nhà đầu tư, hầu hết là các doanh nghiệp xuyên quốc gia” và “điều này đồng nghĩa các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ tiếp tục đến Venezuela”.
Theo báo chí, ông Tellechea nắm quyền lãnh đạo Bộ Dầu mỏ sau sự ra đi của Tareck El Aissami, hiện bị giam giữ với cáo buộc là chủ mưu của một mạng lưới đã biển thủ hơn 15 tỷ USD từ lĩnh vực dầu mỏ.
Ông Tellechea không muốn tiết lộ số tiền bị tham ô nhưng cam kết rằng các biện pháp bảo vệ sẽ được áp dụng để đẩy lùi nạn tham nhũng. Ông đảm bảo rằng Venezuela sẽ không còn bán dầu giá rẻ nữa.
Anh Thư
AFP