Nên nói KHÔNG với… tất cả?!

09:13 | 27/10/2012

1,191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Thời gian gần đây, dư luận ngày càng có vẻ bức xúc trước một số tỉnh, thành phố thẳng thừng nói “không” với những người có bằng đại học tại chức hoặc liên thông.

Cũng có thành phố (như Hà Nội) lại có vẻ “thoáng” hơn khi tuyên bố chấp nhận cả bằng liên thông, tại chức. Tất nhiên, người ta có quyền nghi ngờ về “thiện ý” này của chính quyền Hà Nội. Có đốt đuốc cũng khó mà tìm thấy người nào dùng bằng tại chức, liên thông lại được thi tuyển vào cơ quan Nhà nước, bằng con đường “ngang bằng sổ ngay”. Còn nếu họ chui vào đường nào, thì chỉ có... trời và quan chức tuyển dụng mới biết. Cũng phải nói thêm rằng, Hà Nội chính là nơi “khởi xướng” ra phong trào nói “không” với tại chức. Từ cách đây cả chục năm, có một tờ báo nổi tiếng của Hà Nội, khi đăng báo tuyển dụng phóng viên, đã ghi rõ trong quảng cáo là “chấp nhận tất cả các loại bằng đại học trừ bằng đại học tại chức”.

Việc một số nơi thực hiện “tẩy chay” bằng đại học tại chức, liên thông quả thật là có lý của nó. Từ xửa từ xưa, người ta đã có câu: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” - câu nói đó, tất nhiên là quá quắt, ngoa ngoắt và có ý miệt thị những người có bằng tại chức, nhưng tất cả cũng xuất phát từ chất lượng giáo dục quá thấp của hệ tại chức và chất lượng của người đi học. Hệ tại chức được sinh ra để nhằm đào tạo bổ sung kiến thức cho những người đã công tác lâu năm, nhưng do không có điều kiện học hành một cách bài bản nên cần phải đi học để bổ sung những kiến thức cơ bản bị thiếu hụt; để được hệ thống hóa lại những kiến thức đã tích lũy được trong quá trình công tác.

Việc đào tạo tại chức rất có giá trị đối với những người đã có quá trình công tác, có bề dày kinh nghiệm về ngành nghề mà họ đang làm. Xuất phát từ đó, cách giáo dục của hệ tại chức cũng khác với cách dạy ở các trường chính quy. Họ được học “lướt” hơn và mang nặng tính khái quát. Nhưng gần đây, việc giáo dục đại học tại chức đã được nhiều trường coi như một kế hoạch “kiếm thêm”. Họ tuyển sinh viên đầu vào rất tạp nham. Rất nhiều sinh viên theo học hệ tại chức hiện nay là học sinh thi trượt đại học, chạy được giấy giới thiệu đang làm việc ở cơ quan nào đó và thi vào hệ tại chức. Mà đã học tại chức thì đều có bằng tốt nghiệp đại học. Còn trong học hành thì quả thật kết quả được định giá bằng tiền. Thi hết môn cũng phải tiền, làm tiểu luận cũng phải tiền. Thi tốt nghiệp càng phải tiền. Nói một cách không ngoa thì khoảng 90% sinh viên học tại chức là học giả, thi giả, nhưng được lấy bằng thật. Chất lượng như thế mà cứ đòi thi tuyển công chức thì người ta có từ chối cũng là phải.

Nhưng lại có một việc thế này, đó là bản thân học sinh các hệ chính quy chất lượng bây giờ cũng chẳng ra sao. Vừa qua người ta đã thống kê ra rằng, Việt Nam là nước có số lượng giáo sư, tiến sĩ đông nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng các công trình nghiên cứu khoa học của đội ngũ này chỉ bằng một trường đại học ở Thái Lan. Và không có trường đại học nào trong số hàng trăm trường đại học ở Việt Nam được lọt vào top 500 trường đáng đến học ở trên thế giới.

Đây quả là một con số nhục nhã cho nền giáo dục nước nhà.

