Cái tình của người Sài Gòn

14:55 | 24/08/2021

280 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những ngày dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, dây giăng phong tỏa khắp nơi, mọi cánh cửa nhà đều đóng chặt, chỉ tấm lòng con người lại mở rộng. Trước một căn nhà xập xệ ở thành phố Thủ Đức là hình ảnh quen thuộc một thanh niên xăm trổ phân phát rau cho người nghèo...
Cái tình của người Sài Gòn

Nguyễn Minh Tân đang phát gạo, rau củ... cho các gia đình khó khăn

Sáng sáng, trước căn nhà xập xệ (địa chỉ 5A4 khu dân cư Đông Tăng Long, phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức, TP HCM) của anh Nguyễn Minh Tân, nằm cạnh chốt gác khu phong tỏa, có một chiếc bàn nhỏ, đặt những bịch rau củ quả... chờ bà con khó khăn đến lấy.

Căn nhà nhỏ đó, Tân thuê 5 triệu đồng mỗi tháng. Chàng thanh niên gốc Sài Gòn, hăm hở rời nhà cha mẹ, dọn ra sống riêng, mở tiệm rửa xe nhỏ, kiếm thu nhập nuôi vợ và 3 con nhỏ. Không có tiền để mua sắm thiết bị rửa xe 4 bánh, tiệm của Tân chỉ mới nhận rửa xe 2 bánh.

Chỉ ít ngày sau khai trương, dịch Covid-19 tại Sài Gòn bắt đầu bùng. Tiệm ế ẩm, cả ngày chỉ vài chiếc xe gắn máy mang đến tiệm Tân rửa.

Cái tình của người Sài Gòn

Các con nhỏ của Tân cầm tiền hỗ trợ của chính quyền. Tân “khoe” dùng số tiền này mua 200kg rau muống cho bà con nghèo

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số nhiễm mới lên đến con số hàng nghìn ca mỗi ngày, TP HCM áp dụng Chỉ thị 15, rồi Chỉ thị 16..., mọi hoạt động mua bán, mọi dịch vụ phải tạm dừng, chợ đóng cửa. Khu vực phường Trường Thạnh nơi Tân cư trú đã phát hiện nhiều ca F0, chính quyền áp dụng biện pháp phong tỏa khẩn cấp. Phường Long Trường sát bên cũng tiếp tục bị phong tỏa...

Tiệm rửa xe “non trẻ” của Tân cũng không ngoại lệ, phải đóng cửa. Không kiếm được tiền nhưng vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng, lo sữa cho con... nhưng nhìn bà con nghèo lâm vào tình cảnh khó khăn, Tân không chịu được.

Cái tình của người Sài Gòn

Chiếc bàn tình nghĩa chất đầy rau xanh trước ngôi nhà thuê của Tân

Tân chia sẻ: “Tôi không giàu có gì, nhưng là người Sài Gòn, có túng quá thì chạy về nhà cha mẹ. Chỉ tội nghiệp một số bà con xa quê đang kẹt ở Sài Gòn. Họ kiếm sống bằng nghề bán vé số, giờ vé số không được bán. Người đi phụ hồ, nhận tiền công ngày nào đủ chi tiêu cho vợ con ngày đó, nghỉ dịch kéo dài thì biết sống sao... Họ thiếu cả gạo để nấu cơm, nói chi đến thịt, cá. Giúp gì được tôi giúp”.

Nghĩ đơn giản vậy và chàng thanh niên bắt đầu làm ngay. Bỏ tiền túi chắt chiu, dành dụm bấy lâu để phòng hờ thuốc thang cho đứa con gái nhỏ hay đau bệnh, Tân đặt mua rau muống, dưa leo, thanh long, bầu, bí, khoai lang... giá rẻ ở Củ Chi, Hóc Môn. Hằng ngày, vợ chồng Tân phân chia ra từng bịch nhỏ, đặt sẵn lên bàn trước khi trời sáng, kịp cho bà con đến lấy.

