Kỳ vọng ở hoạt động giải trình, điều trần của Quốc hội

08:52 | 22/05/2012

1,727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các hoạt động điều trần, giải trình, chất vấn được tổ chức bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội là nét mới trong hoạt động của Quốc hội, được dư luận hết sức quan tâm và đồng tình ủng hộ.

Điều trần được dịch từ một trong các từ tiếng Anh hearing hoặc public hearing. Nếu dịch sát nghĩa, hearing đơn giản là nghe, còn public hearing có hai nghĩa là phiên tòa hoặc nghe công khai. Có hoạt động mới là hearing, chưa mời báo chí đưa tin, nhưng cũng có hoạt động đã có public, nghĩa là mời thêm các tổ chức, cá nhân liên quan, quan tâm và báo chí cùng dự, chất vấn.

Theo “Từ điển Tiếng Việt” (2006) thì điều trần là: “Trình bày chính thức trước cơ quan đại diện nhà nước để giải thích, biện bạch v.v… về vấn đề nào đó mà mình chịu trách nhiệm”. Thẩm quyền của các cơ quan dân cử ở nước ta có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo, giải trình những nội dung liên quan mà mình chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh Chinhphu.vn)

Điều trần cũng có điểm tương đồng với chất vấn hay giải trình, bởi suy đến cùng thì dẫu là chất vấn, giải trình hay điều trần thì mục tiêu hướng tới đều là hỏi để làm sáng tỏ vấn đề. Xét về góc độ văn hóa, nhận thức chung của nhiều người dân thì điều trần là nhằm làm rõ, phanh phui những sự việc xấu, truy cứu trách nhiệm của những người liên quan, qua đó xác định rõ biện pháp khắc phục hậu quả. Những phiên điều trần do nghị viện nước ngoài như Anh, Mỹ tổ chức đều nhằm vào các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Cho nên, các cơ quan nghiên cứu lập pháp của nước ta cần xem xét điều trần theo góc độ văn hóa học, ngôn ngữ học, căn cứ vào đời sống thực tế, chứ không chỉ bám vào các lập luận pháp lý. Bởi, pháp luật không bao giờ hoàn thiện so với thực tế, mà chỉ đáp ứng phần nào. Pháp luật cần phải lấy căn cứ thực tế cuộc sống làm chuẩn để hoàn thiện.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Nội vụ; Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức hội nghị giải trình về chính sách giảm nghèo, về quản lý giá thuốc, về tổ chức bộ máy của ngành y tế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức phiên họp nghe Chính phủ giải trình về đầu tư, quản lý và sử dụng các khu vui chơi giải trí cho trẻ em; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình xoay quanh hai chủ đề là lãi suất và lạm phát nhằm điều hành tốt chính sách tiền tệ, tài chính, đảm bảo mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô trong năm 2011…

Sau này, tại phiên giải trình, chất vấn, không chỉ bộ trưởng mà người dân, chuyên gia, người bị ảnh hưởng của chính sách có thể nêu quan điểm, đặt câu hỏi chất vấn. Nhờ đó, Quốc hội có thể thu thập thông tin một cách trung thực như phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức, đề cập đến nội dung phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em. Một số hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố cũng tổ chức các phiên giải trình về các vấn đề cử tri ở địa phương quan tâm. Đánh giá chung, các cuộc điều trần, giải trình đã tạo ra áp lực nhất định đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp chịu trách nhiệm, buộc các cơ quan này phải “chuyển động” trong tư duy và hoạt động, bước đầu đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Về giải trình và chất vấn cách làm đã khá rõ, tuy nhiên cho đến nay, thuật ngữ điều trần chưa từng được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào. Cách hiểu và áp dụng các thuật ngữ này còn khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức của cơ quan đứng ra tổ chức. Tất cả các văn bản pháp luật của nước ta đều chưa sử dụng từ điều trần. Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội quy định, khi cần thiết, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có thể yêu cầu Chính phủ và thành viên Chính phủ báo cáo giải trình trước Ủy ban. Vận dụng quy định về giải trình, một số cơ quan thuộc Quốc hội đã tổ chức các phiên họp nghe Chính phủ giải trình về một lĩnh vực cụ thể. Tiến thêm một bước, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giám sát các giải pháp, cam kết, mục tiêu cụ thể của các bộ trưởng, trưởng ngành. Nghị quyết này nói đến việc các Ủy ban phải tổ chức giải trình, chất vấn. Đây là lần đầu tiên Quốc hội nước ta phê chuẩn một nội dung giám sát theo hình thức này.

