Nghệ sĩ và anti-fan: Cuộc chiến không cân sức

22:14 | 07/08/2021

652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Wikipedia định nghĩa về anti-fan là kiểu người bị ám ảnh về điều gì đó mà họ kịch liệt phản đối, nhưng vẫn rất... quan tâm. Nếu là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, có lẽ bạn sẽ không ngạc nhiên khi bắt gặp những bình luận nhắm vào mình kiểu như: “Cô/ anh trông như người đồng tính vậy”; “Giọng cô/ anh nghe như một con hà mã sắp chết...”

Tìm kiếm niềm vui trên nỗi đau của người khác

Tại sao anti-fan luôn tỏ ra tức giận đối với một nhóm hoặc cá nhân nghệ sĩ nào đó, chỉ vì họ đang hoạt động thực sự tốt trong ngành? Có lẽ câu chuyện này không chỉ dừng lại ở việc phản đối mà là... bắt nạt. Tại Việt Nam, anti-fan cũng là một trong những nỗi ám ảnh đối với người nổi tiếng.

Nghệ sĩ và anti-fan: Cuộc chiến không cân sức

Gần đây, Lệ Quyên thường xuyên bị anti-fan mắng chửi, mỉa mai.

Một nữ ca sĩ giấu tên từng chia sẻ những đúc rút của cô sau một thời gian dài bị tấn công bởi những kẻ bắt nạt trên mạng: “Trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Sự vô danh mang lại cảm giác được an toàn, được bảo vệ. Được bảo vệ bởi đám đông, kể cả từ những người bình thường cũng bỗng thấy mình mạnh mẽ, có quyền lực. Sự phấn khích mà đám đông tạo ra đó khiến họ quên đi ý thức, trách nhiệm của mỗi người về hành vi và đạo đức của mình, đánh mất khả năng phán xét, phân tích và họ tự cuốn mình vào những ảnh hưởng phi lí của những người xung quanh”.

Vô danh trên mạng xã hội khiến nhiều kẻ bắt nạt tha hồ thể hiện thái độ và hành vi mất kiểm soát của họ. Kể tên loạt nghệ sĩ Việt bị bắt nạt trên mạng thì có lẽ không bao giờ hết. Nhưng gần đây, sự tấn công bất chấp luân thường đạo lý của anti-fan nhắm vào một số nghệ sĩ khiến công chúng cũng phải phẫn nộ thì có lẽ phải kể đến nữ ca sĩ Lệ Quyên hay nhà sản xuất âm nhạc K-ICM.

Đối với Lệ Quyên, một nữ ca sĩ đã có đến hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, việc cô bị bắt nạt nghe có vẻ vô lý, nhưng điều đó vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ, bất cứ khi nào nữ ca sĩ đăng status hoặc cập nhật hình ảnh trên mạng xã hội. Anti-fan luôn tìm được lý do để kiếm chuyện với cô. Việc bị anti-fan mắng chửi, mỉa mai, thậm chí vùi dập đã trở thành điều bình thường đối với Lệ Quyên. Và lý do để cô phải chịu thứ áp lực này thì vô cùng... khó chấp nhận.

Từ khi công khai hẹn hò tình trẻ kém 11 tuổi Lâm Bảo Châu, Lệ Quyên bỗng trở nên khó ưa trong mắt một bộ phận khán giả. Có lẽ vì thế, việc cô chỉ đăng một bức ảnh selfie và phân vân không biết nên nuôi lại tóc dài hay không, cũng đủ để anti-fan tràn vào để... “cà khịa” chuyện tình cảm, thậm chí miệt thị ngoại hình. Đến nay, “nữ hoàng phòng trà” chưa có bất kỳ giải pháp nào đối với những bình luận kém duyên nhắm vào mình, trừ việc chịu đựng và... chấp nhận.

Trường hợp của K-ICM cũng gây chú ý trong thời gian gần đây. Anh là một nhà sản xuất âm nhạc 22 tuổi, đang rất thành công với những sản phẩm mang hơi hướng EDM pha trộn chất liệu dân tộc. Con đường âm nhạc của K-ICM có lẽ sẽ phẳng lặng và êm đềm hơn rất nhiều nếu như anh không trở thành một nạn nhân của bắt nạt mạng.

Ở thị trường Việt Nam, việc một music producer đại diện hình ảnh và làm chủ sản phẩm âm nhạc dường như quá đỗi xa lạ đối với một bộ phận khán giả. Đây cũng là nguồn cơn khiến anh luôn bị gán cho danh xưng “ca sĩ” với mục đích cà khịa, mỉa mai. Chưa dừng ở đó, K-ICM càng hoạt động sôi nổi trên con đường âm nhạc, anti-fan càng tức giận. Những sản phẩm được K-ICM phát hành trên kênh YouTube riêng thường xuyên bị anti-fan làm phiền bằng những bình luận vô cùng khiếm nhã.

