Lách Quy chế 47: Chuyện nhỏ!

08:39 | 27/02/2012

423 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những rắc rối, tranh cãi và kiện tụng trong cấp phép vẫn sẽ còn tồn tại nếu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) không chỉnh sửa điều khoản quy định trong Quy chế 47. Đặc biệt nếu quyền tác giả vẫn không được coi trọng thì tình trạng "ăn cắp chất xám" của các nhạc sĩ sẽ không có điểm dừng.

Ai cũng có thể "lách” luật

Sau những lùm xùm của liveshow Chế Linh, giờ sân khấu ca nhạc lại thêm vụ thứ 2. Đó là những tranh cãi quyết liệt về vấn đề bản quyền các bài hát của Trịnh Công Sơn trong hai chương trình “Ru tình” đều đã được cấp phép biểu diễn. Hai chương trình này cùng tên, có trùng ca sĩ tham gia và địa điểm tổ chức chỉ cách nhau có 3km nhưng lại được hai nơi cấp phép khác nhau. Sự việc này chứng tỏ chưa có sự thống nhất trong quản lý nghệ thuật biểu diễn khi cả Bộ và Sở đều có thẩm quyền cấp giấy phép.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Trong liveshow của Chế Linh trước đây chưa lâu, tuy diễn ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng lại được một đơn vị chẳng liên quan gì là Sở VH-TT&DL Thanh Hóa… cấp giấy phép. Thậm chí khi bị hủy giấy phép thì bầu sô lại xin giấy phép ở cấp Trung ương. Và những quyết định đối nghịch nhau như thế này nếu chiếu theo Quy chế 47 thì vẫn… đúng!

Trên thực tế, việc phân cấp quản lý là để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ cần làm hồ sơ xin cấp phép một lần. Thế nhưng, nếu Sở VH-TT&DL làm nghiêm thì công ty tổ chức biểu diễn hoàn toàn có thể dùng “chiêu” phối hợp tổ chức với một công ty của tỉnh để dễ dàng xin cấp phép ở Sở VH-TT&DL của tỉnh khác rồi chờ giấy tiếp nhận giấy phép từ Sở VH-TT&DL của địa phương nơi diễn ra chương trình. Chính ông Vương Duy Biên trong vụ show Chế Linh cũng thừa nhận có sự “lọt lưới” trong cơ chế phân cấp này.

Hàng loạt sự kiện diễn ra quanh các liveshow gần đây cho thấy một điều là ai cũng có thể lách luật. Chưa bao giờ lại có một quy chế mở ra nhiều cửa “thoát hiểm” đến thế cho người thực hiện. Cách đây 2 năm cũng đã có một hội thảo diễn ra bàn về những bất cập của Quy chế 47 và cho rằng, quy chế có quá nhiều cái… sai. Thế nhưng, đến nay tình trạng này vẫn giữ nguyên cho dù đã có những cảnh báo sẽ còn nhiều vụ việc tương tự như show Chế Linh sẽ xảy ra.

Quyền tác giả bị xem nhẹ

Sự bất hợp lý giữa quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (ban hành kèm quyết định 47/QĐ-BVHTT ngày 2/7/2004, gọi tắt là Quy chế 47) với Luật Sở hữu trí tuệ dẫn đến có hàng nghìn buổi biểu diễn âm nhạc không xin phép nhạc sĩ để sử dụng tác phẩm.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết việc đòi bản quyền tác giả VCPMC mới chỉ làm được 10%. Theo ông, sở dĩ có việc như thế bởi trong thủ tục cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) bỏ trống nội dung phải đóng bản quyền tác giả. VCPMC đã làm rất nhiều công văn, gửi Cục NBTD và Bộ VH-TT&DL nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Ca sĩ Mỹ Tâm

Hiện nay, giấy phép được cấp cho một chương trình nghệ thuật chỉ cần chứng tỏ được rằng, những nội dung biểu diễn của chương trình nằm trong phạm vi được phép, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không có các ca sĩ bị cấm biểu diễn, không có nhạc phẩm không được phép phổ biến… Quyền tác giả không phải là đối tượng thuộc phạm vi quản lý của bất cứ cơ quan cấp phép nào. Như thế cũng đồng nghĩa với việc thực thi luật pháp về quyền tác giả không được coi trọng.

Ngay cả trong nội dung của dự thảo mới đây, việc thực thi quyền tác giả chỉ dừng lại mức yêu cầu các đối tượng tổ chức biểu diễn, phát hành, kinh doanh… tác phẩm phải “cam kết thực hiện quyền tác giả” . Điều này là tước đi quyền tự bảo vệ của các nhạc sĩ. Nhiều nhạc sĩ cho rằng, nếu không có tác phẩm hay thì ca sĩ cũng khó mà thăng hoa. Thế nhưng, ca sĩ luôn được “ưu ái” trong khi nhạc sĩ lại bị “phớt lờ”. Ví như trong một liveshhow, ca sĩ Mỹ Tâm biểu diễn với mức giá 60 triệu đồng nhưng các nhạc sĩ nhiều lúc không được đồng nào vì đơn vị tổ chức lờ chuyện đóng bản quyền đi. Với đa số các nhạc sĩ thì đó là sự bất công và khi tổ chức một chương trình nghệ thuật mà không có sự đồng ý của tác giả thì đó là một sự “lạm quyền”. Theo lý của cha đẻ các bài hát thì chỉ có họ hoặc người được ủy quyền mới được quyền cho phép hay cấp phép cho ai đó biểu diễn tác phẩm của họ.

Thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn rất nhạy cảm, hệ thống văn bản luật lệ cũng còn nhiều hạn chế. Thế nên, trong bối cảnh này việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ là một điều kiện bắt buộc trong hồ sơ cấp phép cũng là việc các cơ quan quản lý nên làm.

Ông Phạm Đình Thắng – Phó cục trưởng Cục NTBD cho biết: "Trong tất cả các quy định của pháp luật, khi cấp phép, trong thủ tục hồ sơ không phải chứng minh đã đóng tác quyền âm nhạc. Hiện nay các cơ quan cấp phép đang thực hiện đúng như vậy”. Ông Thắng cho biết: "Nếu yêu cầu đóng tác quyền tất cả các yếu tố cho một đêm biểu diễn, tập hồ sơ xin cấp phép sẽ dày cộp. Chúng tôi muốn giảm bớt thủ tục phiền hà cho việc tổ chức biểu diễn”.

Hằng Nga

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...