Ngày xưa, thế vận hội…

09:22 | 29/07/2012

700 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tài liệu lịch sử cho biết, các môn thi thể thao từng được tổ chức để tôn vinh thần Zeus từ khoảng năm 776 trước công nguyên (TCN) và được thực hiện 4 năm một lần tại Olympia trong suốt hơn một thiên niên kỷ, cho đến khi Hoàng đế La Mã Theodosius I cấm vào năm 393 sau công nguyên (SCN) (giai đoạn Hy Lạp nằm dưới sự đô hộ của La Mã). Nhân Olympic London 2012, thử nhìn lại không khí Olympia nhiều thế kỷ trước và cũng nhân đó, nhìn lại một số quan niệm sai lầm liên quan ý nghĩa thế vận hội từ các nghiên cứu mới.

Cùng đến với Olympia

Olympic cổ đại không thuần túy là ngày hội thể thao. Nó còn là lễ hội tôn giáo. Tất cả trận đấu đều nhằm vinh danh thần Zeus. Vào ngày thứ ba của kỳ Olympic, khi trăng tròn, các giáo sĩ dẫn 100 con bò trắng đến bàn thờ Zeus. Nhạc công thổi sáo trỗi nhạc. Giáo sĩ rắc nước thánh lên bò, lầm rầm khấn rồi cắt cổ từng con. Tiếp đó, thịt bò được nướng ngoài trời rồi phát cho dân chúng, mọi người được nhậu thịt bò miễn phí với rượu miễn phí và được nghe diễn thuyết của các nhà hùng biện, sử gia và thi sĩ (WP 10-7-2012). Theo tác giả Tony Perrottet trong quyển “The Naked Olympics”, Olympia - cái nôi của phong trào thế vận hội (cách Athens khoảng 336km) - thuở xa xưa ấy chỉ có một quán rượu dành riêng cho giới quý tộc. Vì vậy, khán giả phải ngủ “dưới những ngôi sao hoặc trong mái lều dựng tạm”. Dân hâm mộ thể thao phải dùng khu rừng thông và con sông khô nước gần đó làm nhà xí vì không có toilet tại làng thế vận hội Olympia cho đến năm 150 SCN. Không khí bị mù mịt bởi khói từ hàng ngàn bếp ăn hoạt động từ sáng tinh sương đến chạng vạng chiều. Tất nhiên nước chẳng có nhiều để mà tắm giặt thoải mái (giới khảo cổ học đã khai quật được vết tích 9 cái giếng tại Olympia). Nước được vận chuyển phục vụ bằng lưng con la trong suốt 5 ngày diễn ea thế vận hội. Thầy thuốc cũng bận tối tăm mặt mũi do có quá nhiều người ngã lăn bất tỉnh vì sốc tim.

Sáng kiến rước đuốc thuộc về người Đức (AFP)

Dù vậy, chẳng gì có thể ngăn người ta không vui thích tại dấu trường náo nhiệt này, với khoảng 40.000-70.000 người tham dự đến từ khắp cộng đồng Địa Trung Hải. Hầu hết là đàn ông, thường dắt theo con gái, có lẽ nhằm dụng ý tìm đấng lang quân cho con mình tại “đại hội võ lâm” quy mô. Phụ nữ có gia đình bị cấm tiệt. Thành phố Elis thậm chí đưa ra luật rằng bất kỳ phu nhân nào bị phát hiện tại trận sẽ bị ném xuống vách đá! Tại sao lại cấm các quý bà? Thật dễ hiểu: không có các bà, quý ông mới có thể chè chén say sưa. Hẳn nhiên có thể thấy tại sao gái giang hồ thi nhau kéo về ngày đại hội quần hùng. Ngoài ra, các đức ông cũng không muốn bà xã nhìn thấy cảnh vận động viên trần như nhộng. Vài học giả cho biết, sở dĩ người Hy Lạp có phong tục khỏa thân trong thi đấu thể thao là nhằm muốn tái hiện hình ảnh nghi lễ săn bắn. Vài người khác cho rằng đó là tượng trưng của “đặc tính dân chủ” (democratic nature) trong các môn thể thao Hy Lạp.

Nhiều môn thi tại Olympia mang đậm màu sắc bạo lực. Hầu hết vận động viên chiến thắng trong môn đấm bốc đều bị sưng húp mặt, rách tai hoặc gãy mũi. Người ta đeo găng để bảo vệ tay chứ không nhằm mục đích gì khác - theo Stephen Miller trong quyển “Ancient Greek Athletics”. Trận song đấu không được tính hiệp hoặc giới hạn thời gian và nó chỉ kết thúc khi một đối thủ ngã gục hay tỏ dấu hiệu xin thua bằng cách giơ lên một ngón tay. Pankration là một môn “hành động” nữa ở Olympia, kết hợp giữa vật, đấm bốc và uýnh lộn tự do! Tất cả thế đánh hoặc cước song phi đều được chấp nhận, chỉ trừ cắn và móc mắt - nếu phạm quy, vận động viên bị trọng tài đánh bằng roi. Với môn đua xe tứ mã, tính hấp dẫn của nó dường như không thua các cỗ máy tốc độ Formula One hiện nay. Tuy nhiên, xét về tính khốc liệt, Formula One không thể so bằng. Tài liệu lịch sử từng ghi nhận có một cuộc đua mà vận động viên bị ngã đã bị cán nát nhừ như bã đậu với cái đầu văng lên không trung! Đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất số môn thi đấu tại thế vận hội cổ đại. 14 hoặc 18 - chẳng ai biết chính xác. Tuy nhiên, có vài môn thi mà thế vận hội hiện đại ngày nay không còn, chẳng hạn đua xe la, tổ chức trong 56 năm vào thế kỷ V TCN.

