Muốn thu hút khách phải có kịch bản trưng bày hay

08:18 | 28/09/2012

2,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó là khẳng định của bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh với hơn 21 năm công tác trong ngành bảo tàng.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (BTCTCT) cũng là Bảo tàng đón hơn 11 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước trong 37 năm hoạt động. Vì sao BTCTCT thu hút khách tham quan lớn như vậy trong khi nhiều bảo tàng ở nước ta thưa khách?

Phóng viên Petrotimes đã có cuộc trò chuyện cùng bà Huỳnh Ngọc Vân để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Kinh phí chưa đủ giải bài toán khó cho Bảo tàng

PV: Chỉ sau 37 năm hoạt động mà BTCTCT đã thu hút hơn 11 triệu lượt khách tham quan, đây là con số mơ ước của nhiều bảo tàng khác. Dù rằng nước ta có nhiều bảo tàng về chiến tranh nhưng tại sao các bảo tàng khác không thu hút được nhiều khách tham quan thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Phải nói thêm rằng trong những năm gần đây BTCTCT thu hút khách ngày càng đông, như năm 2010 đón 550.000 lượt khách, năm 2011 đón 660.000 và đặc biệt chỉ 8 tháng đầu năm 2012 đã có 500.000 lượt khách tham quan. Bảo tàng thu hút lượng khách lớn như vậy có lẽ vì chủ đề hoạt động của BTCTCT có nhiều nét riêng. Các bảo tàng khác cũng nói về chiến tranh nhưng nghiêng về mô tả quá trình chiến đấu và thành tích chiến thắng, còn ở đây còn nói về chứng tích chiến tranh. Chính nội dung này đã để lại những cảm xúc mạnh mẽ, sâu sắc, giữ được ấn tượng lâu dài đối với người xem nên không chỉ đến đông mà nhiều người còn đến tham quan nhiều lần nữa.

BTCTCT thu hút hút vì có chủ đề hoạt động đặc trưng riêng

PV: Với lợi thế có sẵn, hẳn bản thân bảo tàng cũng có chiến lược tốt trong khâu trưng bày, phục vụ khách tham quan thì mới có sức hút lớn đến như vậy?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Bên cạnh lợi thế lớn như thế thì có những lợi thế riêng mà bảo tàng phải tạo ra chứ không tự nhiên mà có khách tham quan đông như vậy. Cũng là trưng bày nhưng chúng tôi phải tìm tòi cách để làm cho nó hấp dẫn. Ví như cũng kịch bản chung của bảo tàng nói về lịch sử cuộc chiến và tội ác chiến tranh nhưng chúng tôi sẽ chia nhỏ ra ở nhiều góc nhìn khác nhau về tội ác.

Chúng tôi trình bày vấn đề không theo thứ tự thời gian và không gian mà theo kịch bản trưng bày. Nó như một vở kịch, có mở đầu, có cao trào và có kết thúc, trong từng chuyên đề cũng có kịch bản ví như nói về tội ác cuộc hành quân càn quét thì nói từ mức độ nhẹ nhẹ như là bắt bớ, đánh đập tra tấn, rồi giết,… giết theo nhiều cách, giết từng người, giết hàng loạt, giết dưới nhiều hình thức khác nhau… Khi mình dẫn dắt người xem từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều thì rất xúc động và nhận ra vấn đề ở mức độ mà mình mong muốn. Vì vậy, phải có kịch bản trưng bày hay thì mới thu hút được khách tham quan.

PV: Vậy làm sao để Bảo tàng có đề cương trưng bày, kịch bản trưng bày hay thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Chúng tôi phải luôn làm sao để có những kịch bản trưng bày tốt nhất, có khi các anh chị em trong bảo tàng phải tranh luận gay gắt, có khi rất căng thẳng để chọn ra hướng làm. Có khi một tác giả chịu trách nhiệm chính nhưng nhiều anh em khác giúp đỡ, có khi một nhóm tác giả cùng chịu trách nhiệm một kịch bản. Khi đã có kịch bản trưng bày, đồng thuận với nhau trong nội bộ rồi thì phải trao đổi với họa sĩ thiết kế, phải truyền đạt để họa sĩ hiểu kịch bản trưng bày như ý mình. Để làm một thiết kế trưng bày phù hợp quả là khó vì họa sĩ ở nước ta không được đào tạo chuyên ngành về bảo tàng, trong khi các nước họa sĩ bảo tàng rất chuyên nghiệp.

