Đừng khoác thêm áo cho phong tục!

09:21 | 29/07/2011

652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lễ hội Đền Trần Nam Định 2012 và có thể sau đó nữa, sẽ được làm thế nào, phải giải quyết những gì và thực chất lễ hội xuất phát từ đâu… Những băn khoăn này đã làm mòn giấy bút của nhiều chuyên gia và báo giới, trở thành vấn đề thời sự vẫn đang tiếp tục được bàn cãi. Nhưng chuyện “đúng – sai”, “nên – không nên” còn chưa ngã ngũ thì chuyện “sạch”, “đẹp” xem ra vẫn xa vời.

Tìm đường cho lễ hội

Nhận thức của cộng đồng về giá trị Lễ hội Đền Trần và ấn “Trần miếu tự điển” còn sai lệch; bị một số nhà nghiên cứu cho là đã tổ chức Lễ hội Đền Trần “xuyên tạc lịch sử”, “bịa đặt lịch sử”; thương mại hóa thông qua hoạt động phát ấn; không kiểm soát được toàn bộ diễn trình của lễ hội, đặc biệt vào thời điểm phát ấn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực; vi phạm Luật Di sản văn hóa khi cho dựng các “lồng sắt” trong khuôn viên di tích để phát ấn; vẫn để xảy ra tình trạng bán ấn, một số các tệ nạn như móc túi, lấy cắp đồ đạc của du khách do kẻ xấu thực hiện vẫn xảy ra, vệ sinh môi trường không đảm bảo… Đó là những tồn tại và hạn chế của Lễ hội Đền Trần Nam Định được thống kê trong “Đề án tổ chức Lễ hội Đền Trần Nam Định 2012” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nghiên cứu thực hiện. Đây cũng là cơ quan tư vấn cho tỉnh, TP Nam Định và Sở VH-TT&DL tỉnh trong việc nghiên cứu tìm mô hình tổ chức, quản lý lễ hội vốn trở nên đình đám trong mấy năm gần đây, được ngợi ca là một nét văn hóa đặc sắc của Nam Định nhưng cũng để lại nhiều tai tiếng.

Ấn Đền Trần

Giới thiệu về đề án, PGS. TS Lương Hồng Quang – Phó viện trưởng cho biết: Nhóm biên soạn đưa ra hai phương án, có sự phân tích các ưu điểm và hạn chế của mỗi phương án. Theo đó, phương án 1 được cho là có thể khắc phục ngay các tồn tại như lộn xộn, thương mại hóa, thậm chí nguy cơ thảm họa. Đó là sẽ không tổ chức phát ấn, chỉ khai ấn. Phương án này còn giúp tiết kiệm, giảm tải về nhiều mặt nhưng cũng được cho rằng sẽ thu hút ít công chúng hơn, có thể bị cộng đồng địa phương phản đối…

Còn với phương án 2, đề án đặt vấn đề sẽ khai ấn như thường lệ vào đêm ngày 14 tháng Giêng, phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày trên cơ sở thực hiện thật tốt các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Và nếu làm theo phương án này, việc phát ấn sẽ được thực hiện theo một số gợi ý như phát cho người dự lễ hội theo nguyên tắc phân luồng hai cửa vào, ra và hệ thống hàng rào “dích dắc”; thời gian phát ấn từ 7giờ ngày 15 đến 18giờ ngày 16 tháng Giêng; mỗi cá nhân chỉ được phát tối đa 2 chiếc ấn; các cá nhân, đơn vị nhận ấn sẽ công đức tùy tâm vào các hòm công đức được đặt tại các nơi theo quy định, không phát ấn và công đức tại cùng một địa điểm…

Khó dung hòa

Nhưng không chỉ phương án 1 mà ngay cả phương án 2 khi đưa ra cũng vấp phải sự phản đối của một số vị đại diện cộng đồng. Tại “Hội thảo khoa học mô hình tổ chức, quản lý Lễ hội Đền Trần Nam Định 2012” vừa diễn ra tại TP Nam Định hơn 1 tuần trước và vẫn còn kéo theo dư luận đến ngày hôm nay, một “hội đồng” các “bô lão” đại diện cho người dân thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định – nơi có quần thể di tích thờ các vua Trần và diễn ra Lễ khai ấn, phát ấn, đã thể hiện sự bức bối, mong muốn việc tổ chức Lễ hội Đền Trần sẽ diễn ra đúng theo lệ cũ. Có nghĩa là vẫn cứ khai ấn đêm ngày 14, phát ấn luôn trong đêm ngày 14 và rạng 15 tháng Giêng. Cụ Trần Viết Đoàn 75 tuổi, thể hiện nguyện vọng chung của các cụ: Đừng để sang ngày mai, thế thì nhiễu sự lắm! Nếu lực lượng trật tự, an ninh làm tốt sẽ đỡ được nhiều! Cụ Trần Phúc Văn 80 tuổi cũng cho biết, người dân chưa năm nào bỏ lễ hội, chuyện khai ấn, phát ấn lẽ ra không phải bàn. Nếu đông quá thì cần tìm cách khắc phục mặt trái chứ không nên thay đổi lệ cũ. Cần khởi động tích cực hơn dự án văn hóa tại khu vực Đền Trần, sớm thu hồi đất của Công ty Giống cây trồng để tăng diện tích đất cho khu di tích, cùng với việc xây dựng hai dãy nhà Giải Vũ trong khuôn viên để tăng thêm địa điểm phát ấn, mở rộng không gian nhằm giảm tải lượng khách xin ấn. Cụ khẳng định: Không nên bàn nhiều mà hãy tôn trọng giờ khai ấn, phát ấn.

