Nỗi ám ảnh tin tặc có nguồn gốc tác động từ Trung Quốc

07:04 | 27/09/2015

735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tin tặc một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh với nước Mỹ, khi thông tin mới nhất cho thấy có tới hàng triệu mẫu dấu vân tay của nhân viên chính phủ liên bang bị đánh cắp qua mạng máy tính.
noi am anh tin tac co nguon goc tac dong tu trung quoc
Dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên Liên bang Mỹ đã bị đánh cắp trong cuộc tấn công của tin tặc

Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) của Chính phủ Mỹ ngày 23/9 cho biết, các nhà điều tra mới phát hiện thêm rất nhiều mẫu dấu vân tay nhân viên liên bang bị đánh cắp khi mở rộng điều tra vụ việc tin tặc xâm nhập hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan chính phủ khác của Mỹ được phát hiện hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, có khoảng 5,6 triệu mẫu dấu vân tay của nhân viên chính phủ liên bang Mỹ, nhiều hơn gấp 4 lần so với báo cáo ban đầu ngày 10/7 là có 1,1 triệu mẫu vân tay bị đánh cắp.

OPM cũng cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các mẫu dấu vân tay của nhân viên liên bang bị đánh cắp đã bị lợi dụng do khả năng sử dụng thông tin này khá hạn hẹp. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh của OPM lo ngại đây sẽ là vấn đề tiềm ẩn các nguy cơ khi công nghệ phát triển hơn trong tương lai.

Nhóm điều tra nội bộ gồm các chuyên gia từ Cục Điều tra liên bang (FBI), Bộ An ninh nội địa và Bộ Quốc phòng Mỹ lúc này đang tiếp tục đánh giá các phương thức tội phạm có thể sử dụng thông tin về dấu vân tay trong hiện tại cũng như tương lai. OPM và Lầu Năm Góc cũng xúc tiến việc gửi thư thông báo tới những người có thể bị đánh cắp mẫu vân tay trong vụ tin tặc quy mô lớn này. 

Cách đây hơn 2 tháng, OPM cho biết tin tặc đã thực hiện một vụ tấn công nghiêm trọng vào hệ thống máy tính của nhiều cơ quan chính phủ liên bang, có thể đánh cắp các dữ liệu liên quan tới 21,5 triệu người, trong đó 19,7 triệu người đang là nhân viên liên bang, hoặc đã nghỉ hưu, hoặc là những nhân viên tương lai hay các nhà thầu, và số còn lại chủ yếu là vợ/chồng, hoặc người sống chung cùng họ. Dữ liệu cá nhân bị đánh cắp bao gồm mã số an sinh xã hội; địa chỉ; quá trình học tập; thông tin về gia đình và bạn bè cũng như các mối quan hệ làm ăn; hồ sơ y tế, hành vi phạm tội và lịch sử tài chính. 

Vụ tấn công trên nghiêm trọng tới mức Giám đốc OPM khi đó là bà Katherine Archuleta đã phải tuyên bố từ chức ngay sau khi vụ việc được phát hiện. Không lâu trước đó, đầu tháng 6, Chính phủ Mỹ thừa nhận tin tặc đã đột nhập vào hệ thống dữ liệu của OPM và đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang. Năm 2014, hàng loạt thư điện tử của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã bị tin tặc xâm nhập, trong khi hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chung số phận.

Các nhà điều tra Mỹ chưa chính thức cáo buộc thủ phạm của những vụ tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ liên bang, song Washington đã nhiều lần than phiền về thế lực đứng sau tin tặc có nguồn gốc tác động từ Trung Quốc. Thậm chí, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ còn đòi chính quyền Tổng thống Barack Obama phải trừng phạt các cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc hậu thuẫn tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính chính phủ liên bang của Mỹ.

Kết quả điều tra mới nhất về vụ tin tặc tấn công do OPM công bố lại đúng vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ sau khi nhậm chức càng làm nóng thêm vấn đề vốn đã nổi cộm lâu nay trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang có nhiều xung đột, va chạm này.

An ninh Thủ đô