Lại nói về văn già văn trẻ!

07:06 | 10/08/2013

642 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở Việt Nam chưa bao giờ khái niệm già và trẻ bị nhạt đi trong các diễn đàn văn học. Thật hiếm khi các nhà văn già và trẻ nhân ái ngồi với nhau để cùng bàn về một chủ đề, đôi khi chỉ là một khía cạnh nhỏ trong văn học. Các tác phẩm mới tung ra, đón nhận nhiều luồng ý kiến. Và thật khó cho người đọc nếu như định mua một cuốn sách mà phải lưỡng lự quá nhiều vì những lời bình trái chiều... Tôi đặt ra vấn đề về khoảng cách này với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Với sự cảm nhận sâu sắc, tinh tế cùng sự chiêm nghiệm của mình, ông đã chân thành bộc lộ.

PV: Sự kết nối giữa thế hệ già và thế hệ trẻ trong văn chương hiện nay như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Trước hết, cần xác định, những nhà văn nào sinh từ trước năm 1960 thì thuộc thế hệ già, còn sau năm này thì thuộc thế hệ trẻ. Những người sinh từ 1960 trở đi, đến ngày thống nhất đất nước vẫn đang ở tuổi 15.

Hiện nay, trong văn chương, quan hệ giữa thế hệ già và thế hệ trẻ có sự lỏng lẻo. Trước đây, khi Trần Dần tuyên ngôn: “Chúng ta phải chôn Thơ Mới” thì không có nghĩa là ông phủ nhận thành tựu của Thơ Mới mà ông muốn thế hệ trẻ phải tôn thờ Thơ Mới để rồi tiếp tục công việc sáng tạo của thế hệ sau. Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ tiền chiến tự khép lại quá khứ huy hoàng của mình, lột xác để tự trẻ hóa mình và tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ. Ngược lại, thế hệ trẻ cũng tự nguyện chân thành tiếp thu tinh hoa của thế hệ trước, làm mạnh thêm năng lượng sáng tạo trong mình. Cứ thế, dòng chảy văn chương đã đạt được nhiều thành tựu từ tiền chiến, đến chống Pháp, rồi chống Mỹ và một phần đầu của hậu chiến.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha

Có thể xem sự xuất hiện của “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh); “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường); “Bến không chồng” (Dương Hướng) và loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, rồi sau đó là tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến… Và các trường ca của Hoàng Trần Cương, Thi Hoàng, Trần Anh Thái cùng thơ ngắn Chim Trắng, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Hưng, Dư Thị Hoàn, thơ lục bát Đồng Đức Bốn… là những thành tựu cuối của dòng chảy liên tục này. Đây là thời điểm xuất hiện của thế hệ trẻ trùng với thời điểm mở cửa của đất nước. Và vấn đề của việc kết nối cũng xuất hiện từ đó.

PV: Ông nghĩ gì về khoảng cách giữa các nhà văn già và các nhà trẻ tại Việt Nam hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Có một thực tế đan xen giữa sự xuất hiện của thế hệ trẻ với sự xuất hiện trở lại của những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ già như Hữu Loan, Hoàng Cầm, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Dương Tường, Châu Diên, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh… còn thế hệ trẻ là những Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Trần Thùy Mai, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương… Cuộc song tấu này đã làm cho diện mạo văn chương có nhiều điều thú vị. Đó là vì hai thế hệ đều có nội lực để kết nối dòng chảy cùng nhau. Nhưng từ khi Internet vào Việt Nam, thông tin đa chiều ồ ạt với rất nhiều luồng lạch, thế hệ trẻ cảm thấy có một bứt phá mới để thật khác thế hệ già. Họ đắm chìm vào chủ nghĩa hậu hiện đại.

Song, do không hiểu đến căn nguyên của nó, họ đã bị ngợp, bị ngộ nhận bởi hình thức của những tác phẩm biểu hiện chủ nghĩa này. Họ có thể khác nhưng chưa đủ hay để thuyết phục thế hệ già. Họ thay đổi cách đọc, nhưng không chú ý rằng, cảm xúc là gốc của văn chương. Họ có thể lạ nhưng chưa hay. Bởi vậy, công chúng vẫn xuýt xoa với: “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm; “Tuyển tập thơ Văn Cao”, “Ô mai” và “Bến lạ” của Đặng Đình Hưng; “Cổng tỉnh” của Trần Dần; “Bóng chữ” của Lê Đạt; “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán; “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn; chùm tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”… của Nguyễn Xuân Khánh… Hiệu ứng thẩm mỹ mà những tác giả trên mang đến cho người đọc đã khiến cho họ thờ ơ với những cái lạ rất “a, b, c” nói trên.

