Bánh trung thu hương vị truyền thống luôn có vị trí tuyệt đối

16:00 | 28/08/2013

1,617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi các nhãn hàng bãnh Trung thu cao cấp rất hiếm có khách mua thì các cơ sở bánh sản xuất bánh truyền thống tại Hà Nội vẫn luôn nhộn nhịp khách hàng, thậm chí nhiều người phải xếp hàng để có được chiếc bánh mang hương vị cổ truyền.

Bánh truyền thống luôn hút khách

Còn gần 1 tháng nữa mới tới Rằm tháng Tám nhưng các thương hiệu bánh trung thu đã rậm rịch chào mời khách hàng với những mặt hàng bánh lạ mắt và độc đáo. Tuy nhiên, trái với tình trạng ế ẩm của các nhãn hiệu bánh công nghiệp,  các cửa hàng bán bánh Trung thu truyền thống đông nghịt khách.

Phố Thụy Khuê giờ đây đã trở thành phố bán bánh Trung thu truyền thống của Hà Nội với các hàng bánh nổi tiếng như Bảo Phương, Tuấn Anh và hàng chục cơ sở sản xuất bánh Trung thu với đủ mọi tên tuổi đã xuất hiện.

Ngoài ra, phố Hàng Đường, Hàng Lược, Hàng Cót... cũng có rất nhiều cửa hàng bày bán bánh Trung thu truyền thống, chủ yếu là bánh của hai làng nghề là Xuân Đỉnh và La Phù.

Tuy thị trường bánh Trung thu truyền thống khá nhộn nhịp, nhưng ở Hà Nội hiện nay vẫn có khoảng 5 cái tên “độc tôn” là Bảo Phương (183 Thụy Khuê), Ninh Hương (22 Hàng Điếu), Phương Soát (75 Hàng Chiếu), Bà Dần (52 Hàng Bè và 126/554 đường Trường Chinh) và Gia Trịnh (16 Lý Nam Đế).

Để mua được bánh trung thu truyền thống, khách hàng phải xếp hàng rất lâu.

 

Không cần biển quảng cáo, không cần bao bì trang trí cầu kỳ, chỉ bằng nguyên liệu đơn giản và truyền thống, những cơ sở sản xuất bánh Trung thu ở đây vẫn rất thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong mùa trung thu năm nay. Và với nhiều người dân, họ vẫn chấp nhận chờ đợi thậm chí cả vài giờ đồng hồ để được sở hữu những chiếc bánh cổ truyền.

Giá cả những chiếc bánh Trung thu truyền thống này cũng rất “bình dân”, chỉ với vài chục ngàn là khách hàng có thể mua được, rẻ hơn hàng chục lần so với những dòng bánh cao cấp. Thế nhưng để mua được chiếc bánh giá bình dân một cách nhanh chóng thì cũng không hề dễ, bởi bánh cứ ra đến đâu là có người mua hết đến đấy.

Thực ra, bánh Trung thu cổ truyền không có mẫu mã đẹp, nhân bánh không đa dạng, lại không có loại cao cấp để phục vụ nhiều đối tượng. Khách hàng của các tiệm bánh này chủ yếu là người ăn lâu năm, người bình dân giới thiệu cho nhau.

Theo chủ một tiệm bánh Trung thu truyền thống đắt khách trên phố Hàng Điếu,việc người tiêu dùng quay trở lại sử dụng bánh trung thu cổ truyền trong những năm gần đây là một quy luật tất yếu. Ông cho biết: “Theo tôi, ẩm thực là biểu hiện của hồn phách dân tộc, một số hãng bánh Trung thu hiện đại lại sử dụng những nguyên liệu lạ như vi cá mập, trứng muối, cá ngừ... Chính sự kết hợp mâu thuẫn đó khiến bánh mất đi hương vị. Việc dùng các chất phụ gia, chất bảo quản cũng là lý do khiến người tiêu dùng tìm đến với bánh cổ truyền nhiều hơn”. 

Ông cũng cho rằng bánh Trung thu cổ truyền đã có thương hiệu từ lâu, có một đối tượng người ăn trung thành, dù phương thức làm bánh không mấy thay đổi từ xưa đến nay.

"Nhiều khách hàng yêu cầu các loại bánh cao cấp để làm quà, bánh từ các nguyên liệu lạ hoắc hay bảo chúng tôi mở rộng quy mô cửa hàng song chúng tôi không muốn. Nhiều năm qua bánh Trung thu của chúng tôi vẫn không có gì thay đổi. An toàn, sạch sẽ, đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần thanh tao là đặc trưng của bánh Trung thu cổ truyền", ông nhấn mạnh.