PV: Qua đó thấy rằng, công việc của người làm bảo tàng không hề nhẹ nhàng?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Nói chung, ở xứ nào chứ ở xứ mình làm bảo tàng thì rất vất vả. Nếu như ở các nước được giới thiệu làm bảo tàng là một vinh dự chưa kể là nhà nước họ có những chính sách đãi ngộ tốt dành cho người làm bảo tàng, lương thỏa đáng. Còn ở nước mình, làm bảo tàng lương rất thấp nhưng nghề này lại đòi hỏi kiến thức và kỹ năng nhiều, trong khi điều kiện làm việc rất khắc nghiệt ở chỗ cơ sở vật chất thiếu thốn, địa bàn sưu tầm hiện vật rất rộng. Như BTCTCT thì địa bàn sưu tầm là cả nước vì chỗ nào ở nước, thêm nữa là những chỗ có tội ác chiến tranh thì xa xôi, hẻo lánh… Mình muốn có hiện vật thì đến nhà dân ăn ở, lân la, gần gũi người ta mới tặng mình hiện vật đó hay kể cho mình nghe câu chuyện liên quan đến hiện vật mà mình muốn có. Như vậy hiện vật mới có câu chuyện cụ thể và khi trưng bày mới có hồn.

Bà Huỳnh Ngọc Vân (bìa trái) đón Tổng thống cộng hòa Áo đến thăm Bảo tàng (ngày 30-5-2012)

PV: Công việc bảo tàng vất vả, và bảo tàng thì rất có giá trị trong đời sống con người nhưng dường như xã hội mình chưa có nhìn nhận đúng mực về bảo tàng.

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Đúng là đời sống vật chất người dân còn khó khăn nên nhu cầu đến xem bảo tàng chưa cao. Nên có cảm giác, có bảo tàng hay không có trong đời sống tinh thần cũng không sao. Rồi một số bảo tàng do điều kiện thiếu thốn nên nội dung trưng bày còn yếu, thiếu và chưa hấp dẫn nên người ta chỉ đến một lần rồi thôi.

PV: Vậy chúng ta sẽ đầu tư nhiều tiền hơn, kinh phí dành cho bảo tàng lớn hơn giống như đề án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia hơn 11.000 tỉ đồng sắp tới, bà có nghĩ là cách đầu tư “khủng” ấy sẽ giải quyết bài toán khó cho bảo tàng ở Việt Nam hiện nay?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Giải quyết những vấn đề nêu trên chỉ bằng kinh phí thì chưa đủ mà chúng ta phải phối hợp hài hòa giữa người làm bảo tàng, giữa trang thiết bị phục vụ bảo tàng, giữa nội dung hoạt động của bảo tàng với người đi xem bảo tàng. Nếu bảo tàng có hay, có đẹp đến đâu mà người xem đến bảo tàng không ở trong tâm thế học hỏi, lĩnh hội, có nhiều thông tin mà đến bảo tàng xem cho vui thì không thành công. Ví như khách tham quan BTCTCT sẽ thấy buồn, băn khoăn, trăn trở… chứ không thể thấy vui được.

“Nhu cầu tham quan bảo tàng là khá lớn!”

PV: Dường như, thời gian qua, lượng khách đến BTCTCT chủ yếu là du khách nước ngoài phải không thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Thực ra, nếu tính chung lượng khách trong một năm thì khách nước ngoài và trong nước bằng nhau. Đến tham quan tại bảo tàng thì 60-70% là khách nước ngoài. Còn khách đến các cuộc triển lãm lưu động ở các địa phương thì toàn là khách trong nước vì dân mình còn nghèo đâu phải ai cũng đủ điện kiện để đến TP HCM xem trưng bày của bảo tàng.

Còn khách quốc tế đến bảo tàng đông vì nhiều lí do, trong đó có lí do họ muốn tìm hiểu mình chịu đựng chiến tranh và vươn lên như thế nào. Vừa khâm phục dân tộc mình vừa khao khát tìm hiểu nên có nhiều người quay lại nhiều lần và lần nào đến họ cũng báo với mình. Lần này, họ đến với nhóm bạn học thời đại học, lần sau đến với gia đình hay các nhóm bạn cùng sở thích chụp ảnh…

Khách quốc tế tham quan Bảo tàng

PV: Thường đông nhất là khách đến từ những nước nào thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Theo thống kê từ khi thành lập đến bây giờ thì khách tham quan Bảo tàng đến từ tất cả các nước trên thế giới, trong đó đông nhất là Nhật Bản, người nói tiếng Hoa, du khách Mỹ và châu Âu. Khách Nhật đông không chỉ vì du lịch đến Việt Nam rẻ mà vì người Nhật rất quan tâm đến chiến tranh, do trong thế chiến thứ hai họ trả giá rất nặng nề vì chiến tranh.