Sau giải trình, báo cáo kèm theo kiến nghị gửi Chính phủ, hoặc các bản kiến nghị gửi Chính phủ đều do Thường trực các Ủy ban ký, có giá trị như yêu cầu của một nhóm nghị sĩ gửi Chính phủ, chứ không phải là ý kiến chung của Quốc hội. Trong thực tế, các hội nghị bình thường cũng có thể đưa ra được các kiến nghị như vậy. Một đại biểu Quốc hội hay một công dân bình thường cũng có thể gửi kiến nghị cho các cơ quan Chính phủ. Do đó, hiệu lực pháp lý của các kiến nghị sau điều trần và giải trình của các cơ quan Quốc hội chưa tạo ra được hiệu lực đặc biệt, không có tính cưỡng chế, bắt buộc chủ thể phải thực hiện.

Trong quá trình tổ chức mang tính thử nghiệm, các Ủy ban của Quốc hội vẫn phải vừa làm vừa nghe ngóng xem đã làm đúng pháp luật hay chưa. Không ít đại biểu quốc hội lo ngại các phiên điều trần và giải trình sẽ tạo nên sự căng thẳng, tranh cãi gay gắt, gây ra mâu thuẫn giữa Ủy ban của Quốc hội với đối tượng phải giải trình. Tâm tư này là một thực tế. Song, nếu không có tranh luận, phản biện, không có đối chiếu, điều tra, thậm chí tranh luận gay gắt thì khó có thể xác định được chủ thể chịu trách nhiệm và biện pháp thực hiện.

Tới đây, điều mà đông đảo đại biểu dân cử và cử tri mong đợi là cần khẩn trương hoàn thiện pháp luật về hoạt động điều trần của các cơ quan dân cử (hiện nay mới có quy định về giải trình) để có cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện. Các phiên điều trần, giải trình nên được tổ chức thường xuyên hơn, kết thúc hoạt động điều trần, giải trình, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần có văn bản có hiệu lực pháp lý và ràng buộc nghĩa vụ thực hiện. Những vấn đề quan trọng cần đưa ra Quốc hội để biểu quyết, ra kết luận hoặc nghị quyết của Quốc hội.

Điều trần, giải trình cần kết hợp với điều tra, tranh luận, chấp nhận gai góc, thậm chí đối kháng giữa cơ quan tổ chức điều trần, giải trình và đối tượng bị điều trần, đối tượng phải giải trình. Nội dung điều trần, giải trình cần đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng mà đông đảo cử tri quan tâm, đó là đền bù đất đai, chia cắt dự án, chia chác đất đai, xà xẻo công trình xây dựng, chất lượng công trình giao thông thấp, tệ mua bán chức quyền, phong bì trong bệnh viện, “làm luật” của cảnh sát giao thông, các vụ việc tiêu cực lớn… Các cuộc điều trần, giải trình phải làm rõ nội dung vụ việc, chỉ ra được cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm và yêu cầu thời hạn, cách thức khắc phục hậu quả. Hơn nữa, trong quá trình tổ chức hoạt động này cần thu hút đông đảo cử tri tham gia bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, đồng thời, cần phát huy vai trò phản biện, thông tin của các cơ quan báo chí trong các phiên điều trần, giải trình.

Hoạt động điều trần, giải trình ở Quốc hội là một biểu hiện sinh động của thực hiện dân chủ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, song song với thực hiện dân chủ cơ sở, làm tiền đề thúc đẩy thực thi dân chủ ở cơ sở. Để hoạt động điều trần, giải trình trở thành nền nếp trong cơ quan dân cử, giúp Quốc hội và hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về hoạt động điều trần, các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát trước cử tri.

Hà Hồng Hà

Năng lượng Mới số 122, ra thứ Ba ngày 22/5/2012