Thần tượng “Hậu duệ Mặt trời”:

Giới trẻ đừng quá vô tư mà thành… vô tâm!

07:50 | 06/04/2016

1,960 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 “Hậu duệ của mặt trời” đang tạo nên một cơn sốt tại Việt Nam dù chưa được công chiếu chính thức. Sự ồn ào hiện tại của bộ phim không chỉ đến từ nội dung mới mẻ và hấp dẫn hay những diễn viên trai xinh, gái đẹp, mà còn là vì sự thần tượng của một bộ phận công chúng với tấm áo lính Hàn của nhân vật trong đó; mà vấn đề ở đây là tấm áo ấy, vốn là nỗi ám ảnh, nỗi đau của không ít thế hệ đi trước.  

Người lớn đã đúng khi đưa lịch sử và chi tiết đau thương để phê phán thái độ vô tư khi giới trẻ phát cuồng vì nhân vật trong phim, vô tư ghép hình ảnh của mình vào bộ quân phục Hàn. Thế nhưng, trách giới trẻ cũng tội cho họ, bởi đó chỉ là sự vô tư, họ chẳng mảy may hay biết việc làm của mình đã vô tình trở thành sự vô tâm trước những nỗi đau mất mát của dân tộc vì cuộc chiến năm xưa. Và cũng sẽ chủ quan, nếu từ đó người lớn bắt trẻ phải từ bỏ, tẩy chay một bộ phim mà theo nhiều đánh giá là có nội dung tích cực.

gioi tre dung qua vo tu ma thanh vo tam
Cảnh trong phim “Hậu duệ của mặt trời”

Hơn nữa, hầu hết giới trẻ chẳng ai biết về sự kiện lịch sử này, họ chưa bao giờ được dạy trong nhà trường, qua sách giáo khoa, báo đài. Vì thế có thể trách giới trẻ vô tư quá nhưng qua đó để thấy cái đáng nói hơn chính là những thiếu sót nghiêm trọng trong chính sử nước ta. Lính Hàn đã gây ra 43 cuộc thảm sát đồng bào tại miền Trung thân thương, trong đó có 10 cuộc trên 100 người ngã xuống. Một giai đoạn lịch sử đất nước như vậy mà thế hệ trẻ không hề hay biết gì để họ vô tư tôn thờ tấm áo lính ấy thì lỗi ở họ ít, lỗi ở các nhà viết sử thì nhiều.

Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi cùng các nhà chuyên môn để từ đó giúp độc giả có những góc nhìn đa chiều hơn xung quanh câu chuyện từ phim “Hậu duệ của mặt trời”.

PGS.TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TP HCM:

Thiếu sót nghiêm trọng của chính sử!

gioi tre dung qua vo tu ma thanh vo tam

Việc lên tiếng giới trẻ ghép ảnh vào bộ trang phục của lính Hàn trong phim “Hậu duệ của mặt trời” thật ra là một phát hiện rất nhạy bén về vấn đề lịch sử, văn hóa. Trong thời buổi hiện nay, chúng ta rất cần sự nhạy cảm đấy, nó kịp thời cảnh báo một số bạn trẻ vô tâm hóa vấn đề lịch sử cha ông.

Tôi không cho là bạn trẻ có ý gì xấu, đơn giản là các bạn chạy theo thần tượng một cách vô tâm thôi. Các bạn có thay hình đổi dạng bằng việc ghép mình vào tấm áo lính Hàn đi chăng nữa thì cũng chẳng nghĩ đến vấn đề sâu xa của lịch sử, nó không đến nỗi là hành vi phản lại dân tộc. Nhưng bên cạnh sự vô tư đó cần có sự nhạy cảm, phát hiện nhanh và cảnh báo kịp thời như thời gian qua. Người lớn cần nhắc nhở giới trẻ chứ không nhất thiết phải nặng nề chỉ trích nhau.