Tôi có gặp nhiều cựu chiến binh Mỹ đã dẫn con qua Việt Nam làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh. Có nhiều người Nhật sau khi tham quan bảo tàng về nước, họ tham gia các tổ chức bảo vệ hòa bình chống chiến tranh hay tham gia nhiều hoạt động giúp nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Chứng tỏ nội dung của bảo tàng tác động sâu sắc đến người xem.

PV: Một năm BTCTCT có bao nhiêu cuộc triển lãm lưu động ở các địa phương, thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Trước đây, thường là 10-12 lần trưng bày/năm. Còn năm nay, chỉ 9 tháng đầu năm mà đã có 22 cuộc triển lãm ở các địa phương rồi. Qua đó thấy rằng nhu cầu tìm hiểu, tham quan bảo tàng của người dân mình cũng khá lớn nhưng mình không đủ sức đem đi hết thôi. Chứ những khi bảo tàng đi về quê trong điều kiện hết sức thiếu thốn trong trưng bày hình ảnh, hiện vật nhưng học trò, người dân mình quây quanh xem đông lắm.

Đông khách chưa là thước đo quyết định hiệu quả Bảo tàng

PV: Được biết bảo tàng có nhiều chương trình giao lưu giữa nhân chứng lịch sử và khách tham quan rất thu hút. Bà có thể kể rõ hơn cách làm của bảo tàng không?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Nhiều khách tham quan xem hiện vật thì thấy chưa đủ, nhờ bảo tàng mời những nhân chứng chiến tranh như cựu chiến binh, tù chính trị, nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam… là những người thật, việc thật kể về cuộc đời thật của họ, về những mất mát đau thương mà họ phải chịu đựng. Những câu chuyện như vậy, thường làm khách rất xúc động, tin vào những hiện vật, những gì mà mình đã trưng bày.

Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tổ chức giao lưu với người xem bảo tàng với nhiều chủ đề khác nhau, như tháng 6-2011 “Ẩm thực thời kháng chiến”- tái hiện món ăn thời chiến như cơm nắm, muối mè, bánh tét, khoai mì, cá lóc nướng trui… và chính tay cô chú tham gia chiến đấu làm món ăn và vừa làm vừa kể câu chuyện của họ cho khách nghe. Khách nghe và thấy rất thú vị.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera Enchenique thăm bảo tàng

Hay chương trình “Giao lưu ông bà cháu đến bảo tàng”- mời gia đình có 3 thế hệ đến nghe câu chuyện hướng dẫn viên kể nhưng đến đoạn nào mà có câu chuyện thật của ông bà giống câu chuyện bảo tàng đang kể, thì sẽ chuyển cho ông bà kể. Ví như đang có ném bom phá hoại miền Bắc thì bà làm gì và ông đang là bộ đội canh giữ cầu Hàm Rồng khi máy bay Mỹ ném bom thì khi cầu Hàm Rồng sập cảm xúc của ông ra làm sao. Những câu chuyện có thật đan xen với câu chuyện bảo tàng kể thì làm cho câu chuyện lịch sử hết sức sống động.

Trong quá trình trưng bày, chúng tôi chẻ nhỏ cuộc chiến tranh ra nhiều chủ đề như “Người phụ nữ trong chiến tranh, “Trẻ em trong chiến tranh”, “Tình yêu trong chiến tranh”, “Kỷ vật trong chiến tranh”… thì tội ác chiến tranh nổi rõ ở từng giới, từng lứa tuổi, từng thời kỳ… Đặc biệt triển lãm “Tình yêu trong chiến tranh” trưng bày trong 2 tháng rưỡi đã thu hút 160.000 khách tham quan.

PV: Với những cách làm có hiệu quả của BTCTCT hiện nay, tôi nghĩ rằng đó có thể là những kinh nghiệm quý cho nhiều bảo tàng khác, thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Tôi nghĩ rằng những gì BTCTCT làm được thì các bảo tàng khác cũng làm được dựa trên nội dung của mỗi bảo tàng. Vì chúng tôi không phải là bảo tàng quá giàu có vì kinh phí nhà nước rót cũng có giới hạn. Điều kiện để làm ra tiền cũng vừa phải. Ví như triển lãm lưu động, “Triển lãm ông bà cháu” hay “Hướng dẫn viên nhí” thì các bảo tàng khác đều làm được và có nhiều chương trình BTCTCT phối hợp với các bảo tàng khác thực hiện thành công.

