Grabcar “kêu oan” trên báo nhưng đến “nhận tội” với Sở GTVT Khánh Hòa

11:03 | 16/08/2018

391 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước những vi phạm được Sở GTVT Khánh Hòa chỉ ra, Công ty TNHH Grab đã chính thức có phản hồi và cho rằng mình không được đối xử công bằng.

"Tố" Sở chơi không đẹp trên báo

Trước thông tin liên quan đến việc Bộ GTVT thống nhất yêu cầu Công ty TNHH Grab không thí điểm dịch vụ GrabCar trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vì những sai phạm của mình. Trong văn bản phản hồi gửi các cơ quan thông tấn báo chí, Công ty TNHH Grab (Grab) cho rằng: Grab luôn nghiêm túc tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar) theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT (Đề án 24).

grabcar keu oan tren bao nhung den nhan toi voi so gtvt khanh hoa
Grab tung hỏa mù trên báo chí nhưng đến nhận lỗi tại Sở GTVT để xin tiếp tục thí điểm. Ảnh minh họa

Đại diện GrabCar cho biết: Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải theo hợp đồng là đối tác của Grab được nâng cao hiệu quả điều hành và kinh doanh, đặc biệt là hiệu suất sử dụng xe tăng lên đáng kể.

“Grab đã nhiều lần gửi văn bản cũng như làm việc trực tiếp với Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà để xin được xem xét, xin được hướng dẫn để công ty có thể triển khai thực hiện thí điểm Đề án 24 theo đúng quy định, trên cơ sở hướng đến lợi ích tốt nhất của người dân. Tuy nhiên, sau 9 lần gửi văn bản và làm việc với UBND, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào từ cơ quan chức năng”. Văn bản phản hồi gửi các cơ quan thông tấn, báo chí của Grab nêu rõ.

Bên cạnh đó, đại diện Grabcar tố Sở GTVT Khánh Hòa “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Cụ thể: Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 4/2017 sẽ cho dừng thí điểm GrabTaxi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, để tập trung cho hai đơn vị thí điểm khác là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty CP SUN Taxi với số lượng xe thực hiện là 100 xe. Đồng thời, kiến nghị “không bổ sung thêm các doanh nghiệp khác đối với loại hình xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống”. Tuy nhiên, đến ngày 10/11/2017, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa lại thống nhất cho phép Công ty Cổ Phần Khai thác bến xe và dịch vụ vận tải Khánh Hòa ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thông qua phần mềm ứng dụng kết nối EMDDI.

Theo đại diện Grab, điều này đã và đang cho thấy sự đối xử không công bằng của Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đối với các đơn vị triển khai thí điểm, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực, đi ngược lại tinh thần “đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận nguồn lực... và đầu tư kinh doanh" của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Nhưng đến nhận sai

Một điều khó hiểu là sau khi Bộ GTVT có công văn thống nhất dừng thí điểm Grabcar trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vì nhiều vi phạm thì Giám đốc đối ngoại của Grab lại đến nhận lỗi tại Sở GTVT Khánh Hòa. Tuy nhiên, khi không “xóa lỗi” thì Công ty này lại có văn bản phản hồi gửi đến các thông tấn, báo chí, cho rằng Công ty bị phân biệt đổi xử.

grabcar keu oan tren bao nhung den nhan toi voi so gtvt khanh hoa
Bộ GTVT thống nhất dừng thì điểm nhưng Grabcar vẫn công khai hoạt động

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết: “Sau khi Bộ GTVT có công văn thống nhất dừng thí điểm Grabcar trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì Giám đốc đối ngoại của Grab đến đăng ký làm việc với Sở. Tại buổi làm việc, vị Giám đốc này đã thừa nhận những thiếu sót, vi phạm của Grab trong thời gian qua, và đề nghị tỉnh Khánh Hòa cho Grab tiếp tục triển khai thí điểm.

Tuy nhiên, ông Dần nói rõ, Văn bản của Bộ GTVT đã chỉ rõ và yêu cầu Công ty Grabtaxi chấp hành. Khi nào Chính phủ, Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn và có Quyết định mới thì hai bên sẽ bàn tiếp. Lúc nghe xong thì vị Giám đốc đối ngoại này bỏ ra về.

Cũng theo ông Dần, tuy Sở đã có văn bản yêu cầu Công ty Grabtaxi dừng thí điểm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT, nhưng hiện nay Công ty Grabcar không những không thực hiện dừng thí điểm mà còn tiếp tục liên kết với các xe không phù hiệu, liên kết với các xe có phù hiệu từ các địa phương khác đến Khánh Hòa hoạt động và thậm chí là liên kết với các taxi dù.

Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, phần lớn (khoảng 90%) số xe hợp tác với Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam là xe cá nhân được hợp thức hóa vào các DN, HTX dịch vụ hỗ trợ vận tải để hoạt động (đây không phải là hợp tác xã kinh doanh vận tải). Với nhiều vi phạm như: không làm việc với các chủ doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải mà trực tiếp làm việc với lái xe để cài đặt phần mềm ứng dụng cho các xe taxi là vi phạm Quyết định 24/QĐ-BGTVT; cài đặt ứng dụng công nghệ này cho các xe cá nhân không thuộc quyền sử dụng của các DN, HTX và không được Sở GTVT cấp phù hiệu (xe dù);

Đặc biệt, từ ngày 8/4/2018 Công ty TNHH GrabTaxi tiếp tục gia tăng việc cài đặt ứng dụng này cho các xe có trọng tải dưới 9 chỗ ngồi không có phù hiệu (xe dù) và các xe do các sở Giao thông vận tải thuộc các địa phương khác cấp phù hiệu xe hợp đồng (chủ yếu xe do Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh quản lý). Nghiêm trọng hơn, việc Công ty TNHH Uber Việt Nam liên kết với doanh nghiệp vận tải (Công ty TNHH New City Rental tại TP. HCM) mang ra Khánh Hòa để làm đối tác của Uber mà không báo cáo với Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa để phối hợp triển khai.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

grabcar keu oan tren bao nhung den nhan toi voi so gtvt khanh hoa 9 lần xin hoạt động không thành, Grab “than” bị Khánh Hoà đối xử bất công
grabcar keu oan tren bao nhung den nhan toi voi so gtvt khanh hoa Xe ôm công nghệ quyết liệt giành tài xế
grabcar keu oan tren bao nhung den nhan toi voi so gtvt khanh hoa Khách đi Grab than vãn vì bị huỷ cuốc vô tội vạ: Trái đắng cảnh “độc quyền”?