Những sự thật về tổ chức Hồi giáo tàn bạo IS

19:00 | 07/09/2014

5,899 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyên bố hôm 5/9 tại hội nghị thượng đỉnh NATO của Tổng thống Barack Obama và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho thấy, sau 65 năm thành lập (1949-2014), NATO lại đứng trước một thách thức mới với những đối tượng đấu tranh rõ ràng.

Và một trong những đối tượng được đưa ra, lập tức thu hút sự quan tâm của 28 quốc gia thành viên NATO chính là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi. Tuy mới được thành lập (29/6), nhưng IS và kẻ đứng đầu tổ chức này đang được thế giới quan tâm bởi những hành động man rợ cùng hiểm hoạ do chúng gây ra. Để độc giả hiểu rõ về mối lo ngại của thế giới đối với IS và thủ lĩnh của tổ chức này, Năng lượng mới xin giới thiệu bài viết dưới đây.

Kỳ I: Sợ quá hoá khùng?

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (5/9), Tổng thống Barack Obama cho biết, một liên minh nòng cốt đã được thành lập để đối phó với mối đe dọa của IS. Trước đó (tháng 8), ông Barack Obama từng gọi IS là khối u phải cắt bỏ khỏi Trung Đông.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, lực lượng này sẽ được hỗ trợ cơ động bằng đường hàng không, đường biển và lực lượng đặc nhiệm, được điều khiển bởi một trung tâm chỉ huy ở Đông Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, nòng cốt của liên minh này gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italia, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm cách đối phó với IS sau khi 2 video chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff được công bố.

Các tay súng IS đã trở thành những tên khủng bố khét tiếng tàn bạo trên thế giới

Gần 3 tháng trước (22/6), khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS, Tổng thống Barack Obama đã nói, ISIS đang gây bất ổn Iraq và mối nguy này có thể lan tới một số nước đồng minh của Mỹ như Jordan. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu nước Mỹ thừa nhận về mối nguy mà ISIS gây ra. Khi mới thành lập (1949), NATO chỉ có 12 thành viên, và nay tổ chức này đã có 28 quốc gia với 4 giai đoạn thăng trầm (từ 1949-1991, từ 1991-2001, từ 2001-2013, và từ đầu năm 2014 đến nay).

Giới truyền thông cho biết, ngày 2/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định triển khai thêm 350 binh lính Mỹ tới Iraq để bảo vệ các nhà ngoại giao và cơ sở vật chất của nước này ở Baghdad, Iraq. Washington cho rằng, IS - tên gọi cũ của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) còn nguy hiểm và tàn bạo hơn cả tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Các tay súng IS hành quyết binh sĩ Iraq

Ngày 3/9, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã để ngỏ khả năng gửi thêm binh sĩ tới Iraq hỗ trợ Mỹ không kích phiến quân IS, cho dù nước này chưa phải là thành viên NATO. Cũng trong ngày 3/9, trong đoạn video phát trên kênh Al-Arabiya, IS đe doạ lật đổ Tổng thống Putin và thề giải phóng Chechnya cùng toàn bộ Kavkaz. IS thề phế truất ông Putin và giải phóng khu vực Bắc Kavkaz vì người đứng đầu điện Kremli ủng hộ chính quyền Syria. Ngay sau khi phiến quân Hồi giáo IS đe đọa Tổng thống Putin, Tổng thống Chechnya thuộc Liên bang Nga Ramzan Kadyrov, đã thề tiêu diệt lực lượng này.

Hãng NBC News vừa cho biết, 3 thành viên cấp cao của IS, trong đó có trợ lý của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị giết trong một cuộc không kích của Mỹ ở Iraq. Theo giới truyền thông, máy bay của quân đội Iraq đã không kích căn cứ của IS tại tỉnh Nineveh và tiêu diệt tên Abu Hajr al-Suri, phụ tá hàng đầu của thủ lĩnh IS. Khu vực không kích nằm giữa 2 thành phố Mosul và Tal Afar, ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Iraq.

Ngày 3/9, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho biết, với tư cách Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 9, Mỹ sẽ tổ chức phiên thảo luận về mối đe dọa của các tổ chức khủng bố đối với hòa bình và an ninh thế giớim do Tổng thống Barack Obama chủ trì (25/9). Trước đó (15/8), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 2161 lên án IS phạm tội ác chống nhân loại, đồng thời cáo buộc 6 tên đầu sỏ của tổ chức này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Iraq Adnan al-Asadi từng cho biết, ban lãnh đạo IS gồm có 6 tên, đó là thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ từng bị Mỹ bắt tháng 4/2004; Abu Ayman al-Iraqi, nguyên Đại tá tình báo không quân Iraq thời Saddam Hussein; Abu Ahmad al-Alwani, cựu sĩ quan quân đội Iraq thời Saddam Hussein; Abu Abdulrahman al-Bilawi, một trong 4 ủy viên Hội đồng Quân sự IS; Haji Bakr, cựu sĩ quan quân đội Iraq thời Saddam Hussein; và Abu Fatima al-Jaheishi.

Các tay súng ISIL khoe sức mạnh trong một bức ảnh đăng trên các trang web Hồi giáo

Mỹ và Anh cho rằng, IS mạnh và nguy hiểm hơn Al-Qaeda nhiều lần khi sử dụng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” - dùng người phương Tây đánh phương Tây, do đó họ phải mở chiến dịch “chặt đầu rắn”. Tuy không gửi bộ binh tới chiến trường Iraq và Syria để quyết đấu với IS, nhưng những nhóm đặc nhiệm của Anh và Mỹ đang phối hợp với lực lượng địa phương truy lùng và tiêu diệt các thủ lĩnh IS. Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo giải thưởng 10 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin chính xác để tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi.

Theo giới truyền thông Anh-Mỹ, London và Washington đã điều lực lượng “đặc nhiệm đen” (TFB) gồm 80 lính SAS Anh và khoảng 200 lính đặc nhiệm Mỹ để thực hiện nhiệm vụ tại Iraq và Syria. TFB thật ra đã được thành lập cách đây nhiều năm ở Iraq và từng tiêu diệt được Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh Al-Qaeda tại Iraq hồi tháng 6/2006 bằng tên lửa phóng đi từ máy bay không người lái. CIA cũng từng cam kết tặng các chiến binh IS tiền bạc và một tương lai tươi sáng nếu họ từ bỏ tổ chức này.

(Còn tiếp)

Quốc Tuấn - Khắc Dũng

Kỳ sau: Chân dung đen của thủ lĩnh IS