PV: Chính sự linh hoạt trong các chủ đề trưng bày cùng với kịch bản trưng bày hay mà BTCTCT rất thu hút khách. Theo bà thì số lượng khách tham quan đông có là nhân tố quyết định sự thành công của một bảo tàng?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Thực ra, số lượng khách tham quan chưa phải là tiêu chí đầu tiên để đánh giá hiệu quả một bảo tàng. Vì bản thân nhiều bảo tàng chủ đề rất kén khách như Bảo tàng Mỹ thuật đòi hỏi khách tham quan có trình độ mỹ thuật nhất định hay lòng yêu hội họa, hay Bảo tàng địa chất…cũng như nhiều nước trên thế giới có rất nhiều bảo tàng chuyên sâu. Cái quan trọng là khách tham quan ấn tượng tốt, hài lòng khi đi xem bảo tàng; học hỏi, thu thập thông tin từ bảo tàng và phát huy kiến thức có được vào cuộc sống thì mới là hiệu quả thực sự của bảo tàng.

Do đó, BTCTCT chưa bao giờ dám chủ quan là khách tham quan đông là đủ, rồi lơ là mà hầu như ngày nào chúng tôi cũng đi kiểm tra từ những chi tiết nhỏ nhất để làm sao cho khách hài lòng nhất. Dù khó mà có 100% khách hài lòng nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết mức độ phục vụ khách tốt nhất. Phải nghĩ rằng, bảo tàng là bộ mặt của đất nước. Du khách đến Việt Nam mà chịu đến tham quan bảo tàng có nghĩa là họ đánh giá cao bảo tàng của đất nước mình rồi.

Chờ dự án “Hiện đại hóa bảo tàng”

PV: Lượng khách đông như thế, kinh phí thu được từ tiền bán vé có đủ cho hoạt động của bảo tàng không thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Cho hoạt động bảo tàng thì đủ nhưng đời sống anh em thì đôi lúc cũng bấp bênh. Vì tiền thu vào thì việc đầu tiên là lo cho hoạt động của bảo tàng sau đó mới lo đến đời sống của anh em. Tháng nào còn nhiều tiền thì anh em còn đỡ chứ tháng nào còn ít thì anh em cực hơn, làm vừa cực mà tiền ít hơn. Ở đây, cường độ lao động của anh em rất cao, rất vất vả. Hiện nay, BTCTCT trả lương cao hơn các bảo tàng khác nhưng xét về sức lao động mà anh chị em bỏ ra thì chưa tương xứng đâu.

BTCTCT đang chờ đợi dự án "Hiện đại hóa bảo tàng"

PV: Còn ngân sách nhà nước cấp cho bảo tàng hằng năm thì trang trải khoảng bao nhiêu phần trăm chi phí thưa bà?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Ngân sách chiếm khoảng 20% tổng kinh phí hoạt động của bảo tàng. Nhưng từ ngày chúng tôi nhận tòa nhà mới với tòa nhà này, tiền điện mỗi tháng tăng lên gấp 9 lần so với tòa nhà cũ, nước làm vệ sinh cũng tăng, chi phí thuê mướn nhân viên làm vệ sinh cũng tăng lên… Có thể nói, có căn nhà mới thì đẹp hơn, rộng rãi hơn và phục vụ khách tốt hơn nhưng chi phí phát sinh nhiều hơn mà kinh phí nhà nước cấp thì không tăng và tiền vé cũng không tăng nên chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn.

PV: Trong tương lai, để bảo tàng hoạt động ngày càng hiệu quả hơn nữa, với kinh nghiệm 21 năm công tác trong ngành bảo tàng thì bà có mong muốn?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Chúng tôi đang chờ đợi dự án “Hiện đại hóa bảo tàng” của nhà nước. Dự án này rất lớn, bảo tàng sẽ có những trang thiết bị trưng bày phù hợp, có hệ thống kho bảo quản hiện vật đúng tiêu chuẩn, phục vụ khách tham quan bằng những phương tiện nghe nhìn hiện đại. Do đó, ngoài kinh phí lớn còn phải có trang thiết bị chuyên dùng. Như ở các nước, đèn chiếu phải là đèn không có tia cực tím để không làm hư hại hiện vật, ví như một bảo tàng ở Mỹ chẳng hạn, một hiện vật có 6 ngọn đèn ở 6 góc khác nhau chiếu vào, nhìn hiện vật ở những góc cạnh đẹp nhất… Hi vọng trong tương lai không xa, các bảo tàng ở nước ta cũng sẽ như vậy.

PV: Cảm ơn bà.

Thiên Thanh  (thực hiện)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...