Để bánh trung thu không chỉ dùng để … biếu

Các nhà sản xuất bánh Trung thu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương, Long Đình, Hải Hà… đã tung sản phẩm ra thị trường. Bánh Trung thu không chỉ phân phối cho hệ thống cửa hàng siêu thị mà các nhà sản xuất còn tranh thủ dựng cả quầy trên vỉa hè nhiều tuyến phố để trực tiếp đón khách mua.

Tại các “tuyến phố” bánh Trung thu tại Hà Nội như Phạm Hùng, Kim Mã, Lê Văn Lương tập trung san sát nhiều quầy hàng dành cho người tiêu dùng bình dân. Tuy nhiên, quầy thì nhiều mà người mua chẳng thấy đâu. 

Nhân viên bán bánh Hữu Nghị trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đánh giá, lượng khách năm nay giảm một nửa so với năm ngoái: “Tầm này năm ngoái, mỗi ngày bán được khoảng 5 triệu đồng, nhưng nay chỉ được 2-3 triệu đồng/ngày. Khách chủ yếu mua bánh lẻ mức giá dưới 40.000 đồng/chiếc”. Theo chị, với loại bánh bán theo hộp, năm nay công ty giảm số hộp to 6-8 chiếc, tập trung cho những hộp số lượng 4 chiếc/hộp để giảm giá thành (còn dưới 300.000 đồng/hộp).

Nhiều gian hàng bán bánh trung thu "hiện đại" luôn trong tình trạng ế ẩm.

 

Cũng trong cảnh “chầu” khách, nhân viên bán bánh Kinh Đô (tuyến đường Văn Cao) chia sẻ: “Kinh tế khó khăn, ai cũng thắt chặt chi tiêu. Người mua chủ yếu để ăn thử, hoặc cúng lễ mùng một và rằm, mua làm quà vẫn chưa nhiều”.

Cứ mỗi mùa Trung thu, các hãng bánh lại đua nhau sáng tạo những hương vị lạ, thậm chí sử dụng những nguyên liệu xa xỉ, đắt tiền như vi cá, bào ngư … để thu hút khách hàng. Năm 2012, thị trường bánh Trung thu càng ngày càng khởi động sớm hơn, và dù kinh tế khó khăn nhưng hãng Kinh Đô vẫn sản xuất khoảng 2.000 tấn bánh Trung thu, tăng 20% so với năm 2011. Từ nửa đầu tháng 7 âm lịch, hàng chục nghìn quầy bán lẻ được mở ra. Tuy nhiên, sau rằm tháng 8, hàng vạn chiếc bánh phải vứt bỏ hoặc bán rẻ như cho.

Người Việt Nam có quan niệm “nhịn miệng đãi khách”, vì thế họ chỉ mua những hộp bánh trung thu cao cấp, xa xỉ để đem biếu, chứ bản thân không thích hoặc không đủ khả năng để thưởng thức những chiếc bánh này. Mỗi năm, người tiêu dùng đã tiêu hơn 800 tỷ đồng cho khoảng bảy triệu hộp bánh (trong đó có cả những chiếc bánh xa xỉ), chúng ta sẽ thấy vài năm gần đây một khoản tiền như thế nào đã được chi tiêu cho một ngày Tết mà giá trị tinh thần nhiều hơn là giá trị vật chất.

Trong khi đó, các cửa hàng bánh truyền thống chỉ sử dụng những nguyên liệu thông thường, không quảng cáo rầm rộ mà khách hàng vẫn chấp nhận xếp hàng để mua được 1, 2 chiếc bánh để thưởng thức. Điều khác biệt ở đây chính là hương vị quen thuộc và sự gần gũi của chiếc bánh trung thu đối với các đối tượng khách hàng. Thêm vào đó, bánh trung thu có hương vị truyền thống luôn tạo cho khách hàng sự gần gũi và đem lại nhiều kỷ niệm.

Vì thế, có lẽ thay vì tiếp tục “đuổi” theo những hương vị lạ lẫm, xa xỉ, nên chăng các hãng bánh trung thu như Kinh Đô, Hữu Nghị … thậm chí là Long Đình, KS Daewoo, KS Hà Nội… cần “học tập” cách làm bánh trung thu xưa như các cửa hàng có truyền thống. Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần mang lại cho trẻ em Tết Trung thu có ý nghĩa nhân văn truyền thống thông qua những chiếc bánh gần gũi, quen thuộc hơn là ký ức về thời thơ ấu với bào ngư, vi cá, hải sâm, tôm wasabi, tôm càng bách hoa hay Hennessy XO.

Khánh An