Hóc búa, hắc búa và hắc xì dầu

21:02 | 28/02/2015

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết nghĩa và từ nguyên của “hóc búa”, “hắc búa” và “hắc xì dầu”? Cảm ơn ông. Nguyễn Đức Phú (Hải Phòng)

Năng lượng Mới số 400

Học giả An Chi: Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Trung tâm Từ điển học) do Hoàng Phê chủ biên giảng:

“hắc búa” là “như hóc búa”;

“hóc búa” là “có nhiều yếu tố rắc rối, phức tạp, rất khó trả lời, rất khó giải quyết”.

“hắc xì dầu” là “nghiêm khắc đến mức khắt khe, tỏ ra oai (hàm ý đùa, hài hước)”.

Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức không có “hắc búa” và giảng khác từ điển Vietlex, rằng “hóc búa” là “nói người bướng bỉnh”. Thế là hai quyển này đã khác nhau. Với Khai trí Tiến đức thì “hóc búa” nói về người còn với Vietlex thì hai tiếng này thiên về các khái niệm trừu tượng nên đã cho thí dụ: “vấn đề hóc búa - một bài toán hóc búa”. Sự khác nhau giữ hai cách giảng này chứng tỏ đây là một vấn đề “hóc búa”, xuất phát từ sự tồn tại khả nghi của hai tiếng “hắc búa”.

Thực ra thì “hóc búa” và “hắc búa” có nghĩa và nguồn gốc hoàn toàn khác nhau mà theo chúng tôi thì “hóc búa” có trước “hắc búa”. “Hóc búa” vốn là một lối nói của những người đốn gỗ. Ngày xưa chẳng làm gì có cưa máy cá nhân thuận tiện và mau lẹ như bây giờ. Cũng chẳng phải hễ ai đi rừng thì đều “kéo cưa lừa xẻ”. Dụng cụ gọn nhẹ và cơ động nhất lúc bấy giờ chỉ là cái búa, biết rằng “rìu” là nghĩa xưa của “búa”. Và hóc búa là một sự cố trong quá trình lao động của những người đốn gỗ. Dù có dày kinh nghiệm và cẩn thận đến mấy thì cũng có lúc họ - không người này thì người khác - phải bất lực mà nhìn chiếc búa của mình bị kẹt cứng trong thân cây đang đẵn dở mà không rút nó ra được hoặc phải khó khăn lắm mới rút được nó ra. Đó chính là hiện tượng “hóc búa”. Vậy hóc búa là kẹt búa trong thân cây hoặc súc gỗ mà không rút ra được. Đây là nghĩa gốc đã cho ra nghĩa phái sinh là rắc rối, nan giải, cũng là nghĩa thông dụng hiện nay. Còn chính cái nghĩa gốc kia thì đã tuyệt tích giang hồ, nghĩa là không còn lưu thông trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân chúng nữa nên mới sinh ra cái “giai thoại” đại phi lý là người đi ngủ trọ ăn cắp búa của chủ nhà trọ mà lại may mắn khỏi bị “hóc búa” (!), nghĩa là khỏi bị búa kẹt trong cuống họng vì chưa kịp ăn (?) thì đã bị phát giác! Về vấn đề này, chúng tôi đã phân tích kỹ tại chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức Ngày nay số 228 (20-11-1996).

