Hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu ước đạt 108,52 tỷ USD
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,2%; nhập khẩu tăng 15,9%.
![]() |
Tháng 2/2022, Việt Nam nhập siêu tới 2,33 tỉ USD. |
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2022 ước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,65 tỷ USD, giảm 34,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,3 tỷ USD, giảm 22,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Hai tăng 13,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%.
Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,4%, giảm 0,8 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, bằng cùng kỳ năm trước.
Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 01/2022 đạt 29,45 tỷ USD, thấp hơn 51 triệu USD so với số ước tính. Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,28 tỷ USD, giảm 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, giảm 12,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2 tăng 21,9%.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tăng 22,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,4%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,25 tỷ USD, tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,48 tỷ USD, tăng 15,4%.
Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,6%, giảm 1,6 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%, tăng 1,7 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 02 tháng đầu năm 2022 thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 16,83 tỷ USD. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ ước đạt 2 tỷ USD nên Việt Nam đang xuất siêu ra thị trường lớn nhất thế giới tới 14,83 tỷ USD.
Tiếp đến, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 5,04 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là 2 tháng qua nước ta cũng xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 236 triệu USD trong khi cùng kỳ năm 2021 lại nhập siêu 237 triệu USD.
Đối với thị trường Nga, trong 02 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 109,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 555,3 triệu USD, chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chiếm 0,8% nhập khẩu cả nước).
Đối với thị trường Ucraina, trong 02 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 49,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 57,5 triệu USD, chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 8,4 triệu USD).
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 19,7 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,18 tỷ USD) nhập siêu từ Hàn Quốc 6,16 tỷ USD; nhập siêu từ ASEAN 1,75 tỷ USD.
Tháng Hai ước tính nhập siêu 2,33 tỷ USD nên tính chung 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã nhập siêu 937 triệu USD. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoài đã xuất siêu 1,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD, ngược lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.
Việc cán cân thương mại từ xuất siêu chuyển sang nhập siêu là tín hiệu tốt đối với tiến trình phục hồi kinh tế khi các doanh nghiệp trong nước tích trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị sản xuất cho các đơn đặt hàng trong tháng tiếp theo. Dự kiến trong tháng 3, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu mạnh, đặc biệt là mặt hàng linh kiện điện tử để chuẩn bị sản phẩm mới đón mùa hè 2022.
Thành Công
Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế | |
Kinh doanh thủy sản cần nắm bắt thời cơ trong năm 2022 | |
Ấn Độ có thể xuất khẩu 500 tỷ USD năng lượng xanh trong vòng 20 năm tới |
-
Tin tức kinh tế ngày 28/4: Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4/2025 tăng 16,5%
-
Tin tức kinh tế ngày 16/4: Đồng USD rơi xuống sát đáy 3 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 4/4: Xuất khẩu cà phê lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD trong một tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 28/3: Nợ xấu năm 2025 có thể tăng nhẹ
-
2 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước tăng gần 26%
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số
-
Thuyết âm mưu về chính sách của OPEC+?
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
-
Tin tức kinh tế ngày 9/5: Hơn 165.000 gian hàng thương mại điện tử đóng cửa