Bác Hồ luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ

07:00 | 19/05/2023

4,387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bác Hồ luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hướng tới kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 -19-5-2023). Trong bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc và bế mạc Hội nghị, đều nhấn mạnh công tác bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận, trước mắt là chuẩn bị quy hoạch cán bộ chiến lược cho Đại hội XIV của Đảng ta.

Trong bất kỳ công việc gì, yếu tố con người luôn quyết định hết thảy. Bác Hồ nói một cách giản dị: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “ Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Trước lúc về với “Thế giới người Hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc lịch sử, di sản tinh thần vô giá của dân tộc ta. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Thực hiện di huấn của Bác Hồ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể trong công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc chăm lo giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn trong cả nước, trên các mặt trận cũng được coi trọng, đổi mới nội dung, hình thức và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Thanh niên là rường cột của nước nhà. Việc gì khó có thanh niên. Từ khi Đảng ta mới ra đời, lãnh đạo chính quyền cách mạng còn non trẻ, cho đến khi tiến hành các cuộc kháng chiến vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã có những đóng góp và hy sinh to lớn. Không ai trong chúng ta từ khi còn tấm bé cho đến khi đầu hai thứ tóc quên những lời dặn, lời dạy rất mộc mạc mà quý báu của Bác. Đó là: 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Đó là Thư Bác gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên tháng 9-1945: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, Dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Đó là những câu thơ Bác viết ngày 28-3-1951 tặng Thanh niên xung phong đang làm đường ở Bắc Cạn: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Và cuối cùng trong Di chúc, Người dặn lại: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên”.

Nhớ lời Bác dạy, thanh niên ta đã nhận và hoàn thành nhiều nhiệm vụ to lớn. Đất nước ta “đánh thắng hai đế quốc to” là công lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó, có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất, trước mũi súng quân thù là những người chiến sĩ anh hùng. Hàng triệu người con ưu tú đã lên đường cứu nước ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Lịch sử, đất nước, nhân dân đời đời ghi tên các anh!

Lịch sử sang trang. Đất nước đã tiến hành công cuộc đổi mới 37 năm qua. Sự nghiệp ấy đã mang lại những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những nhân vật trung tâm của thời đại hôm nay được chuẩn bị từ hôm qua – từ lời căn dặn của Bác Hồ, phải quan tâm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Nhân vật trung tâm ấy phần lớn là những người trẻ tuổi, được đào tạo cơ bản, tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học -kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Trong các kỳ thi toán, vật lý, hóa học quốc tế, năm nào học sinh Việt Nam cũng giành những giải thưởng cao nhất. Năm 2022, Việt Nam có cử bảy đoàn học sinh giỏi, với 38 lượt học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế, gồm một đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, một đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và năm đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học. Chúng ta rất vui mừng khi tất cả các thí sinh dự thi đều đoạt giải, giành 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, tám Huy chương Đồng. Các đoàn học sinh của Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Thành tích mới nhất của tuổi trẻ Việt Nam, SEA Games 32, tổ chức tại Campuchia, Đoàn thể thao nước ta dẫn đầu bảng tổng sắp với 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ, dẫn đầu bảng tổng sắp. Từ “vùng trũng thể thao” Đông Nam Á, Việt Nam đã vươn lên một cách ngoạn mục.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta xác định, đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Khi ấy chúng ta sẽ phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, chinh phục các đỉnh cao khoa học mới trong thế giới hiện đại như khoa học nghiên cứu thiên văn, khoa học vật liệu, công nghệ hạt nhân, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học… Dân tộc muốn phát triển, thịnh vượng nhất định phải là một dân tộc giàu có về trí tuệ. Tương lai ấy lại đặt lên vai thế hệ trẻ.

Trong những ngày này, cùng với những niềm vui, niềm tự hào về thế hệ trẻ hôm nay, không thể không gợn những băn khoăn, lo lắng trước những hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh niên. Tôi nhớ đến lời tâm sự của một nhà khoa học gốc Việt, định cư ở nước ngoài đã lâu: Trong chế độ tiểu nông phong kiến, có những thói hư tật xấu của người Việt đã hình thành và nó kéo dài, nó cản trở công việc, ảnh hưởng lối sống, phong cách tới tận hôm nay, chẳng hạn như: ấu trĩ, dối trá, đố kỵ, lười biếng… Có nhiều cách để triệt tiêu cái xấu nhưng cách tốt nhất và bền vững nhất là hướng về văn minh, hiểu về văn minh và biết cách hình thành nên một xã hội văn minh. Bởi lẽ, nghĩ về cái tốt, hình thành cái tốt và luôn hướng về nó là cách hữu hiệu nhất để triệt tiêu cái xấu.

Hướng tới một xã hội văn minh không có cách gì tốt hơn là phải xây dựng một xã hội học tập, một xã hội mà mọi công dân phải kiên nhẫn học tập suốt đời, và người trẻ phải là thành phần đông đảo nhất, làm nòng cốt, làm động lực. Họ chính là người của hôm nay và của tương lai.

Đầu tư cho tương lai phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Không phải làm từ khâu đầu tiên mà là tiếp tục bổ sung, phát triển, nắm bắt cơ hội lớn của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, của nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, để đề ra những quyết sách phù hợp, táo bạo. Như thế chính là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hải Đường