“Nốt nhạc trầm” giữa lòng Sài Gòn

07:53 | 30/11/2019

961 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không bảng hiệu, “Quán của Thời Thanh Xuân” (còn gọi là Thanh Xuân in Sai Gon) giấu mình trên tầng 2 của một tiệm sách tại 43 đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) mới “chào đời” hơn chục ngày mà tấp nập khách. Đến nơi đây, khách như quên đi những bộn bề, lo toan của cuộc sống để cảm nhận sự an yên, nhớ lại thời thanh xuân tươi đẹp...    

Theo sự hướng dẫn của bạn bè, tôi tìm đến Quán của Thời Thanh Xuân (còn gọi là Thanh Xuân in Sai Gon) giữa Sài Gòn. Giữa không gian tấp nập, xô bồ, mới vừa đẩy nhẹ cánh cửa, mùi hương trầm thoang thoảng như xua đi bao nhọc nhằn. Bạn nhân viên mặc chiếc áo sơ mi trắng tinh, mời khách chọn chỗ ngồi.

not nhac tram giua long sai gon
Không gian yên bình của quán

Khá “ngẩn ngơ” khi bạn nhân viên đưa cuốn menu nước uống đầy màu sắc, lại có những que màu xinh xinh. Thì ra đây là những ký hiệu để khách chọn nước, vì các nhân viên đều không nghe, nói được. Một mảnh giấy nhỏ với dòng chữ nắn nót: “Bạn thương! Bạn vui lòng chọn thức uống trên menu. Sau đó rút que có màu tương ứng với thức uống để bạn nhân viên người điếc có thể hiểu và phục vụ bạn nhé!”. Tôi chọn que màu đỏ ứng với trà thanh xuân được tô màu đỏ, trà lạnh có que tô màu cam, cà phê đen có que màu đen, cà phê sữa có que màu nâu…

Với khách lần đầu đến còn lạ lẫm, nhưng khi đã đến lần thứ hai sẽ thích thú khi được học thêm nhiều ký hiệu chuyện trò từ đôi tay. Ví dụ như dùng tay này đặt thẳng lên bàn tay kia (như động tác chặt xuống) nghĩa là có đá; bàn tay để dưới cằm, hai ngón tay búng nhẹ vào nhau (nghĩa là bỏng lưỡi) thì món nước sẽ dùng nóng; nắm bàn tay để dưới cằm, rồi xòe năm ngón tay ra như bông hoa nghĩa với biểu tượng nụ cười, nghĩa là cảm ơn…

Thích thú khi được học những ký hiệu đơn giản như cảm ơn, xin chào…, Nguyễn Thị Anh Đào (nhân viên văn phòng, ngụ quận 3, TP HCM) trải lòng: “Lần đầu đến đây, tôi cứ ngỡ người điếc phục vụ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc gọi món, nhưng không ngờ lại dễ dàng và khá thú vị. Đến đây tôi thấy lòng nhẹ nhõm hẳn, bỏ hết những lời nói thâm sâu bên ngoài cánh cửa. Tôi nhận ra còn có một thứ ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của đôi tay, ánh mắt, nụ cười...”.

not nhac tram giua long sai gon
Chủ quán Võ Thành Luân

Giữa trung tâm Sài Gòn hào nhoáng và nhộn nhịp, Quán của Thời Thanh Xuân như “một nốt nhạc trầm” trên “bản nhạc sôi động” của thành phố phồn hoa này. Có lẽ chính không gian an yên, nhẹ nhàng và gần gũi đã thu hút giới trẻ Sài Gòn đến đây, ngồi cả ngày trời không muốn rời đi. Sau thời gian làm việc mệt mỏi và áp lực, nhiều người muốn tìm một nơi bình yên, ấm áp để có những “khoảng lặng” và sống chậm lại. Khách đến quán có khi đi cùng bạn, cũng có người đến một mình, chọn cho mình một góc nào đó thưởng một tách trà thơm, ăn chiếc bánh ngon, đọc sách miễn phí. Gần như không ai dùng điện thoại lên mạng, lướt web, bởi nơi này có nhiều điều thú vị, hấp dẫn hơn rất nhiều.

Quán của Thời Thanh Xuân như “một nốt nhạc trầm” trên “bản nhạc sôi động” của thành phố Sài Gòn phồn hoa. Có lẽ chính không gian an yên, nhẹ nhàng và gần gũi đã thu hút giới trẻ Sài Gòn đến đây, ngồi cả ngày trời không muốn rời đi.

“Cha đẻ” Quán của Thời Thanh Xuân chính là Võ Thành Luân (32 tuổi, quê Bảo Lộc, Lâm Đồng). Đây là một dự án doanh nghiệp xã hội mang tính nhân văn, giúp cho những bạn trẻ không nghe, không nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau.

Luân gọi các bạn không thể nghe hoặc nói là người điếc thay vì dùng từ “khiếm thính”. Thế nên, quán phân biệt người bình thường và người khiếm thính bằng cái tên “Người Nói” và “Người Điếc”.

