Người viết chèo bằng tay trái

13:38 | 07/04/2017

3,219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xứ Đông (tỉnh Hải Dương) là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật chèo miền Bắc, nơi đây còn sản sinh ra nhiều tác gia chèo nổi tiếng. Mỗi khi nhắc đến họ, những nghệ sĩ lão làng của nghệ thuật truyền thống này đều biết. Ngoài Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, một người viết chèo cự phách, xứ Đông còn có Hoàng Ngọc Phúng cũng nổi tiếng một thời về viết kịch bản chèo, các vở chèo do ông sáng tác được nhiều đoàn dựng vở và đêm đêm sáng đèn tại rất nhiều đình làng. Hiện nay, ông đang sống những năm tháng tuổi già ở vùng quê yên bình, thôn Kim Bảng, xã Phú Điền (Nam Sách, Hải Dương).  

Về Nam Sách trong một buổi sáng, chúng tôi có thể thấy Kim Bảng là một làng văn hóa điển hình của xã Phú Điền. Đường bê tông rộng và phẳng, chạy dọc khắp làng tỏa về từng ngõ xóm. Bên đường là những ngôi nhà khang trang thi nhau mọc lên san sát. Chỉ qua ít phút quan sát chúng tôi cảm nhận được người dân nơi đây sống có nền nếp, trật tự, hiền hòa, trong tôi bỗng lan tỏa một cảm giác bình yên.

Qua sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân trong làng, chúng tôi tìm đến nhà ông không mấy khó khăn. Thấy có khách, ông Phúng từ trong nhà bước ra đón. Ông có dáng người nhỏ nhắn, nói chuyện nhẹ nhàng. Có một điều là ông làm việc gì cũng bằng tay trái. Ban đầu chúng tôi tưởng ông thuận tay trái, nhưng khi ông rót nước chúng tôi mới giật mình khi thấy cánh tay phải của ông bị “thiếu” bàn tay.

nguoi viet cheo bang tay trai
Ông Hoàng Ngọc Phúng vẫn ngày ngày cặm cụi sáng tác chèo

Bên ấm trà nóng, ông kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình, về con đường đến với nghiệp sáng tác kịch bản chèo. Cuộc đời ông đầy những thiệt thòi, vất vả, gian truân và phải phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên - dù ông sinh ra trong một gia đình có điều kiện trong làng. Chúng tôi thực sự khâm phục nghị lực vươn lên của ông, để không trở thành một người tàn phế, vô tích sự. Ngược lại ông còn trở thành một nghệ sĩ, một tác giả viết chèo nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Hoàng Ngọc Phúng sinh năm 1933, trong một gia đình khá giả ở làng Kim Bảng. Lớn lên do nhà có điều kiện nên cậu bé Phúng được bố mẹ cho đi học ở trường làng với những hương sư (thầy giáo làng) ở các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, lớp nhì năm thứ nhất, lớp nhì năm thứ hai, lớp nhất. Thuở bé, Phúng rất nghịch, ngoài giờ học, cậu thường rủ bạn học đi chơi trong làng ngoài xã.

Năm 13 tuổi, trong một lần sang nhà người anh họ, cậu phát hiện ở nhà người anh này có một quả đạn đại bác “thối”. Người anh họ kể, quả đại bác do súng đại bác quân Nhật bắn quân Pháp ở cầu Lai Vu. Tuy nhiên, quả này không nổ đã rơi trúng thuyền chở đất người anh họ của Phúng. Do đó, anh họ đã mang quả đại bác về nhà để làm kỷ niệm. Phúng cùng với 6 người bạn khác ngồi nghịch quả đạn, nào ngờ quả đạn phát nổ khiến 7 người, trong đó có Phúng bị thương rất nặng. Phúng nhanh chóng được gia đình đưa lên nhà thương (nay gọi là bệnh viện) Hải Dương điều trị hàng tháng trời.

Vụ tai nạn khiến Phúng bị mất bàn tay phải và một bên mắt cũng bị ảnh hưởng. Từ nhà thương trở về, cậu bé nhanh nhẹn hoạt bát ngày nào đã trở thành một con người khác hẳn. Cậu cứ ru rú trong nhà, không muốn gặp gỡ, giao tiếp với ai. Những việc tưởng chừng đơn giản như cầm, nắm, viết… nay phải chuyển sang tay trái, rất ngượng nghịu. Đặc biệt là việc viết.