Chúng ta không nặng nề, sa đà vào việc đưa lịch sử dân tộc ra để bàn luận về hành vi thần tượng của giới trẻ. Nó không hoàn toàn phù hợp với thời đại, bởi lịch sử đã qua rồi và chúng ta nên sử dụng lịch sử như là vấn đề của phát triển thì nó sẽ thích hợp hơn. Không phải lúc nào chúng ta cũng cần nói đầy đủ về sự tàn ác của chiến tranh. Cái quan trọng nhất phải nhắc ở đây là hiện tại ta phải sống chung với nhau, hòa bình với nhau và chống chiến tranh. Sự nhắc về lịch sử dân tộc phải luôn luôn có vế sau như vậy; nếu không có vế sau, không lấy vế sau làm thực tại mà ta chỉ nhắc lại nỗi đau của chiến tranh thì nghĩ là đầy đủ nhưng thật ra không đầy đủ. Vì bản chất của lịch sử là để phục vụ cho đương đại phát triển.

Qua sự kiện “Hậu duệ của mặt trời”, một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao tội ác chiến tranh của lính Hàn không được đề cập đến trong chính sử, sách giáo khoa?

Đó là vì khi ta nhắc đến cuộc khán kháng chiến chống Mỹ thì ta chỉ tập trung vào chủ thể chính đó là Mỹ, còn những quốc gia khác, tức các lực lượng chư hầu đi vào cuộc chiến đó thì rất ít. Đương nhiên, dù Mỹ hay các lực lượng chư hầu như Hàn Quốc thì cũng đều là thực tế lịch sử và cần được nhắc đến. Nhưng thực tế thì không, đây cũng chính là một thiếu sót rất lớn của lịch sử chúng ta trong sách giáo khoa. Như bây giờ, Chiến tranh biên giới 1979 không nhắc đến là không được.

Trong điều kiện chúng ta đang soạn sách giáo khoa mới thì đây cũng là cơ hội để ta đưa vào sách.

Quay lại chuyện của “Hậu duệ của mặt trời”, chúng ta không thể vì lịch sử đã qua mà đi cấm hoặc phải buộc giới trẻ tẩy chay phim. Trong khi đó, quan trọng là ta định hướng như thế nào, nhanh chóng có những luồng ý kiến về vấn đề đó cho thật sát và khách quan. Chúng ta cần định hướng chứ vì không quản lý được, sợ chuyện nọ chuyện kia mà ngăn cấm thì không được vì đó là nhu cầu thật sự của văn hóa. Chưa kể, “Hậu duệ của mặt trời” lấy cớ của lịch sử, một cuộc chiến tranh giả tưởng để nói về hình ảnh quân đội, về một mối tình, về tinh thần dân tộc thì phim tích cực quá đấy chứ.

Sản phẩm nào cũng vậy, nó có thể phù hợp dân tộc này, không phù hợp dân tộc kia, phù hợp giới này nhưng không phù hợp giới khác, đó cũng là điều hết sức bình thường. Đưa “Hậu duệ của mặt trời” về công chiếu tại Việt Nam thì cũng cần có một định hướng, bởi rất có thể sẽ có sự phản ứng dữ dội của người miền Trung. Cho đến bây giờ, hình ảnh của hơn 50 nghìn lính Hàn vẫn để lại trong đời sống nhiều thế hệ những nỗi ám ảnh.

Cũng cần nói thêm chi tiết liên quan đến lịch sử rằng, vào năm 2001 Tổng thống Hàn khi đó đã có lời xin lỗi về tội ác tại Việt Nam. Tại một hội nghị tôn giáo ở Đồng Nai, người Hàn trực tiếp sang tận đây để bày tỏ sự tha thứ về cuộc chiến cũ, đặc biệt là những cựu chiến binh. Đã có một số người Hàn làm rất đúng lương tâm như thế. Khi tôi sang Hàn Quốc, giám đốc bảo tàng bên đó cũng đã ít nhất 3 lần đứng trước mặt, chắp tay để xin lỗi về vấn đề đó.

Chúng ta nên nhắc lại những điều này không chỉ cho người Việt mà nhắc người Hàn biết.