Chen lấn tại Lễ hội Đền Trần Nam Định 2011

Tuy nhiên, khác với quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng đưa ra những luận điểm đáng suy nghĩ. TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo cổ học thẳng thừng bác bỏ việc có Lễ khai ấn, phát ấn tại Lễ hội Đền Trần, dựa trên cơ sở tư liệu, không có gì khẳng định trong lịch sử từng có sự xuất hiện, phát triển nghi lễ trên. Mà theo TS Kiên thì, không hiểu ai đã sáng tác ra chuyện này! TS Kiên đặt vấn đề hãy để công việc lễ hội lại cho nhà đền, Nhà nước đừng can thiệp nữa. Cũng thể hiện quan điểm tránh những tham gia có tính chất hành chính của cơ quan trong việc tổ chức lễ hội, TS Lê Thị Minh Lý – Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa – Bộ VH-TT&DL cho rằng, chính quyền cần lo đảm bảo công tác an ninh, trật tự, còn lễ hội thì hãy trả về cho dân và vốn trước đây thế nào, hãy trả về đúng quy mô của nó, đừng cố gắng nâng tầm lễ hội, đừng đẩy nó lên hoành tráng, đồ sộ. TS Nguyễn Xuân Diện – Viện Hán Nôm thì kêu gọi hãy học tập tinh thần của các bậc tiền nhân nhà Trần, để mọi việc trở nên dung dị, nhẹ nhàng, không bị sa đà vào danh, lợi, vật chất.

Sự trái chiều trong quan điểm vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Và dựa trên những luồng ý kiến, cơ quan tư vấn, quản lý ngành Văn hóa vẫn chưa thể có một quyết định cuối cùng. Nhưng xem chừng, trong ý tưởng của nhiều vị lãnh đạo địa phương, nguyên lãnh đạo ngành Văn hóa Nam Định và ngay cả lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật thì vẫn muốn khẳng định lễ hội là một di sản to lớn, cần phát triển, mở rộng cho xứng tầm võ công, văn trị hiển hách của triều Trần.

Làm gì để tránh ngộ nhận?

Thời gian qua, quá nhiều ý kiến, ý tưởng xoay quanh chuyện khai ấn, phát ấn, rằng có nên phát hay không, mà phát theo hình thức nào…, chứ thật ít sự tìm hiểu, phục hồi và giới thiệu những nét đẹp văn hiến của hoạt động, nghi lễ khác có trong hoặc liên quan đến Lễ hội Đền Trần. Cũng như quá ít ý tưởng, sáng kiến đổi mới các hoạt động lễ hội. Rõ ràng Đền Trần đâu chỉ có khai ấn và phát ấn – nếu chỉ có như vậy và chỉ bàn tới, bàn lui chuyện này thì không khí chung, suy nghĩ chung có vẻ thực dụng quá! – thực dụng cả về vật chất và hình ảnh.

Nếu muốn dựa trên cơ sở cần làm to, làm lớn lễ hội mà thực ra mới chỉ rầm rộ trong mấy năm trở lại đây, thì xem ra việc tìm con đường đi rộng rãi cho Lễ hội Đền Trần sẽ được làm ráo riết. Nhưng cách này liệu có phải là hay! Còn nếu muốn sớm tránh khỏi những ảnh hưởng thái quá từ sự phát triển tâm lý và nhận thức số đông về Lễ hội Đền Trần, muốn “giải thoát” cho lễ hội này khỏi những điều tiếng, khỏi sự lu mờ bản sắc bởi nạn thương mại hóa, ô nhiễm, bởi những đám đông chen lấn gây xôn xao dư luận lâu nay, thì vẫn còn kịp để thực hiện các biện pháp vừa tuyên truyền, vận động, vừa đưa ra những quy định có tính chất pháp lý.

Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh, tổ chức để lễ hội thanh lịch, văn minh, nối liền truyền thống với hiện đại trong sự vận dụng, phát huy các bản sắc văn hóa cổ truyền, quan trọng hơn việc đẩy quy mô, ý nghĩa của lễ hội lên quá mức nhằm nâng cao lợi nhuận, phô trương hình ảnh. Việc cố nâng tầm lễ hội, theo thời gian dễ gây ra tâm lý ngộ nhận về bản sắc vùng, miền, địa phương trong cộng đồng. Đây cũng là một trong 3 khủng hoảng mà chính Viện Văn hóa Nghệ thuật cảnh báo. Đó là khủng hoảng trong nhận thức của người dân về giá trị của ấn Đền Trần không đúng với thực chất của nó.

Những di tích, giai thoại gắn với hành trạng, sự nghiệp của các bậc đế vương, các bậc danh nhân, không thiếu trên những nẻo đường đất nước. Thử hình dung, nếu mỗi di tích, lễ hội gắn với những giai thoại, phong tục mang yếu tố tâm linh về một vương triều, đều muốn phát triển mạnh, mở rộng quy mô nhằm thể hiện cho bằng được bản sắc độc đáo, đặc trưng của thôn, làng, xã, tỉnh thành đó một cách ồn ào. Nếu vậy, thì biết bao nhiêu nơi sẽ cùng đua nở, đua tiếng, kéo theo sự tốn phí tiền của, thời gian của biết bao nhiêu người dân sở tại và khách thập phương. Việc nhớ ơn và học tập tiên tổ cần dựa trên nền tảng sáng tạo, phát triển những thành tựu tư tưởng, văn hóa, văn học – nghệ thuật của các đấng bậc ấy, chứ không nên cố tìm cách khoác thêm thật nhiều lớp áo cho một số phong tục!

Hằng Nga