Ngành Công Thương Việt Nam: 5 năm nhìn lại

09:30 | 02/01/2012

443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết thúc năm 2011, Bộ Công Thương công bố báo cáo “Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 2011, kế hoạch năm 2012 và một số định hướng chủ yếu kế hoạch 5 năm 2011 – 2015”. Trong đó, Bộ Công Thương đã tổng kết những dấu mốc chính trong 5 năm 2006 – 2010 để làm tiền đề cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Trong giai đoạn 5 năm 2006-2010, ngành công nghiệp đã sản xuất, cung ứng đảm bảo nhu cầu nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và tiêu dùng của nhân dân, đồng thời đóng góp khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước, với mức gần 57 tỉ USD (trong tổng số 72,2 tỉ USD xuất khẩu cả nước) vào năm 2010.

Công nghiệp năng lượng ngày càng phát triển, nhiều dự án nguồn điện như: điện than, điện khí, thủy điện đã được khởi công xây dựng và đi vào khai thác với tổng công suất tăng thêm so với cuối năm 2005 (tính đến tháng cuối năm 2010) là là 10.400 MW, tăng 1,98 lần. Cung ứng điện giai đoạn 2006-2010 đã cơ bản đáp ứng cho phát triển kinh tế -xã hội.

Xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010 đã có khởi sắc nhưng chưa cao. Bộ Công Thương kỳ vọng giai đoạn 5 năm tới sẽ có tốc độ tăng trưởng khá hơn.

Tính đến cuối năm 2010, cả nước đã có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ, trong đó có 98,19% huyện có điện lưới quốc gia; 98,4% số xã (8.958/9.104 xã) và 95,86% số hộ dân nông thôn (14,59/15,22 triệu hộ) được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 5,86% so với chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng (đến năm 2010 đạt 90% hộ dân nông thôn có điện).

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã xuất dòng sản phẩm đầu tiên vào ngày 22/2/2009, chính thức bàn giao vào 30/5/2009. Sản lượng của nhà máy giai đoạn 2006 – 2010 đạt 6,74 triệu tấn xăng dầu các loại. Có 17 phát hiện dầu khí mới, trong đó: ở trong nước có 12 phát hiện và ở nước ngoài có 5 phát hiện. Đưa 14 mỏ mới vào khai thác (trong đó: trong nước có 11 mỏ, ở nước ngoài có 3 mỏ). Tổng sản lượng khai thác dầu khí trong 5 năm 2006 – 2010 đạt là 118,24 triệu tấn quy dầu, tăng 6,4% so với kết quả đạt được của nhiệm kỳ kế hoạch trước (giai đoạn 2001-2005 đạt 111,14 triệu tấn quy dầu).

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 5 năm đạt 280,4 tỉ USD, trong đó năm 2010 đạt 72,2 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2006-2010 là 17,4%/năm, cao hơn 1,4 điểm % so với với chỉ tiêu Đại hội X và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010 đặt ra là tăng trưởng 16%/năm.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2006-2010 khoảng 343 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2001-2005 (130,1 tỉ USD), với tốc độ tăng bình quân 18,2%/năm. Về cơ cấu nhập khẩu, nhóm nguyên – nhiên – vật liệu chiếm tỉ trọng khoảng 80%, nhóm hàng tiêu dùng chiếm tỉ trọng khoảng 7%.

Nhập siêu trong 5 năm 2006 – 2010 ước tính 62,2 tỉ USD, bằng khoảng 22,3 tổng kim ngạch xuất khẩu là mức khá cao, đặc biệt trong 2 năm 2007 và 2008. Trong 2 năm 2009 và 2010, nhập siêu bắt đầu giảm dần, tỉ lệ nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu năm giảm từ 28,8% năm 2008 xuống còn 17,5% năm 2010. tương đương với 12,6 tỉ USD.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu về chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,0-10,0%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân toàn ngành tăng 13,5%/năm. Tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%/năm.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 13%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 133 tỉ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm, dự kiến là 146 tỉ USD vào năm 2015. Như vậy, nhập siêu năm 2015 khoảng 9,8% so với kim ngạch xuất khẩu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm. Phấn đấu đến năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 4.000 nghìn tỉ đồng.

Nhu cầu vốn đầu tư cho cả giai đoạn 5 năm khoảng 1.851,9 nghìn tỉ đồng. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ là 1.848,1 nghìn tỉ đồng; khối hành chính sự nghiệp là 3.753 tỉ đồng.

Đức Chính