Cuối cùng, giới trẻ cần được hiểu biết tận cùng sự thật lịch sử. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là các em cần được định hướng làm sao để hiểu sự kiện lịch sử ấy cho đúng đắn chứ không thể đưa ra sự thật và để các em tự nhìn nhận. Hai vấn đề đó phải song song với nhau, nếu chỉ biết sự thật lịch sử mà thiếu định hướng thì khi đối mặt với những tác động quá khích bên ngoài, các em sẽ có những suy nghĩ lệch lạc ngay.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn:

Đừng quá vô tư!

gioi tre dung qua vo tu ma thanh vo tam

Không chỉ với “Hậu duệ của mặt trời”, việc một số bạn trẻ phát cuồng với hình tượng, nhân vật trong một bộ phim nào đó là sự thật và vấn đề này nên được nhìn nhận nhẹ nhàng, đúng bản chất chứ không nên suy luận hay làm cho nó trầm trọng. Việc hâm mộ hay thần tượng này là điều bình thường vì các khán giả có quyền làm như thế. Vì đó là cảm xúc, đó là xu hướng, mà đã như thế thì chắc chắn sau một thời gian rồi mọi thứ cũng sẽ cân bằng.

Tuy nhiên, với những hành vi thần tượng thái quá như hôn lên ghế thần tượng ngồi, khóc lóc sướt mướt, ghép ảnh mình vào bộ quần áo mà nhân vật thần tượng mặc trên phim... thì cần được tiết chế. Vì chúng ta cũng cần kiểm soát mình trong một chừng mực dù hành vi đó có mang tính chủ thể đi nữa.

Những ngày qua, dư luận lên án một nhóm người khi thần tượng hóa tấm áo lính Hàn Quốc trong phim “Hậu duệ của mặt trời”, một bộ phim vốn đang gây sốt. Tôi nghĩ lịch sử đã tồn tại và chúng ta cần chấp nhận những sự thật của quá khứ. Nhưng cũng đừng quá căng thẳng mọi chuyện. Việc thần tượng hay ủng hộ của nhiều khán giả, trong đó có các khán giả trẻ về hình ảnh chiếc áo lính hay người Hàn thì đã sao? Tôi nghĩ, họ chẳng phải thờ ơ hay phản quốc gì cả mà họ chỉ nhìn hình ảnh đó như một sản phẩm giải trí và vì họ không hề biết về lịch sử đó.

Biết rằng quá khứ đã có sự va đập nhất định giữa tấm áo lính tương tự như thế với đồng bào, nhưng đấy là quá khứ và những tình tiết hay tư tưởng trong phim không quá liên đới với quá khứ thì cũng không nên lấy biểu tượng hay hình ảnh để ám ảnh một cảm xúc, một cảm nhận, thậm chí là suy nghĩ lên nhiều bạn trẻ.

Nhưng phải cảnh tỉnh các bạn trẻ rằng, một số bạn cũng nên cân nhắc hành vi của mình chứ không thể quá vô tư. Chiến tranh qua đi nhưng những ám ảnh của con người vẫn còn ở lại, nó khó có thể xóa nhòa mất mát dù ta và họ đều muốn. Vì thế, có thể đừng quá vô tư để việc hâm mộ phim ảnh biến thành những hành vi thiếu sự cân nhắc trước sau. Một chút tỉnh táo, cảm thông, vấn đề sẽ không là gì cả khi sự khó chịu trong mỗi người sẽ không có cơ hội khoét sâu…

Th.S Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu:

Hiểm họa văn hóa ngoại lai từ Hàn

gioi tre dung qua vo tu ma thanh vo tam

Khi Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới thì buộc phải có sự đón nhận về văn hóa. Du nhập văn hóa là chuyện đương nhiên, không tránh khỏi, đó là quy luật của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều tôi thấy đáng tiếc rằng lớp trẻ hiện nay đang sống và hưởng thụ khá xô bồ khi đón nhận sự du nhập từ văn hóa nước ngoài, trong đó có văn hóa Hàn Quốc.

Hàn Quốc vốn là quốc gia có bề dày lịch sử nhưng những yếu tố văn hóa mang tính ngoại lai từ Hàn Quốc đã làm mất đi bản sắc dân tộc. Điều tôi đáng lo ngại là lớp trẻ hiện nay kể cả những người có học, chứ không phải người thất học, nhất là học sinh, sinh viên, có thể nói là cuồng văn hóa Hàn Quốc. Và điều mà tôi cảm thấy trăn trở là họ chưa cảm nhận được hay thế nào, nhưng cứ thấy đẹp, lạ là thích và cuốn theo. Lo lắng bởi khi người ta cuồng tín cái này thì sẽ lãng quên cái kia, say mê một điều gì đó thì đương nhiên sẽ tỷ lệ nghịch, mà ở đây là quên đi bản sắc của dân tộc mình, thuần phong của mình, từ đầu tóc, ăn mặc tới nói năng.

