Nông dân miền Tây khấp khởi trước đà giá lúa gạo tăng cao

15:26 | 04/08/2023

52 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều ngày qua, nông dân miền Tây vui mừng vì lúa hè thu năm nay trúng mùa, được giá nên thu nhập của người một nắng hai sương vụ này cao hơn so với các năm trước.
Tiếp tục thúc đẩy thu mua lúa gạo cho nông dânTiếp tục thúc đẩy thu mua lúa gạo cho nông dân
Tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệpTháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp
Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững “ngôi vương”Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững “ngôi vương”

Giá lúa lập đỉnh, nông dân mừng trúng mùa

Giữa trưa nắng gắt, vừa đốc thúc nhân công gặt lúa, ông Nguyễn Thành Mến (An Giang) vừa khấp khởi: "Cả hai tháng nay, sáng nào cả nhà tôi cũng phải làm sớm để đỡ dính mưa, làm nhiều mới kịp giao hàng. Tôi có hợp đồng với thương lái từ sớm nên chỉ gặt rồi giao thôi".

Do gieo sạ sớm, ruộng của ông Mến thu hoạch vụ hè thu trước thời hạn, cùng lúc giá lúa lập đỉnh, ông Mến cũng nhận được đơn hàng từ thương lái với giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.

Nông dân miền Tây khấp khởi trước đà tăng của giá lúa gạo (Ảnh: Bảo Trân).
Nông dân miền Tây khấp khởi trước đà tăng của giá lúa gạo (Ảnh: Bảo Trân).

Ông Nguyễn Văn Kết (Tịnh Biên, An Giang) cho biết, giá lúa OM54 và OM51 tại chân ruộng của ông đều được thương lái thu mua với giá tăng từ 400 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Theo ông Kết, giá lúa gạo sẽ còn tăng trong nhiều ngày tới.

"Thị trường lúa gạo, có khi hôm nay một giá, này ngày mai đã giá khác. Một số người đã ký hợp đồng với lái buôn trước rồi thì giờ chỉ chờ giao thóc. Còn một số khác phải chờ được giá mới giao", ông Kết nói.

Theo ông Kết, người nông dân thường nhận cọc giá lúa sau khi gieo sạ được 3 tuần, phần vì mong muốn bán sớm cho thương lái, phần khác là để có đủ tiền xoay xở trước. Thế nên, khi giá lúa tăng vào thời điểm thu hoạch, người vui nhất là... thương lái.

"Do nhận cọc tiền lúa trước, nên đến lúc thu hoạch, giá tăng thì chỉ có lợi cho thương lái. Nhiều người bẻ kèo vì lý do này. Trúng mùa, người mừng nhiều khi là thương lái chứ không phải nông dân", ông Kết nói thêm.

Ấn Độ cấm xuất khẩu, cơ hội cho gạo Việt Nam

Đánh giá về tình hình lúa gạo hiện tại, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nói: "Biến đổi khí hậu cực đoan, diện tích trồng cây lương thực bị sụt giảm, tình hình này đã được nhận định từ năm 2022 và diễn biến ngày càng trầm trọng. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo chỉ là giọt nước tràn ly".

Nông dân vui mừng vì thóc lúa được mùa, được giá.
Nông dân vui mừng vì thóc lúa được mùa, được giá.

Theo ông Bình, giá lúa gạo của nông dân ở thời điểm hiện tại tăng 1.000/kg so với vụ trước đó.

"Với giá lúa tại ruộng dao động từ 7.000 đến 7.200/kg thì gạo xuất khẩu phải đạt 630 - 640 USD/tấn mới tương xứng. Khi giá lúa của nông dân liên tục nhảy múa, các doanh nghiệp ký trước mua sau sẽ bị lỗ".

Bằng cách giữ vững quan điểm xác định vùng nguyên liệu chủ động, sản xuất gắn liền với tiêu thụ, giá lúa gạo được thu mua tại công ty Trung An tương đối ổn định.

"Nguồn nguyên liệu đến đâu chúng tôi ký đến đó, giá không bị chênh lệch nhiều mà tương đối ổn định. Ngay cả hợp đồng cách đây 2 tháng, chúng tôi đã ký với mức giá lên đến 674 USD/tấn", ông Bình nói.

Theo ông Bình, Ấn Độ cấm xuất khẩu mở ra cơ hội cho thị trường gạo Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước.

"Doanh nghiệp nào xuất khẩu mang tính bền vững, hợp tác lâu dài với nông dân, có vùng nguyên liệu trước sẽ tận dụng được cơ hội này, chủ động được về giá, đồng thời đảm bảo nguồn hàng giao cho khách", ông Bình cho biết.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa (Ảnh: Bảo Trân).
Nông dân An Giang thu hoạch lúa (Ảnh: Bảo Trân).

Nông dân cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho hay, hiện tại nông dân địa phương đã thu hoạch xong vụ hè thu và bắt đầu xuống giống vụ thu đông.

Theo ông Nghiêm, một số hợp tác xã, doanh nghiệp, thương lái đã bắt đầu đặt hàng vụ thu đông với giá cao hơn đôi chút. Ví dụ, lúa OM54 OM51 được đặt cao hơn trước từ 400 - 500 đồng/kg.

Để tránh thị trường tiêu cực do giá lúa gạo biến động, ngành nông nghiệp địa phương cũng đã áp dụng phương thức chốt giá cách thời điểm thu hoạch khoảng 10 ngày.

"Phương thức này có lợi cho cả người dân và doanh nghiệp thu mua. Qua đó, tùy theo tình hình thực tế mà người dân có thể thương thảo", ông Nghiêm nói.

Nông dân miền Tây đang chăm lúa, thăm đồng bằng trực thăng không người lái (Ảnh: bảo Kỳ).
Nông dân miền Tây đang chăm lúa, thăm đồng bằng trực thăng không người lái (Ảnh: bảo Kỳ).

Về phía người dân, ông Nghiêm khuyến cáo, cần tập trung chăm sóc vụ thu đông tới thắng lợi. Đồng thời, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo chất lượng lúa, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học để đảm bảo chất lượng gạo, hỗ trợ doanh nghiệp bước ra thị trường mạnh dạn hơn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: "Người dân cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, để doanh nghiệp có sự chủ động, đảm bảo được vùng nguyên liệu, có quy mô hàng hóa trong tay, doanh nghiệp sẽ dễ thương thảo hợp đồng với các đối tác".

Cũng theo ông Nghiêm, nhiều nước cấm xuất khẩu gạo là cơ hội lớn cho hạt gạo Việt Nam. Thế nhưng, để tiếp cận những thị trường mới, người nông dân cần phải bắt lấy thời cơ để thay đổi phương thức sản xuất tiên tiến hơn để nắm trong tay hạt gạo chất lượng cao nhất.

Theo Dân trí