Số lượng sinh viên đại học ra trường chờ việc bây giờ quá nhiều. Để mưu sinh, họ đã phải làm những công việc mà có lẽ chẳng cần phải học đến mười hai năm phổ thông. Cách đây ít hôm, tôi vào Nhà máy Kính nổi Chu Lai - một nhà máy kính lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Theo một cán bộ của nhà máy cho biết, 3/4 số công nhân trong nhà máy có trình độ đại học và trong đó có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp những trường đại học “danh tiếng” ở Việt Nam. Nào là Bách khoa, nào là Học viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng… (nhà máy có 600 công nhân và chỉ cần 100 người có trình độ kỹ sư). Tôi càng ngạc nhiên khi thấy có một loại công việc mà có lẽ người mù chữ cũng làm tốt, đó là rải tấm giấy lên một tấm kính vừa cắt xong, đợi cần cẩu lại hạ tấm kính tiếp theo, rồi lại rải một tấm giấy lên. Hỏi ra mới biết, hai người công nhân đứng rải tờ giấy đấy cũng đã tốt nghiệp đại học. Theo lời một cán bộ, tốt nghiệp đại học rồi mà kiếm được việc làm ở đây để có mức lương thấp nhất là 4 triệu thì còn là may chán.

Có một chuyện nữa. Năm 1998 Báo An ninh Thế giới tổ chức thi tuyển phóng viên. Có 70 người đến đăng ký thi tuyển và có những người có đến 2-3 bằng đại học. Đề bài đầu tiên là: “Viết đơn xin việc”. Kết quả thật bất ngờ, 58 người không viết nổi lá đơn xin việc. Còn lại 12 người, mỗi người được yêu cầu viết một bài thể hiện năng khiếu viết báo. Có đến 6 người không biết viết gì cả. Tuyển đi tuyển lại còn được 3 người. Một người sau đó đi làm được 7 ngày và tự xin thôi việc vì cậu ta thú nhận rằng, “cháu quen ngủ muộn nên không thể đi làm đúng giờ được…”. Sau lần ấy, ông Hữu Ước - Tổng biên tập Báo An ninh Thế giới tuyên bố: “Từ nay chỉ tuyển những ai biết viết báo, chứ không cần những người có bằng đại học”. Và từ đó cho đến nay, mỗi khi ký tuyển dụng phóng viên, ông chỉ hỏi gọn lỏn: “Nó viết được không” và nếu người chịu trách nhiệm nhận phóng viên khẳng định “viết được” thì ông ký ngay. Tất nhiên sau này, nếu phóng viên đó viết kém, thì người đề xuất tuyển sẽ “ăn đủ”(!).

Đất nước ta lâm vào tình trạng thừa thầy, thiếu thợ là vì thế. Cái gì người ta cũng phải giơ bằng đại học ra. Có lẽ trên thế giới, chẳng ở đâu như Việt Nam. Người ta thường nói: “Phi đại học bất thành nhân”. Nhưng khi đã vào trường đại học thì “Phi phao bất thành đại học”. Người Việt mình có tính sĩ diện hão và háo danh, cho nên đua nhau chạy bằng, chạy cấp để tỏ ra là người có học. Nhiều gia đình có con học dốt thuộc loại “anh của bò”, nhưng khi con đi thi đại học thì cũng cho thi hẳn vào những trường rất oách, để đến lúc nó có trượt (chắc chắn là sẽ trượt) thì còn có thể tự hào mà nói với hàng xóm láng giềng rằng: “Cháu nó cứ thích thi vào trường ấy thì phải chiều…”.

Từ xưa các cụ đã có câu: “Có chí làm quan, có gan làm giàu” chứ chẳng ai nói có học để làm giàu cả. Đúng là có học, có kiến thức thì vẫn hơn, nhưng con đường tiến thân của mọi người đâu chỉ nhờ vào mảnh bằng và “mớ” kiến thức ở nhà trường, mà còn phụ thuộc vào ý chí, lòng quyết tâm, tài năng… Mà những cái đó, chẳng có trường nào dạy được. Cho nên, đã đến lúc các cơ quan tuyển chọn không nên đặt nặng vấn đề có bằng nào, cấp nào, mà chỉ nên coi bằng đại học ấy là chứng nhận đã thoát nạn mù chữ. Cần phải chọn người thực tài, biết làm việc qua thi tuyển thật sự.

Vì thế cần nói KHÔNG với tất cả các loại bằng cấp và nói CÓ với ai biết làm việc, có tài.

Như Thổ