Đi dạy học hằng ngày nên tôi biết, học sinh giờ ảnh hưởng rất nhiều. Thậm chí, nhiều em đi học còn lấy ảnh của diễn viên Hàn Quốc mà em ấy thần tượng gắn lên thẻ học sinh của mình. Cuồng thần tượng đến mức như thế. Rồi trong góc học tập, trong phòng riêng của mình dán đầy ảnh diễn viên điện ảnh của Hàn Quốc, Trung Quốc… Đó thật là điều đáng tiếc. Tôi vẫn hay nói: “Tại sao ảnh gia đình, ông bà, cha mẹ, anh chị em không treo lên mà lại treo lên những người xa lạ. Em không cảm thấy như thế là xấu hổ sao”.

Rõ ràng đó là sự tôn sùng thái quá. Còn văn hóa bao giờ cũng có mặt tích cực và tiêu cực, nhưng chúng ta hãy cố gắng tiếp thu có chọn lọc, chứ không thể đón nhận ào ạt, chạy theo thị hiếu và đến mức cuồng như thế thì không nên. Cho nên với góc độ một người thầy, tôi cảm thấy hơi buồn về thị hiếu tiếp thu văn hóa ngoại lai của lớp trẻ. Tôi không đồng tình và cảm thấy xót xa về chuyện này.

Đi dạy Sử, tôi hay nhắc học trò, văn hóa Việt Nam là phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mà hội nhập với văn hóa thế giới nên sẽ đón nhận và tiếp thu những văn minh của thế giới, nhưng phải tiếp thu chọn lọc trên cơ sở giữ được bản sắc dân tộc.

Bây giờ nếu trách học trò, lớp trẻ thì không đúng. Hãy trách những người làm công tác truyền thông, vì lợi nhuận đã vô tình tạo cho lớp trẻ sự tò mò, đua đòi, tạo ra những trào lưu thần tượng, hâm mộ phải nói có phần mù quáng như vậy.

Tại sao cứ nói học sinh bây giờ rất dốt Sử ta, không hiểu gì, không biết gì cũng như không nhớ gì về lịch sử, thế nhưng đã từng có thời điểm môn Sử bị bỏ rơi, không được chọn là môn thi. Vậy lỗi khởi nguồn này từ đâu?

Tôi thấy buồn khi học sinh giờ còn tìm mua trang phục của quân lính Hàn Quốc, mà các em không hề biết rằng, chính bộ quần áo ấy được họ mặc khi sang gây chiến tranh tội ác với Việt Nam. Các em mặc trên mình bộ quân phục mà đã gây ra rất nhiều vụ thảm sát tàn bạo, đẫm máu với đồng bào mình, nhưng các em lại ngu ngơ không hiểu gì cả. Mặc theo cảm tính, cứ thích là mặc thôi!

Văn hóa bao giờ cũng có hai mặt, chúng ta hãy biết chế ngự, đón nhận mặt tốt của họ, chứ ào ạt, rồi quá đà khi mà chúng ta không hiểu được bản chất của sự việc.

Về việc HTV2 - một kênh truyền hình giải trí của Việt Nam mua bản quyền phát sóng bộ phim, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xem xét thận trọng. Không để nhập khẩu và phát sóng một cách thoải mái trên các phương tiện truyền thông, bởi đó là một trong những phương thức để lớp trẻ đón nhận nhanh nhất.