“Đó là văn hóa của người điếc! Sứ mệnh của bọn mình là lý giải mọi người hiểu được những người điếc muốn xã hội gọi mình như vậy. Trong văn hóa của họ, gọi điếc nghĩa là tôn trọng. Bạn đừng suy nghĩ theo tư duy của người nói mà hãy tư duy theo kiểu cách người điếc... Đấy là người điếc nói với mình” - Luân giải thích với tôi.

Điều đặc biệt ở quán này là tất cả mọi thứ đều không có giá được ghi sẵn. Khách muốn trả tiền thì cho vào một cái hộp nhỏ tùy theo mức độ trải nghiệm và cảm nhận của mình. “Thanh Xuân in Sai Gon không có giá cho tiền trà và cà phê. Phía trước căn bếp nhỏ có một chiếc hộp nhỏ, tùy vào sự hài lòng và hạnh phúc của bạn khi ở đây mà bạn để vào nhé” - đây là dòng chữ nắn nót của bạn điếc ghi trên hộp.

not nhac tram giua long sai gon
Không có khoảng cách giữa “Người nói” và “Người điếc”

Phụ trách quán là Nguyễn Tú Uyên, 30 tuổi. Uyên kể, cô biết đến dự án Quán của Thời Thanh Xuân qua facebook đã lâu, khi nghe nói sẽ có chi nhánh ở TP HCM, cô liền xin được đồng hành. “Ở đây tụi mình hầu như không ghi giá tiền, mọi người tùy tâm muốn trả bao nhiêu cũng được, thậm chí không trả cũng không sao. Chúng mình vẫn phục vụ trong sự vui vẻ và bằng cả tấm lòng” - Uyên cho biết.

“Nhưng nếu ai cũng vào quán uống nước miễn phí thì các bạn có sợ lỗ không?”, tôi hỏi. Uyên mỉm cười nhẹ nhàng: “Tiền có thể nay có, mai không nhưng tình cảm rất thiêng liêng, không đong đếm được bằng vật chất. Chúng mình tin quán sẽ duy trì được lâu dài bởi tấm lòng của người Sài Gòn”.

Trong không gian yên bình với tiếng nhạc du dương, quán được bài trí bằng nhiều cây xanh, những quả thông khô đến từ Đà Lạt mộng mơ. Trên vách, những tờ giấy ghi cảm xúc của khách dành cho quán ngày càng dày thêm.

Thực đơn của quán chỉ xoay quanh những món trà đơn giản nhưng được chăm chút từ nguyên liệu cho tới cách pha và bày trí. Có một số món mỗi ngày chỉ bán số lượng nhất định. Nếu bán hết, khách có thể chọn các món phổ thông khác như trà, cà phê, nước suối... Món trà được quán đặt tên “Sương lạnh” mỗi ngày chỉ có 4 ly. Thức uống này dùng nguyên liệu từ hoa đậu biếc sấy khô, bỏ vào bình rồi ủ trong nước lạnh 12 giờ đồng hồ mới pha chế. Đá uống trà do quán tự làm bằng nước lọc tinh khiết. Cà phê trong quán đều là loại hạt cà phê Arabica do người Cơ Ho trồng ở độ cao 1.500m. Các món bánh ngọt làm ở Đà Lạt và chuyển về trong đêm.

Ngoài trà bánh, quán còn bày bán những sản phẩm handmade như tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ Đà Lạt, xà phòng, các sản phẩm đồ thủ công như vòng tay, vòng cổ, túi vải, sen đá... Tất cả đều do các bạn điếc làm nên.

Tiểu Quyên (sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM) thích thú khi nói về cách trả tiền cho trà: “Mình thích sự tử tế của quán và cũng là cơ hội cho mỗi người tới đây thể hiện sự tử tế, là cơ hội để bạn tập cho đi, hay hào phóng với cảm xúc của bản thân”.

Võ Thành Luân chia sẻ với tôi, anh chuẩn bị mở rộng mô hình này ở Hội An. Tham vọng của chàng trai trẻ là trong 2 năm tiếp theo có thể mở được 30 chi nhánh trên khắp đất nước. “Mình muốn tạo việc làm, tạo thu nhập, giúp các bạn điếc hòa nhập cuộc sống. Càng thêm nhiều Quán của Thời Thanh Xuân, cơ hội việc làm dành cho các bạn điếc sẽ còn nhiều hơn”.

Quán trà của người điếc tại TP HCM cũng đang gặt nhiều quả ngọt. Sau 2 tuần, lượng khách từ 50 người/ngày đã tăng gấp 3-4 lần. Từ 2 nhân viên là người điếc, quán sắp đón thêm 2 nhân viên mới.

Hy vọng một cánh cửa mới - cánh cửa hạnh phúc - sẽ mở rộng với nhiều người!

Hoàng Mai