Được bố mẹ, người thân động viên Phúng lao vào tập luyện làm mọi việc bằng tay trái. “Khi mới lành vết thương trở về, bố tôi khuyên cố đi học lấy cái chữ, sau này mà nuôi thân con ạ. Nhưng lúc này tôi chỉ còn tay trái và để viết và làm việc thành thục được bằng tay trái, tôi phải tập luyện rất nhiều. Vất vả lắm, nhiều khi cũng nản nhưng hoàn cảnh bắt buộc mình phải thế” - ông Phúng tâm sự.

nguoi viet cheo bang tay trai
Thúy Hinh - một trong số những nghệ sĩ đã thể hiện rất thành công vai Hương Thiên Lý trong vở diễn cùng tên của Ngọc Phún

Vào thời điểm ấy Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Phúng tiếp tục học lớp nhất Trường Tiểu học Nam Sách. Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ ác liệt, buộc gia đình ông và các hộ trong làng phải đi tản cư sang bên huyện miền núi Chí Linh.

Sau đó, chàng thanh niên Hoàng Ngọc Phúng trở về quê tham gia du kích. Ngọc Phúng được bầu vào Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc, phụ trách thiếu niên toàn xã. “Kháng chiến thắng lợi, miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, diễn ra cải cách ruộng đất, nhà tôi bị quy vào địa chủ, nhưng may là chỉ địa chủ thường, chứ không phải địa chủ cường hào, vì gia đình tôi không ai làm cường hào, ác bá, cũng may không sao nên tôi vẫn tiếp tục được công tác”, ông Phúng cho biết.

Năm 1957, là người có học vấn cao nhất làng lúc bấy giờ, người thanh niên nhiệt huyết Hoàng Ngọc Phúng xin được mở lớp dạy học tại đình làng để xóa mù chữ cho thanh niên, trẻ em trong làng, trong xã. Cũng trong năm đó, xã thành lập đội văn nghệ, Ngọc Phúng xin tham gia với vai trò phụ “nhắc vở” cho các diễn viên trong đội diễn. Bên cạnh công việc “hẩm hiu” đó, Ngọc Phúng âm thầm tự tìm hiểu tìm cách viết kịch bản chèo. Đêm đêm chong đèn, Ngọc Phúng cặm cụi cầm bút bằng tay trái nắn nót viết ra những câu chuyện, lời ca cho các hoạt cảnh, tiểu phẩm chèo. “Sau quen dần cách viết chèo, tôi mới viết thành vở. Tôi còn nhớ vở chèo đầu tiên là vở “Bọ chó hóa ma”. Vở này được giải Nhì kịch bản do Ty Văn hóa Hải Dương trao tặng” - ông Phúng nhớ lại.

Từ thành công của vở “Bọ chó hóa ma”, năm 1958 Ngọc Phúng được đi dự hội nghị “Những người hoạt động văn hóa tích cực” toàn miền Bắc. Tại hội nghị này tác giả chèo trẻ tuổi được vinh dự nghe Bác Hồ nói chuyện. Được nghe Bác và được xem vở chèo “Mối tình Điện Biên” của tác giả Lưu Quang Thuận diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hoa lệ lộng lẫy ánh đèn khiến Ngọc Phúng cứ ngỡ như trong mơ. Đây có thể coi là bước ngoặt trên con đường trở thành nhà viết chèo chuyên nghiệp.

Cũng sau lần đó, Ngọc Phúng được điều động lên làm cán bộ tại Phòng Văn hóa huyện Nam Sách. Rồi ông được đi học lớp nghiệp vụ viết chèo do Vụ Nghệ thuật Sân khấu tổ chức. Lớp học này thực sự rất bổ ích đối với ông. Qua bài giảng của các thầy, ông được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để viết kịch bản chèo. Trong thời gian học nhà viết chèo trẻ đã hình thành ý tưởng cho vở “Cô gái tỉnh Đông”. Đúng lúc này lãnh đạo Ty Văn hóa gọi ông lên cấp kinh phí, giao nhiệm vụ viết vở chèo để diễn vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận nhiệm vụ, nhà viết chèo trẻ Ngọc Phúng ngày đêm miệt mài hoàn thiện vở “Cô gái tỉnh Đông” sao cho thật hay. Vở chèo này sau đó đã được nhiều đội văn nghệ cơ sở dàn dựng và biểu diễn rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Ngọc Phúng dần dần được công chúng yêu chèo biết tới.

Ông từng bước dấn sâu vào nghiệp viết chèo chuyên nghiệp bằng việc tham gia làm Phó đoàn trưởng phụ trách nghệ thuật của Đoàn Văn công Nam Sách từ khi đoàn được thành lập năm 1961. Khi Đoàn Văn công Nam Sách giải thể năm 1963, nhiều đoàn nghệ thuật đã đến “xin” Ngọc Phúng về nhưng Ngọc Phúng chọn về Đoàn Văn công Hải Dương, với công việc làm tác giả chuyên sáng tác kịch bản cho đơn vị này. Đến năm 1987 ông làm Phó trưởng đoàn chèo Hải Hưng.