Bạn bè khuyên: “Mày còn khó, lo cho mình trước đi. Người khó hơn, có người khác lo”. Nhưng Tân không chịu: “Tiền bạc ngày mai kiếm lại. Lúc khốn khó, mình không thể ngồi ăn cơm mà nhìn bà con đói”.

Cái tình của người Sài Gòn

Hằng ngày, vợ chồng Tân phân phát rau xanh cho các hoàn cảnh khó khăn

Người vợ đảm đang của Tân ban đầu cũng lo sợ tiền dành dụm cạn kiệt, rủi 3 đứa con bệnh thì lấy tiền đâu lo thuốc thang, nhưng Tân thuyết phục vợ: “Cứ cho hết đi em. Ông trời sẽ cho mình cái khác. Dịch hết, mình rửa xe lại, kiếm cái khác”.

Chiếc bàn rau củ quả đầy tình người Sài Gòn giữa đại dịch đã lay động lòng nhân hậu của nhiều người. Anh Toàn Hà Tĩnh, chị Ngọc Sammy Thủ Thiêm, chị Lợi CR, khu dân cư Bách khoa Phú Hữu, quỹ tình thương Shark Liên... thấy Tân tuy nghèo vật chất nhưng giàu lòng nhân ái, cũng chung tay góp sức, chở rau củ quả, gạo... đến.

Mỗi sớm tinh mơ, trên chiếc bàn nhựa cũ kỹ đặt trước căn nhà nhỏ vách tôn, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng trong khu dân cư sang trọng, bà con nghèo bịt kín khẩu trang, không rõ mặt nhau, nhưng lộ đôi mắt vui tươi, tranh thủ đến lấy rau củ quả.

Tuy không nhìn được mặt, nhưng Tân đã quen cái dáng gầy gò còm cõi của dì Hai mua ve chai, cái dáng lụm khụm của ông Bảy bán vé số, cái dáng thô kệch của anh Long phụ hồ... Quen từng giọng nói giữa xôn xao câu “cảm ơn”.

“Bà con đứng cách nhau 2 mét giùm con! Bữa nay bà con ăn rau muống, khoai lang. Ngày mai có thanh long, mồng tơi nha!”, đứng sau chiếc bàn, Tân nhắc nhở bà con đứng giãn cách, không quên “quảng cáo” thực đơn cho ngày mai.

Chẳng những lo cho bà con nghèo, thấy các anh dân phòng, công an ngày đêm vất vả dưới trời mưa nắng, gác chốt phong tỏa cạnh nhà, Tân cùng vợ đều đặn nấu bữa ăn sáng mời các anh, khi thì bún bò, khi thì xôi, chè. Tân nói: “Hằng ngày cũng phải nấu cho mấy đứa nhỏ ăn. Nấu nhiều hơn chút, mời các anh cũng tiện mà. Các anh cực khổ vì dân, các anh mong dân có ý thức, thực hiện đúng lệnh giãn cách là được rồi”.

Một bác dân phòng nói: “Nhìn nó xăm trổ, hì hà vậy chứ tốt lắm! Có tấm lòng nhân hậu, biết san sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình”.

Giữa dịch bệnh bùng phát, người người ở trong nhà tránh dịch, chàng trai sinh năm 1987 ấy vẫn xuôi ngược, lăn xả vì người nghèo. Khi thì anh mang túi gạo, chai nước tương mới xin được của chị Ngọc đến tặng cho một gia đình ở trọ đang cạn kiệt tiền, lương thực, khi thì bó rau cho cụ bà già yếu bán vé số nằm co ro trong phòng trọ, không đủ sức ra ngoài được...

Thuộc dạng hộ nghèo, có 3 con nhỏ, Tân được chính quyền hỗ trợ 2 đợt, mỗi đợt 1,5 triệu đồng, Tân đều dốc hết tiền được hỗ trợ đi mua rau củ quả về phân phát cho bà con nghèo hơn mình, như là cách san sẻ niềm vui được chính quyền quan tâm.

Cái tình người của Sài Gòn lớn biết bao!

Sông Hàn