Nga-EU lại căng thẳng vì khí đốt

12:21 | 17/09/2012

753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần đây, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang trở nên căng thẳng, do những tranh cãi về vấn đề khí đốt.

 

 

Tổng thống Putin (trái) và Chủ tịch Gazprom Alexey Miller

Nga hiện cung cấp đến 1/4 lượng khí đốt được tiêu thụ tại các nước châu Âu. Tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga, Gazprom, vừa bị Ủy ban châu Âu (EC) cho điều tra về hành vi lũng đoạn giá khí đốt trên thị trường. Lập tức, phía Nga đã có phản ứng. Tổng thống Nga Putin ký một sắc lệnh theo đó, tất cả các tập đoàn chiến lược của Nga có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đều sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nhà nước Nga.

Cụ thể, theo sắc lệnh này, từ nay trở về sau, các công ty chiến lược, trong đó có Gazprom chỉ được cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, về việc giảm giá khí đốt với sự chấp thuận trước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Nga. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga sẽ có thể xem xét và sửa đổi mọi thỏa thuận và tất cả những hồ sơ liên quan đến chính sách giá cả mà các công ty chiến lược của Nga đã ký kết với nước ngoài. Sắc lệnh cũng nêu rõ Chính phủ Nga sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định bằng cách dựa trên lợi ích của nước Nga.

Hoạt động sản xuất của Gazprom vẫn bình thường trước việc EC cho mở điều tra về tập đoàn này

Động thái trên được đưa vào thời điểm khá nhạy cảm, khi các tập đoàn khí đốt của Nga đang thương thảo với các đối tác nước ngoài về việc giảm nhẹ các ràng buộc hợp đồng, giảm giá khí đốt, trong khi EC tiến hành điều tra về hồ sơ lũng đoạn giá của Gazprom. Về vấn đề này, Gazprom cáo buộc EU mượn cớ điều tra, để gây sức ép buộc Gazprom hạ giá khí đốt cho các nước châu Âu. Phát ngôn viên của Gazprom, ông Sergei Kouprianov, cho rằng việc này là “trái ngược các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường”.

Theo tờ Le Monde, phản ứng mạnh mẽ của Tổng thống Putin là nằm trong chiến lược chuyển hướng thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi nhu cầu tăng cao và giá cả cũng cao hơn ở châu Âu.

Th.Long (Theo AFP)