Dù bận rộn đến đâu Ngọc Phúng luôn dành nhiều thời gian trau dồi nghiệp vụ. Ông đã được “thọ giáo” trong 9 tháng liền với những bậc thầy cao thâm về sân khấu như: Lưu Trọng Lư, Trần Bảng, Đình Quang, Nguyễn Thanh Bình về lý luận nghiệp vụ, triết học, mỹ học… Qua các kiến thức đã tiếp nhận từ các thầy, chất lượng các kịch bản chèo của ông được nâng lên rõ rệt, đặc biệt trong cách xây dựng cốt truyện, nhân vật. Kịch bản viết ra ngày càng trau chuốt, có tính tư tưởng, thẩm mỹ cao.

Trong sự nghiệp viết chèo của mình, ông đã có gần 40 vở chèo, kịch cùng nhiều tiểu phẩm hoạt cảnh chèo khác được dựng và biểu diễn. Đề tài của ông khá đa dạng, phản ánh các mặt tích cực và tiêu cực ở đời sống nông thôn, sản xuất nông nghiệp và thân phận người nông dân, những đức tính tốt, cũng như những thói hư tật xấu và ông luôn độ lượng xót thương cho những ai hư dại lầm lỡ. Bên cạnh đó, đề tài cách mạng, những nhân tố điển hình trong xây dựng và bảo vệ đất nước luôn được ông quan tâm cổ vũ cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho điều thiện và lòng nhân ái bao dung. Trong những đề tài ông viết, ông luôn dành sự ưu ái, nâng niu hình tượng người con gái quê hương.

Tác giả Ngọc Phúng đã viết 4 vở chèo dài gồm: “Hương Bưởi”, “Hương Cúc”, “Hương Sen”, “Hương Thiên Lý”. Nhân vật chính mang tên các loài hoa là hình tượng về những người con gái kiên cường, bất khuất như gương Anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, Bùi Thị Cúc hay nhân vật hư cấu từ các nguyên mẫu ngoài đời như cô Sen, cô điệp báo viên mang biệt danh “Hương thiên lý”. Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, nhà viết kịch bản chèo nổi tiếng, nhà nghiên cứu lý luận về nghệ thuật chèo nhận xét: “4 vở chèo dài mang tên Hương cũng là 4 tác phẩm tiêu biểu nhất của Nhà viết chèo Ngọc Phúng”.

Trong lời giới thiệu về “Tuyển tập Chèo Ngọc Phúng”, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn nhận xét, đánh giá về thủ pháp nghệ thuật chèo của bậc đàn anh cùng quê (Nam Sách): “Yếu tố dân gian đã được Ngọc Phúng tiếp thu, thừa kế, vận dụng sáng tạo trong các kịch bản của mình, làm nên một nét độc đáo, một cái duyên riêng không thể trộn lẫn với văn phong người khác. Yếu tố dân gian trong kịch bản chèo Ngọc Phúng được thể hiện một cách bình dị, hồn nhiên qua các tình tiết của tích trò và trong đối thoại, ca từ của các nhân vật. Nhiều tình tiết, câu thoại xuất hiện rất tự nhiên như trong đời thực. Tất cả kỹ xảo nhà nghề đã được ẩn giấu đến mức tưởng như tác giả chưa hề chọn lọc và trau chuốt. Ngôn ngữ đối thoại trong chèo Ngọc Phúng luôn đậm đà hồn quê, đặc biệt là thường bật lên những tiếng cười hài hước, hồn nhiên và hóm hỉnh… đã giúp cho các kịch bản chèo của Ngọc Phúng đều dễ hiểu, dễ xem, dễ nhớ”.

“Tuyển tập chèo Ngọc Phúng” có 23 vở. Đây là những tác phẩm tiêu biểu trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Nhiều vở được đánh giá cao và được nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh dàn dựng công diễn tạo được tiếng vang lớn trong các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Nhiều vở đoạt huy chương, giải thưởng về văn học nghệ thuật do các cấp trao tặng.