Về từ nguyên của “hóc” thì đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [曲] mà âm Hán Việt hiện hành là “khúc”, có nghĩa là “cong”, “quanh co”, như có thể thấy trong cấu trúc đôi “hiểm khúc” [險曲], đã trở thành một từ tổ có thể hoạt động tự do trong tiếng Việt với dạng ngữ âm “hiểm hóc”. Về mối quan hệ phụ âm đầu H ↔ KH giữa “hóc” và “khúc”, ta còn có những dẫn chứng khác: - “han” trong “hỏi han”, “(lơi lả) han chào” là điệp thức của (lđtc) “khán [看], cũng đọc “khan”, có nghĩa là đối xử; - “hơi” trong “hơi thở” lđtc “khí” [氣] trong “không khí”; - “hiếm” trong “hiếm hoi” lđtc “khiếm” [欠], có nghĩa là thiếu, ít; - “hoác” trong “toang hoác” lđtc “khuếch” [擴] là mở rộng; bản thân “khuếch” còn là đồng nguyên tự của “khoắc” [彍] là giương cung; - “hỏng” trong “hư hỏng” lđtc “không” [空], là hết, chẳng có gì; - “hổng” trong “lỗ hổng” lđtc  “khổng” [孔] là… lỗ hổng; - “hởi” trong “hởi lòng hởi dạ” lđtc “khởi” [起] trong “phấn khởi”; - “hút” trong “mất hút” lđtc “khuất” [屈] trong “khuất khúc”; - “hút” trong “hút hàng” (vốn là hiếm hàng để cung cấp cho người mua) lđtc “khuyết” [缺] là thiếu (mà “hụt” trong “thiếu hụt” cũng lđtc “hút”); - “hủi” trong “hắt hủi” lđtc “khử” [去] là trừ bỏ. Còn về vần giữa OC ↔ UC thì ta cũng có “chóc” trong “chóc mòng” lđtc “chúc” trong “chúc vọng” [矚望] là trông đợi; - “mọc” trong “mời mọc” lđtc “mục” [睦] là kính yêu nhau, hòa hợp với nhau; - làng “Mọc” có tên chữ là“(Nhân) Mục”; - “nhọc” lđtc “nhục”; - “sóc” trong “chăm sóc” lđtc “súc” [畜] là nuôi dưỡng; “thóc” trong “thóc lúa” lđtc “túc” [粟] là hạt lúa.

Vậy “hóc” ↔ “khúc” là chuyện thực sự bình thường. Từ nghĩa gốc là quanh co, gãy gập, mới phái sinh cái nghĩa “kẹt”, “nghẽn” của chữ “hóc” trong “hóc xương”, “hóc búa”, ‘hỏng hóc”, “ổ khóa bị hóc”, v.v... Còn “búa” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [斧] mà âm Hán Việt hiện hành là “phủ”, có nghĩa là “rìu”, như có thể thấy trong từ tổ động từ “phủ chính” [斧正] mà nghĩa đen là “dùng rìu đẽo sửa gỗ cho thẳng”, còn nghĩa bóng thông dụng là “ sửa chữa (văn chương)”. Mối quan hệ B ↔ PH thì đã được chúng tôi trình bày một số lần.

Còn “hắc búa” thì lại là một từ tổ do “sự cố” mà ra chứ ban đầu chỉ có “hắc” mà thôi. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1967) giảng “hắc” là “nghiệt, khắt khe (nghĩa 2)” và “khó quá” (nghĩa 3). Còn từ điển của Vietlex thì giảng là “tỏ ra nghiêm, đến mức có thể cứng nhắc trong việc giữ nguyên tắc, làm người dưới quyền phải nể sợ một cách khó chịu” (nghĩa 1) và “có vẻ oai” (nghĩa 2). Lời giảng của hai quyển từ điển này giúp cho ta thấy từ “hắc” rất gần nghĩa với từ “hách”, một từ Hán Việt mà chữ Hán là [赫] và có nghĩa là “giận dữ”, “khiến người khác phải sợ”, như có thể thấy trong  hai tiếng “hách dịch” quen thuộc. Về thực chất thì “hắc” là một điệp thức của “hách” chứ không phải là gì khác còn bản thân “hách” thì cũng là một từ độc lập trong tiếng Việt.

