Những thương vụ vũ khí gây tranh cãi

07:00 | 25/01/2014

5,083 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thương vụ vũ khí giữa Bắc Kinh và Tel-Aviv vẫn đang khiến Washington nổi giận cho dù Cục trưởng cục Giám sát xuất khẩu vũ khí của Bộ Quốc phòng Israel Shalita đã phải từ chức. Sau khi từ chức, ông Shalita còn tới Mỹ để xin lỗi Washington về thương vụ này. Mỹ đã yêu cầu Israel phải giải thích rõ tại sao lại bán các trang thiết bị vũ khí, kể cả tên lửa cho Trung Quốc. Quan hệ Mỹ - Israel từng xuất hiện rạn nứt sau khi Israel bán trang thiết bị quân sự cho Trung Quốc năm 2012 và sau khi bị Washington phản đối, Tel-Aviv đã phải hủy hợp đồng thỏa thuận trước đó với Bắc Kinh.

Năng lượng Mới số 293

Tranh nhau mở rộng thị trường

Ngày 16/12/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, cần cho phép các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mua những thiết bị quốc phòng nhất định của Mỹ. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Bernadette Meehan coi việc cho phép GCC mua sắm các thiết bị và dịch vụ quốc phòng cần thiết để đẩy mạnh hợp tác quốc phòng khu vực. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm tới, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ (8/3/2013) kế hoạch nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí. Theo đó cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu hàng nghìn linh phụ kiện máy bay, trong đó có các linh phụ kiện của máy bay chiến đấu F-18 và các động cơ turbine khí.

Theo tính toán của Hiệp hội Toàn quốc các nhà sản xuất Mỹ (NAM), bãi bỏ bớt những hạn chế xuất khẩu vũ khí sẽ mang lại cho nền kinh tế Mỹ 64 tỉ USD và tạo ra được 160.000 việc làm mới. Hàn Quốc đã thông báo cho Mỹ (27/10/2013) ý định mua hơn 100 tên lửa phòng thủ đạn đạo chiến thuật (ATBM) nhằm tăng cường khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa với giá trị 404 triệu USD. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2012, Washington đã xuất khẩu khối lượng vũ khí trị giá 69,1 tỉ USD cho các khách hàng nước ngoài, còn Nga đã xuất khẩu khối lượng vũ khí đạt 15,2 tỉ USD.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama từng hoàn tất một hợp đồng bán vũ khí kỷ lục trị giá 29,4 tỉ USD, trong đó Tập đoàn Boeing sẽ chuyển nhiều máy bay chiến đấu F-15 cho Arập Xêút. Giới truyền thông cho biết, Mỹ đã cay đắng nhìn Nga triển khai hợp đồng vũ khí trị giá 4,3 tỉ USD với Iraq sau khi trợ lý thủ tướng Iraq Ali Musawi cho biết (17/10/2013), Moskva bắt đầu thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hơn 4 tỉ USD cho quốc gia Trung Đông này.

Theo giới truyền thông, Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo mở rộng bán vũ khí sau khi cho biết, Moskva đã cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự đặc biệt tới 66 quốc gia và đã ký các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự với 77 quốc gia trên thế giới. Được biết, xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2012 đã tăng 12% đạt giá trị 15,2 tỉ USD.

Ngày 12/12/2013, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, Moskva có thể tăng gấp 4 lần giá trị xuất khẩu vũ khí hàng năm, lên đến 50 tỉ USD vào năm 2020 và sẽ đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí thế giới.

NATO không muốn bị qua mặt

Đêm 6/12/2013, Mỹ quyết định cấm Công ty WestCAM Solution xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ các cảm biến và bộ dẫn mục tiêu lazer (những linh kiện dự kiến được lắp đặt trên máy bay không người lái mới Karayel của Thổ Nhĩ Kỳ). Việc này diễn ra sau khi một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết (2/11/2013), Washington bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về kế hoạch sở hữu một hệ thống chống tên lửa tầm xa từ Trung Quốc của Ankara.