Tiêu biểu như: Vở chèo 2 màn “Cánh hoa Dâu” đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu không chuyên toàn quốc năm 1962; vở chèo 4 màn “Trọn nghĩa hậu phương” đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970; vở chèo 4 màn “Hương Thiên Lý” (viết chung với Vũ Khải) được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm năm 1970, phát trên Đài Truyền hình Việt Nam năm 1977. Vở diễn này sau đó cũng đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người công an”. Vở chèo 6 màn “Hương Cúc” viết về nữ Anh hùng Bùi Thị Cúc, đạt giải B, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Côn Sơn tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) năm 1991… Ngoài ra, nhiều vở còn đạt Huy chương Vàng, giải thưởng cao trong các liên hoan về hát chèo của tỉnh Hải Dương và giải Văn học Nghệ thuật Côn Sơn của tỉnh Hải Dương.

Năm 1990, nhà viết chèo Hoàng Ngọc Phúng nghỉ hưu. Ông về quê nhà ở làng Kim Bảng để sống an hưởng tuổi già bên người vợ tần tảo và các con. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn làm việc, vẫn sáng tác các vở chèo ngắn, tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo để cho các đội văn nghệ của các làng văn hóa trong huyện biểu diễn để làm vui và thỏa mãn sự đam mê đối với nghệ thuật chèo. Hiện nay, các con ông đều đã trưởng thành yên bề gia thất. Mỗi người một công việc làm ăn khác nhau, tiếc không người con nào theo nghiệp chèo.

Kỷ niệm sâu sắc về vở chèo “Hương Cúc”

"Hương Cúc” (cùng với “Hương Thiên Lý”) là một trong số những kịch bản chèo thành công nhất của Hoàng Ngọc Phúng. Ông tâm sự: Để có thể viết được kịch bản về người nữ anh hùng này ông đã ròng rã hơn tháng trời “nằm vùng” tại quê chị Cúc ở Ân Thi - Hưng Yên, tìm gặp lại hầu hết các nhân chứng lịch sử, sưu tầm các tài liệu có trong sách, các bản chép tay mà địa phương còn lưu lại để có được chất liệu đầy đặn nhất về người nữ công an anh hùng này.

Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, SN 1930, ở làng Vân Mạc, xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên; là cán bộ địch vận của Huyện hội Phụ nữ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Do yêu cầu của tổ chức, chị chuyển sang công tác trong lực lượng Công an, với nhiệm vụ bí mật điều tra tình hình liên quan đến bọn Việt gian như Nguyễn Doãn Súy, Nguyễn Doãn Tín, Nguyễn Doãn Nhi… đóng tại bốt Cảnh Lâm (Yên Mỹ, Hưng Yên). Chị Cúc đã phải vờ yêu tên Nhi rồi khôn khéo tổ chức giết được tên tay sai gian ác này. Bọn địch đã tức tối lùng bắt chị, đem ra chợ tra tấn dã man nhưng chị vẫn kiên trung không khai báo cơ sở của ta, giữ vững khí tiết của người Công an cách mạng. Chị hy sinh ngày 15-5-1950 khi vừa tròn 20 tuổi. Ngày 15-1-1952, Hồ Chủ Tịch đã ký Sắc lệnh 77/SL truy tặng Liệt sĩ Bùi Thị Cúc Huân chương Độc lập hạng Ba và Sáu chữ vàng “Sống anh hùng, chết vẻ vang”. Ngày 9-3-1995, chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

“Hoàn thành kịch bản với các sự kiện và tư liệu đầy ắp, nhưng để chuyển tải toàn bộ nội dung ấy trong 120 phút trên sân khấu, quả là điều không dễ. Hình ảnh của chị Cúc đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người lại càng đòi hỏi sức sáng tạo lớn của đạo diễn và từng diễn viên. Chính vì thế, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Đoàn kịch Công an Hải Hưng (cũ) đã dựng vở này nhưng không thành công, do kịch bản dàn trải, chưa tạo được ấn tượng cuốn hút người xem.

Năm 2000, vở diễn một lần nữa được Đoàn Nghệ thuật chèo Hưng Yên dựng lại. Với sự sáng tạo của đạo diễn, kịch bản đã được bố cục gọn gàng, tập trung vào cuộc đấu trí căng thẳng giữa hai tuyến nhân vật chính là chị Cúc, Độ (người yêu của Cúc) và bọn Việt gian khét tiếng vùng Yên Mỹ - Hưng Yên như sếp Nhu, Đồn trưởng Tính, sếp Hách và Đội Càn… Khán giả đã thực sự ấn tượng day dứt khi chứng kiến nỗi đau âm thầm của Cúc, khi nhận những ánh mắt ghẻ lạnh của làng xóm, sự vật vã, dằn vặt của người mẹ nhầm tưởng con mình phản bội Tổ quốc, phản bội quê hương. Một mình giữa bầy sói gian manh, Cúc cùng một lúc phải đối mặt với hai cuộc chiến…” - ông Phúng tâm sự.

Yên Chi - Việt Cường