Tiếng nói của luật pháp

Giờ đây, thông qua mạng xã hội như Facebook, Twitter, Whatsapp,... anti-fan có thể tấn công nghệ sĩ bất cứ lúc nào bằng những tin nhắn hoặc bình luận gây tổn thương. Vấn đề là bạo lực mạng để lại những hậu quả không kém so với bắt nạt trực diện. Một nữ idol thừa nhận, cô chỉ mất vài giây để đọc một bình luận tiêu cực, nhưng phải mất vài ngày để quên nó.

Nghệ sĩ và anti-fan: Cuộc chiến không cân sức

Tài khoản ẩn danh thản nhiên treo những bình luận khiếm nhã ngay dưới sản phẩm của K-ICM.

Tại Việt Nam, Nghị định 15/2020/NĐ-CP hay Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mới ban hành ngày 17/6/2021 có lẽ đã và đang góp phần tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, hữu ích. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội. Thứ nhất là quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Thứ hai, quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; Thứ ba, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; Thứ tư, quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, những kẻ bắt nạt lâu nay cũng đã kịp nghĩ ra nhiều thủ thuật nhằm lách luật mà vẫn thỏa mãn được mục đích xấu xí. Khi muốn “gọi tên” một ai đó trên mạng xã hội, kẻ bắt nạt sẽ đặt cho nạn nhân một biệt danh. Khi muốn làm nhục một ai đó, kẻ bắt nạt sẽ viết những status hoặc comment kiểu “giãn cách”,… Bằng những thủ thuật tinh vi, kẻ bắt nạt khiến nạn nhân không thể kiện mình.

Kate Carnell, giám đốc điều hành của Beyond Blue, tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh trầm cảm, nói rằng bắt nạt qua mạng xã hội có thể là một yếu tố chính gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bà nói với ABC News Online: “Bởi vì người dùng mạng xã hội có thể ẩn danh khi thực hiện hành vi bắt nạt nên trầm cảm càng có nhiều khả năng xảy ra hơn và nguy hiểm hơn. Mọi người làm điều đó và tự nghĩ rằng họ thông minh lắm, hài hước lắm, nhưng thông điệp mà nạn nhân nhận về không phải như vậy. Nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Lỗ hổng trong giáo dục kỹ năng

Thực tế, ở nơi nào mà sự ghét bỏ xuất hiện càng nhiều, nơi đó càng ít hạnh phúc. Để có một xã hội bình yên, nơi con người biết sẻ chia và yêu thương nhau nhiều hơn, giáo dục chính là xuất phát điểm. Vì sao Đan Mạch luôn đứng trong top đầu những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Nghệ sĩ và anti-fan: Cuộc chiến không cân sức
Sulli – một nạn nhân điển hình của bắt nạt trực tuyến.

Ở các trường học tại Đan Mạch, một giờ mỗi tuần được dành cho “Klassens tid”, một bài học về sự đồng cảm dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi. Nó là một phần cơ bản của chương trình giảng dạy tại Đan Mạch. Đối với người Đan Mạch, cạnh tranh là dành riêng cho chính mình, không phải với người khác. Các trường học ở Đan Mạch không cung cấp giải thưởng hay danh hiệu cho những học sinh xuất sắc trong các môn học ở trường hoặc trong các môn thể thao, để không tạo ra sự cạnh tranh. Thay vào đó, họ thực hành văn hóa động lực để cải thiện, được đo lường độc quyền trong mối quan hệ với chính họ. Người Đan Mạch dành nhiều không gian cho trò chơi tự do, dạy kỹ năng đồng cảm và thương lượng.

Sự đồng cảm giúp xây dựng các mối quan hệ, ngăn ngừa bắt nạt và thành công trong công việc. Nó thúc đẩy sự phát triển của các nhà lãnh đạo, doanh nhân và nhà quản lý. Thanh thiếu niên đồng cảm có xu hướng thành công hơn vì họ hướng tới mục tiêu nhiều hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Có lẽ, trước khi nghĩ đến một xã hội lành mạnh, văn minh, môi trường giáo dục ở Việt Nam cần có thêm nhiều những lớp học “Klassens tid”.

Việt Sơn

Nghệ sĩ Quang Tèo: Nghệ sĩ Quang Tèo: "Giang Còi lận đận, vất vả cả một đời…"
Lan tỏa tình yêu thương với khúc hát Lan tỏa tình yêu thương với khúc hát "Sống như tia nắng mặt trời"
Nguyễn Việt Trung vào chung kết cuộc thi piano quốc tếNguyễn Việt Trung vào chung kết cuộc thi piano quốc tế

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps