NATO và những thách thức phía trước

10:30 | 03/04/2012

544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi những chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Chicago, Mỹ vào tháng 5 tới đang được tiến hành, liên minh quân sự 63 tuổi này đang phải đối diện với hàng núi các vấn đề khó khăn. Ngay cả khi tổ chức này vượt qua được các thách thức đó thì tương lai phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách và thu hẹp hơn nữa các tham vọng là điều không thể tránh khỏi.

Liên minh quân sự 63 tuổi này đang phải đối diện với hàng núi các vấn đề khó khăn.

Khoảng lặng trước cơn bão

NATO đã tạo nên nền tảng của an ninh châu Âu kể từ khi Đại chiến thế giới thứ 2 và chỉ cách đây vài năm tổ chức này còn nuôi tham vọng trở thành tổ chức “NATO toàn cầu”. Sứ mệnh của NATO tại Libya năm ngoái có thể nhìn nhận là một sự thành công. Với Anh và Pháp đứng đầu cuộc chiến và Mỹ đứng sau, NATO đã triển khai một cuộc không chiến tinh vi để đạt được mục đích trong khoảng thời gian 7 tháng, gây thiệt hại tới mức tối thiểu tới các cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân. Ngay cả với vấn đề nan giải tại Afghanistan, hầu hết các thành viên NATO đã đồng thuận trong việc cam kết sẽ rút quân cuối năm 2014.

Lặng lẽ và không có quá nhiều ồn ào (ngoại trừ những tranh cãi với Nga), bước đi đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ châu Âu bảo vệ khu vực này từ sự tấn công của các nước “đặt ngoài vòng pháp luật” (ám chỉ Iran) đang được triển khai. Tây Ban Nha đã cung cấp căn cứ cho các tàu bảo vệ hệ thống tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ được chọn là nơi đặt các radar phát hiện dải sóng X và hệ thống phỏng thủ SM-3 được xác định sẽ đặt tại Ba Lan và Rumani.

Bức tranh hợp tác NATO bị đảo lộn

Kinh tế châu Âu khủng hoảng đã gây áp lực buộc các quốc gia tham gia hệ thống phòng thủ thủ tên lửa phải thắt chặt ngân sách quốc phòng. Một điều hoàn toàn tương phản, theo báo cáo “Cân bằng Quân sự” của Viện nghiên Chiến lực Quốc tế có trụ sở tại London (IISS) công bố hàng năm đã nhấn mạnh lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, chi tiêu quốc phòng châu Á gần bắt kịp được châu Âu. Điều này càng làm gia tăng căng thẳng cho các nước châu Âu giữa lựa chọn tăng cường an ninh để không bị tụt hậu và cắt giảm chi tiêu.

Cùng với vấn đề kinh tế, việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu Tây Thái Bình Dương để đối phó với sự gia tăng tiềm lực quân sự nhanh chóng của Trung Quốc khiến châu Âu ít được ưu tiên hơn. Trong Chiến lược Quốc phòng công bố vào hồi tháng 1, Mỹ tuyên bố EU nên chủ động trong vấn đề an ninh hơn là trông chờ vào các đảm bảo của Mỹ, cùng với khẳng định ¼ lực lượng của Mỹ đang duy trì tại Đức sẽ sớm rút về nước, đây được coi là lời ngầm cảnh báo với các thành viên NATO.

Libya: bước ngoặt tạo ra sự chia rẽ trong NATO

Nhìn lại quãng thời gian qua, theo một cách nhìn nhận nào đó thì cuộc chiến tại Libya như một bước ngoặt đối với liên minh NATO. Đó là chiến dịch đầu tiên của NATO mà Anh và Pháp ngồi ở vị trí chỉ đạo, không phải là Mỹ. Một vài cá nhân trong Chính phủ Obama bị thuyết phục về sự cần thiết thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và thể hiện sự ủng hộ đối với Mùa xuân Ả-rập. Nhưng các thành viên khác, đặc biệt là Bộ trưởng quốc phòng thời đó, Robert Gates, nhận thấy không có lợi ích chiến lược nào của Mỹ đang bị đe dọa và quyết định chỉ hỗ trợ đủ để các đồng minh châu Âu không làm hỏng sứ mệnh của NATO tại Libya.

Chỉ trích của Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với các đồng minh Nato châu Âu

Trong phát biểu từ chức vào tháng 7/2011, lúc này cuộc chiến tại Libya mới đi được một nửa, ông Gates đã chỉ trích mạnh mẽ các đồng minh châu Âu vì đã không giành được sự tiến bộ nào trước một đối thủ nhỏ bé như Lybia và thất bại trong việc đáp ứng các khả năng quân sự khiến Mỹ buộc phải cung cấp như các cuộc không kích, hỗ trợ lực lượng tham chiến (bao gồm thông tin tình báo, giám sát, tìm kiếm mục tiêu và thông tin về mục tiêu) và tiếp tế nhiên liệu trên không. Ông Gates đặt ra câu hỏi khi nào châu Âu mới lấp đầy được các yếu kém này và khi đó Mỹ mới có thể xem NATO là đối tác hữu ích.

Có thể nói, một vài chỉ trích của ông Gates với châu Âu là thiếu công bằng. Sự yếu kém của các đồng minh NATO một phần do đề nghị của Mỹ trong việc phân công chức năng để thực thi các sứ mệnh nhằm tránh sự trùng lặp vô ích. Nhưng ý chính của ông Gates là châu Âu đã quen với việc nhận miễn phí từ Mỹ các khoản cho các chi tiêu quốc phòng (chi tiêu này là một phần của GDP Mỹ và gấp 3 lần trung bình của các nước NATO châu Âu). Lẽ ra châu Âu ít nhất phải đảm bảo được an ninh tại sân sau của mình. Tuy điều này không ảnh hưởng tới cam kết ban đầu của Mỹ với NATO rằng Mỹ sẽ giúp đỡ đảm bảo để các nước châu Âu không bị tấn công. Nhưng trong tương lai Mỹ có thể sẽ cân nhắc trong đóng vai trò đứng đầu, thậm chí là đứng sau giúp đỡ châu Âu giải quyết các đe dọa đang nổi lên hoặc các thảm họa nhân đạo ở các khu vực cận châu Âu.

Cuộc chiến Libya cũng chỉ ra rằng quyền phủ quyết của các nước thành viên NATO với vấn đề can thiệp quân sự có thể bị cản trở sứ mệnh chung như thế nào. Khi nó trở thành “cuộc chiến của lựa chọn” giữa các nước châu Âu với sự khác biệt về lịch sử và địa lý có thể dẫn tới bất đồng sâu sắc.

Chỉ có 8 trong số 28 nước đồng minh đồng ý không kích Libya. Đức, nước bỏ phiếu trắng cho nghị quyết Liên Hiệp Quốc về sứ mệnh tại Libya, cảnh báo sẵn sàng rút các đội máy bay và tàu chiến đang thực hiện các sứ mệnh khác của NATO ở Địa Trung Hải. Giả sử với một cuộc xung đột trong tương lai, một hoặc hai nước thành viên có những đóng góp to lớn, như cung cấp dịch vụ tiếp dầu trên không, quyết định rút khỏi chiến dịch thì điều gì sẽ xảy ra với chi phí cho cuộc chiến và sự hỗ trợ để triển khai nhiệm vụ.

Máy bay Nato tấn công các căn cứu quân sự của cựu Tổng thống Muammar al-Gaddafi ủng hộ lực lượng nổi dậy

Đáp lại động thái của Mỹ, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã thuyết phục các nước trong liên minh bằng cách đưa ra cái gọi là “phòng thủ thông minh”, một chính sách mới trong 20 năm tạo ra cơ chế cho đóng góp chung và chia sẻ các nguồn lực quân sự, tạo ra sự ưu tiên tốt hơn và thúc đẩy các nước chuyên môn hóa các lĩnh vực mà các nước chiếm ưu thế.

Ông Rasmussen hi vọng các thành viên sẽ đồng ý thông qua khoảng hơn 20 dự án trước Hội nghị thượng đỉnh Chicago, mỗi dự án do một nước thành viên điều hành. Các dự án bao gồm đóng góp chung các máy bay tuần tra trên biển, mua sắm 5 máy bay thu thập thông tin tình báo không người lái Global Hawk và gói hỗ trợ để triển khai các máy bay trực thăng. Các dự án khác bao gồm lĩnh vực hậu cần, đào tạo và tiếp sau là tăng cường lực lượng bảo vệ.

Ông Rasmussen thực sự đang trông đợi thỏa thuận về “sự đảm bảo khả thi” được ký kết giữa các nước tham gia để có sự đóng góp chung cho khả năng quân sự của NATO. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào có thể gỡ bỏ hoàn toàn sự các nguy cơ về sự chia rẽ giữa các nước trong nội khối. Thêm vào đó, lá phiếu của quốc gia lớn nhất và giàu nhất NATO châu Âu là Đức đã phản đối sử dụng vũ lực trong hầu hết các trường hợp. Điều này sẽ tạm dừng toàn bộ ý tưởng về “phòng thủ thông minh”.

Cùng với cuộc chiến Libya, sự chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan cũng phủ bóng đen lên khối NATO. Sau những tín hiệu lạc quan về sự rút quân được đưa ra vào năm trước, hiện tại rất nhiều thành viên NATO mất kiên trì và đang đếm từng ngày đợi tới thời hạn tháng 12/2014, khi đó NATO sẽ chấm dứt các sứ mệnh quân sự và chuyển giao sứ mệnh cho các lực lượng của Afghanistan. Nhiệm vụ đào tạo của NATO sẽ còn được triển khai cho tới sau năm 2014 nhưng sự kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào khả năng của các lực lương an ninh của Afghanistan. Viễn cảnh về Afghanistan vẫn còn đầy bừa bộn và thậm chí có phần tuyệt vọng.

Hội nghị thượng đỉnh Nato năm 2010 tại Lisbon thống nhất về kế hoạch rút quân tại Afghanistan vào tháng 12.2014

Nhưng, đối với tất cả các vấn đề, sứ mệnh đã đem lại cho liên minh sự thống nhất và một mục tiêu mà có thể tổ chức này đang thiếu. Một vài chính phủ các nước châu Âu cảm thấy sự hỗ trợ của họ cho cuộc chiến không được mấy nước ủng hộ có thể đã bị Mỹ coi thường. Nhưng trên thực tế sự kính trọng đã gia tăng. Các tướng lĩnh Mỹ đã thấy ngạc nhiên và hài lòng với những nỗ lực của các đồng minh trong một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Các tướng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng lực lượng đồng minh lúc đầu có những hạn chế nhưng đã tiến bộ nhanh chóng. Tuy nhiên, sự chia sẻ kinh nghiệm chung giữa hai bên sẽ nhanh chóng chỉ còn là kỷ niệm do các binh đoàn của Mỹ sẽ rút khỏi châu Âu và hoạt động phối hợp đào tạo chung cũng sẽ bị trì trệ. Điều này sẽ làm tổn hại một trong những mục tiêu trung tâm của NATO: khả năng liên kết triển khai giữa lực lượng của Mỹ và NATO.

Tương lai Hội nghị thượng đỉnh Chicago

Hội nghị thượng đỉnh tại Chicago tới sẽ là cơ hội để tái khẳng định sức mạnh của đối tác xuyên Thái Bình Dương và là nơi để Tổng thư ký NATO Rasmussen đưa ra ý tưởng “phòng thủ thông minh” để chứng tỏ với những ai còn hoài nghi và mở đường cho phương châm “Hiệu quả cao, chi phí thấp” (hàm ý Mỹ và các nước NATO châu Âu sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn với ít nguồn hỗ trợ tài chính hơn). Nhưng tương lai có thể dễ dàng nhận thấy là sự thờ ơ và giảm tham vọng quân sự của Mỹ tại châu Âu. Nói cách khác, trừ khi có những thay đổi, hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ kết thúc với “Hiệu quả cao, chi phí thấp”.

Khôi Nguyên