Ngày 6/11/2013, Tướng Philip Breedlove, Tổng thư lệnh Bộ Chỉ huy NATO ở châu Âu đã đặt dấu hỏi về hợp đồng quốc phòng trị giá 3,4 tỉ USD giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc vì lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc có thể không phù hợp với hệ thống phòng thủ chung của NATO - NATO lo ngại việc một thành viên đưa hệ thống phòng thủ của Trung Quốc vào sử dụng có thể dẫn tới rò rỉ thông tin tình báo và an ninh mạng. Trước những động thái kể trên, Cục Công nghiệp quốc phòng của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định kéo dài hoạt động đấu thầu có liên quan đến mua sắm hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đến ngày 31/1/2014.

Tháng 10/2013, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, chọn hệ thống tên lửa phòng thủ FD-2000 của Tập đoàn Xuất nhập khẩu máy móc chính xác quốc gia Trung Quốc (CPMIEC) thay vì hệ thống của những công ty cạnh tranh khác đến từ Mỹ, Nga hay châu Âu. Theo Hãng AFP, CPMIEC đã vượt qua các đối thủ đến từ Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin, Rosoboronexport của Nga hay Eurosamrs của Pháp - Italia, để trở thành nhà cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) được trưng bày lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, giao dịch kể trên vẫn chưa hoàn tất, nếu các công ty Mỹ và châu Âu có thể cung cấp sản phẩm tốt hơn, Ankara sẵn sàng đối thoại với họ. Ngày 22/10/2013, Tổng thư ký NATO Rasmussen kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc thận trọng lập trường của NATO trước khi ký đơn đặt hàng mua vũ khí với Trung Quốc.

Ngày 23/10/2013, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố: Không ai có quyền can thiệp quyết định độc lập tự chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cũng cho biết, hợp tác sản xuất tên lửa với Trung Quốc có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy ngành quốc phòng, bảo vệ lợi ích quốc gia. Ngày 25/10/2013, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định, thỏa thuận kể trên là hợp tác buôn bán vũ khí bình thường, cần được xem xét một cách sáng suốt, khách quan và không nên chính trị hóa hoạt động cạnh tranh thương mại thông thường này.

Những cáo buộc và cảnh báo khác nhau

Tại triển lãm Quốc phòng và An ninh 2013 ở Bangkok, Tập đoàn Xuất nhập khẩu máy móc chính xác quốc gia Trung Quốc (CPMIEC) và Công ty Poly Technologies đã thảo luận sơ bộ với các cơ quan quốc phòng của Thái Lan liên quan đến hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, hệ thống tên lửa đất đối không FL-3000N, hệ thống phòng không cơ động FK-1000 của CPMIEC. Được biết, HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000) là hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới của Trung Quốc, có tầm phóng đạt 125km, có khả năng tác chiến phòng không trong mọi điều kiện thời tiết, có thể đánh chặn các loại máy bay, vũ khí dẫn đường chính xác.

Theo trang mạng "Tuần báo người đưa tin quân sự" Nga cho biết (9/10/2013), hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000) của Trung Quốc đã thắng thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi xây dựng hệ thống phòng không ở các đô thị lớn trong nước, Trung Quốc lại sử dụng phiên bản nguyên gốc của Nga, chứ không phải phiên bản sao chép. Bởi trong năm 2010, Moskva đã hoàn thành hợp đồng xuất khẩu 15 tiểu đoàn S-300PMU2 cho Bắc Kinh để bảo vệ thủ đô và thành phố Thượng Hải.

Trang mạng The Stars and Stripes đưa tin (14/10/2013), Mỹ sẽ chuyển phần lớn quyền phê duyệt xuất khẩu vũ khí từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Thương mại. Theo đó, máy bay trực thăng, máy bay vận tải quân dụng và những trang bị (theo truyền thống phải được phê chuẩn mới có thể xuất khẩu) khác, có thể nhận được giấy phép tự do xuất khẩu cho 36 đồng minh. Đây được coi là thắng lợi lớn đối với một số doanh nghiệp sản xuất vũ khí. Được biết, từ năm 2008 đến năm 2010, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ phủ quyết 1% giấy phép xuất khẩu vũ khí.