Cứ như trên thì nghĩa gốc của “hóc búa” thuộc về sự việc vật lý, cụ thể còn nghĩa phái sinh hiện hành của nó thì chỉ liên quan đến những hiện tượng tinh thần, trừu tượng, như đã thấy ở hai thí dụ của từ điển Vietlex. Và thực chất thì “hắc” và “hóc” đã trộn lẫn nghĩa với nhau nên “hắc” vốn chỉ tính khí con người lại có thêm nghĩa “khó quá” (nghĩa 3 trong từ điển Văn Tân) còn “hóc” vốn chỉ sự khó khăn, nan giải lại “nói người bướng bỉnh” (trong từ điển Khai trí Tiến đức). Nghĩa là ở đây ta có một sự lây nghĩa nên xuất phát từ cấu trúc “hóc búa”, tiếng Việt mới có thêm “hắc búa” (là cấu trúc có sau, như đã nói ở trên). Thực ra thì tuy sự lây nghĩa đã xảy ra nhưng các từ điển gia hoàn toàn có thể “giải lây” nếu họ chịu phân định cho rạch ròi nghĩa của “hóc búa” và “hắc búa”.

Còn “hắc xì dầu” chẳng qua nhại âm Quảng Đông của ba tiếng “hắc xì yầu” [黑豉油] mà âm Hán Việt là “hắc thị du”, có nghĩa là “nước tương đen”. Trong tiếng Việt, nước tương nhiều khi còn được gọi theo âm Quảng Đông “xì yầu” thành “xì dầu”. Ở Hongkong, có “Xì yầu cái” [豉油街], đọc theo âm Hán Việt là “Thị du nhai”, nghĩa là “Phố Nước tương”, dân Hongkong dịch sang tiếng Anh là “Soy Street”. Ngay trong tiếng Việt, có người còn gọi xì yầu (dầu) là “tầu xì” [豆豉] vì trong tiếng Quảng Đông thì “tầu xì” [豆豉] cũng đồng nghĩa với “xì yầu (dầu)” [豉油]. Và “hắc xì yầu” chỉ đơn giản có nghĩa là xì dầu (nước tương) đen. Xì dầu thì không đen hẳn vì hơi ngã về màu nâu thật đậm còn hắc xì dầu thì thực sự đen và sánh hơn xì dầu thường. Vậy “hắc xì yầu [dầu]” chẳng qua vốn chỉ là một thứ nước chấm không hơn không kém. Nhưng tại sao từ điển Vietlex lại giảng “hắc xì dầu” là “nghiêm khắc đến mức khắt khe, tỏ ra oai (hàm ý đùa, hài hước)”. Ấy là vì trong khẩu ngữ của tiếng Việt thì “hắc xì dầu” đã được pha chế theo một cách chơi chữ đặc thù - và bình dân - trong tiếng Việt mà chúng tôi cũng đã có nhiều lần nói đến. Đó là sự lợi dụng tính đồng âm của từ ngữ để tạo ra một lối nói khôi hài, dí dỏm, thường là nhằm phủ nhận hoặc phê phán tính chất của từ ngữ gốc (đã bị thay thế bằng từ, ngữ đồng âm) , có khi chỉ là để đùa cợt. Như đã thấy, trong “hắc xì dầu” thì “hắc” (sẽ ghi là “hắc2”) có nghĩa là “đen” còn “hắc”, điệp thức của “hách” [赫] (sẽ ghi là “hắc1”) thì có nghĩa là “nghiêm khắc đến khắt khe” nhưng trong “hắc xì dầu” thì người sử dụng ngôn ngữ đã cố ý thay “hắc2” bằng “hắc1” để biến tên của một thứ nước chấm thành một quán ngữ chỉ tính gắt gao của con người. Hệ quả là, ở đây, “hắc1” là một từ tiếm vị còn “xì dầu” chỉ là hai hình vị ký sinh vô nghĩa mà sự tồn tại không có tác dụng gì ngoài việc tạo cho quán ngữ “hắc xì dầu” một sắc thái đùa cợt, châm biếm.

A.C