Vì sao Mỹ giảm nhẹ trừng phạt dầu mỏ Venezuela?
Bức tranh tường tại trụ sở PDVSA cho thấy những người đàn ông đang làm việc tại các nhà máy lọc dầu của Venezuela, ở Caracas: Ảnh Miguel Zambrano/AFP |
Sáu tháng trước, giá dầu cao ở Mỹ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu khí Nga đã khiến chính quyền Biden phải tranh giành để có thêm nguồn cung mà họ có thể kiểm soát và thu lợi nhuận từ đó, đài RT của Nga bình luận.
RT cho rằng Washington không thể gây ảnh hưởng đến Nga và OPEC do Arập Saudi dẫn đầu, hoặc dựa vào các biện pháp trừng phạt, nhưng ít nhất họ có thể tăng hoặc giảm nguồn cung để giảm thiểu hậu quả chính trị trong nước do bất kỳ sự tăng giá nào dẫn đến. Vì vậy, Nhà Trắng đã cân nhắc những biện pháp hiện có và đề nghị một thỏa thuận mới với Venezuela. Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi đất nước này có trữ lượng dầu lớn nhất hành tinh – phần lớn chưa được khai thác.
Vì vậy, Washington đã tìm đến Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Mỹ, Chevron, đã được cấp giấy phép bơm dầu của Venezuela vào tháng 11/2022 – một tháng sau khi lệnh miễn trừ lệnh trừng phạt được thực hiện – và đổi lại, Mỹ sẽ gửi trả khoản tiền bán dầu của Caracas đã bị tịch thu do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.
Cho đến nay, Mỹ chỉ cho phép tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Petroleos de Venezuela (PDVSA) của Venezuela xuất khẩu dầu sang thị trường nước này, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm thu lợi thông qua công ty con của PDVSA tại Mỹ, Citgo, tịch thu hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ của Venezuela.
Mới tháng trước, Chevron đã công bố kế hoạch khoan mới cho Venezuela trong liên doanh với PDVSA, với mục tiêu tăng sản lượng 35% so với cùng kỳ năm trước bằng cách đưa các giếng mới vào hoạt động. Và một tháng trước đó, Chevron đã tiếp tục tăng cường khai thác tại Vành đai Orinoco.
Hiện tại, mọi giấy phép kinh doanh tạm thời để hoạt động ở Venezuela và các lệnh miễn trừ của Washington đã hết hạn sau sáu tháng. Chính quyền Biden đã nhấn mạnh rằng việc tiếp tục cấp phép cho các công ty dầu mỏ sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Điều này nghe có vẻ là một cách thuận tiện để Washington giữ thị trường cho riêng mình, hoặc ít nhất là quyết định ai sẽ được tiếp cận.
Sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ để kiểm soát sân chơi toàn cầu không phải là điều mới mẻ. Việc này ngày càng khó thực hiện hơn trong bối cảnh các lựa chọn ngày càng tăng khi phần còn lại của thế giới chọn thế đa cực.
Vào tháng 2/2020, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga với cáo buộc rằng công ty này “môi giới và vận chuyển dầu thô của Venezuela”.
Washington muốn các cuộc bầu cử ở Venezuela diễn ra tự do và công bằng. Có thể thấy việc hủy bỏ quyền miễn trừ lệnh trừng phạt hiện có với Venezuela liên quan nhiều hơn đến thực tế là giá dầu ở Mỹ đã giảm, sản lượng tăng và nhu cầu trong nước hiện ở mức thấp.
Ngành dầu mỏ Venezuela trước giờ G |
Venezuela đáp trả lệnh tái trừng phạt ngành dầu khí của Mỹ |
Anh Thư
RT