PV: Những nhà văn trẻ nào hiện nay theo ông là thành công, tạo được phong cách riêng cho mình một cách chắc chắn?

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Trong nhiều năm vừa qua, nhất là khi bước sang thế kỷ XXI, chúng ta mở rộng tự do xuất bản, song một thế hệ trẻ đủ tầm vóc như các thế hệ trước vẫn là một điều bạn đọc còn nhiều băn khoăn. Người ta có thể cảm nhận được từ nhiều phía, văn xuôi như Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Lê Anh Hoài, Nguyễn Ngọc Tư… và gần đây nổi lên ở Bình Định là Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ…

Nhưng để nhìn thấy một đội hình hùng hậu như thế hệ trước (thế hệ già) thì hình như vẫn chỉ là những tài năng đơn lẻ mà sự chênh lệch giữa các tác giả với nhau còn nhiều chuyện phải xem xét. Thơ cũng vậy, đọc được một cách thích thú như nhà thơ yểu mệnh Lãng Thanh là một chuyện cực hiếm. Ở giữa đó là những tìm tòi của Giáng Vân, Nguyễn Quyến, Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Dung, Lê Thiếu Nhơn… Gần đây mới thấy một chút mong chờ ở Trịnh Sơn. Nhiều ồn ào truyền thông về Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương cũng chưa đem lại những kết quả thẩm mỹ cho người đọc. Vi Thùy Linh thì khá giỏi về việc truyền thông cho thơ của mình.

PV: Theo ông thì các nhà văn trẻ ở Việt Nam hiện nay còn thiếu điều gì?

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Điều tôi hồ nghi về bản lĩnh của các nhà văn, nhà thơ trẻ hôm nay chính là tầm văn hóa và sự trải nghiệm. Họ lẽ ra nên rất bình tĩnh để chấp nhận và phủ nhận thế hệ trước. Hình như họ dễ dàng phủ nhận hơn là chấp nhận. Nguyễn Ngọc Tư nói không thích văn Nguyễn Tuân. Thích hay không thì đó là cảm nhận cá nhân. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư nên học Nguyễn Tuân về những nghiền ngẫm văn hóa để chuyển thành văn chương, học ông cụ khi đã ném ra “văn chương là sinh sự, để sự sinh”. Ngay đến cụ già Tô Hoài, cũng đừng đùa. Cụ già hơn 90 tuổi đó, gần đất xa trời là vậy, vẫn tung ra “Chiều chiều”, “3 người khác”… khiến độc giả kinh ngạc.

Nhà thơ Thanh Tùng - một thi sĩ phiêu lãng đã 79 tuổi nhưng thơ ông vẫn rất trẻ. Tôi rất đồng tình với Bùi Chát, Lý Đợi khi họ tìm hiểu lại Thơ Mới và các tác giả ít người để ý đến. Số bình tĩnh chấp nhận và phủ nhận trong thế hệ trẻ có vẻ hơi ít ỏi. Bây giờ, nổi tiếng bằng truyền thông hơi dễ. Nổi tiếng bằng chính tài năng của mình thì thời nào cũng khó. Bây giờ, tìm một “siêu nhân” văn chương thì dễ, nhưng tìm một nhà văn “bình thường” lặng lẽ chấm vào đời mình mà viết thì cũng cực khó. Bởi vậy, sức sống của văn chương hôm nay vẫn là sức sống ngầm, sức sống nằm ở những tác phẩm chưa công bố.

PV: Cần phải làm gì để kết nối hai thế hệ với nhau? Có cần thiết phải làm thế không, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Việc kết nối hai thế hệ là rất cần thiết. Có như thế, dòng chảy văn chương mới liên tục được. Trong khi thế hệ già đang cố làm mới mình, vươn qua giới hạn để kết nối với thế hệ trẻ một cách chủ động, thành thực và cầu thị, có vẻ thế hệ trẻ đang thờ ơ với sự lỏng lẻo này. Có hai đáp số về sự thờ ơ này. Một là họ vẫn chưa đủ mạnh để đạt tới sự kết nối. Hai là họ muốn cắt đứt hẳn với quá khứ để tự tạo ra một nền văn chương mới mà theo họ, thế mới là đích thực. Với đáp số thứ nhất, cần thời gian cho họ đủ mạnh. Với đáp số thứ hai thì cũng phải chấp nhận vì số phận văn chương của dân tộc này. Họ mà làm được những gì như Tự lực Văn Đoàn và Thơ Mới đã từng làm để tạo ra một lịch sử văn chương hiện đại thế kỷ XX cho tới giờ thì có lẽ đó là hồng phúc của dân tộc ta.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lan Tường (thực hiện)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...