TS Vũ Thu Hương:

Chúng ta đã quên việc giáo dục lý tưởng

gioi tre dung qua vo tu ma thanh vo tam

Khi khán giả trẻ Việt Nam hào hứng đón nhận bộ phim “Hậu duệ của mặt trời”, đồng thời đó cũng có trào lưu chụp ảnh với quân phục Hàn Quốc (phục trang của bộ phim) cũng thu hút nhiều ngôi sao trẻ của nước ta. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có khá nhiều quan điểm trái chiều về ảnh hưởng của làn sóng Hallyu tới giới trẻ Việt Nam, cũng như lịch sử man rợ của lính đánh thuê Nam Hàn đối với người dân vô tội nước ta trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo quan điểm của riêng tôi, một nét đẹp đặc biệt trong văn hóa Việt Nam là xóa bỏ thù hận và hợp tác vui vẻ sau các câu chuyện đau buồn. Thực tế người dân Việt đã từng chịu đau khổ bởi những hành động xấu của những kẻ đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau trên thế giới chứ không riêng gì Hàn Quốc. Quá khứ đã qua, những người gây ra tội ác cũng đã quá lớn tuổi và đang phải sống trong dằn vặt. Việc xin lỗi hay không xin lỗi là câu chuyện ngoại giao của giữa các quốc gia. Đến nay chúng ta cũng có rất nhiều các cô gái sang làm dâu xứ Hàn. Không lẽ vì một chuyện đau buồn trong quá khứ, chúng ta bắt họ phải quay lưng lại với chồng và gia đình nhà chồng hay sao?

Hơn nữa, phim ảnh là câu chuyện giải trí. Điều quan trọng là chúng ta cần giáo dục trẻ nhiều hơn về lịch sử và các cách ứng xử phù hợp với thế giới ảo do giải trí đem lại. Đây mới chính là việc cần quan tâm trong thời gian này.

Tất nhiên, giới trẻ không nên công kích hay bàng quan, thờ ơ với những nỗi đau, những mất mát của dân tộc trong lịch sử. Việc thiếu hụt kiến thức về hậu quả chiến tranh, những tội ác chiến tranh của giới trẻ cũng là hồi chuông cảnh báo cho cách dạy và học lịch sử hiện nay của chúng ta.

Vì thế, khi chúng ta chưa hiểu rõ ràng về lịch sử thì cũng không nên tự ghép mình vào những bộ quân phục của lính Hàn Quốc khi mà bản thân bộ đồ ấy đã từng trở thành nỗi ám ảnh cho dân tộc ta, là nỗi đau, là vết sẹo mà đến tận hôm nay vẫn chưa thể liền da.

Cũng cần thấy rằng, việc du nhập quá nhanh và quá ồ ạt làn sóng văn hóa Hàn Quốc (từ âm nhạc, thời trang, điện ảnh...) vào Việt Nam đang khiến giới trẻ trở nên “xấu xí” hơn, mù quáng, không ý thức được hành động của mình như ngửi ghế thần tượng, khóc lóc vì thần tượng, chửi cha mẹ, ông bà vì thần tượng...

Vì thế, điều mà giới trẻ đang thiếu là một lẽ sống, một lý tưởng sống cho cả cuộc đời. Giới trẻ ngày nay chẳng biết sinh ra để làm gì, học tập để làm gì, ra trường sẽ sống thế nào và trải nghiệm thế nào. Đây là một thiệt thòi lớn của giới trẻ mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu hụt trầm trọng nội dung này trong giáo dục nhà trường và gia đình.

Giáo dục lý tưởng sống ở nhà trường lâu nay đã quá giáo điều, khô cứng và thiếu tính khách quan. Vì thế, giới trẻ không tiếp nhận, coi đó là một thứ rất lạc hậu và thiếu thuyết phục.

Tại gia đình, cha mẹ hầu như quên hẳn việc này. Phần lớn cha mẹ chú tâm giúp con học tốt để kiếm một cái nghề đàng hoàng nhằm mục đích chuẩn bị cho con tương lai an nhàn và sung sướng. Chính vì điều này, lẽ sống hay lý tưởng sống hiện nay được giới trẻ coi là việc không cần thiết hoặc viển vông.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc cấm đoán, tẩy chay các sản phẩm giải trí, ép giới trẻ không được yêu mến, thần tượng là điều không thể xảy ra. Thế nhưng, nếu các bạn đủ tự tin để tìm hiểu và lựa chọn mục tiêu sống, lý tưởng sống thì mọi nguồn thông tin và các tác động văn hóa đều chỉ có giá trị tham khảo. Chính vì vậy, theo tôi, việc giáo dục lý tưởng sống cho thanh niên cần phải được xem lại và thực hiện hiệu quả hơn nữa.

 

Lê Trúc - Thanh Huyền - Vương Tâm