Ngày 4/12/2013, giới quân sự Nga tuyên bố: máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc là bản copy của máy bay chiến đấu Su-33 do Nga nghiên cứu chế tạo sử dụng trên tàu sân bay Kuznetsov sau khi mua được mẫu Su-33 từ Ukraine. Được biết, Trung Quốc sẽ trang bị J-15 (biệt danh Cá mập bay) cho tàu sân bay Liêu Ninh. Tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (có trụ sở tại Canada) nhận định, trong vòng 7-8 năm tới, Nga sẽ hối tiếc khi đồng ý bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc, giống như hợp đồng bán Su-27 vào đầu những năm 1990. Bởi mục đích thực sự của Bắc Kinh trong thương vụ mua Su-35 là nghiên cứu động cơ 117S (Saturn AL-41F) do Nga sản xuất.

Ngày 16/7/2013, trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga dẫn thông tin của giới truyền thông Ukraine cho rằng, hàng đẹp giá rẻ mà Trung Quốc sao chép từ những vũ khí và trang bị nổi tiếng của các nước khác hiện đang tích cực xâm nhập thị trường quốc tế. Giới quân sự từng cảnh báo, vũ khí Mỹ tiềm ẩn rủi ro sau khi chứa hàng loạt linh kiện giả và “nhái” của Trung Quốc. Theo bảng xếp hạng số lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu, ném bom thế giới (15/10/2013 do tờ Thời báo Hoàn Cầu bình chọn), Trung Quốc đứng thứ ba (sau Nga và Mỹ). Bởi trong giai đoạn 2009-2012, ba nước này đã xuất khẩu tổng cộng trên 900 máy bay tiêm kích đa năng với tổng trị giá 52,4 tỉ USD, trong đó Trung Quốc bán được 187 máy bay tiêm kích, trị giá 3,7 tỉ USD.

Ngày 1/7/2013, trang mạng Defence News cho biết, hiện nhiều người lo ngại viễn cảnh Trung Quốc sẽ hất Mỹ khỏi địa vị bá chủ ngành công nghiệp hàng không thế giới. Ngày 27/3/2013, Tạp chí Quốc phòng Jane's cho biết, quan chức giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng tại Nga và Ukraine dự đoán, một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành lái buôn “thần chết” lớn nhất thế giới. Một lợi thế mà Trung Quốc có được là không mất thời gian và tiền bạc để phát triển các động cơ máy bay của riêng mình. Lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc tăng 162% trong giai đoạn 2008-2012 so với giai đoạn 2003-2007. Theo đánh giá của giới chuyên môn, top 5 nước nhập khẩu vũ khí giai đoạn 2008-2012 lần lượt là Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore.

Ngày 3/1/2014, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ David Mills (người giám sát hoạt động xuất khẩu) đã ban hành chỉ thị khẩn cấp hiếm hoi nhằm ngăn chặn Công ty 3K Aviation Consulting & Logistics có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ tái xuất trái phép 2 động cơ máy bay thương mại lớn đã qua sử dụng do hãng General Electric Mỹ sản xuất sang Iran. Cũng trong ngày 3/1/2014, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho biết, trong thời điểm tết Nguyên đán 2014, hình ảnh của nhiều máy bay chiến đấu mới Trung Quốc được tuyên truyền trên mạng, trong đó có J-16, J-11, J-15. Nhưng thủy tổ của 3 loại máy bay chiến đấu này đều thuộc dòng Su-27 do Liên Xô cũ nghiên cứu, phát triển. Và máy bay chiến đấu J-16 được cho là giống với máy bay chiến đấu Su-30MKK của Nga hiện nay.


Quốc Tuấn - Khắc Dũng