Vài đánh giá lại về ý nghĩa Olympic

David Young - Giáo sư cổ điển học thuộc Đại học Florida và là tác giả quyển “A Brief History of the Olympic Games” - cho biết, việc cho rằng Thế vận hội cổ đại tổ chức theo luật bán chuyên nghiệp là không đúng (có nghĩa vận động viên tham gia trên tinh thần phi vụ lợi và bản thân họ chẳng được tưởng thưởng gì). Trong thực tế, nhiều thành phố Hy Lạp luôn chu cấp bữa ăn cùng chế độ tư cách khách danh dự (ngồi hàng ghế đầu) trong các cuộc thi thể thao địa phương cho người chiến thắng tại Olympia cho đến hết đời họ. Kẻ chiến thắng cũng được tặng bò, thứ olive tốt nhất, giải thưởng tiền mặt, nô lệ và cả gái đẹp. Đến đầu thế kỷ VI TCN, Athens thưởng cho vận động viên chiến thắng 500 drachma (700.000USD hiện nay). Tính chuyên nghiệp của Thế vận hội Olympia cũng thể hiện ở chỗ vận động viên có thể thi đấu cho thành phố khác thay vì đại diện thành phố quê hương mình theo đúng truyền thống. Tính chất thắng bại hiện diện rất đậm nét tại thế vận hội cổ đại. Nhà vô địch tại Thế vận hội đầu tiên là Koroibos - tay đầu bếp chiến thắng trong cuộc thi chạy ở kỳ Thế vận hội 776 TCN. Và vận động viên chạy vĩ đại nhất có lẽ là Leonidas thuộc xứ Rhodes, chiến thắng ở cả ba môn chạy tại bốn kỳ Olympic liên tiếp bắt đầu từ năm 164 TCN.

Sự chuyên nghiệp còn xuất hiện ở điểm vận động viên được huấn luyện nghiêm túc, toàn thời gian, như vận động viên ngày nay. Ngoài thực đơn và chế độ ăn kiêng hệt như vận động viên chuyên nghiệp hiện đại, thế vận hội cổ đại cũng nặng mùi ganh đua sống mái khi các thành phố giành giật huấn luyện viên. Sử gia Hy Lạp Herodotus từng chép về chuyện một huấn luyện viên tại Kroton đã được mua làm việc cho Aigina với mức lương gấp 12 lần so với một công nhân lành nghề; 1 năm sau anh ta “ký hợp đồng” với Athens để nhận tiền lương gấp đôi rồi năm sau nữa lại bắt tay với “ban huấn luyện” đảo Samos. Và cũng như ngày nay, các thành phố cũng gấu ó nhau quyết liệt để giành quyền kiểm soát thế vận hội - theo David Romano, Giáo sư cổ điển học Đại học Pennsylvania. Chưa hết, vận động viên cũng khoái xem bói để được tư vấn hoặc nhờ phù thủy làm bùa giành chiến thắng. Doping, bịp bợm, tiểu xảo, láu cá, thủ đoạn ma quái…, tất cả đều hiện diện ở các kỳ thế vận hội cổ. Trò gian manh quỷ quyệt đầu tiên được ghi nhận xảy ra năm 388 TCN, khi võ sĩ đấm bốc Eupolus thuộc xứ Thessaly đã hối lộ ba đối thủ nhằm giành chiến thắng cuối cùng. Tham nhũng cũng xuất hiện tại thế vận hội cổ đại. Năm 67 SCN, hoàng đế Nero đã dúi tiền cho Ban Giám khảo để được thỏa mãn sở thích riêng, trong đó có việc đưa “môn” ngâm thơ vịnh phú vào thế vận hội! Ban Giám khảo cũng phán rằng, Nero là nhà vô địch môn đua xe tứ mã, dù ngài bị lọt khỏi xe giữa đường và không bao giờ bò về đến vạch đích!

Chi tiết “chuyên nghiệp” có lẽ cần được nhấn mạnh, bởi lâu nay người ta vẫn cho rằng thế vận hội cổ đại là cuộc thi hoàn toàn nghiệp dư vì tinh thần thể thao (với phần thưởng duy nhất là vòng nguyệt quế) chứ không phải vì tiền hoặc danh lợi. Dù vậy, nhận xét rằng thế vận hội cổ đại được xem như động lực đem lại hòa bình là điều không sai - xét ở góc độ hẹp và riêng với người Hy Lạp. Năm 476 TCN, các thành phố Hy Lạp đã tạm gác hận thù để cùng hiệp lực đánh đạo quân Ba Tư và khi chiến thắng, họ cùng ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng cho tương lai Olympic.

Hy Lạp là nơi khai sinh thế vận hội nhưng sáng kiến rước đuốc không thuộc về họ như vẫn thường lầm tưởng. Adolf Hitler là người có ý tưởng này, cùng nhà làm phim Leni Riefenstahl, khi Olympic được tổ chức tại Berlin năm 1936. Ngọn đuốc được sản xuất từ Krupp, nhà máy sản xuất vũ khí lừng danh của Đức.

Từ khi Thế vận hội đầu tiên được tổ chức vào năm 776 TCN (theo lệnh Vua Iphitos của thành Elis), Olympic cổ đại đã được tổ chức định kỳ 4 năm một lần, không hề gián đoạn, trong gần 1.200 năm - tức 293 mùa Olympic. So với Olympic hiện đại, bắt đầu từ năm 1896 và bị hoãn 3 lần bởi chiến tranh (1916, 1940 và 1944), Olympic cổ đại, dù thế nào, vẫn cho thấy một tinh thần đam mê thể thao bền chặt và sự gắn kết xã hội trên nền tảng cộng đồng…

Năng lượng Mới số 141, ra ngày 27/7/2012

Lư Trung